Đinh Thiên Hương
“Thơ bốn câu” là ấn phẩm thứ 5 của nhà thơ Đoàn Minh Ngọc (Hội viên HNV Hải Phòng, Chủ nhiệm CLB thơ Nhà giáo HP), do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý 2, năm 2023. Ông vốn là nhà giáo, từng trải qua nhiều vùng đất và môi trường công tác, nhưng thâm niên nhất cho đến ngày về hưu, là trên cương vị chuyên viên chính của Sở GD-ĐT HP. Nhà giáo-nhà thơ Đoàn Minh Ngọc có công lao to lớn trong việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và học sinh giỏi Văn cho thành phố Hoa Phượng đỏ.
Ông xem thơ”như nhật kí tâm hồn”. Nên mỗi khi đặt bút, vẫn tự nhắc mình khiêm nhường và trung thực như một tín đồ, vì sau mỗi vần điệu, câu chữ ấy là“Sự đời bao điều thấy / Tập viết vần khai tâm!”. Ông thích thú, tâm đắc với thể thơ 4 câu. Nó tuy ngắn gọn, nhưng vẫn“nối dài niềm dư cảm, sự sâu lắng của ý tại ngôn ngoại, ngân rung của nét trữ tình và những suy cảm triết lý”. Theo mạch cảm thức ấy, tác giả trải lòng trên mỗi trang viết, với những vần thơ lai láng tình đời, rất chân thành, đôn hậu mà vẫn lắng ngẫm sâu xa.
Từ “Hương bưởi”vườn nhà, vườn khế ở quê, khi thì vì lý do nghề nghiệp, khi thì của kẻ lãng du,“đôi chân trần mát lịm phù sa”của thi nhân, đã đi suốt dặm dài non nước. Đến đâu, ông cũng ghi lại những cảm thức mang dấu ấn riêng tư, giầu triết lí. Đến“Đảo Cò”nơi phố Hiến“Thuyền ai bồng bềnh mơ ước / Đảo lành cò đậu…người ơi”. Bằng lối chơi chữ, nhà thơ tạo ra một ám ảnh nghịch lý “Cơn bão xoáy nghiêng chiều Đà Nẵng / Nơi Thanh Bình bỗng chẳng bình yên / Không còn mây trôi bồng bềnh bảng lảng / Xé rách trời những trận mưa xiên”. Nhìn“Những cặp tình nhân thả dấu chân in bờ cát mịn”ở bãi biển Nha Trang, lòng dâng trào hoài niệm “Một mình ai lặng thầm nước biển lúc chiều tà”. Nhưng khi đến Đà Lạt, đôi đã sóng đôi, thì hơi ấm của tình yêu ngọt lành và kì diệu, ủ trái thông già giữa lòng tay anh và em“đã khiến quả thông già tách vỏ / Em giật mình… mắt long lanh màu cỏ / Anh bàng hoàng…cây thông non vươn rễ biếc xanh”. Cũng trên cao nguyên xanh, nơi lời buồn bài hát cũ, giờ là mùa Dã Quỳ hoa, thì không gian rực rỡ một màu“Vàng trời, vàng đất, vàng em / Vàng anh, vàng cả người xem dã quỳ / Xa nhau vàng mấy mùa đi / Nhớ nhau vàng thuở tình si dã quỳ!”
Là nhà giáo, nên không ngạc nhiên khi thấy đầy ắp trong thơ Đoàn Minh Ngọc những tâm sự, cảm xúc về nghề. Ta gặp lại tâm trạng vừa bồn chồn chờ đợi vừa vỡ òa niềm vui của giờ lên lớp đầu tiên“Tiếng trống ơi sao mà lâu thế / Thời gian ngừng khi tiếng trống vang lên”. Sẽ có hồi ức về lán học làng hoa vào xuân giữa thời đánh Mĩ, mà lung linh sắc hương và thơ thới lãng mạn nhường này“Lán học vào xuân giữa vườn nhà / Trắng lay- ơn, tím vi-ô-lét / Hồn thầy thơm hương hoa đợi Tết / Mắt trò lấp lánh sắc muôn hoa”. Đến lúc giã từ bục giảng, vẫn còn những dư vang khôn nguôi:“Xa phấn trắng, bảnh đen, lớp học / Mái tóc pha sương, nghề khó nhọc / Trống trường ơi vang vọng suốt đời”.
Ông là người phát hiện và nâng giấc tài năng trong giáo giới ngữ văn của Hải Phòng suốt nhiều thập kỉ. Nay, đồng nghiệp kẻ mất người còn, đều nhận từ nhà thơ niềm trân quý. Những bậc lão làng như: thầy Phạm Quang Chu, thầy Hoàng Ngọc Thanh, nhà giáo-nhà thơ Vũ Lệnh Năng, bạn quý Phạm Quang Đại…đến những cô giáo trẻ, lớp đàn em, đàn cháu tài hoa như Thanh An, Lương Kim Phương, ông đều dành tặng những vần thơ đậm tấm chân tình, nồng hậu, tràn đầy hi vọng và khích lệ “Rồi mùa thu lại đến…/ Thu khao khát chờ mong / Hương thu chiều thương mến / Đâu lòng thu rỗng không”.
Cũng phải kể tới rất nhiều cảm xúc của nhà giáo - nhà thơ, về các tác giả và nhân vật văn học. Đây là đối tượng cảm hiểu của một đời làm thầy, có quan hệ tới việc truyền thụ cho loại độc giả đặc biệt trong nhà trường. Nhà thơ thể hiện sự tinh tế, lựa chọn ngôn từ cô đọng nhất để nhập thân và lẩy ra được những tinh hoa, tinh túy thuộc về bản chất của đối tượng, khơi gợi nhiều rung ngân sâu xa. Ông suy cảm về dáng Nguyễn Khuyến mùa thu ngồi câu cá: “Mắt khép lại đợi ván cờ thế cuộc / Lòng bão giông mơ dậy sóng ao tù”; thảng thốt cùng cụ Tú Xương trong tiếng gọi đò thao thiết mà vô vọng, giữa cái buổi biến cải “tang đền”, Đông –Tây, cũ mới: “Lịm dần vào im lặng / Bể đời sao xa vắng / Sóng lòng vỗ không thôi”. Những suy tư trước nấm mồ Nguyễn Bính:“trồng trăm hoa mặt báo / Mộ ông đâu thấy bóng hoa nào”, nỗi nhớ Quang Dũng, nghĩ suy về Huy Cận, lòng đợi chờ sự hoàn lương qua năm tháng mỏi mòn nơi Tám Bính…là những vần thơ hay, đầy trắc ẩn và ưu tư nhân sinh, cảm khái thời thế của tác giả.
Trong tập “Thơ bốn câu”, còn phải kể tới đề tài gia đình, với nhiều bài nặng nghĩa tình và đằm thắm riêng tư. Đây là một góc làm nên vẻ đẹp tâm hồn, của một người con chí hiếu; người em chí nghĩa; lòng cha ấm yêu; người ông hồn hậu bao dung và mãn nguyện sung sướng trước tình cảnh“Mẹ tự nguyện nghỉ việc / Bố kiểm điểm bao lần / Cháu sinh ngoài kế hoạch / Ông được thằng đích tôn”. Và cuối cùng, là nhiều lắm những vần thơ cảm động ông viết cho người bạn đời, từ thuở “tấm mẳn” bên nhau. Trong đó, bài “Khoảng sáng” được xem là một quan niệm sâu sắc và đẹp về tình yêu hạnh phúc, về tri kỉ tri âm“Biển có chia đâu nguyên vẹn xanh màu / Gió thổi phương này vẫn mát về phương ấy / Tiếng thơ đêm chúng mình cùng nghe thấy / Nên chỗ khuất lòng thành khoảng sáng trong nhau”.
“Thơ bốn câu” nói riêng và thơ Đoàn Minh Ngọc nói chung, phải đọc chậm. Lời thơ và thi ảnh tưởng dung dị, nhưng ẩn chứa nhiều ngẫm ngợi và triết luận. Tình thơ của ông luôn hồn hậu, chân thành, đằm thắm tình người, tình đời, nên sức lan tỏa sâu xa.
ĐTH 9/2023