P. Gs, Ts, Nhà phê bình văn học Vũ Nho
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai là cô giáo, là Thạc sĩ văn chương, lại từng làm công tác nữ của Hội Nhà Văn Việt Nam, cán bộ Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam. Như thế chắc phải là người nghiêm túc, chững chạc, đứng đắn. Mà những sự ấy phải đạt đến mức cực đỉnh: cực nghiêm túc, cực chững chạc, cực đứng đắn!
Ấy thế nhưng có một nhà thơ vui nhộn, nghịch ngầm trong cái vỏ người cán bộ ấy luôn luôn cựa quậy, luôn luôn muốn thể hiện mình là một người vui tính, thích đùa, thích hài. Hễ có lúc nào không phải lên hội nghị, không phải lên bục giảng là cái con người thích đùa, thích hài ấy bỗng ùa ra như khoe rằng: Đây là một Nguyễn Thị Mai khác đó nha! Rất khác nhưng vẫn là Nguyễn Thị Mai cô giáo, Nguyễn Thị Mai cán bộ. Điều đó đã từng xảy ra trong tập “Thơ từ tin nhắn” ( tập thơ vui), 2020.
Trong tập này, dù đó không là điểu nổi bật. Nhưng vẫn thấy thấp thoáng Nguyễn Thị Mai thích vui, thích hài.
Này nhé, rủ nhau hội Khóa vào cái tuổi gần “cổ lai hi” tóc sương đã điểm mái đầu, ấy vậy mà thi nhân viết:
Gặp nhau cho thỏa tiếng cười
Chung vui chuyện cũ, ngắm người ngày xưa
Người ngày xưa đã đò đưa
Thì ôm một cái cũng thừa thỏa thuê
Đúng là quá tếu táo. Lại nhớ bài thơ trong tập “ Thơ từ tin nhắn” nàng thơ tuyên bố tỉnh queo :
Chúng mình đã trót cầm tay
Thì thêm một cái hôn này đã sao ( bài 46)
Tôi đã ngạc nhiên và khâm phục bình luận : “Chắc là đang bốc máu liều nên quên béng lời thơ “ Thêm một phiền toái thay” của chàng thơ lãng tử Trần Hòa Bình!”.
Đây là câu chuyện của bạn nhà thơ. Nhưng ai dám quả quyết đó không phải là chuyện của chính nhà thơ? Câu chuyện vui mà cũng đẫm nỗi buồn:
Bạn tôi quyết trốn những điều viển vông
Kể bao bực tức với chồng
Rằng không thể chịu những ông lão già
Chồng nghe vợ kể cười khà
Có gì mà phải kêu ca buồn phiền
Họ là thế giới người hiền
Yêu chay để tưởng tượng miền thiên thu […]
Bây gời bạn mới ngộ ra
Đơn côi, góa bụa, tuổi già, thật thương
Ước gì còn đẹp phấn hương
Có ba ông lão yêu thương chân thành
Nhưng tìm đâu nữa người lành
Lòng yêu, bạn cũng chòng chành yêu chay
(Cổ tích xửa xưa)
Người thì “yêu chay” tình yêu đơn phương, một chiều, một phía. Lai có kẻ “ Ngáo yêu” mới thật là…”hết thuốc chữa”. Đó là người “ Nhắn tin không biết mỏi tay/ Gọi điện không cứ là ngày hay đêm”:
Yêu như trái đất hết người
Chỉ còn hai đứa đười ươi là mình
Yêu như chết đuối biển tình
Có ai mách lẻo rập rình ghen tuông
( Ngáo yêu)
Có người thì say đắm với cái tình “na ná tình yêu”, cũng “thắm nụ tươi hoa”, cũng dằng dặc “nỗi nhớ vắt qua đêm dài”, nhưng, lại nhưng:
Nhưng rồi ai vẫn là ai
Buồn đau chưa sẻ chia hai bao giờ
( Chỉ là na ná tình yêu)
Tác giả cười những người mình được chứng kiến. Và cũng không ngại ngần cười cả chính mình:
Người xưa gặp lại thôi mà
Đã mờ kỷ niệm, đã xa tháng ngày
Sao mình run rẩy chân tay
Tim hồi hộp tựa sắp vay vàng mười
( Người xưa)
Chẳng biết đó có phải là anh chàng “nắng đính kèm sương”:
Anh yêu em đã lăn lóc trăng tròn
Gió nghe lỏm đã mấy lần thề ước
Nhưng chưa dám đính kèm em với cuộc đời anh phía trước
Thì chúng mình như nắng đính kèm sương
( Nắng đính kèm sương)
Xin dừng lại ở một bài thơ vui. Khi công bố trên mạng có tên “ Nghe em lên lão”. Bây giờ có tên khác “ Bài thơ viết hộ Trần lão”:
Trời ơi em vẫn trẻ xinh
Miệng cười tỏa nắng lung linh má hồng
Sau lưng còn ngỡ chưa chồng
Tóc đen, gáy trắng, vai bồng, eo thon
Mà sao đã bảy mươi tròn
Mà sao lên lão, lòng còn ắp xuân?
Tin như đại bác bắn gần
Em đùng một phát, anh dần…chết tươi
Ai tin em đã bảy mươi
Lạy em đừng nói với người em yêu
Tôi đã khen thực lòng những bài thơ hài vui, tếu táo của Nguyễn Thị Mai. Nhưng đọc kĩ lại tập “Thơ từ tinh nhắn” và những bài thơ hài trong tập này, bỗng giật mình phát hiện ra nàng Mai là người “Thích lời khen ảo”! Thế hóa ra là mình sai hết cả rồi! Sai bét! Đây nha:
Lời khen dào dạt, xuýt xoa
Ảo lời…ta cũng thăng hoa phiêu bồng
Mũi ta bánh rán phập phồng
Tim ta đập cả sang chồng sang con
( Thích lời khen ảo)
Ờ mà mình khen thực chứ có khen ảo đâu mà lo lắng nhỉ? Nhưng nhỡ đâu tác giả cứ khăng khăng xếp bài này vào lời khen ảo thì sao? Thì sao? Thì sao hả?
Thì cầu xin cho mũi vẫn lành và xin lỗi chồng , con tác giả! Xin hai chữ đại xá! Dù thế nào thì tôi vẫn cho rằng tôi khen thực! Và xin viện dẫn câu thơ của cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo : “Tin thì tin, không tin thì thôi!”
V.N. 15 /10/2023