Đoàn Việt
Cầm trên tay hai tập sách cỡ 16 x 24cm với trên 1000 trang sách cỡ chữ nhỏ, nặng, ta có cảm giác ngại đọc. Cũng may, tập sách có tiêu đề gợi mở: Sai thì sửa, ngã lại dậy, NXB Hội Nhà văn 2023, ở mỗi tập lại được chia thành nhiều phần với các tít bài riêng rẽ, cũng khá gợi mở nên tạo quãng nghỉ hoặc quãng giải lao cũng đỡ. Thế rồi đọc thấy thú vị, cuốn hút, không muốn bỏ lỡ nữa.
Trước nay, chúng ta thường xem Đắc nhân tâm(*) và tìm thấy ở đó những lời khuyên, những kết quả được định sẵn ở nhiều lĩnh vực và theo đó thì mọi sự nhất định sẽ thành đạt, tùy ở mỗi người tiếp cận được bao nhiêu, khả năng và mức kiên trì đến đâu mà thôi. Ở Sai thì sửa, ngã lại dậy cũng bao hàm một kho báu những câu chuyện đa chiều, phổ biến, thậm chí là vụn vặt trong đời sống hàng ngày, có chuyện tưởng như cái tựa đề đã kết rồi, song kết quả của nó lại được biện giải, được thuyết phục bằng cái cốt tự nó, hoàn toàn không áp đặt và bạn đọc tự nhận lấy cho mình một bài học.
Điều chúng tôi muốn nói ở đây là bộ sách chứa đựng một vốn khiến thức khổng lồ. Về quy mô thì với khoảng không gian rộng lớn “từ ta sang tây”, về thời gian thì cả một quãng sống cùng mấy thế hệ, về chiều sâu thì thăm thẳm tới tận đáy lòng…Tính triết lý ở mỗi tác phẩm được toát ra từ những mối quan hệ vụn vặt giữa những con người trong một bối cảnh cụ thể, chúng tự câu kết lại với nhau tạo thành quy luật nhân-quả. Trong khúc dạo Phần 1, chừng 70 trang sách ta đã thấy hàng loạt, hàng loạt các vấn đề phát triển theo nhiều hướng và để rồi chúng sẽ trở lại, chung quy về một tiết tấu nhân bản. Ví như ở mỗi buổi sớm mai thức dậy, ngắm nhìn tờ lịch, bóc tờ lịch cũ áp vào lòng, hít căng lồng ngực, nhẹ nhàng thở ra, rồi buông tay, chia tay nhau đi làm, không quên lời hẹn gặp lại sau trọn một ngày… Cảm ơn đời, mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương- K.Gibran. Lại nữa, anh nghèo và anh giầu giống nhau là họ cùng có giấc mơ, nhưng họ khác nhau ở chỗ anh nghèo chỉ biết có giấc mơ thôi, còn anh giàu là biến giấc mơ thành hiện thực giống như chuyện của anh Thư (tập I) mà người bố đang kể cho con nghe và người bố rất vui, khen là bước đầu thấy con đã muốn phản biện. Vậy điều mà trẻ em cần là tấm gương sáng chứ không phải lời phê bình -Rupuni.
Hầu như ở mỗi câu chuyện, dù ngắn hay dài, chúng ta đều thấy như chính bản thân mình đang hội thoại, bởi cốt truyện không cố gò cấu tứ theo lối dồn đến đỉnh điểm, gom nút rồi mở nút, mà nó chia các tình tiết đến phía các nhân vật xã hội, tính căng nén là ở bản chất nhân vật chứ không ở mối quan hệ giữa chúng . Vì vậy, chuyện nhằm nhắc đến khái niệm (về điều gì) cần rút ra chứ không phải chỉ để thỏa mãn xem cách giải vây như thế nào. Câu truyện của các nhân vật trong rủi may, cay đắng là một ví dụ. Nào là chuyện học hành, thầy cô, chuyện hợp tác xã, chuyện nhà, chuyện huyện, tỉnh, chuyện binh đao, chuyện thất thế xa cơ…tất cả hầu như chỉ để nói lại rằng: ai mà đi quá nhanh thì đường phẳng cũng dễ bị vấp ngã. Nếu có dụng ý, bạn đọc nhận thấy mình trong đám nhân vật ấy.
Nếu như ở Tập I của Sai thì sửa,ngã lại dậy bao gồm các truyện mà quan hệ cuộc sống có tính khái quát cao thì sang Tập II hầu như các truyện lui về nhiều tấm gương (tốt, xấu) mang tính điển hình. Có thể chỉ là cá nhân trong đấu tranh với một nhóm tập thể. Qua nhiều việc làm, nhiều hành vi ứng xử, chúng ta thấy đâu đó các mẫu hướng nhân bản trong các cá nhân điển hình ấy.
Các tuyến nhân vật trí thức, doanh nghiệp hay quan dân lần lượt xuất hiện với toan lo làm ăn và tranh thủ cơ hội. Người có học làm việc quê, rồi người mua bằng làm việc quan…tạo những kẻ lẻ loi giũa đời thường và kẻ coi trời bằng vung. Bao nhiêu những hành vi ngang ngạnh, ngạo mạn đến ngớ ngẩn tung hoành rất sinh động và nực cười. Tất cả chúng cứ tưng tửng mà diễn qua những đối thoại, những đồn đoán và tự bạch để rồi câu chuyện lộ ra một luận điểm bất ngờ, mặc dù cái bất ngờ ta vẫn thường thấy nhưng chưa dừng lại để thấm thía. Có lẽ, khi “hạ cánh an toàn” người ta mới nhận ra là mình bị lạc giữa nơi “tổ ấm” của mình. Nghĩ cũng lạ, đã là tổ ấm mà sao lại lạc nhỉ? Câu này nghe không ổn, thế nhưng tác giả đã cho ta thấy chẳng phải do ông cắt nghĩa có sơ xuất gì mà chính nó được gởi mở về một vấn đề xã hội, một cá thể đang mâu thuẫn với xã hội và mâu thuẫn với chính mình. Cái quan trọng là cứ mặc nó, “cuộc đời vẫn đẹp sao và tình yêu vẫn đẹp sao”…
Có thể nói gọn lại, về mặt nội dung, xem như có vẻ dàn trải, song so với cái “sự tham” của tác giả thì chúng ta thấy ông còn muốn viết nhiều nữa, sao cho hết mỗi một câu triết luận của danh sĩ ở tất cả các tờ lịch chúng đóng vai trò chủ đề của một chuyện. Thật vậy, 360 câu so với 360 ngày diễn biến thực tế ở ta cũng chưa thấm tháp gì. Nói thế để chúng tôi khẳng định rằng tác giả Hữu Linh là người có nhiệt thành, yêu cái đáng yêu và gét cái sự đáng ghét. Người kiên định giữa nắng, mưa, nóng, rét; hương vị vốn giàu, buộc phải viết ra cho thỏa chí lớn.
Sách luận giải các vấn đề xã hội những năm qua khá hiếm chính bởi sự tác động của môi trường sống, bởi thiết chế tự nhiên của cái thực dụng lấn át cái thanh cao. Sai thì sửa, ngã lại dậy là bộ sách mà bản thân nó đã hướng đến một ý thức văn hóa cao cả. Nó bao hàm tính đại lượng nhiều hơn là sự phê phán. Đôi khi chúng ta tưởng như đặt vấn đề này sẽ là quá sức đối với một tác giả sống ven đô, quen chiến đấu hơn đọc sách. Song ở đây, nội dung tập sách đã tự trả lời cho chúng ta rằng tác giả đã đạt được cái đích tạo dựng sự tương ứng giữa nội hàm và hình thức. Đó là điều tất nhiên công chúng cần có.
Tác giả Hữu Linh chắc cũng không còn trai trẻ bởi văn chương của ông đọng ở đó nhiều nội lực, các vận khí đa nghĩa cần nở bung ra thành triết lý sống ở nhiều phương diện khác nhau mà nhà văn trẻ khó làm cho thấu đáo được. Đọc trọn bộ sách Sai thì sửa, ngã lại dậy tưởng như nó đang cấu trúc những kiến thức bách khoa cuộc sống rất thú vị. Bạn đọc có thể mở ra, bất kỳ chuyện nào cũng nhận được một ý kiến hay một lập luận có tính đúc kết, đáng giá đang vận hành cùng với chính bản thân mình.
Chúng tôi nhận ra từ những luận giải về các vấn đề xã hội trong bộ sách dày công này chứng tỏ Hữu Linh là người ham quý dữ liệu, biết chọn lọc, sử dụng nó đúng lúc, đúng chỗ, tinh tế và khéo léo, làm ló ra cái uyên bác trong tư tưởng của ông. Tuy về cốt truyện, sự dồn nén, bứt phá, tạo đỉnh điểm để thành thực truyện không được ông chú ý vì chính đó không phải là mục đích cuối cùng của ông.
Xin gấp lại tập sách với sự trân trọng lao động sáng tạo của Hữu Linh.
---------
(*)Tập sách của Dale Carnegie
ĐV. Tháng 9/2023.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn