Ghen

Chủ nhật - 05/11/2023 21:28
Truyện ngắn


Truyện ngắn của Phan Long Định

       Thế là lá đơn tình nguyện tái ngũ của Vinh được cấp trên chấp nhận. Vậy là số quân đợt ba trong năm của xã hoàn thành. Soạn thở phào nhẹ nhõm. Bữa tối hôm ấy, Soạn tự thưởng cho mình một cốc rượu đầy có ngọn. Trong hơi men chếnh choáng, anh hình dung thấy mình ngạo nghễn nhận cái giấy khen của huyện tặng, đứng ngang hàng với các xã hoàn thành chỉ tiêu giao quân. Vợ con biết anh đang vui, nên chẳng ai nỡ xen ngang vào chuyện uống rượu một mình của anh. Hôm anh đi nhận kế hoạch tuyển quân đợt ba, cấp trên phổ biến trong miền Nam đang đánh lớn. Chả thế mà xã anh chỉ hơn một nghìn nhân khẩu mà được giao những hai mươi tân binh. Vị chi cả ba đợt trong năm nay đã trên năm chục chiến sỹ. Với vai trò là xã đội trưởng anh lo hơn cả bí thư xã. Đợt hai xã anh đã phải vét đến số anh em sức khỏe loại ba, loại bốn. Đợt này cấp trên cho vận động cả số thanh niên mười bảy, thậm trí mười sáu tuổi nếu như các cháu có đơn tình nguyện. Lãnh đạo xã đã phải họp bàn năm lần bảy lượt cũng mới chỉ được mười chín người. Thằng Giảng con cả đã mười bảy tuổi, cao lộc ngộc nhưng Soạn chùng chình không muốn cho nó nhập ngũ. Anh biết chỉ cần hé ra ý định nó sẽ làm đơn tình nguyện ngay. Đi vào chỗ hòn đạn mũi tên thì biết đâu đấy, nên anh cho nó đi học cấp ba trường huyện cách nhà hơn tám mươi cây số. Đang bí, bỗng dưng nhận được cái đơn tình nguyện của Vinh thì thử hỏi làm sao mà không vui. Soạn mỉm cười mãn nguyện.
***
Soạn hơn Vinh năm tuổi. Soạn nhập ngũ sau ngày giải phóng Điện Biên, đơn vị anh được giao rà phá bom mìn vật cản khu vực lòng chảo. Khi chiến dịch gần hoàn thành, không may Soạn bị thương do quả mìn phát nổ. Soạn được phục viên về quê với cái giấy chứng nhận thương binh trong tay. Đã từng giữ đến chức tiểu đội trưởng, nên vừa về đến xã thì được giao giữ chức xã đội trưởng từ đó. Vinh nhập ngũ sau Soạn mấy năm, anh vào đơn vị tiễu phỉ trên biên giới. Khi biên giới trở lại bình yên, Vinh được phục viên. Anh về đúng dịp có đợt tuyển sinh vào trường trung cấp nông nghiệp, nên xã cử anh theo học ngay. Ngày Vinh tốt nghiệp lại là thời kỳ xã đang vận động thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Thế là tại đại hội xã viên, Vinh được bầu giữ chức chủ nhiệm. Việc đó làm cho Soạn có cảm giác như mình bị hớt tay trên. Bởi vì trước đó, nhiều lần lãnh đạo huyện về xã đã bóng gió với anh về cái chân chủ nhiệm hợp tác xã. Soạn ngầm so sánh giữa cái chức xã đội với cái chức chủ nhiệm hợp tác xã, rồi đi đến kết luận nắm về cái anh kinh tế vẫn là hơn cả.
Buổi đầu giữ chức chủ nhiệm gặp vô vàn khó khăn. Việc chuyển đổi từ mô hình tổ đổi công lên đội sản xuất tập thể đã làm Vinh cùng Ban quản trị tốn khá nhiều công sức. Với khoản kinh phí ít ỏi cấp trên hỗ trợ. Ban quản trị phải huy động thêm sức dân để xây nên những sân kho, những hố ủ phân chuồng tập trung theo từng đội sản xuất. Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào áp dụng trong sản xuất được Vinh cùng tổ kỹ thuật của hợp tác xã theo dõi sát sao. Ban quản trị còn phải phối hợp với đoàn thanh niên để vận động làm đầu tàu. Rồi huy động thiếu niên nhặt phân trâu bò rơi để làm sạch đường làng ngõ xóm. Những việc đó làm cho Vinh không mấy khi có mặt ở nhà. Sự cố gắng nỗ lực của Vinh và ban quản trị cũng được đền đáp. Sau mấy năm thành lập, hợp tác xã đã có nhiều đóng góp cho nhà nước, đời sống nhân dân có bước khấm khá. Vinh và ban quản trị được cấp trên ca ngợi và liên tục được báo cáo điển hình tại các xã trong huyện.
Một hôm gặp Thúy - vợ Vinh, địu đứa con trai mũm mĩm đi mua hàng. Soạn hỏi:
- Ái chà, trộm vía thằng cu con bố Vinh lớn nhanh quá nhỉ?
- Vâng, chào bác! - Thúy đáp lại.
- Khiếp! vợ chủ nhiệm sao mà vất vả thế, địu cả con nhỏ đi mua hàng? – Soạn buông câu đùa cợt.
- Gớm, chủ nhiệm với chả chủ nhiếc, đến hạt muối còn chả có mà ăn – Thúy trả lời Soạn.
- Ớ, tôi tưởng chú ấy phải lo lắng việc nhà lắm chứ, việc xã chú ấy chu đáo thế cơ mà! - Soạn tiếp tục đưa đẩy.
- Lo gì mà lo, chỉ được cái “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” thôi bác ạ! – Thúy đã có vẻ hơi bực mình.
Soạn làm ra vẻ chăm chú nghe rồi lắc đầu tặc lưỡi đạp xe đi.
Từ hôm gặp Thúy đi mua hàng, Soạn cứ suy nghĩ mãi. Sự suy nghĩ của Soạn ấy là việc cái thằng Vinh kém tuổi mình, công cán chả có gì mà hắn gặp may thế. Đi bộ đội thì sau mình, học hành tí tẹo về nhảy tót vào cái chân chủ nhiệm hợp tác. Đã thế lại còn cơ cấu vào thường vụ đảng ủy xã. Trong khi đó mình lăn lộn ở chiến trường, thương binh hẳn hoi mà chỉ vào được đến chân cấp ủy èng èng. Bực nhất là hôm huấn luyện dân quân, xin xỏ mãi hắn giải quyết cho được con lợn còi, cả đại đội dân quân mỗi người gắp một miếng đã hết veo. Mà quả thực hắn coi mình chả là cái thá gì cả. Đến như ông Lẫm bí thư đảng ủy tổ chức đại hội đảng bộ ra lệnh thì hắn chỉ cho được con bò gầy tong teo. Rồi còn cái chuyện học sinh thi đỗ các trường chuyên nghiệp, bên ủy ban muốn đồng ý cho đi vẫn phải xin ý kiến hắn xem gia đình đã đóng góp đủ nghĩa vụ chưa. Rất nhiều cháu đã phải bỏ dở việc học hành vì hắn. Mà của nả hợp tác hắn ôm về nhà là cái chắc. Vợ hắn kêu chẳng qua là đóng kịch cũng nên.
***
Một lần Soạn vác cuốc ra đồng đắp bờ ruộng cùng bà con xã viên, anh chủ động lại gần Thúy. Soạn thì thầm với vẻ bí mật:
- Này Thúy, hình như cô không biết việc gì xảy ra ấy nhỉ?
- Việc gì cơ bác? -Thúy chột dạ.
- Nói thế nào nhỉ? - Soạn hạ giọng - Nhưng cơ mà cô phải hết sức bình tĩnh đấy, không là hỏng hết mọi chuyện chứ chả chơi.
Nghe Soạn nói vậy Thúy hỏi lại với giọng thúc bách:
- Vâng, bác cứ nói nhanh lên, em sốt ruột quá!
- Đấy! cô lại mất bình tĩnh rồi - Soạn tỷ tê - chuyện là thế này. Lâu nay cô có để ý việc làm của chú ấy không? Cùng làng xóm với nhau tôi nói thật, hình như chú ấy có vấn đề đấy.
Mặt Thúy tái đi, giọng run run:
- Vấn đề gì à bác?
- Cô cứ từ từ tôi nói rõ ngọn ngành cho. Cô có để ý cái cô Hà bí thư thanh niên xã không? Tôi thấy hai cái người ấy quấn quýt kiểu gì mà nghi lắm. Ai đời đi làm việc xã mà cặp kè với nhau như đôi xam ấy.
- À, thảo nào. Cứ em thấy con ranh con ấy gọi là anh Vinh vội vàng đi ngay, nhiều hôm đến tận khuya mới về. Em hỏi thì anh Vinh nói là đi vận động thiếu niên làm phong trào gì ấy nhỉ? À, “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Có mà… - Thúy tồng tộc tuôn ra một tràng dài.
- Ừ thì đấy. Đến như tôi với ông Lẫm bí thư, nhiều hôm phải vác cày ra đồng giúp vợ con bỏ mẹ đi chứ. Đằng này thì… Nhưng mà, mới là hiện tượng thôi. Cô phải bình tĩnh mà xử lý, không mất chồng như chơi ấy. Phải giữ uy tín cho chú ấy công tác, không biết chừng chú ấy còn tiến bộ lên huyện, lên tỉnh cũng nên. Tôi cũng chỉ nói với cô thế thôi, cô phải từ từ theo dõi - Soạn nói như bắn một mũi tên vào không trung.
- Vâng, em cảm ơn bác! Nhờ bác nhắc nhở anh ấy giúp em với - Thúy tiếp tục cầu khẩn.
Soạn gật đầu, trong lòng đầy phẫn khích.
Mấy tháng sau, cái tin Vinh và Hà tằng tịu với nhau được lan nhanh trong xã. Những người đón nhận hưởng ứng nhiệt tình nhất cái tin này là mấy bà thợ cấy. Hở ra chút thì giờ là bàn tán xôn xao, thêu dệt lên đủ thứ chuyện như thể các bà đã bắt được tận tay, day tận chán vậy. Thoáng thấy bóng Hà ở đâu là lườm nguýt và xả ra những từ ngữ cay độc: “Ối trời các bà nhìn kìa, người có đến nỗi nào đâu mà lại đi cướp chồng người ta”, “Hơ hớ ra thế sao lại không đi kiếm trai tân nhỉ, định phá tan hạnh phúc nhà người ta ấy mà”, “Rõ khổ cho cái nhà chị Thúy, đến mất chồng với cái con ranh con này thôi”, “Mà cái cậu Vinh làm sao ấy nhỉ, cán bộ, đảng viên hẳn hoi, cơm ngon canh ngọt chả ăn lại đi rúc đầu vào bụi rậm”… Mấy ông đội cày không tin, bênh vực: “Khiếp làm gì có chuyện ấy mà các bà cứ…”. Nghe các ông nói, các bà lên giọng phản bác: “Được! các ông cứ chờ đấy, rồi chửa ễnh ra thì là của các ông đấy nhé”. Các ông bực mình: “Này các bà đừng có mà nói linh tinh, phải tội chết”. Biết không thể can thiệp được vào chuyện các bà, nên các ông giục trâu cày cho nhanh.
Hà choáng váng khi nghe được những điều đồn thổi về mình. Xưa nay, Hà vẫn coi Vinh như người anh trai. Việc phải đi lại, gần gũi Vinh là do mối quan hệ công tác chứ cô không bao giờ có tình ý gì cả. Đảng ủy giao cho cô phải thành lập hợp tác xã măng non, gây dựng phong trào “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” trong đội thiếu niên của xã. Do cô thiếu kiến thức về phụ trách công tác thanh niên và khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp. Biết Vinh đã từng làm công tác thanh niên trong quân đội lại học chuyên ngành nông nghiệp. Hà chủ động nhờ và được Vinh nhiệt tình giúp đỡ. Chỉ một thời gian ngắn, phong trào thanh thiếu niên trong xã đã nổi như cồn. Tại sao lại có người xấu bụng phá đám như vậy. Hà không thể nghĩ ra, và cô buồn rười rượi. Cô có ý tránh mặt Vinh, điều đó càng làm cho sự nghi ngờ của mọi người tăng lên.
Thúy không ngờ cái điều Soạn nói với cô mấy tháng trước nay đã thành sự thật. Nhìn thấy bóng Hà ở đâu là Thúy chỉ muốn xông vào băm vằm cho hả giận. Cô quyết định hỏi thẳng chồng xem sự thể ra sao. Nghe Thúy hỏi, Vinh điềm đạm trả lời:
- Sao em nghĩ vậy chứ, anh không bao giờ có chuyện đó đâu.
- Chưa hỏi thì em cũng đã biết câu trả lời của anh rồi. Anh không nghe thấy hay cố tình không nghe người ta bàn tán về anh sao? - Thúy tiếp tục cật vấn chồng.
- Ơ, thế cô tin tôi hay tin mọi người? - Vinh kiên nhẫn.
- Này em nói cho anh biết nhé, không có lửa làm sao có khói hả?
- Cô không được nói linh tinh như thế nhé, cứ tin ở anh đi!
- Vâng tin, tôi tin anh, tin cả cái con ranh kia nữa. Chính vì tin nên mới ra cái sự thể này. Anh biết không, mỗi khi ra ruộng thấy ánh mắt mọi người nhìn mình, em chỉ muốn độn thổ thôi. Vâng, con ấy trẻ, đẹp mà… gái này xấu xí rồi anh chán là phải… - Thúy nói trong tiếng sụt sịt.
- Trời ạ, không có chuyện ấy đâu. Thôi cô im đi! - Vinh đã nổi cáu.
Thúy im thật. Nhưng cô nằm ôm con quay vào vách. Bờ vai cô cứ rung lên theo tiếng nấc. Vinh biết có nói gì thì Thúy cũng không tin trong lúc này, nên anh im lặng. Cả hai mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng vào hầu như không thể chợp mắt. Khuya lắm rồi, Vinh bật dậy. Anh châm ngọn đèn dầu tù mù, ngồi vào bàn. Trước mặt là một tập sổ sách, nhưng anh chẳng biết mình phải làm gì cả.

images
Minh họa: ST
 
Sự việc rồi cũng đến với cấp ủy đảng. Sau nhiều cuộc họp chi bộ hết sức căng thẳng. Ban chấp hành đảng ủy xã đã có nghị quyết đề nghị kỷ luật Vinh và Hà. Dù rất áy náy, nhưng để dẹp yên dư luận nên ông Lẫm bí thư buộc phải ký văn bản đề nghị lên huyện xử lý.
Mặc dù chưa có quyết định chính thức của huyện. Nhưng cái tin Vinh và Hà bị kỷ luật do quan hệ nam nữ bất chính đã loang ra khắp xã. Đi đến đâu cũng thấy mọi người xôn xao bàn tán. Một buổi trưa, Thúy bế con xồng xộc đến nhà Hà. Chỉ thẳng tay vào mặt Hà. Thúy rít qua kẽ răng: 
- Đấy mày sướng chưa hả con? Mày tài, mày giỏi thì mày đi kiếm trai tân chứ sao mày lại cướp chồng bà?
Hà quá đột ngột với câu nói của Thúy, mặt cô tái đi vì giận. Bố Hà ngạc nhiên lên tiếng:
- Này cháu Thúy, có gì thì bình tĩnh nói xem.
- Bình tĩnh gì nữa, ông bà không biết dạy con để nó cướp chồng tôi kia kìa.
- Thúy! Cô không được hỗn với các cụ - Vinh bước vào nhà và quát vợ - Cháu xin lỗi hai bác, nhà cháu…
- Đấy, bênh nhau đi, cho nó kỷ luật è cổ ra, đáng đời! – Thúy vẫn lải nhải.
Vinh giận, nghiến răng trèo trẹo làm hai hàm anh bạnh ra. Anh giơ tay tát bốp vào mặt Thúy. Bị đánh bất ngờ, Thúy òa khóc nức nở và bế con hằm hằm ra về, vừa đi vừa lu loa khóc.
***
Thế là Vinh tái ngũ, sự việc om xòm một thời cũng tạm lắng xuống. Kế hoạch chinh phục chức chủ nhiệm hợp tác xã của Soạn đã hoàn thành. Soạn giương giương tự đắc với mọi người:
- Khổ quá, tôi cũng có muốn giữ cái chức này đâu. Làm cái anh xã đội quen rồi, làm chủ nhiệm là bị ép buộc theo chỉ đạo của trên thôi. Ấy mà cái nhà anh Vinh cứ quan trọng hóa vấn đề. Tôi thấy chỉ đạo cái anh nông nghiệp này cũng chả có gì là phức tạp cả. Này nhé, dân mình thuần nông cả, đến vụ thì cấy thì gặt. Làm cái quái gì mà cứ phải kỹ thuật kỹ thiếc. Rồi đi đêm lắm vào… hề hề…
Soạn bỏ lửng câu nói. Mọi người đều hiểu sự ám chỉ của anh.
Sau sáu huấn luyện tân binh, trước khi đi đi vào miền Nam Vinh được về thăm nhà ba ngày. Phải đi đường mất hai ngày, thành ra anh chỉ ở nhà vỏn vẹn một ngày. Thúy vẫn giận nên tình cảm vợ chồng chẳng được mặn mà. Vinh tranh thủ thời gian ít ỏi chặt lá cọ rọi lại cái mái nhà đã nhiều chỗ dột. Đến xẩm tối anh lại phải quay về đơn vị. Trước khi chia tay anh bế thốc lấy thằng cu Cường, nhưng vì chưa quen hơi nên nó khóc ré lên và nhao về phía Thúy. Vinh chào bố mẹ và nói nhanh với Thúy:
- Anh đi nhé, em ở nhà cố gắng chăm sóc bố mẹ và con. Chiến thắng anh sẽ về.
Nước mắt Thúy chảy dài xuống hai gò má xạm đen. Thúy khẽ gật đầu và ôm chặt thằng cu Cường vào lòng, nhìn theo Vinh đi đến khuất tầm mắt, cô mới quay vào nhà.
Từ ngày đứa em cô giáp với Vinh lấy chồng. Nhà chỉ còn mỗi Thúy là lao động chính, cô phải quần quật từ sáng đến tối để phụng dưỡng bố mẹ chồng và đứa em cô út mới học lớp bảy. Người Thúy gầy rạc đi. Số công điểm Thúy làm được cùng với mấy chục đồng tiền trợ cấp đi B của Vinh ra, hầu như gia đình đình không còn thu nhập nào đáng kể. Thành ra bị thiếu đói triền miên.
Một buổi trưa, Thúy cầm tờ đơn xin vay thóc hợp tác đến nhà Soạn. Cô bước vào nhà thấy Soạn cùng Tiến phó chủ nhiệm đang ngồi bên mâm rượu. Soạn chếnh choáng:
- Mời cô… Thúy ăn cơm, đang… buổi trưa cô đến có việc gì… nhỉ?
Thúy ngồi vào bàn uống nước với vợ Soạn và nhẹ nhàng nói:
- À, vâng. Bác cứ ăn cơm đi, có tý việc em nói sau.
- Chả sao… cô cứ nói đi, đây… có chú Tiến phó… chủ nhiệm cũng là… người nhà cô đừng khách… sáo!- Soạn ề à với Thúy.
Được Tiến và vợ Soạn gật đầu đồng tình. Thúy rụt rè đến bên mâm rượu chìa lá đơn cho Soạn. Cầm lá đơn trong tay, Soạn lảo đảo đứng dậy mở cái sắc cốt treo trên cột lấy đôi kính. Nhìn lướt qua đơn, Soạn quay về phía Thúy:
- Vay thóc… hợp tác à?
- Dạ vâng, nhà em hết sạch rồi, bác xem giải quyết cho em mấy chục cân với, đến mùa em xin hoàn trả - Thúy nhỏ nhẹ trình bày.
- Ôi, thế nhà cô… Thúy hết… thóc thật à? - Soạn hỏi và nhếch mép cười.
- Hết thật mà, bác xét giúp cho gia đình em với - Thúy thật thà trả lời.
- Ừ thì… trường hợp cô… chiều lên kho tổng hợp… chúng tôi giải quyết.
Thúy khẽ gật đầu và ngượng ngùng xin phép ra về. Chờ cho cô đi khuất Soạn mới nói với Tiến:
- Hì hì… cái nhà cô Thúy thật là ngây thơ. Mình chỉ chọc vài câu thế mà tưởng chồng đi với gái mới lạ chứ.
- Ơ, thế em tưởng… - Tiến ngạc nhiên hỏi lại.
- Tưởng chuyện là thật chứ gì? - Soạn không để Tiến nói hết câu - có gì đâu, là tớ ghen với cái chức chủ nhiệm của cậu ta, còn vợ hắn thì ghen hắn đi với gái… hớ hớ.
- Vậy tất cả là do anh dựng lên? - Tiến vẫn chưa hiểu.
- Chả tớ thì còn ai. Mà cả cái chức phó chủ nhiệm của cậu cũng là tớ chọn ấy chứ. Thế cậu tưởng đảng ủy phân công cậu à? Mà chiều nay cậu giải quyết cho cô ta số thóc hôm nọ không nhập được ấy nhé.
- Nhưng mà số thóc ấy lép lắm, có lẽ phải quạt sạch đi chứ không thì…
- Cậu ngu thế không biết, quạt đi thì một tạ chắc còn được bảy mươi cân là cùng, ai chịu chỗ thiếu ấy? Mà tôi hỏi cậu, rượu mình đang uống là ở đâu ra nào? Cậu cứ cân đại đi, dù sao cũng đã ưu tiên hỗ trợ gia đình chính sách rồi. Thế nhé, không bàn nữa.
Tiến im lặng ăn nốt bát cơm và đứng dậy.
***
Một buổi chiều cuối xuân. Ông Lẫm bí thư đảng ủy dẫn đầu đoàn cán bộ xã lầm lũi đi về hướng nhà Thúy. Trên đường đi không ai nói với ai lời nào. Khi đoàn người tiến vào ngõ, từ trong nhà có tiếng của bố chồng Thúy vọng ra:
- Ối bà nó ơi, thằng Vinh nhà mình đi rồi… ối con ơi là con ơi…
 Thúy cũng vừa vác cái cuốc về đến đầu ngõ. Cô khụy ngay trước sân. Mọi người bế sốc cô vào nhà. Cả xóm kéo đến chật nhà, mùi hương trầm phảng phất cùng tiếng khóc than nức nở kéo dài.
Sau ngày Vinh hy sinh, Thúy càng rộc người đi. Cô làm hùng hục suốt ngày đêm để lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà. 
***
Trong cái lúc tăm tối nhất thì cơ chế sản xuất mới ra đời. Nó như một làn gió cuốn phăng đi cái hợp tác xã làm ăn tập thể, hưởng theo công điểm, quanh năm thiếu đói. Mọi người ồn ã nhận phần ruộng như hồi cải cách ruộng đất. Người buồn bã nhất có lẽ là Soạn. Ông bất lực nhìn theo từng tốp xã viên hồ hởi canh tác trên những khoảnh ruộng của mình vừa được chia. Nếu như trước đây thấy ông họ khúm núm thì nay ông cũng chỉ ngang hàng với họ. Thế rồi các lá đơn kiện Soạn tới tấp bay lên huyện, lên tỉnh. Hết đoàn thanh tra huyện đến thanh tra tỉnh và cuối cùng là công an về xã làm việc với ban quản trị. Hơn hai mươi tấn thóc và năm mươi con trâu bò tập thể bị ban quan trị biển thủ đã lòi ra. Cái giá phải trả là Soạn và Tiến cùng bị còng tay vào tù.
Thi hành án phạt tù hơn ba năm thì Soạn được về. Soạn ra tù sớm, nghe nói do một lần cùng mấy phạm nhân lên rừng chặt gỗ, bị một cành cây quật trúng đầu. Soạn trở thành một kẻ tâm thần, điên điên, giở giở từ đấy. Nhất là lúc trái nắng trở trời lại đi lang thang, miệng lảm nhảm, rồi hát nghêu ngao, có lúc lại khóc tu tu. Mấy cụ già lắc đầu lẩm bẩm: “Tưởng tay Soạn giỏi giang thế nào chứ, hóa ra là đồ tham nhũng đục khoét của dân thôi!”, “Chỉ khổ cái nhà anh Vinh, đang yên đang lành bị chúng nó dựng chuyện đẩy đi!”, “Đấy là bị quả báo chứ còn gì nữa, trời có mắt mà”…
***
Tốt nghiệp đại học nông nghiệp và là con liệt sỹ, Cường được trên bố trí công tác tại phòng nông nghiệp huyện. Nhưng sau khi ông bà nội mất, mẹ Cường chỉ còn một mình lại đau yếu luôn. Thành ra Cường xin về xã làm việc, cũng là tiện để chăm sóc mẹ. Một hôm, vừa ốm dậy Thúy hổn hển nói với Cường:
- Con gọi cô Hà về đây mẹ có chuyện muốn nói với cô ấy.
Trước đây Cường nhiều lần thấy mẹ oán trách cô Hà. Thậm trí có lần mẹ còn thề độc sẽ không đội trời chung với cô ấy nữa. Nay nghe mẹ nói vậy, Cường ngạc nhiên hỏi lại:
- Dạ, có việc gì cơ mà mẹ không giận cô ấy nữa à?
- Con đừng hỏi nữa, cứ gọi cô ấy về đây cho mẹ.
          Khi Hà theo Cường bước vào nhà. Thúy mở tủ cầm một cái hộp, lần giở lấy ra một tờ giấy pơ luya đã úa vàng. Hai tay Thúy run run, đưa tờ giấy cho Hà và nói ngập ngừng:
          - Cô Hà, tha lỗi cho chị nhé... thư anh Vinh gửi cho cô đấy, chị đã giữ nó hơn hai mươi năm rồi… có lúc chị muốn đưa cho em, nhưng… chị sợ…
          Mặt Hà thất sắc, cô cũng run lên không kém gì Thúy. Hà đưa hai tay đón tờ giấy, lúng túng mở ra. Lá thư với nét chữ rắn rỏi, màu mực tím còn khá rõ, tuy đôi chỗ bị nhòe chứng tỏ Thúy đã khóc mỗi lần đọc thư. Hà chăm chú đọc, nước mắt cô cứ trực trào ra.
           “T X…, ngày 22/12/1972
- Kính thưa thầy bầm!
- Hà em thương mến!
Trước lúc chuẩn bị vào tuyến trong, con tranh thủ ghi vài dòng gửi thầy bầm và các em.
Nhân dịp chuẩn bị đón năm mới, con gửi tới thầy bầm lời chúc sức khỏe, vui vẻ, đoàn tụ, làm được nhiều công điểm góp phần xây dựng miền Bắc, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Kính chúc thầy bầm vạn thọ vô cương.
Thế là năm nay con lại ăn tết bên tây Trường Sơn, thuộc nước bạn Lào anh em rồi. Cái tết năm nay ác liệt và thiếu thốn hơn mọi năm. Mà hoàn cảnh chiến trường lấy đâu ra cái tết đàng hoàng, trong khi không lúc nào ngớt tiếng máy bay địch, tiếng bom gầm, đạn xé cả ngày lẫn đêm. Bây giờ đang là mùa khô, nắng như thiêu như đốt, thiếu từng giọt nước, ăn uống kham khổ lắm…
….
Thầy bầm ơi!
Chuyện xảy ra trước khi con lên đường không như đồn thổi đâu. Con biết ai là người đã thêu dệt lên chuyện đó, mục đích chính của họ là muốn đẩy con đi để họ thế chỗ. Nhà con là người nông nổi đã không hiểu được điều đó, bị người ta dùng thủ đoạn giật dây. Nhà con đã có những lời khiếm nhã với thầy bầm và em Hà. Cho con được xin lỗi về điều đó thầy bầm nhé…
….
Hà em thương mến!
Trong câu chuyện xẩy ra về anh em mình, em là người chịu thiệt thòi nhất. Lẽ ra anh phải chứng minh cho mọi người thấy tình cảm của anh em mình trong sáng. Nhưng em phải hiểu rằng anh đi là vì nghĩa vụ với đất nước, với hàng triệu đồng bào miền Nam đang chết dần chết mòn dưới góp giày quân xâm lược. Mọi người sẽ cho là anh chạy chốn, nhưng với em thì anh tin là không bao giờ có ý nghĩ đó. Anh cũng tin rằng đến một lúc nào đó, mọi sự xảo trá sẽ bị phơi bày. Anh mong em hãy rắn rỏi, vươn lên trong cuộc sống, lao động và công tác…
….
Thầy bầm kính yêu!
Ở cái mảnh đất hiện tại, sự sống và cái chết chỉ mảnh như sợi tóc. Hôm qua nó thả bom B52 trúng hầm của đơn vị con, con tưởng… Ngày mai đây, nếu con có mệnh hệ nào… thầy bầm nhắc các em qua lại an ủi gia đình con, nhất là chăm sóc thằng cháu Cường - nó còn bé lắm, con thương nhớ nó nhiều. Nói thế thôi chứ thầy bầm yên tâm, con nhất định phải sống và trở về quê mẹ thân yêu.
….
Tái bút: do điều kiện chiến trường, con phải gửi hai, ba lá thư chung một phong bì. Thầy bầm thông cảm cho con nhé”.   
Đọc xong thư. Hà nhìn thẳng vào mặt Thúy, cả hai lúc này nước mắt đang lã chã rơi. Bất giác Thúy giang tay ôm chặt lấy Hà và cùng nghẹn ngào nấc lên. Cường ngạc nhiên rồi mỉm cười trước hành động tưởng như không bao giờ có được giữa mẹ và cô Hà.
Vừa lúc đó Soạn với thân hình tiều tụy của một ông già, quần áo sộc xệch, râu ria xồm xoàm, trên vai vác cái cuốc đi vào. Ông ném mạnh cái cuốc giữa sân và xồng xộc bước vào nhà. Nhìn chằm chằm vào Cường, ông cười hềnh hệch rồi quỳ xụp xuống giữa nhà:
- Ối anh Vinh ơi, tôi lạy anh đấy!
Đã quen cảnh này, vì mỗi lần gặp Cường thì ông Soạn đều gọi như thế. Cường bước lại kéo Soạn đứng dậy:
- Bác Soạn đừng làm thế, cháu là Cường con bố Vinh chứ. Cháu đã nói với bác nhiều lần rồi mà. Bác đứng dậy đi!
- Không! Anh Vinh ơi, tôi theo dõi thấy anh với cô Hà vào nhà, tôi mới vào theo. Tôi có chuyện muốn nói với anh, với cả cô Thúy và cô Hà nữa đấy.
- Chuyện gì đấy bác?
- Tôi trả anh đấy! Cái chức chủ nhiệm ấy, tôi trả tuốt cả hai mươi tấn thóc và năm mươi con trâu hợp tác nữa. Trả tuốt, trả tất cả, tôi không giữ lại gì cả, tôi chỉ giữ mỗi cái chức xã đội thôi…hu.. hu…
Nói rồi Soạn khóc rống lên và đứng dậy quay ngoắt bước ra sân. Cúi nhặt cái cuốc đi nhanh ra ngõ. Đang khóc, Soạn lại cất tiếng hát: “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay… la lá la là lả là la la….”.
Thúy và Hà cùng nhìn theo Soạn đi liêu xiêu ra phía cánh đồng, cả hai lắc đầu thở dài. Bỗng nhiên, hai người lại ôm chặt lấy nhau như vừa chút được một gánh nặng quá sức.
 
P.L.Đ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây