Đôi điều cảm nhận về tác phẩm thơ “Theo bước đường xuân”

Chủ nhật - 12/11/2023 17:52
thơ Nguyễn Thạc Lưu - NXB Hội Nhà văn, 2023
Đôi điều cảm nhận về tác phẩm thơ “Theo bước đường xuân”


     Trần Trang

     Tác giả nói với tôi rằng thời học sinh, ông từng ham thích và học khá môn văn. Tốt nghiệp cấp III, ông có nguyện vọng thi vào Trường Đại học Tổng hợp, nhưng rồi số phận đã đưa ông vào Học viện Thủy Lợi. Sau 36 năm chỉ quen với cây bút chì, chiếc máy chữ optima và ứng dụng autoket trên chiếc máy tính để thiết kế công trình. Năm 2002 ông về hưu và bắt đầu chuyên cần với cây viết của văn thơ.

Ông bắt đầu với việc làm chủ nhiệm CLb thơ ca làng Phan Long. Bắt đầu với những số báo tường, những tập nho nhỏ in lưu hành nội bộ; Bắt đầu từ tổ chức các sự kiện lớn cho Clb như giao lưu nhiều lần tại Xứ Đoài, viếng Lăng Bác Hồ và những đêm văn nghệ thơ ca, phục vụ lễ hội tại quê hương Phan long, Tân Hội. Bắt đầu từ xuất bản cuốn “ Bên dòng Nhuệ giang” nhiều tác giả của Clb năm 2010; Bắt đầu tham gia BCN, ban biên tập Clb Thơ Văn học Nghệ thuật huyện Đan Phượng, Clb Văn nghệ sĩ Xứ Đoài và bắt đầu in tác phẩm của mình “ Xuân muộn” - NXB Văn học năm 2014 .Ông nói khi tròn tuổi 70 mình mới có tác phẩm đầu tay nên đặt tên “Xuân muộn” là như vậy.

Xuân muộn mà sao ấm sắc trời
Ta - người cùng đón trọn niềm vui …

Xứ đoài lộng gió trời xanh biếc
Thơ làng thánh thót giọt xuân rơi!

Và năm nay cũng là kỷ niệm tròn 20 năm ông gắn bó với hội thơ quê hương, được gặp mặt bè bạn bốn phương trong buổi giao lưu thơ Mùa thu Hà Nội, ông lại có món quà “Theo bước đường xuân “ trao tặng mọi người.

Qua khổ tứ tuyệt trên, ông gián tiếp nói lên sự phấn khởi tự hào về những thành quả gặt hái được trong 12 năm bước trên chặng đường mới , sự tự tin và say mê hướng về khung trời tương lai đang chờ đón ông với vẻ đẹp của muôn vàn sắc xuân. Đó là khung trời của Thơ văn.

Với những bước đi nhanh nhẹn và khỏe khoắn chỉ 2 năm sau cùng một lúc ông cho ra đời hai tác phẩm “Hà nội một thoáng tôi yêu” “Nụ cười xuân xanh” - NXB HNV. Sáu năm sau ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và nay ông xuất bản tập thơ khi tròn tuổi 80 “ Theo bước đường xuân”

Xuân ơi! Xuân lại đến cùng tôi
Tám chục năm trời vẫn thế thôi
Con nước đầu thu chưa dứt chảy
Cánh buồm cuối hạ vẫn giong khơi

Đó lại thêm một cột mốc mới trong dòng chảy văn học, ở đoạn đường ông đang đi tiếp vẫn thấy khoan thai bình thản, vẫn sung sức và yêu đời. Biết rằng theo lẽ tự nhiên cái gì đến tất phải đến cái miền hư vô bí ẩn xa lạ kia mà ông đã hình dung ra trước : Non Đoài !

Ta đi theo bước đường xuân gọi
       Lồng lộng non Đoài sắc thắm tươi.

dưới con mắt của ông, nơi ấy thật là đẹp, vĩnh viễn là mùa xuân, xanh ngắt màu sắc xuân !

Tác phẩm “Theo bước đường xuân” gồm 60 bài thơ ông sáng tác trong thời kỳ 2016 đến 2022 .. trong đó 10 bài theo thể lục bát, 20 bài thơ Đường luật còn lại là thơ tự do, thất ngôn trường thiên, ,năm chữ, 6 chữ và đặc biệt có một bài thơ thử nghiệm 5/7.,

Về nội dung bao gồm chủ đề về quê hương đất nước, bạn bè, gia đình và bản thân, về thiên nhiên, con người và tình yêu, có khen, có chê và đặc biệt là có sự nhận biết trực quan những hiện tượng và sự vật hiện tại ( thời 4.0 ) và sự chiêm nghiệm của bề dày năm tháng mà thế hệ tác giả đã đi qua.

Ông ca ngợi tổng tống Mỹ Ôbama biết sử ta, ăn bún chả và đọc truyện Kiều. ca ngợi các chiến sĩ Công an quận bắc Từ Liêm với những thành tích xuất sắc làm theo 6 điều Bác Hồ dạy, sống vì dân vì nước; ca ngợi các y bác sĩ, quân đội, chính quyền chịu hy sinh gian khổ chống dịch covid để giành giật sự sống cho hàng vạn bệnh nhân, Ông tự hào về quê hương đổi mới xóa đói giảm nghèo, làm giàu và nâng cao văn hóa nhờ thực hiện chương trình nông thôn mới, Ông chia vui cùng đội tuyển bóng đá nam và nữ Việt nam với mùa một mùa xuân chiến thắng vang dội, hoan nghênh các CLb bạn hoạt động phát triển, chúc thọ và mừng bạn thơ có tác phẩm mới v.v…Ông xúc động trước Đại hội nhiệm kỳ của Hội nhà văn Hà Nội, đại hội của hy vọng và niềm tin! Ca ngợi những bóng hình áo tím, người giáo viên nhân dân gắn bó và thủy trung với sự nghiệp trồng người.Ông nhớ về Phan Long xưa quê hương ông, với dấu tích đặc trưng tiêu biểu của nền văn hóa cây đa – giếng nước – ngôi chùa, cổ kính và thiêng liêng.

Ông khắc họa đầy đủ hình ảnh những hàng quán cây xanh , thánh thót nhịp phách ca trù nhưng thấm đẫm máu và nước mắt vì B 52 giặc Mỹ tàn phá phố Khâm Thiên cũng như nhưng ký ức hơn trăm năm chai già, biểu tượng của kiến trúc cùng dấu tích tội ác chiến tranh mà giặc Mỹ gây ra với cây cầu Long Biên Hà Nội. Ông nghẹn ngào tưởng nhớ đến người chú và em con ông chú, hai cha con đều vì nước mà quên thân. Ông đau đáu ngậm ngùi nhớ mẹ cha mình, những người đã sống vất vả lam lũ và thiếu thốn tất cả dành cho ông nên người, mà:

“Tám mươi xuân đến giờ báo hiếu
chỉ có cơi trầu bát nước thôi“
 
Ông nhẹ nhàng tâm sự cùng người vợ đã bên nhau 50 năm, rằng
Khi xưa bà đến nhà tôi
Nhà tranh tường đất giấy bồi xi măng
Thế mà vẻn vẹn năm năm
Bà sinh ba đứa như rằm trung thu
Năm mươi năm trước tặng hoa
Cưới vàng tôi lại tặng quà bằng thơ
Từ thuở tám hoánh đến giờ
Có ai ngu ngốc dại khờ như tôi ?
 

Nếu sâu chuỗi những phân tích trên, tập thơ của Nguyễn Thạc Lưu xem ra chỉ đơn điệu và khô cứng?. Thưa không hẳn là như thế, ông cũng là người có tình yêu đằm thắm và pha chút hóm hỉnh, tươi trẻ đấy. Ông ví thiên nhiên tươi đẹp của ruộng bậc thang huyền ảo Mù Cang Chải, như hình ảnh người thiếu nữ ngủ trưa trong thơ Hồ Xuân Hương; ông đùa với Hoa Hướng Dương rằng blog bị mất sóng thì lên ngủ chơi cùng chị Hằng, ông trêu Quốc Luận đi tắm biển “chỉ muốn vơ lấy nhiều”, ông tấu hài vì đợt nóng ghê gớm và kéo dài

Nóng bốn năm hôm chim chẳng hót,
Nóng ba chín độ bướm ngừng bay

NÓNG

 Hay bắt thóp chị em phụ nữ

Em thích chồng em rửa bát,
Cọ nồi vo gạo nấu cơm
Em thích chồng em dọn dẹp
Em ngồi lướt mạng ai-phôn
                                   
EM THÍCH

Ông đặc biệt yêu thích những hoa lá cây cỏ trong vườn nhà mình và viết về chúng nhân cách hóa thành những người bạn, người tình của mình vậy.

Em đẹp em xinh trắng nõn nà
Phải chăng em sợ nắng thiêu da
Trăng lên lặng lẽ khoe hương nhụy
Đêm xuống âm thầm tỏa sắc hoa

  HOA QUỲNH

Như vậy thơ của ông có nhiều trạng thái cứng và mềm, thô ráp và mít ướt lôi cuốn được người đọc. Tuy nhiên điều đáng xem nhất, là những bài thơ mang tính chiêm nghiệm về nhân tình thế thái, những chủ đề chính trị , xã hộị và tình yêu mà ông viết rất công phu và đậm chăc. Như “ Ngược dòng”, “Đánh cược”, “Chữ Việt”, “Mưa”, “Đêm Khâm Thiên” , “Nguồn cội phồn sinh”, “ Bài ca nghề nhà giáo”, “Cầu Long Biên hai miền ký ức”, “Phan Long ơi”, “Con đường vì nhau”, “Nhớ mẹ cha” và bài thơ về mối tình đầu gắn với bút danh Đào Tuyết Thành của ông là bài “ Đò mơ”

Ơi bến Đò quan! Ơi Đào giang!
Mong một lần thôi tôi với nàng
Cho trăng khỏa lại niềm nhung nhớ
Lặn đáy sông kia mấy lỡ làng.

                                      HOA QUỲNH

Đó là những bài thơ làm nên nền tảng của tập thơ, định hình về nội dung và phong cách của tác gỉả, một thế mạnh về thơ tự do và thơ lục bát, bài thơ nào cũng có được sự phù hợp với cảm xúc của tác giả, diễn tả được chủ đề, ý tứ, giai điệu và lôi cuốn người đọc ..

      Hãy thử điểm qua một đôi nét minh họa trong loạt bài thơ trên :

    Bài thơ “Đánh cược” ông chấp nhận mình phải nhọc nhằn đi xe buýt, lầm lũi, bụi bậm, ồn ào chát chúa, nồng nặc khói xăng, mặn đắng mồ hôi để đi học, tìm đến với các bậc tiền bối để xin đánh cược với các cụ rằng ông và các thế hệ hậu duệ hứa sẽ tiếp nối tinh hoa của các cụ, nỗ lực phấn đấu không ngừng để tiến bộ, xứng tầm cùng các cụ “ để người mất, kẻ còn không đến nỗi xa nhau!”

Chịu ảnh hưởng mô típ của bài thơ “ Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, ông muốn có thêm một giai điệu song hành viết về tinh hoa văn hóa dân tộc Việt là bài thơ “ Chữ Việt” . Ở đó, chữ Việt có một nét đẹp vô song gắn với thiên nhiên, cuộc sống và con người Việt Nam ta:

Con chữ thiêng liêng người Việt Nam tôi
Chữ mềm mại như ngọn đòng lúa trổ
Chữ trong sáng như trăng treo đầu ngõ
Chữ tươi xinh thơm ngát đóa sen hồng

là tiếng ru của bà của mẹ, là sự đồng kham cộng khổ sẻ chia trong mưa lũ bão giông là tình yêu, niềm khát khao say mê của các em thơ, là ý chí kiên cường của 4000 năm xây dựng và bảo vệ đất nước, là nền tảng văn minh trong sáng và là tình yêu son sắt muôn đời của dân tộc ta

Chữ cao vút trên cột cờ Lũng Cú
Chữ lặng sâu nơi Tư Chính, Sinh Tồn
Triệu triệu năm giọt chữ chảy Sơn Đoòng
Và say đắm Vịnh Hạ Long hòn Trống Mái

Và là bản tuyên ngôn bất hủ của một dân tộc yêu tự do, độc lập, hòa bình.

Di chúc của Người trước lúc đi xa
Dòng chữ Việt lắng sâu từng nét một
Trăng vẫn sáng trên lầu Khuê Văn Các
Chữ hòa bình, giàu mạnh, hạnh phúc, văn minh.
 

Đến với loạt bài thơ về mưa, gió, Nguồn cội phồn sinh hay Phan Long ơi, ông trải tầm mắt mình với những góc nhìn sâu xa, bày tỏ những cảm xúc mật thiết về mối liên quan giữa con người và thiên nhiên. Đó là hiện thực có đồng điệu, có tưởng phản, có lợi và hại, song song tồn tại, không thể tách rời, đáng yêu và không đáng yêu, đáng nhớ hay lãng quên vào dĩ vãng :

Mưa
vẫn thầm lặng đến bên người
Chia sớt những nỗi niềm trăn trở
Chuyện hôm qua, chuyện năm tháng qua
Còn đó bao điều khó nói
 
Em ngả nón chao cội nguồn bình yên
         ngàn ánh sao vờn đáy gương xao động
Uống vào tim giọt lắng trong mạch sống
đôi quang thùng gánh những miền không quên
                                  PHAN LONG ƠI!
Mấy nghìn năm anh mải miết đi tìm
Nơi chất đọng những hình hài sông núi
Nơi sự sống căng phồng nóng hổi
Nơi vĩnh hằng của nguồn cội phồn sinh!
NGUỒN CỘI PHỒN SINH
 

Ta nghe những câu từ như nghẹn nấc viết bằng nước mắt khi ông phải chứng kiến hai cha con chú ruột ông hy sinh trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ,

Nghe như máu chảy về tim
Hình như con đã đi tìm thấy cha
Hai cha con đã một nhà
Thiên thu chẳng thể rời xa nữa rồi?
Nhà ta giờ giữa khung trời
Giọt mưa, giọt nắng, giọt đời nhớ thương
Hai cha con, một quê hương
Và hai trận chiến con đường vì nhau
                                               CON ĐƯỜNG VÌ NHAU

và nhớ về mẹ cha khuất núi mà đương thời từng gian lao vất vả tất cả dành cho con để ông trưởng thành, nên người hôm nay.

 
Mẹ ngồi khung dệt suốt đêm thâu
Lo con đi học muộn tiết đầu
Canh năm mẹ nấu niêu cơm nóng
Cho con ăn trước, mẹ ăn sau
Lặng lẽ mẹ cha cứ thương con
Mong cho nếp tẻ thảy vuông tròn
Tấm chăn dạ mỏng cha nằm rét
Nệm ủ rơm thưa, mẹ héo hon

NHỚ MẸ CHA

Mấy ai không khỏi bùi ngùi, xúc động và liên tưởng đến quê mình, gia đình mình hình như cũng đã từng có những câu chuyện như vậy. Mới hay, khúc tâm sự của tác giả nó da diết sâu lắng và thấm thía biết bao ! Nghĩ được như vậy, viết nên được như vậy bảo làm sao ông từng cố gắng sống ham muốn, mạnh mẽ và cống hiến nhiều đến thế ,Thậm chí đến tuổi bát tuần rồi vẫn còn muốn đi tiếp, đi mãi “theo bước đường xuân” trong sự nghiệp văn chương, đến khi buộc phải dừng chân nơi Núi Tản non Đoài.

Không thể không nhắc đến trong tập thơ còn có hai bài đáng chú ý nữa ĐÊM KHÂM THIÊN và CẦU LONG BIÊN HAI MIỀN KÝ ỨC.

Ông tâm sự rằng khi học cấp III và Đại học Thủy Lợi, ông từng nhiều lần qua lại phố Khâm Thiên. Hình như ông biết từng ngóc ngách và ngõ chợ của con phố này. Và khi liên tưởng đến trận B 52 giặc Mỹ ném bom hủy diệt cả dãy phố, giết hại gần 300 người bao gồm người già, phụ nữ và trẻ em cuối tháng 12/ 1972, ông đã rất xúc động và gửi vào bài thơ tất cả những hình ảnh của quá khứ một Khâm Thiên linh thiêng, sôi động và hào hoa

Đêm Khâm Thiên
Ngọn nến chao nghiêng mắt người kỹ nữ
Chén lưu ly tràn giọt say không ngủ
Sênh phách nhặt khoan, trống chầu thúc đổ
Khúc ca trù lơi lả mấy không gian

 

Ông tố cáo tội ác dã man diệt chủng của đế quốc Mỹ

Đêm Khâm Thiên
Hai trăm tám ba người không còn qua đêm
Nỗi tang tóc ngập tràn trong gạch đá
Miệng đứa trẻ vẫn ngậm bầu vú mẹ
Giọt màu đào loang lổ giữa bờ môi
 
Đêm Khâm Thiên
Đêm Giáng sinh hủy diệt loài người
Nó đến từ văn minh Hoa Kỳ hiểm độc
Đến từ những cánh diều hâu B 52 tàn ác
Tiếng trống trầu xé nát những vành nôi

cùng khúc bi tráng ca bất khuất anh hùng của người Khâm Thiên

Đêm Khâm Thiên
Người mẹ ôm con đứng suốt một đời
Như chứng nhân nghìn lời không nói hết
   Và Khâm Thiên lại hồi sinh với sức sống mới mạnh giỏi hơn xưa, lại vẳng khúc ca trù xênh xang đằm thắm, “một vầng trăng treo tròn trịa bên chùa”. Khâm Thiên, một biểu tượng của ý chí và truyền thống cách mạng anh hùng Việt Nam, nơi lần đầu tiên lá cờ nền đỏ sao vàng được chọn làm Quốc kỳ
Máu đã chảy thấm từng trang lịch sử
Để muôn đời mãi ghi nhớ Khâm Thiên.

      Bài thơ gửi dự thi kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên phủ trên không, được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trao giải thưởng.

      Còn với “Cầu Long Biên hai miền ký ức” một biểu tượng về kiến trúc độc đáo của Hà Nội, một kỳ quan của thế kỷ 19 ỏ Việt Nam đồng thời “là huyết mạch đi khắp miền đất nước”, “để Hà Nội thông thương ra thế giới” mang lại lợi ích to lớn để phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng là cây cầu mang trong mình kiêu hãnh và xót đau bởi nó được người Pháp dựng xây “bằng máu của người dân bản xứ” bởi nó là chứng nhân lịch sử khi đầu xuân 1947, bộ đội ta lặng lẽ dưới gầm cầu rút ra chiến khu cho đến ngày 10/10/1954 đoàn quân ấy hiên ngang về lại thủ đô trong niềm hân hoan chiến thắng, còn bọn giặc Pháp lê bước rút qua cầu về nước. bởi nó cũng là chứng nhân tội ác của giặc Mỹ bao phen điên cuống đánh phá làm sập hầu hết nhịp cầu, để bây giờ “nét tội ác trơ trơ còn đó  “như cái gai chọc vào mắt thần Tự do”.

Những chiến sĩ cao xạ đứng trên nóc cầu
Ngọn cờ đào phất cao giăng bầy lưới lửa
Bom Mỹ nổ người và cầu ngã đổ
Dòng chữ nghiêng vẫn còn đó một chữ vàng

Chiến tranh đã qua đi, quan hệ ngoại giao Việt nam - Hoa Kỳ đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện, vậy có nên trả lại nguyên xưa cây cầu với biểu tượng kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Hà Nội, khai thông dòng chảy cho sông Hồng, đảm bảo giao thông đường sắt và biến nó thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn thu hút nhiều khách tham quan và trải nghiệm giống như tháp Eiffel, hai công trình tương đồng như hai giọt nước ? Câu hỏi này đang được nhiều người dân và các cấp lãnh đạo thủ đô quan tâm thảo luận rộng khắp với nhiều ý kiến còn khác nhau. Nhưng với tác giả chính kiến của ông đã rõ.

Tôi ước ao cầu nguyên vẹn như xưa
Không còn thấy những cái gai nhưng nhức
Để Long Biên nối hai miền ký ức
Đôi bờ xanh của thành phố hòa bình.
 
Thơ mà ví như một bản tuyên ngôn lịch sử mang ý nghĩa quốc tế.

 

Đọc tập thơ trên một trăm trang với hàng ngàn câu chữ, nhưng ta nhận thấy toàn là chữ thuần Việt. Không lai Tây, lai Tàu; không phá cách đánh đố, không bí ẩn lạc lõng, êm ái du dương như 5 cung bậc của tiếng mẹ đẻ. Người già, trẻ nhỏ đều dễ đọc, dễ nhớ cảm thụ và chia sẻ, bởi đó là phẩm chất riêng của ông và rằng tập thơ mới, chỉ là 1/3 trong dự án “Theo từng con chữ” gồm cả truyện ký và thẩm bình văn chương ông đang hoàn thiện bản thảo.

Người viết bài này xin mạnh dạn nhận xét đây là một tác phẩm đáng trân trọng và yêu mến. Xin có lời khen ngợi dành cho nhà thơ tuổi 80 vẫn cần mẫn, hăng hái đi “Theo bước đường xuân” trong dòng chảy của văn thơ tươi xanh vĩnh cửu! Chúc tác giả có thêm nhiều tác phẩm mới, mạnh giỏi và hạnh phúc!

 

            8/2023- Tr. Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây