CỐ HƯƠNG

Thứ hai - 11/09/2023 17:39
Minh họa của báo Hà Giang
Minh họa của báo Hà Giang

     Truyện ngắn của Lã Vinh  

            Cái tin ông Khấn trở về quê cũ  Lũng Giàng làm cho cả bản Nà Màn xôn xao: Già rồi quay về ở núi  ốm đau thì ai trông, khéo chết lúc nào không biết .
            Ông không về đấy thì đi đâu ai chia ruộng đất cho ông ! Sao không  theo con cháu vào Nam cho yên phận ?  
           Người thì bảo: Thà ở quách đây cho xong, mỗi năm chỉ cần  đục đẽo  dăm bộ cày, bừa, bán cho bà con tối lửa tắt đèn cũng đủ sống qua tuổi già …
           Đúng là miệng lưỡi người đời nói sao chẳng được, nhưng xem ra ai  cũng động lòng thương cảm với ông, một người đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, một nửa cuộc đời gắn bó thân tình với bà con dân bản Nà Màn…
          Lũng Giàng là một xóm nhỏ nằm lọt thỏm giữa bốn ngọn núi cao Phya Giàng,Phya Dèn, Phya Đen, Phya Đó, mồ hôi của đất đá bào mòn từ bốn phía dồn xuống phủ lên lòng chảo một lớp màu tơi xốp. Bảy đời nhà họ Giàng sinh sống chủ yếu nhờ  trồng ngô,  thuốc phiện và săn bắn hái lựợm cũng dư dật  của ăn của để. Với  địa thề hiểm trở cách biệt, Lũng Giàng trở thành  nơi che dấu  cán bộ Việt Minh hoạt động ở vùng Lục khu Hà Quảng, ăn, ở, đi lại đưa đón  đều dựa  vào nhà ông Khấn. Cách mạng thành công, ba anh em ông được tặng danh hiệu Gia đình có công với Nước. 
           Thời xây dựng Hợp tác xã, từ trên núi cao ông Khấn được di chuyển xuống vùng đồng theo con đường làm ăn tập thể, mấy năm đầu  xã viên còn cùng nhau vượt đèo lên rẫy Lũng Giàng trồng ngô ,đỗ tương. Ngô ở trên lũng  bắp to mượt, vàng óng dẻo thơm. Hợp tác xã phát triển lên bậc cao  Lũng Giàng được khoanh vùng để chăn thả trâu bò. Ông Khấn vào đội sản xuất nông cụ sửa chữa cày, bừa. Ông lên núi  tìm  những  cây mạy Diển phắt (Nghiến xoắn) để làm thân  cày, cây mạy Sáng Bắc làm răng bừa , thứ cây dẻo dai, bền chắc, tha hồ ngâm nước vẫn không bị mục. Những chiếc cày, bừa do ông  làm được dân quanh vùng ưa chuộng và bán chạy nhất chợ Nà Giàng,  ranh giới giữa người Tày- Nùng  nhanh chóng hoà nhập; ông Khấn nghiễm nhiên  trở thành người Nà Màn , con cháu ông  khai sinh  đều mang tên quê quán Nà Màn  .
             Vào vụ nông nhàn , ông Khấn lại đưa đội của mình lên rừng khai thác cây Báng nấu rượu. Mạy Báng  cùng họ  với  cây Móc, thân cây  thẳng  tắp vươn cao, lớp  vỏ  ngoài rất cứng, đen như gỗ mun  dùng  để lát sàn hay bưng vách thì chắc bền  không kém gì gỗ Nghiến , bên trong lớp vỏ cứng dày 3-4 cm , là lớp  ruột  xôm xốp màu  hổ phách, óng ánh tinh bột , chỉ việc chặt xuống bổ ra , moi lấy phần  ruột băm nhỏ  như băm  chuối lợn ,đào hố dưới đất ủ cho lên men để nấu rượu ,mỗi cây được khoảng 2 chục lít . Rượụ báng thơm mùi thảo mộc, uống một bát đã ngà ngà say ,mỗi lần nấu rượu báng  vui như  ngày hội  bất kể người lạ, người quen đi qua đều được mời nếm thử cái hương vị độc đáo của cây rừng. Bã rượu Báng đắp đống để ngoài trời  cho trẻ con tè vào vài lần sẽ tự nhiên  sinh ra vô số Nhộng Báng, mỗi con to gần đầu ngón tay út, trắng nõn mỡ màng ,thơm ngon đậm đà  không khác gì nhộng Ong    
           Ruột Báng băm nhỏ cho vào Héc vài( chảo trâu) đun sôi mấy ngày liền  giống  như nấu  xương ngào cao Hổ cốt , dùng Ngàm cảo ( dụng cụ  làm bằng chạc cây có 2-3 ngạnh )  khuấy đảo cho dừ ,đến độ tan ra thành nước, đến khi cô lại được thứ bột trắng mịn màng tinh khiết.  Bột báng dùng để nấu cháo  dinh dưỡng cho trẻ em ,phụ nữ sinh con, để  xào thịt Trâu ,Bò, Ngựa, thú rừng, xào Ngó Sen, củ  Đậu … đều tuyệt vời, thịt  Trâu,Bò già dai đến mấy  cũng trở nên mềm dẻo, nhơn nhớt ngậy mùi  thơm  ngon hơn bất cứ gia vị nào khác …
          Nấu rượu hay làm bột Báng đều cần rất nhiều nưóc. Nhưng tạo hoá dường như đã  có ý sắp đặt, ở gần nền nhà cũ của ông Khấn bên chân núi  có cái Ang đá nước tự nhiên rộng bằng nửa cái giường cá nhân, ăn sâu vào vách đá; những mạch nước li ti chảy quanh năm  không cạn. Cứ múc đi bao nhiêu nước lại tự nhiên  dâng đầy như cũ, khắp vùng lục khu chỉ nơi nào có mỏ nước mới có thể nấu rượu và làm bột báng
         Những đêm ở rừng, ông thường chia đội làm hai nhóm ,một nửa trông  lán  đun lửa nấu bột, còn lại theo ông đi săn. Ở Ngàm Kéo ngay cửa rừng  có cây mạy Lầu  rỗng ruột, to cỡ 3-4 ngừòi ôm , cuối thu sang  đông  quả mác  Lầu tím như Nho rừng ngọt lịm, là thức ăn khoái khẩu bậc  nhất của con Cầy Hương , chúng làm ổ ngay trong thân cây rỗng, chập tối mới leo nhanh như Sóc lên ngọn kiếm ăn . Thợ săn phải  nấp thật kín , phân công mỗi tay súng  ngắm sẵn một  điểm bắn, cách nhau tầm 2 m dọc theo thân cây; đợi chúng ăn no nê rồi lặc  lè bò xuống mới đồng loạt bật đèn khai hoả, mỗi  vòng đạn súng Hoả Mai toả rộng bằng cái nia sàng gạo, nên ít khi bị chật.  Nhưng  cái giống  ở rừng vốn  rất  nhanh nhẹn và dai sức, dù có trúng đến 4-5 viên Mác xá( xỉ gang) to bằng  viên  bi  xe  đạp, thì  khi rơi xuống chúng vẫn lao đi vài chục mét ,chứ  không bao giờ chịu chết tại chỗ .Cuộc tìm kiếm dưới gốc cây kéo dài hết đêm đến sáng , có hôm được đến hai, ba con. Người săn Cầy Hương cái tai phải thật thính, nghe và biết được khi nào nó xuống đúng tầm ,nếu bật đèn sớm coi như hỏng ăn .  
            Còn săn Khỉ thì nhàn, cứ chiều xuống  chọn Cây Báng nào mới trổ  buồng non ,bí mật chiếm lấy điểm cao ngang tầm. Khỉ ăn quả Báng rào rào, thể nào cũng hạ được 2-3 con. Khoảng 2 chục bộ xương  lại đủ nấu một mẻ cao nguyên chất …Hai ba  tháng ở rừng thịt thú, rau xanh, cháo  Báng,  lại thêm miếng Cao xương  bồi bổ, đám thợ ông nào cũng dẻo dai săn chắc, hồng hào khoẻ mạnh               
            Mỗi lần đội quân đi rừng về , bà con dân bản lại kéo nhau  đi đón ở Ngàm Kéo vui mừng say sưa , những bát rượu pha Cao xương  chuyển tay xoay vòng uống cạn . Món quà của Rừng đủ chia cho mọi nhà,  ít nhất cũng một chén đầy bột Báng, một lát Cao xương,  hay miếng thịt hun khô đượm màu khói bếp , bà con Nà Màn gọi đấy là Lộc rừng
            Chiến sự tháng 2 năm 79 .Theo lệnh sơ tán  cả làng Nà Màn chạy lui về phía sau,  không ngờ chưa đầy hai ngày ,tuyến sau đã trở thành chiến trận… Ông Khấn bàn với đội trưởng đưa bà con  lộn ngược trở lại  Lũng Giàng, các cơ quan của xã và một số  cán bộ huyện cũng dần  theo về đấy.  Dãy núi Lũng Giàng như thế bờm ngựa chạy dài cả cây số, thấp dần  xuống  đến An Mạ  . Hàng ngày đám thanh niên  luồn theo dông núi, ra gò Ngàm Tắm nhô cao  phía sau làng Nà Màn, nhìn xuống toàn cảnh chợ Nà Giàng rõ như lòng bàn tay . Mọi động thái của quân thù đều diễn ra trước mắt , mấy lần  bọn lính tìm đường lên núi, đến lưng chừng nhìn lên hai  bên vách  núi cao sừng sững , những chỏm đá tai mèo nhấp nhô  như thiên binh vạn mã. Thấy Ngàm Kéo thâm u bí hiểm bọn chúng túm lại  lại dưới  gốc cây  Nghiến  cổ thụ , bắn vài loạt đạn rồi quay về . Ông Khấn bảo: Thời Pháp cũng vậy, mỗi lần  đánh hơi thấy cán bộ đi về , bọn lính Dõng lại mò lên, nhưng cứ  đến  chỗ  gốc cây Nghiến  là lùi lại , không dám vượt qua Ngàm Kéo, Lũng Giàng trải qua bao phen  giặc dã, loạn lạc vẫn bình yên vô sự…                
            Thế nhưng  mọi thứ  bị đảo lộn khi  cơ chế  đổi  thay, đất đai trở về chủ cũ, ruộng ai người ấy làm,  cả cái nền nhà người ta cũng đòi lại. Đã bao đêm ông  Khấn đem chai rượu sang nhà  đội trưởng Lường  nói chuyện đến tận khuya , xin nhường cho cái nền nhà đang ở . Cùng tuổi già cả với nhau, ông Lường cũng chỉ biết thở dài: Nhà tôi mang tiếng dân  ngụ cư  đất ruộng 7-8  ngàn mét , nhưng  nay chia ra 4 thằng con trai , mỗi đứa chỉ còn 2000 mét, ông về đây ở gần tôi  đã  30 năm, ta coi nhau  như Lạo tồng (kết nghĩa). Nhưng thằng Cán  con út nhà tôi đòi ra ở riêng, Sáu anh chị em nó đều bảo chỉ có chỗ ông đang ở  là đất làm nhà, vợ  chồng tôi  cũng không còn cách nào khác …
             Suốt một năm trời khắc khoải lo âu , nhà ông Khấn bàn đi bàn lại, thằng Khén con trai cả từng có 7 năm đi bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên thì nhất quyết đi Miền Nam, ba đứa em hùa nhau: Đã thế thì di cư một thể  cho bõ , nhân tiện  tránh xa cái nạn “ Luổn Hác pác pi” nơi vùng đất biên viễn … Nghe các con nói, Ông Khấn ngậm ngùi cay đắng  nghĩ lại: Thời ấy mình hạ sơn  là  theo phong trào, chẳng kịp suy nghĩ tính toán gì chuyện mua bán ruộng đất . Bây giờ Nà Màn chả có tấc đất nào của ông … Thế sự ra nông nỗi này, đến  ông bạn Lão Tồng cũng không giúp gì được ,con cháu chẳng đứa nào chịu theo ông  trở về quê cũ. Bọn trẻ nói cũng có lý, cuộc sống  của chúng nó là hứớng về phía trước,  còn ông thì  nặng lòng hoài niệm cố hương, nơi  cội nguồn gốc rẽ , đất đai tổ tiên , mổ mả ông bà  bao đời gắn bó. Ai trông nom giữ gìn ?  Chẳng lẽ cứ lui dần, lui mãi !... Cuối cùng ông hạ giọng chắc như đóng cột: Không! Các con muốn đi cứ đi, còn  bố ở lại  sống chết với mảnh đất này , bố tuy già  nhưng vẫn đủ sức kiếm sống. Các con đi rồi, ông Khấn lặng lẽ trở lại Lũng Giàng dựng một túp lều tranh trên nên đất cũ, ken bằng thân  cây Báng, bên cạnh Ang đá núớc trong veo, phủ kín rêu xanh dòng nước li ti vẫn  chảy bốn mùa…
            Hàng ngày bọn trẻ chăn bò vẫn đến chỗ ông  nướng ngô ,khoai, sắn,  ông dạy chúng cách đan rọ mõm trâu bò ,lồng gà, rổ rá… chúng giúp ông đào hố trồng cây Báng, một công việc thường ngày  ông đã đổ biết  bao mồ hôi  công sức  từ khi trở về quê cũ. Ông bảo : Thời hợp tác đội của ông đã chặt hàng ngàn cây Báng , nay ông phải trồng để lại trả vốn cho rừng . Một cây Báng hơn 10 năm tuổi mới ra buồng, có ba buồng trở lên thì ruột của nó mới nấu được rượu và bột Báng. Cái nợ rừng của ông còn lớn lắm…
           Thấm thoát  mười lăm  năm  trôi qua , Rừng  Báng của ông Khấn  đã phủ xanh cả Lũng Giàng;  đàn khỉ một thời vắng bóng, nay lại lũ lượt trở về  kheng khéc quanh nhà, đối với ông chúng bỗng nhiên  trở thành người bạn  thân thiết   
            Vào một buổi chiều thu, bọn trẻ chăn bò  hớt hải chạy về vừa đến đầu làng  đã đồng thanh hét to: ông Khấn chết rồi … Ông Khẩn chết rồi ồi ồi …! Cả bản Nà Màn nhốn nháo kéo nhau lên núi.  Bên Ang đá  dưới gốc cây Si già cổ thụ  ,ông Khấn trong tư thế nửa nằm nửa ngồi , gối đầu lên cái Rương kè ( dụng cụ đan bằng lạt hình trụ đeo ở thắt lưng  thay cho cái nõ dắt dao )  một chân co gếch lên, một chân duỗi , chiếc khăn  mặt còn vắt trên vai , đôi mắt khép hờ như đang  trong giấc mơ… Vuốt mắt cho ông bạn Lạo tồng xong,  ông Lường đứng dậy nói với mọi người :Có lẽ  ông đi rừng  về mệt, duỗi lưng nằm nghỉ rồi  cứ thể lịm đi… Cái chết đến với ông thật nhẹ nhàng, thanh tịnh,  86  (Phát lộc ) rồi, cái tuổi ông đi cũng đẹp…
            Người ta đem thi thể  ông về túp lều dựng bằng thân cây  Báng. Thu dọn bàn thờ , ông Lường phát hiện  thấy tờ lịch cũ gấp gọn đặt dưới chân bát hương  ghi dòng chữ đã mờ: Hãy để tôi nằm lại với  ngôi nhà này... Hai ngày sau ba đứa con ở trong Nam  mới  ra đến nơi, khóc gào thảm thiết: Pá ơi sao lại khổ  đến nông nỗi này, để  chúng con ở xa thành kẻ bất hiếu …   
          Đám tang ông Khấn được Đảng uỷ, Ủy ban nhân dân xã và bà con Nà Màn đứng ra lo liệu với đầy đủ nghi thức,  có cả đại diện phòng Lao động thương binh xã hội huyện  đến chia buồn phúng viếng … Công việc xong xuôi , thằng Khén con trai cả  lặng lẽ dỡ tấm bắng Có công với Nứớc, được ông lồng cẩn thận trong khung kính,  xin phép chính quyền và bà con dân bản  đem theo về  Miền Nam.
 
    Vu lan  năm  Quý Mão -2023
    L.V
   

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây