ẢO VỌNG

Thứ ba - 24/10/2023 08:04


Truyện ngắn của Lã Vinh

           Cứ mỗi lần đi đám ở đâu về , chút rượu ngà ngà say là hắn  lại chửi vợ, chửi con , hắn chửi cả bố nó  Mẹ mày ! Cái ông già  bảo thủ  không biết  truyền nghề để lộc cho con cháu, để đến nỗi bây giờ hắn phải chịu ngồi  chầu rìa gõ cái thanh la ,chũm chẹo , cung cúc đám thầy mo ,thầy tào  chỉ đáng tuổi đàn em ,đàn cháu,  nhưng  hắn cứ phải gọi là sáy phù( sư phụ ) nhục ơi là nhục! Đám ma ,đám lễ thượng thọ kỳ yên còn được ,chứ  đám mo me, giải sung giải hạn,  cầu tự nối số  (dòn lầu tâu sổ ) thì hắn chỉ được hưởng sái  hai bữa rượu thịt  và nửa con gà cúng đem về ;chẳng bõ bèn gì cho cả đêm chầu chực, thật quá hổ thẹn cho một kẻ mang tiếng dòng dõi con nhà nòi … Hắn vừa chửi vừa kể lể  như muốn tranh thủ sự đồng tình của vợ, con  về nỗi  khát vọng mà  hắn luôn ấp ủ trong lòng   

             Bố hắn ông Sình Máy  ngày xưa là thầy Tào nổi tiếng khắp vùng Lục khu  có tài đi mây về gió,  ai đến đón ông dù ở xa cả chục cây số ông vẫn bảo : Cứ đem túi đồ nghề  về trước, ông sẽ đi sau .  Đến chập choạng tối ông mới một mình lặng lẽ  lên đường, không biết ông đi bằng cách gì, mà lúc nào cũng đến đúng giờ hẹn đặt mâm hương.

            Cả tổng Pác Gà còn kể  mãi đám ma  thằng Cam  con trai  nhà Chánh Thải đi săn bị hổ vồ mất tăm, hai ngày sau mới tìm thấy xác trơ xương nhờ có  cái vòng bạc gắn đồng bạc trắng hoa xoè  đeo ở cổ. Theo quan niệm của người xưa, cái chết như thế là do Phi mật phi  tò ( ma xó ma chơi)  nên thi hàì phải tẩy rửa mới được siêu thoát. Cậy nhà giàu, lại có quyền thế, cụ  Chánh  lồng lộn  bắt  mấy  ông thầy Tào phải lập đàn Quá thán ( bước qua lửa than ), để tìm  cho ra nhẽ xem đám thợ săn chơi đểu, hay con Hổ nào to gan lớn mật  mà dám động đến con nhà  lão .

        Ba ngày liền bọn hương lý,  kỳ hào  làng xã, đám thợ săn, kẻ cày thuê cuốc mướn phải  nai lưng ra  phục dịch, người đến viếng người đến  xem  đông nghịt bám đầy cả quả đồi trước nhà . Đàn tế được  dựng  lên bằng bốn cái cột tre xanh cao ngạo nghễ, từ trên đỉnh  vắt  xuống hai dải vải đen, trắng phủ dài đến đất, dưới chân cột đào một  cái hố hình chữ nhật, rải đầy than củi cháy rừng rực .

         Thầy tào Sình Máy mặc  áo mũ ô sa, ngồi trước mâm hương gần miệng hố than, một tay cầm cây Trúc có giải phướn vàng đuôi nheo viết chữ đen ,đóng triện đỏ phất đi ,phất lại. Một tay cầm thanh đoản  kiếm có cái chuôi  nạm bạc sáng loáng, chỉ lên không trung khua  mấy vòng khẩu quyết ,rồi nhấp ngậm dầu hoả dầm lá bưởi tươi  thổi phù vào hố than; ngọn lửa bùng lên phần phật, tiếng khấn vái rầm rầm ,tiếng trống chiêng khua ầm ỹ… Mấy người đội khăn  tang và  đám thợ săn, tự nhiên đứng dậy cởi  hết giầy dép, lần lượt  bước qua hố than đỏ, tàn lửa bắn lên tung toé sáng rực … Bỗng trong đám người nhà  đang khóc  có tiếng kêu la thất thanh Hổ.. .Hổ …Hổ về kìa… Nó mang theo xác thằng  Cam… Ôi nó đang đi qua  đống lửa…  Nó nằm phủ phục trước mâm hương thầy tào … Đám đông nháo nhác, xô nhau đứng dậy ngơ ngác…Tất cả chỉ diễn ra trong giây phút  thoáng qua như một cơn ảo mộng, mấy người vừa kêu thấy hổ về ngã ra mềm nhũn…Mọi người vòng trong, vòng ngoài được một phen hú vía. Chánh tổng, Lý trưởng  Phó lý  há hốc mồm, nhìn  ông thầy tào tỏ vẻ thán phục.

Với mỗi một người Tày, Nùng, từ khi sinh ra, lớn lên và chết đi đều gắn bó với những nghi lễ vòng đời mà thầy Tào thực hiện

 Người Tày, Nùng gắn bó với những nghi lễ mà thầy Tào thực hiện.         Ảnh ST

           Thời bấy giờ thầy tào được xem là tầng lớp  nho sỹ trí thức , am hiểu việc đời việc đạo và được lòng dân chúng, nên chức sắc  quan viên cũng có phần kiềng nể. Sình Máy lại là ngừơi hiền lành mực thước, ăn nói nhỏ nhẹ, sống hoà đồng với  mọi người. Ai có việc đến  nhờ, bất kể thân quen  sang hèn , đều đựợc ông  giúp đỡ chỉ bảo cặn kẽ ; gặp những nhà hoàn cảnh khó khăn, nhận tiền sính lễ  xong ông thường  đưa lạị dăm  hào, một đồng gọi là lộc thầy, chúc phúc gia đình mau chóng bình an, tai qua nạn khỏi. Cái  ân  uy đức độ ấy  ngày  càng  lan xa , những người đuợc ông cứu giúp đến nhận làm  lủc Day, lủc Ký (con nuôi, con gửi)  môn sinh, đồ đệ ngày càng nhiều  …

           Người ta đón ông đi liên miên đám này đến đám khác, cả tháng chỉ có mồng một, ngày rằm là đóng cửa  ở nhà ăn chay niệm phật. Hằng ngày đi đám  dù có mâm cao cỗ đầy, mỗi bữa ông cũng chỉ ăn lưng bát cơm rau , nhắp  miếng thịt gà, chan nước  canh gừng xá xíu ; thế mà ngồi  hết đêm này qua đêm khác, sáng ra  ông vẫn tỉnh táo lanh lẹ như thường   

        Nhà tôi ở cạnh nhà ông chung nhau cái  máng nước Nặm lìn  bắc bằng ống nứa dẫn từ  khe núi  về. Từ nhỏ tôi hay nghe ông nói chuyện về  triết lý đạo phật, âm đương,  ngũ hành bát quái , thiên can, địa chi ;như thế nào Cờn, Tờ, Mạn, Bình, Định, Chấp, Phá ,Nguy, Thành, Thu, Khai, Bế, và mấy câu niệm chú  Thiên linh linh ,địa linh linh … Ông bảo con người hơn các loài vật là nhờ có trí và  có đức. Đức ở đây bao gồm đạo đức, đức độ và đức tin . Những điều trong  trường học không ai dạy ,nhưng tôi  cảm thấy nó có thể  giúp mình tự tin hơn trong cuộc sống;  tựa  như đi đâu làm gì người ta hay chọn ngày lành, tháng tốt thì mới an tâm.Ngày tôi học ra trường về làm ở một cơ quan cấp tỉnh , ông  sang chúc mừng: Cháu như thế là đã làm quan rồi đấy, nhưng làm quan cần  phải thanh liêm mới giữ được nghiệp lâu dài ,quả thật lúc đấy tôi chưa hiểu lắm, nhưng sau này càng ngẫm, càng thấy thấm thía khi nó vận vào quy luật nhân quả.

         Năm ông mừng thọ an Khang - 73 tuổi, anh em họ hàng, các vị đồng môn  giục ông  sao không truyền nghề  cho con trai nối nghiệp? Ông bộc trực nói với mọi ngưòi: Đạo làm thầy phải biết tu  tâm tích đức, hành nghề cốt để cứu nhân độ thế, thằng San con trai ông bản tính tham lam phàm tục nói năng cục cằn .Nó không thể làm bụt tào được; biết chút ti toe, không khéo còn làm tổn thương ngừòi ta, khác gì tự làm hại  mình .

         Hắn là con trai một, lại lớn lên trong cảnh đủ đầy ,trong nhà lúc nào cũng có xôi gà, thủ lợn, chân dò,  gạo chân hương mỗi đám đuọc cả chục bát, quanh năm không phải xay giã dần sàng . Hắn chơi bởi lêu lổng làng trên ,xóm dưới , 17 tuổi  mới học hết cấp 2, hắn đã  lấy vợ đẻ  con  sòn son năm đứa, thế nhưng  thấy con  gái lỡ thì, đàn bà goá bụa ở đâu  là hắn sán lại buông lời cợt nhả , bóng gió tòm tem .

        Nhà sẵn của ăn của để, nên hắn sinh ra phàm  ăn tục uống ,còn  thêm cái thói kèm nhèm, nhà  hàng xóm mổ lợn hắn xà vào  phụ giúp , cứ lôi đựợc buồng gan ra, hắn thản nhiên cầm dao xẻo ngay một miếng ăn tuơi ,nuốt sống . Nhà nào có đám mo then, cầu yên giải hạn…Là hắn đến lân la gõ bát âm, chũm choẹ 

          Hắn nghiện tiếng thanh la và đánh hơi rất thính, dù cách hàng  cây số hắn vẫn mò đến  xăm se làm việc này việc khác , thầy mo, thầy  tào hầu hết là môn sinh của bố hắn nên cũng vì nể, với lại việc tế lễ chẳng ai nỡ  xua đuổi , thôi thì đến bữa thêm đũa, thêm bát, thêm người hầu rượu cũng chẳng thành vấn đề  .  Nhưng hắn lại dầy măt  nài nỉ  các thầy:  Lần sau có đi đâu, làm gì thì cho hắn đi theo phụ trợ

           Những công việc phụ trợ cho môt đam làm tào  , hắn tỏ ra  khá thành thạo từ cắt giấy tiền, vàng mã, làm cái thang, cái thuyền bè (Lừa Pè) bằng bẹ chuối ... Nhưng hắn lại hay khệnh khạng, quát tháo người nhà  lấy thêm cái này, cái khác ; nhất là khi dựng mâm hương , hắn bắt phải đem ra cả thúng gạo , xúc đủ chín bát thật đầy, ba bát rải chân lùm lùm  cho vượng khí thì mới linh thiêng… Hắn nói oang oang: “Đạ hất lẻ mẻn khai khó hất mì lớ, nhằng dón dén hất lăng ” ( đã làm thì phải bán khó làm sang ; còn dè sẻn làm gì ). Tiền chân hương cũng thế  “Đạ  tặt, lẻ tặt dèn mấu, dèn chặntặt dèn cáu, dèn lế vậu tồn “ (đã đặt  phải  đặt tiền mới ,tiền to , đừng đặt tiền cũ , tiền lẻ mang tiếng)… Thực ra mấy thứ chẳng đáng gì, nhưng hắn cứ làm phách thế cho oai và làm cho  người nhà phải phát ngượng  .

           Dần dà hắn cũng được mấy ông thầy tào quen biết  cho đi theo Pang hênh  đám ma, cấp sắc, kỳ yên thượng thọ v.v … Mà kể cũng  hơi lạ, từ ngày  cơ chế  đổi mới ,lợi dụng tinh thần tự do tín ngưõng, tôn giáo; thói quen tục xưa, lệ cũ tự nhiên  nảy nở hồi sinh . Nơi vùng quê tôi việc nhỏ, việc lớn  từ đầy tháng trẻ em, mừng thọ người già, ốm đau bệnh tật, ma chay, cưới xin v.v… Người ta đều tìm đến  bụt tào,  coi đây là phép thắng lợi tinh thần, vừa để tự trấn an mình, vừa đỡ mồm thiên hạ xì xèo, nhà kia có việc thế mà chẳng chịu lễ lạt cúng bái  .

          Văn hóa tâm linh vốn luôn  tiềm ẩn, nay được dịp trỗi dậy. Có người là cán bộ đảng viên , công chức về hưu cũng quay  trở lại làm bụt tào , người thì bảo  phải nối nghiệp cha ông dòng họ , người nói do duyên số định mệnh  quy y cửa phật ,tự nhiên thác xuống .Có người  học chữ quốc ngữ ( phổ thông) mãi chẳng biết gì, nhưng nhìn thấy Shư đăm( chữ đen tức chữ Hán nôm ) là mê mẩn viết, đọc làu làu, mười lăm, mười sáu tuổi đã thành thạo các  bộ môn pháp , được thầy làm lễ cấp sắc, rồi cứ thế  bước ra hành nghề, chẳng khác gì cái bằng cấp chứng chỉ, hay lấy phép lái xe …

           Hắn lại kể: Thầy tào bây giờ  rất có giá, đi đâu có xe đưa xe đón, nhiều thầy tự sắm ô tô riêng . Vận theo nếp sống mới  nên  thủ tục  công đoạn làm tào  cũng được các thầy rút gọn và  đơn giản hơn nhiều, không cầu kỳ bí hiểm như ngày xưa …

          Hắn ngồi đấy gật gà gật gù gõ bộ  thanh la  Co lè co lè… chúm chúm chúm … Co  lè co lè soánh soánh soánh, xéng xéng xéng…  Miệng cứ thế  ê a đọc phụ  họa theo lời thầy… Đi mãi rồi thành quen, hắn  đã viết được những tờ tấu sớ biên lệ, học thuộc mấy bài kinh kệ dạo đầu Mốc quảng dửng pần luồng mốc luông dửng vần sấy (Đại luợng mới thành Rồng, trí lớn mới thành thầy)  nhưng với bản tính ích kỷ hẹp hòi, nên  hắn  không thể trở thành  thầy  vì pháp danh chưa mở ,đạo pháp chưa khai thông , và không ai  làm lễ cấp sắc cho hắn  .

           Có lần tôi hỏi: Đi mỗi đám như thế được bao nhiêu tiền hắn nói giọng  ấm ức: Mỗi tẳng khoăn (đám mo) thù lao 2 triệu ,chưa kể tiền chân hương . Đảm phi (đám ma) thì sáu, bảy triệu; nhưng kẻ pang hênh như hắn chỉ được chia  hai ba trăm, một triệu, thật là quá quắt…  Á lối !  Còn đựợc cao hơn  ngày công em  làm thợ xây, lại còn  ba bữa rượu thịt, phụ việc như thế là ngon rồi ! Ngon gì mà ngon, đáng ra tao phải được một phần ba.Thầy thợ gì ! Chúng nó chỉ hơn tao khoác cái áo thôi …     

            Người hàng xóm láng giềng nghe hắn chửi  nhiều đã quen nên không ai  muốn can ngăn . Nhưng lần này đêm đã về  khuya ,mà tiếng hẳn chửi  như gào lên, tiềng  nồi niêu  bát đĩa loảng xoảng , tiếng xô cửa rầm rầm không dứt , buộc tôi phải dậy sang xem …Hắn ngồi rũ đầu xuống bàn  trong căn nhà bếp ba gian, tay nắm chặt  chai rượu đã vơi một nửa,  dưới đất  cơm xôi vương vãi, nong nia, xoong chảo lộn tùng phèo, cái  cầu thang  lên nhà sàn bị lật úp sang một bên , cửa đóng kín mít… Mẹ nó! Cái con mụ này bây giờ không coi tao ra gì . ..Tiếng vợ hắn từ trên nhà  vọng xuống :Mày khùng thế ai mà chịu được! Thấy  ai tốt  thì  đi đi, cho mẹ con tao yên !  Được rồi tao sẽ đi  làm thầy  tào, ngày kiếm bạc triệu ha ha ha…Tao sẽ làm giàu !

          Vợ hắn vốn là con nhà phó lý Căn, ngày xưa hai nhà  môn đăng hộ đối , cặp đôi vừa lứa, bầu bí rồi mới cưới xin  nên cũng không phải dạng vừa : Hừ lọm khọm, sắp xuống lỗ đến nơi rồi còn mơ mộng ,cái loại phàm phu như mày, làm thầy gì chứ ! Như bị chạm nọc  hắn vụt đứng dậy, vung tay ném thẳng chai rượu  bay lên cánh cửa vỡ tan tành … Đôi chân  hắn loạng choạng  rồi đổ kềnh  xưống , cái đầu đập vào góc bàn, rỉ máu.  Toàn thân hắn mềm oặt, nhưng  cái mồm vẫn lảm nhảm: Không ! Tao phải làm thầy tào, thằng San không thể để cái nghiệp của  nhà này rơi vào tay kẻ khác.
L.V

  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây