CÙNG “NHẶT MƯA” VỚI “ĐỨA TRẺ BIẾT GIÀ”

Thứ tư - 04/10/2023 05:34
Đọc tập thơ “Những đứa trẻ nhặt mưa” của nhà thơ Trần Thị Hằng, Nxb Hội Nhà văn - 2023
CÙNG “NHẶT MƯA” VỚI “ĐỨA TRẺ BIẾT GIÀ”

   
     
Lê Anh Phong

 

       Sinh năm 1990, Trần Thị Hằng là một nhà thơ trẻ. Với thơ, khái niệm “Trẻ” chỉ mang tính tương đối. Trong thực tế của đời sống thi ca, không phải lúc nào “trẻ” cũng đồng nhất với “mới”. Nhưng đọc “Những đứa trẻ nhặt mưa”, thi tập thứ ba của Trần Thị Hằng, tôi đã gặp sự đồng nhất ấy. Hơn nữa, muốn cùng “nhặt mưa” với “đứa trẻ biết già”.
      Tốt nghiệp Khoa Sáng tác – Lý luận Phê bình Văn học, được tiếp nhận nhiều khuynh hướng tự do trong sáng tạo, nữ nhà thơ của lứa 9x này nhập ngay vào dòng chảy của những người viết trẻ hôm nay. Không có sự níu kéo từ hệ hình cũ, tác giả sáng tác trong bối cảnh và tâm thế hậu chiến, trong một “thế giới phẳng” và trong đời sống của thời chộn rộn.
Tập thơ gồm 29 bài, hoàn toàn là thơ không vần, thơ tự do. Câu hay nhiều hơn bài hay. Dường như bỏ qua giãi bày, thơ Trần Thị Hằng thường được biểu đạt bằng những ý niệm mới, những ảnh hình lạ, mang hơi thở cộng sinh trong không gian nhiều chiều của tưởng tượng: “Đêm cạn”, “Đêm xanh xao”, “Nỗi cũ mưa”, “Chạy theo đường gân/ Mạch máu vỡ”, “Cái nhìn đen hốc mắt”, “Giữa giấc mơ/ Dòng sông cạn/ Cánh rừng đâu chỉ có loài chim/ Vàng son thở từng vách núi”… Chữ nghĩa thường gợi suy tư: “Bóng quá khứ/ Bay qua cửa sổ”, “Ngày lao vào đêm”, “Vinh quang mơ hồ rơi”... Với cảm thức mới, lối nói mới, thơ Hằng nhiều khi ẩn hiện tính phi logic thường có ở giấc mơ, hiện lên những khoảng trống cho tiếp nhận. Ở một chừng mực nào đó, có thể “gây khó” cho bạn đọc truyền thống. Ví dụ như: “Kéo dài hơn/ Dài hơn một chút/ Tôi thu tóc mình ngắn lại/ Người đi qua”, “Ta lẫn vào trong lá/ Thở lời cây…/ Mở cánh cửa đi vào căn phòng khác/ Gió đã thôi đêm”, “Dẫu chỉ nhận về củi khô/ Bước chân trên đường xa ngái”, “Bát đũa xô nhau giật mình chắp vá”… Tác giả đã viết bằng diễn ngôn của thế hệ mình. Phải chăng, ở phía tiếp nhận cũng cần một cách đọc mới, một cái nhìn cởi mở và dân chủ.
      Thực ra bên cạnh một vài bài “khó đọc”, phần lớn thơ của Trần Thị Hằng không phải là “khó hiểu”. Kiệm lời, không miên man, thơ thường được viết ngắn. Không đại tự sự, không tuyên ngôn, thơ như lời thầm, ý tứ lúc hiển thị, lúc mơ hồ bảng lảng, khi tự thoại, khi chất vấn… Dẫu có chạm vào thế sự vẫn nói bằng giọng của mình, giọng trầm trong cảm niệm, trong mối quan hệ bản ngã và tha nhân. Hãy đến với cánh “Rừng” trong thơ Hằng: “Không tiếng chim kêu/ Không chân thú dữ/ Loài sâu ẩn mình…/ Không tiếng bom gầm réo/ Không máy bay thả chất độc lụi tàn/ Suối vẫn khô/ Cây vẫn đổ…/ Chúng mình chọn lặng im/ Như con sâu chọn nép mình trong lá/ Tiếng thét nơi cuối cùng/ Của chiếc xe bánh xích/ Cuốn vào cuộc mưu sinh/ Mồ hôi chưa vơi bàn tay đã rỗng/… Họ đố nhau về ngày mai/ Về những vì sao chưa bao giờ chạm tới/ Họ ngủ quên…/ Bầy kiến đỏ đen mải miết dắt nhau tìm cỏ mật”. “Rừng” hiện lên trong giấc “ngủ quên”, trong im lặng đáng sợ khi “loài sâu ẩn mình”. Không đứng ngoài cánh rừng ấy, tác giả chọn điểm nhìn của người trong cuộc. “Chúng mình chọn lặng im/…Họ đố nhau về ngày mai”, bên cạnh sự giễu nhại, câu thơ làm người đọc giật mình nhìn lại những ngày ta đang sống. Đâu có “lặng im”, sự thao thức và lối nói đã mang đến ấn tượng từ bài thơ thế sự. Trong tập thơ, những bài như thế không nhiều, nhưng với góc nhìn ấy, suy tư ấy đủ làm ta tin cậy và trân quý một nhà thơ trẻ giữa bao điều còn chống chếnh hôm nay. Với chữ nghĩa và tâm thế đó, thơ trẻ nhưng không vô tình, không thờ ơ trước cuộc đời, trước con người.
     Thơ Trần Thị Hằng trẻ trung, được dệt từ tơ lòng, từ khoảnh khắc nhu mì dùng dằng của phái tính, từ tình thế của phức cảm: “Sưởi tình yêu bằng hương/ Không ấm được gió lùa khe cửa”, “Sương bám đầy trên mái/ Người về lợp lại chênh vênh”, “Nước tìm mây che mặt”… Không như những thi ảnh màu mè chống trôi của dòng thơ diệu vợi, cũng không phải là thứ thơ dễ cắt nghĩa, dễ thuyết minh theo lối cũ. Mới mà không sa vào hình thức, thơ Hằng thường hướng về bản thể. Hình ảnh người mẹ mang đến vẻ đẹp trong liên tưởng và nhiều suy tư cảm động: “Ngày sinh con/ Mẹ đã muốn những gì?/ Cánh đồng mẹ/ Giấc mơ con/ Đêm ngàn sao rơi rụng/… Sao mẹ lặng im?”. Trọng tình, tác giả nhớ về người bạn thơ đã trở thành mây trắng: “Người về nơi ấy/ Có còn mùa cúc trắng/ Ga cuối cùng/ Bạn vẫn ngồi đây/ Đợi nắng/ Nắng cà fe nâu loang…”.Câu thơ đầy đặn, có cái gì rưng rưng trong nắng của mơ hồ sóng sánh. Quán cà fe đã trở thành nhà ga của kỷ niệm, trở thành chứng nhân trong màu hương ký ức “nâu loang”.
      Hướng về nỗi buồn, nỗi cô đơn, đi giữa miền sáng tối là những yếu tính của thơ hậu chiến. Có thể dễ dàng nhận ra đặc điểm ấy trong thơ nữ, thơ Hằng là một ví dụ: “Nỗi buồn xa xăm gió cuộn”, “Đừng chạm bàn tay/ Nỗi buồn như lửa”, “Lời rơi như nước mắt”, “Em xếp cánh hoa/ Gói lại thì thầm/ Sao hoa không nở?”, “Anh là giấc mơ/ Em tỉnh dậy khi trời chưa sáng”, “Chỉ còn sự dại khờ/ Và mầm cây/ Đang lên gai nhọn/ Trong trái tim em”… Viết nhiều về tình yêu đôi lứa nhưng thơ Trần Thị Hằng không ngôn tình son phấn: “Yêu anh bằng mùa thu/ Bông cúc dầm mình”. Có lúc “Chỉ còn sự dại khờ/ Và mầm cây/ Đang lên gai nhọn/ Trong trái tim em”. Còn đây là bất chợt của xao xuyến: “Chưa bao giờ/ Em muốn rơi vào vòng tay lạ/ Thấy mùi nước mắt/ Bước chân chạy khỏi bóng mình”. Đó là những câu thơ được viết “Trong thế giới người đàn ông lạ mặt”. “Bước chân chạy khỏi bóng mình”, mấy khi gặp được một câu như thế trong thơ, mà lại là thơ trẻ.
     Nhiều khi người thơ này như đi qua đám đông, chứng nhân của buồn vui lẫn lộn, đi qua những mắc mớ phồn tạp vốn có của đời sống, nơi “Tóc rối/ Lời rũ mặt hồ”, nơi “Lối hoa tràn lối cỏ”, nơi “Người đi qua” nhau, “Người đuối trên ao cạn”. Thôi “đừng đổ lỗi cho nhau”, một nét “Hạnh” ánh lên từ thơ, ánh lên từ giao lộ cuộc đời.
    Cảm thức về thời gian trong thơ Trần Thị Hằng thường gắn liền với khát vọng về cái mới, về sự đổi thay. Bởi vì “Mọi thứ ở đây lâu quá/ Ấm trà đã lên men”, bởi vì “Những lời quanh co/ Những tiếng cười nhạt thếch”. Dẫu biết rằng “Phá đi / Mà không mới nổi” luôn là thử thách lớn không chỉ đối với thơ, trên con đường thanh tân đi tới.
    Viết ngắn thường đòi hỏi dồn nén ý tứ, thậm chí tối giản. Nếu không, vô tình bài thơ chỉ là lát cắt mỏng dễ trôi đi. Hơn nữa, “cấu trúc lỏng”, một đặc điểm của thơ trẻ hôm nay, nếu người viết không làm chủ, bài thơ dễ sa vào tứ tán, hoặc trở thành lý do của mơ hồ… Cũng nên tránh việc lặp lại hình ảnh, lặp lại ý thơ. Ví dụ: “Đừng cầm tay phải bỏng” (Lửa về cho em) – “Đừng chạm bàn tay nỗi buồn như lửa” (Nỗi buồn như lửa)…
Tôi xin lấy bài thơ “Lặng im” để kết lại bài viết này. Bài thơ như ẩn ức của giấc mơ trước những cơn lũ từ lòng tham, từ những nhát rìu vô cảm. Bóng ngày vẫn mong manh trước gió. “Sông vẫn lặng im” nên “Biển đầy nước mắt”:
LẶNG IM
Tiếng đêm qua giấc mơ
Chiếc lá dầm ký ức
Con đường
Tìm về xưa cũ
Chạy vòng quanh bằng những nhát rìu
 
Đổ về sông tất cả
Những cơn mưa cao nguyên
Những cơn mưa đồi trọc
Vì sông lặng im
Biển đầy nước mắt
 
Có những ngày như cây trước gió
Ai người tham quả
Quên phần chim muông
    Thật sự bất ngờ trước hai câu kết trên đây. Trên hành trình thi ca, trong sáng tạo nếu không cô đơn, không lặng lẽ khó có thể đi xa. Tôi cố gắng đọc tập thơ này bằng một tâm thế khác với tuổi của mình, hy vọng cùng “nhặt mưa” với “đứa trẻ biết già”. Và sau cơn mưa ấy, có một nhà thơ trẻ đang đến từ ban mai…

L.A.P

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây