Đóng góp mới của tiểu thuyết "Hồ Xuân Hương tiếng vọng"

Thứ năm - 09/11/2023 14:23
Đóng góp mới của tiểu thuyết "Hồ Xuân Hương tiếng vọng"


Nguyễn Thị Thiện

 

     Tiểu thuyết Hồ Xuân Hương tiếng vọnglà sáng tác mới của Nghiêm Thị Hằng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam viết về “Danh nhân văn hóa” Hồ Xuân Hương với nhiều đóng góp mới rất đáng ghi nhận. Sách do NXB Văn học ấn hành tháng 9 năm 2022, gồm 342 trang khổ 14,5 x 20,5 cm gồm 5 phần: “Quả Ngọt cuối mùa”; “Thời thiếu nữ kiêu sa”; “Lấy chồng làng Gáp”; “Chữ tài gắn với chữ tai”; “Họa tam tai”.

1- Lần đầu tiên văn đàn Việt xuất hiện tiểu thuyết viết về Hồ Xuân Hương, bậc nữ lưu tài danh có cá tính mạnh mẽ, tài năng thơ ca kiệt xuất. Trước đó, Việt Nam đã có một số kịch bản sân khấu cải lương, ca khúc và những công trình khảo cứu, tiểu thuyết  của Nghiêm Thị Hằng là ấn phẩm đi tiên phong ở thể tài này. Tác phẩm tái hiện chân dung một nữ sĩ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời phận hẩm duyên ôi. Riêng thơ của Bà lại chan chứa tình yêu thiên nhiên và con người, khát vọng mãnh liệt về nữ quyền, chống lại hủ tục của xã hội phong kiến. Với thơ Hồ Xuân Hương, lần đầu tiên văn học Việt Nam vang lên dõng dạc tiếng nói khẳng định cái tôi nhân văn đầy bản lĩnh với tất cả những khát khao chính đáng được sống thành thật là mình. Đọc thơ Bà người ta bắt gặp nhịp điệu mùa Xuân, nhịp điệu cuộc đời, nhịp điệu tình yêu. Cuốn tiểu thuyết ra đời  đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc về Bà Chúa thơ Nôm ở nhiều phương diện.

2- Tái hiện khá sinh động chân dung nữ sĩ và những cuộc tình đầy nước mắt.

Xây dựng nhân vật là yếu tố sống còn trong tác phẩm tự sự. Tiểu thuyết của nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật trung tâm Hồ Xuân Hương, giúp người đọc hiểu khá thấu đáo về cả những người thân của nữ sĩ, người tình và bạn đời của nữ sĩ.

Cha của Hồ Xuân Hương là Hồ Phi Diễn quê ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, học giỏi nhưng vì nhà nghèo nên đỗ sinh đồ rồi, làm nghề dạy học; có vợ nhưng vì sinh non, cả vợ con đều đã mất. Hồ Phi Diễn dứt áo xa quê ra Thăng Lòng lập nghiệp và nhờ bạn tứ trấn giúp tìm em trai Hồ Phi Lãng bị mất tích. Hàng chục năm cụ sống trong hiu quạnh, dồn tâm huyết vào việc dạy học, mua được mảnh vườn nhỏ làm nhà gần Hồ Tây. Thầy Hồ về Kinh Bắc khán Hội hoa Mẫu đơn, gặp người con gái họ Hà.

Mẹ của Hồ Xuân Hương quê ở Kinh Bắc, tên Hà Thị Hoa, con một chị hai quan

họ đẹp người, đẹp nết, mồ côi cha sớm, lớn lên mẹ cũng mất. Được sự xe duyên của Ngô Trần Thực và ông cậu, Hà thị nên duyên với Hồ Phi Diễn khi cả hai đã luống tuổi. Được trời ban“Quả ngọt cuối mùa” là bé gái xinh xắn, đặt tên con là Hồ Phi Mai – hoa mai bay trên hồ, biểu tự là Hồ Xuân Hương, ý nghĩa hương thơm của mùa xuân.

Cuốn tiểu thuyết đã dày công xây dựng nhân vật trung tâm Hồ Xuân Hương, đủ cả ngoại hình, tính cách, ngôn ngữ và hành động. Xuân Hương được thừa hưởng hình dáng và giọng hát của mẹ, sự thông minh và tài năng của cha. Do mẹ bận buôn bán nhỏ, Xuân Hương theo cha lên lớp, học lỏm mà giỏi hơn cả nhiều học trò. Dần dà, Xuân Hương được cha dạy chữ, thuộc làu kinh sử, biết làm thơ Đường, thơ Nôm, có tài ứng đối. Lớn lên, Xuân Hương được cha giao việc trợ giảng. Những ngày cha bận, Xuân Hương cùng với Tử Minh – trưởng tràng, lên lớp thay. Sau này cha không còn nữa, Xuân Hương chính thức làm cô giáo dạy học (trong 6 - 7 năm). Đây quả là những thông tin rất mới và thú vị.

Tiểu thuyết còn kể Hồ Xuân Hương có những mối tình thật đẹp. “Thời con gái kiêu sa”,“Do đi buôn bán ngược xuôi, gặp cảnh gặp tình, Hồ Xuân Hương làm thơ, chủ yếu là thơ Nôm được người đời truyền tụng, danh tiếng nổi khắp Kinh thành. Tuổi 16, Xuân Hương“hồng hồng đôi má, dáng hình liễu đào tơ, giọng nói oanh vàng”, (trang 119). Năm 1786, dù“vườn xuân ong bướm dập dìu” nhưng cha mới mất, nữ sĩ chưa lấy chồng, giúp việc mẹ vài năm nữa. Hái hoa sen Hồ Tây bán, tình cờ nàng thơ gặp, cảm mến và có mối “tình trong mộng” đặc biệt với cậu Chiêu Bảy – tức Nguyễn Du, người có tài văn thơ lỗi lạc. Mấy lần thư đi thư lại, hai người “tình trong như đã”. Song tai họa của gia đình Chiêu Bảy ập đến, tang trùng tang, cả “dinh cơ, từ đường của họ Nguyễn Tiên Điền ở quê bị san phẳng" (trang 161), hai người chia tay khi Nguyễn Du về quê Tiên Điền .

Đặc biệt, nhà văn kể rất chi tiết về duyên phận của Xuân Hương, đó là những đoản tình ca đẫm nước mắt. Tuổi xuân vùn vụt trôi, vì duyên văn đưa lại, Xuân Hương lấy chồng làng Gáp “Cầm bằng làm mướn mướn không công”, làm vợ ba của Đội Kình (tên khác là Bình Kình, Chiêu Hổ; Tổng Cóc là tên cúng cơm). Thời gian sống ở Thăng Long, nữ sĩ được chồng hết mực yêu quý. Nhưng sau về quê chồng, Đội Kình đi vắng dài ngày theo lệnh vua, chị Cả cùng chị Hai hùa nhau ức hiếp, Xuân Hương nhẫn nhịn nhiều quá chịu không nổi, bỏ về nhà mẹ đẻ, làm thơ gửi cho chồng“Thiếp bén duyên

chàng có thế thôi”.

Về Hồ Tây, nàng thơ dựng quán thơ “Cổ Nguyệt Đường”– chữ này là chiết tự tên của Hồ Xuân Hương, mở hiệu sách phố Nam để bán sách, đọc sách và giao lưu cùng các thi nhân. Xuân Hương mở cuộc thi thơ, tìm được người chủ súy cho là Trần Ngọc Quán, Hội thơ có vừa đủ 28 văn nhân. Cũng bởi “nghiệp thơ níu người” nên thư sinh  Phan Tốn Phong – em họ Phan Huy Ích, đồng hương xứ Nghệ, cùng chí hướng văn chương, người viết lời tựa cho tập Lưu Hương ký của Xuân Hương và yêu nàng thơ say đắm, tiếc rằng hai người cũng không nên duyên đôi lứa.

Thời gian sau, “Trong số các thi hữu của Xuân Hương đến Cổ Nguyệt Đường có tri phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây” (trang 168). Xuân Hương gặp Trần Phúc Hiển lần đầu tại chợ Nghệ, (Sơn Tây) khi nàng đi hàng xén. Hai người trò chuyện tâm đầu ý hợp, mến nhau vì đức, trọng nhau vì tài. Mấy lần gặp sau ở phủ Tam Đái, tình cảm dành cho nhau càng dạt dào như sóng biển, cả hai cùng thề nguyền có nhau (trang 268). Phúc Hiển nhở Xuân Hương đặt bút hiệu cho mình là Sơn Phủ và lấy chữ Mai của nàng ghép vào để có tên Mai Sơn Phủ. Hai người định làm lễ cưới thì Phúc Hiển được thăng chức Tham Hiệp, chuyển nhiệm sở mới về Yên Quảng (Hạ Long ngày nay) đành lui lại, không ngờ sau đó mẹ của Xuân Hương ốm rồi mất. Đợi qua mãn tang mẹ, khi ấy Xuân Hương đã 44 tuổi, mới theo chồng về làm “Bà chúa Hải Đông”. Xuân Hương phận làm lẽ nhưng Phúc Hiền coi nàng như ngọc quý. Song “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ mới hơn một năm, họa tam tai bất ngờ ập đến. Phúc Hiển bị án thủ Dung, kẻ có tâm địa hẹp hòi ghét ghen hãm hại. Hắn lập mưu hèn kế bẩn, vu cho Phúc Hiển tội nhận hối lộ (bảy trăm lạng bạc) của dân. Theo hình luật của triều đình, chàng phải chịu tội chết. Cổ Nguyệt Đường và thơ văn ở đó cũng phải thiêu hóa lập tức để tránh họa lây. Xuân Hương một mình về quê chồng báo hung tin, làm đơn kêu oan, nhưng “Trời cao chẳng thấu oan chồng” (trang 311). Đến ngày 16 tháng 9 Kỷ Mão (1819), Phúc Hiển chịu án tử hình. Xuân Hương ở lại quê chồng sau lễ trăm ngày của người đã khuất, rồi xin phép trở lại Thăng Long để thờ cúng mẹ cha.

Từ đó, Bà không dạy học, cũng không giao lưu thơ phú nữa, sinh kế bằng việc bán hoa cúng cho các chùa. Năm 1822, vua Minh Mạng cho đổi tên phủ Tam Đái thành phủ Vĩnh Tường. Xuân Hương trở về nơi ấy, nhớ lại tình xưa, nàng đề thơ Khóc ông phủ Vĩnh Tường (trang 332). Ngày 14 tháng 8 năm đó, Xuân Hương qua đời ở tuổi 49.

Tang lễ của Xuân Hương được gia đình Tử Minh và bà con lo liệu chu đáo. Một học trò xuất sắc của nữ sĩ là Nguyễn Thị Hinh – tức bà Huyện Thanh Quan (có cha đang làm quan triều đình, chồng làm Tri phủ), biết rõ luật lệ: phủ Tây Hồ có nghĩa địa riêng chôn cất những người có danh tiếng trong xã hội. Nguyễn Thị Hinh nhờ cha và chồng thưa giúp với quan Tổng trấn Bắc Thành và Lý trưởng làng Nghi Tàm xin được chôn cất nữ sĩ Xuân Hương ở đó. Đơn ấy được chấp thuận,  phần mộ Xuân Hương được chôn cất tại nghĩa địa phủ Tây Hồ, bên đầm sen rộng toả ngát hương thơm (trang 334, 335).

3- Điểm mới khác cần ghi nhận ở tiểu thuyết là đã lý giải, làm rõ hoàn cảnh ra đời rất thuyết phục nhiều áng thơ hồ Xuân Hương. Những bài như: Mời trầu, Vịnh bánh trôi , Lấy lẽ, Vịnh Tổng Cóc, Đề đền Sầm Nghi Đống, Khóc ông phủ Vĩnh Tường… rất hợp với tình và cảnh, giúp người đọc tiếp nhận thơ Xuân Hương thuận lợi hơn.

Hồ Xuân Hương không chỉ là nữ sĩ duy nhất ở Việt Nam, Bà cũng là người phụ nữ duy nhất thế giới được UNESCO tôn vinh là "Danh nhân văn hóa" trong lĩnh vực văn học. Tiểu thuyết“Hồ Xuân Hương tiếng vọng” của Nghiêm Thị Hằng có ý nghĩa mở đường viết về bậc tài nữ kiệt xuất, lan tỏa những giá trị văn chương đích thực tới bạn đọc nước ta và cả bạn đọc thế giới./.

 

    N.T.T

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây