Chân Hương

Thứ hai - 30/10/2023 08:21

                                                                

Truyện ngắn của Phan Long Định

          Khanh dắt cặp trâu vào chuồng và băm cây chuối cho chúng ăn thêm. Anh quay lại gánh đôi ô doa tưới cho vườn rau đang khô khốc. Trong khi đó vợ anh quần xắn cao quá gối, vừa nấu cơm chiều vừa phải chạy ra, chạy vào chăn gà, chăn lợn. Thường ngày những việc này có hai đứa con giúp. Hôm nay chúng đi lên thị trấn từ trưa vẫn chẳng thấy về, nên hai vợ chồng anh tất bật mãi. Trời tối rất nhanh và kèm theo khí lạnh tăng dần nhưng trán Khanh mồ hôi vẫn dịn ra. Đến lúc Khanh vào nhà thì Lan lo âu nói với chồng:
          - Hai đứa sao đi mãi vẫn chưa về, không biết hỏng xe hay tại bệnh tình hai bác lại dở chứng nữa.
          - Xe tôi mới đại tu thì làm gì hỏng được, chắc sức khỏe của hai bác ấy có vấn đề thôi - Khanh vừa trả lời vợ thì hai đứa con đèo nhau phóng xe vào sân.
          - Hôm nay trở trời, bác Tiến đã đau xương khớp lại thêm cả thần kinh tọa nữa. Bá Hải thì đến kỳ chạy thận, anh con phải đưa đi đến chiều mới về - Chưa kịp hỏi lý do thì đứa con gái đã nhanh nhảu dãi bày đúng như dự đoán của Khanh.
          Nghe con nói vậy, Khanh thở dài đầy lo âu.
Ăn cơm tối xong, Khanh ngồi uống nước và bàn với vợ:
          - Tình hình này chắc phải cho một đứa lên ở hẳn trên đó chăm sóc hai bác chứ cứ thế này tôi lo quá. Mẹ nó xem thế nào?
          - Thằng Khánh ra giêng nhập ngũ rồi. Cho con Hiền lên đó học có điều kiện giúp đỡ hai bác. Năm tới nó thi đại học rồi ông ạ.
          - Vậy để ngày mai tôi rủ bác Viên cùng lên bàn bạc với hai bác ấy xem sao.
          Khanh trả lời vợ và trầm ngâm suy nghĩ. Quá khứ trong Khanh ào ạt hiện về.
          Cái năm 1945 ấy, nạn đói hoành hành ghê gớm. Nghe nói dưới xuôi người chết đói la liệt khắp đường, khắp chợ. Có nhà bảy, tám người chết hết. Trên xóm Đình nhiều nhà cũng phải lên rừng đào củ mài, củ nâu về ăn thay cơm. Một buổi chiều người ta thấy bà Sự dắt một đứa con trai tầm mười tuổi từ chợ về. Đứa trẻ ăn mặc rách rưới, gày còm, da xanh bủng, mắt thô lố, dáng đi lờ đờ mệt mỏi. Có người hỏi thì bà Sự cho biết:
          - Tôi ra chợ thấy thằng bé này đi ăn xin, tôi cho nó cái bánh tẻ, nó ăn ngấu nghiến. Thương tình tôi rủ về thì nó theo luôn. Chẳng giàu có gì, nhưng cứ cho nó ở chăn trâu, có miếng ăn cho khỏi phải tội.
          Nói vậy nhưng thực tình ông bà Sự là người giàu nhất xóm Đình, thậm chí nhất xã. Nhà ông bà đã có mấy người đến làm thuê. Được cái ông bà rất hiền từ, không bao giờ chửi mắng người làm thuê. Công cán đều tính toán sòng phẳng. Thế nên ai cũng yêu mến. Việc giàu có là do từ đời ông cha để lại, cùng với việc biết tính toán làm ăn nữa. Như trường hợp thằng bé Hậu chẳng hạn. Sau khi bà Sự đưa nó từ chợ về. Bà sắm quần áo, rồi lặng lội lên rừng hái lá thuốc về chữa ghẻ cho Hậu. Hằng ngày Hậu đi chăn trâu cùng lũ trẻ trong xóm, nó đã nhanh nhẹn, cười đùa suốt ngày. Nếu là người lạ thì chẳng ai biết Hậu là đứa ở cả. Hậu cứ thế lớn lên, chẳng mấy chốc đã trở thành một chàng trai to cao vạm vỡ, khỏe mạnh, điển trai. Thế rồi cô Xuân là con gái út của ông bà Sự đem lòng yêu thương Hậu. Biết được chuyện ông bà Sự ra sức phản đối. Lần đầu tiên người ta thấy bà Sự bực tức chửi rủa Hậu và Xuân thậm tệ. Thế nhưng bỏ qua mọi lời khuyên can, chửi bới của bố mẹ. Xuân vẫn cứ quyến luyến và đòi lấy Hậu bằng mọi giá. Bà Sự điên tiết đuổi thẳng Hậu và Xuân ra khỏi nhà. Hai đứa dắt díu nhau ra đi và làm một túp lều gần bìa rừng ở mà chẳng cưới xin gì. Hằng ngày Hậu đi làm thuê, còn Xuân ra chợ cất mắm tôm về đựng vào ống nứa gánh đi khắp hang cùng ngõ hẻm để bán. Mấy năm sau lần lượt ba đứa con trai của họ là Tiến, Viên và Khanh ra đời. Nhìn những đứa cháu ngoại còi cọc, rách rưới. Ông bà Sự thương hại, nên làm cho vợ chồng Xuân cái nhà gỗ xoan và chu cấp thêm tiền để nuôi con. 
          Vợ chồng Xuân chắt bóp nuôi con ăn học. Không phụ công ơn bố mẹ và ông bà ngoại, Tiến đã cố gắng nỗ lực học hết cấp ba và thi đỗ đại học nông nghiệp. Tiến được phân công về làm việc trên huyện. Do hoàn cảnh nên Viên và Khanh chỉ học hết cấp hai. Viên xin vào công nhân lâm nghiệp, còn Khanh xung phong đi bộ đội. Giải phóng miền Nam, Khanh trở về ở cùng bố mẹ. Sau khi Tiến và Viên yên bề gia thất thì ông Hậu đột ngột qua đời. Hoàn cảnh một mẹ, một con có nhiều khó khăn nên gần bốn mươi tuổi Khanh mới lấy vợ tại quê.
           Hải là vợ Tiến làm ở phòng Tài chính huyện. Hải có bố là Giám đốc ty Tài chính tỉnh. Chính vì có chỗ dựa vững chắc, chẳng mấy chốc Tiến leo lên chức Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó chủ tịch rồi Chủ tịch huyện. Vợ chồng Tiến đẻ được ba đứa con, hai trai một gái và xây được một ngôi nhà ba tầng to cao, lộng lẫy nhất phố huyện.
          Một lần vợ chồng Tiến đưa con về quê chơi. Thấy bà cụ Xuân già nua, ăn mặc nhếch nhác lại phải chăm bẵm thằng con mới tập bò của Khanh. Hải cằn nhằn:
          - Sao chú thím không biết chăm sóc người già nhỉ, đã ăn uống kham khổ lại còn phải trông thằng cu này nữa. Cứ điệu này chả mấy mà bà đi theo ông mất thôi.
          Nghe chị dâu nói, Lan xịu mặt:
          - Bọn em biết vậy nhưng hoàn cảnh bọn em khó khăn quá. Mà tại mẹ cứ đòi trông thằng cu cơ.
          - Thôi thế này! Vợ chồng anh chị đưa bà lên để phụng dưỡng. Chú thím cũng rảnh mà bà cũng được chăm sóc tốt hơn - Hải nói một cách dứt khoát.
          Thế là bà cụ Xuân theo vợ chồng con cả lên phố huyện sinh sống.
          Những ngày đầu, bà cụ được Hải chăm sóc thật chu đáo. Hải bố trí cho mẹ chồng ngủ trên một phòng tầng ba khép kín, có cả máy điều hòa nhiệt độ nữa. Hằng ngày đến bữa ăn Hải sai các con lên dắt bà cụ xuống ăn cùng cả nhà. Lúc đầu, mấy đứa tranh nhau lên dắt bà nội. Nhưng sau chúng đùn đẩy thậm chí ì ra chẳng đứa nào đi. Chúng thay nhau gào lên gọi bà nội xuống ăn cơm. Tiếng gọi của chúng như thể những người đi rừng gọi nhau vậy. Bà cụ Xuân nặng tai lại đóng kín cửa phòng nên không nghe tiếng. Thế là Hải phải lên đưa bà xuống. Thấy căn phòng bà cụ bừa bộn, Hải dọn dẹp và sắp xếp lại với vẻ khó chịu. Khi dọn đến toa lét, thấy cái ghế của xí bệt đầy vết chân và bị vỡ một một miếng. Hải nhìn bà cụ và nói:
          - Sao mẹ lại trèo lên cái ghế để nó vỡ ra thế này? Mẹ phải ngồi bệt xuống chứ.
          - Mẹ biết, nhưng ngồi bệt không quen. Có hôm ngồi hẳn nửa tiếng nhưng không đi được con ạ - Bà cụ tỏ vẻ sợ sệt nói.
          - Không quen thì phải tập chứ, đến trẻ con nó cũng chả bao giờ trèo lên như mẹ đâu. Mẹ có biết cái ghế xí bệt ấy bao nhiêu không? Hơn ba trăm đấy.
          Nói rồi Hải bước thình thịch xuống tầng dưới. Bà cụ Xuân run lẩy bẩy nhìn theo Hải rồi kéo vạt áo lên lau nước mắt.
          Hôm sau bà cụ Xuân nói nhỏ với Tiến:
          - Con cho mẹ xuống tầng dưới thôi, ở trên ấy không chịu được đâu.
          - Sao thế mẹ? - Tiến ngạc nhiên hỏi.
          - Trến ấy một mình buồn lắm mà lại nóng nữa.
          - Thì mẹ bật điều hòa lên.
          - Chị Hải bật cho rồi, nhưng đêm lại rét quá. Có đêm mẹ phải ra sân thượng ngồi hóng gió đấy. Hôm nọ mẹ làm vỡ cái hố xí rồi.
          - Làm sao mà vỡ được cái hố xí chứ? - Tiến lại ngạc nhiên hỏi.
          - Mẹ trèo lên - vừa nói bà cụ vừa lần trong cạp váy lấy một cuộn tiền lẻ quăn queo và nói - Con cầm ba trăm này mua cái khác cho mẹ.
          - Trời đất đất ơi! Đấy là cái ghế xí bệt. Thôi mẹ cất tiền đi. Mai con bảo đứa ở văn phòng đến thay cái khác.
          - Nhưng mà vẫn phải cho mẹ xuống dưới này thôi, kê cho mẹ cái giường dưới bếp cũng được. Đến bữa không phải lên dắt mẹ nữa. Ở dưới này mẹ đi ngoài ngồi xổm quen hơn.
          Thế là bà cụ được chuyển xuống một phòng giáp với phòng bếp.
          Bà cụ Xuân nghiện trầu không từ thời con gái. Hôm bà lên phố, vợ Khanh sắp trầu không và rễ sẹt thành một bịch to cho bà mang theo. Tuần đầu bà ăn thoải mái, nhưng sau bà phải ăn dè. Từ mỗi ngày khoảng hơn chục miếng, đến nay bà chỉ còn được ăn một miếng. Mồm miệng nhạt thếch, bà lừ khừ như người ốm, nhưng chẳng dám nói với vợ chồng Tiến. Vợ chồng Tiến đi làm, các cháu đi học hết. Cổng nhà được khóa chặt. Bà cụ Xuân cứ đứng bên trong cổng nhìn ra đường, thấy ai ăn trầu đi qua, bà gọi với xin một miếng. Gần nhà có bà cụ Phượng ăn trầu thỉnh thoảng tiếp tế cho bà. Nhưng hai cụ chỉ được nói chuyện với nhau qua song sắt cổng.
          Một hôm có đôi nam nữ là nhân viên của Tiến đến chơi. Đúng lúc đó bà cụ Xuân vừa tắm xong. Bà mặc cái váy đụp, nhưng chưa mặc áo. Đôi vú nhão nhèo thỗng thệ buông xuống, lúc lắc. Bà cứ thế đi lên phòng khách. Cậu nhân viên nhìn thấy quay mặt đi bụm miệng cười. Hải cùng chồng đang tiếp khách giận dữ rít lên:
          - Mẹ hay thế nhỉ! 
Vừa nói Hải vừa chạy đến lôi xềnh xệch bà cụ vào phòng. Cô nhân viên chạy theo, thanh minh cho bà cụ:
- Không sao đâu chị, người già mà. Mẹ chồng em ở nhà vẫn thường xuyên như thế chị ạ.
Sau khi mặc cái áo cánh gọn gàng. Cô nhân viên dắt tay bà cụ ra bàn uống nước. Bà cụ Xuân têm miếng trầu bỏm bẻm nhai. Nước quết trầu xều ra hai bên mép đỏ lòm rớt xuống ngực áo. Thấy Hải lừ mắt, bà cụ liền móc cái khăn thâm xì trong túi áo ra lau vội. Bà cúi xuống nhổ quết trầu vào cái bô. Nhưng vì bà quên mở nắp bô nên quết trầu bắn toe toét ra sàn nhà. Hải không chịu được nữa, bực mình kêu lên:
- Khiếp quá đi mất! Mẹ vào ngay trong buồng cho con nhờ!
Hải vội huỳnh huỵch xuống bếp lấy cây chuổi lau nhà lên lau chùi một cách giận dữ. Bà cụ tỏ vẻ biết lỗi, ngượng ngùng đứng dậy lần vào buồng. Cậu nhân viên chạy theo dúi một tờ tiền xanh xanh vào tay cụ.
Sau khi khách đã về hết. Bà cụ Xuân lại lần ra phòng khách. Trên tay cụ cầm tờ tiền và nói:
- Cái cậu ấy cho tôi tờ tiền âm phủ này.
- Âm phủ đâu mà âm phủ, đô la đấy! Một trăm đô những hơn hai triệu bạc của người ta mà mẹ nói vậy - Hải vẫn chưa hết bực mình nói gắt với bà cụ.
- Thì tôi biết đâu đấy. Này tôi cho chị thôi chứ tôi có tiêu gì đâu, mà làm sao tôi biết tiêu tiền này.
Hải mừng rỡ đón lấy tờ tiền trên tay bà cụ và mỉm cười với chồng. Tiến lườm Hải một cái rõ dài.
Thế rồi bà cụ ốm. Vợ chồng Hải đưa cụ đi nằm bệnh viện. Hải nhắn vợ Khanh và vợ Viên lên đỡ mình trông nom bà cụ. Nhưng hai chị em bận việc nhà và đang chạy tiền nên chưa lên được ngay. Bà cụ hơi đỡ thì Hải xin cho cụ ra viện. Hải gọi xe của ủy ban huyện đưa thẳng bà cụ về nhà Khanh. Hải hớn hở nói:
- Chú thím thông cảm cho anh chị. Việc nhiều quá nên không thể trông nom được, mà cụ cứ đòi về. Thôi thì chú thím chịu khó, anh chị hỗ trợ cho cụ mỗi tháng hai triệu nhé.
Nghe chị dâu nói vậy, Lan rơm rơm nước mắt đáp lời:
- Vâng! Vợ chồng em sẽ chăm sóc cụ. Khoản tiền nong anh chị còn phải lo cho bọn trẻ ăn học, anh chị đừng bận tâm.
Bà cụ Xuân tươi tỉnh nựng thằng con của Khanh trong lòng một cách chìu mến. Vợ chồng Hải vui vẻ ra về. Lan nhìn theo chiếc xe con lẩm bẩm:
- Hừ! Bà Hải cứ tưởng bở.
- Ừ! Hôm đưa bà đi lên đó, tôi biết ngay chỉ được ba bảy hai mốt ngày là cùng. Cái mã bà Hải có mà… Vợ Viên cũng vào hùa:
- Thôi mà các bà! Anh chị ấy người nhà nước bận nhiều việc - Khanh vội cắt lời hai người.
Nghe Khanh nói vậy hai chị em nhìn nhau cười trừ. Tiếng thằng bé bi bô làm cho ngôi nhà đầm ấm trở lại.
Những đứa con của Tiến sức học chỉ nhàng nhàng nhưng đều được vào học các trường chuyên nghiệp. Thằng cả vào học trung cấp công an hệ cử tuyển, thằng thứ hai học đại học luật hệ tại chức. Riêng đứa con gái út thi được vào khoa mầm non, trường Cao đẳng sư phạm tỉnh. Sau khi tốt nghiệp, đứa cả được làm tại công an huyện, đứa thứ hai làm tại Viện kiểm sát tỉnh và đứa út dạy học ngay tại thị trấn huyện. Thế là vợ chồng Tiến đã lo được việc làm ổn định cho các con. Bà cụ Xuân vui mừng lấy đó làm tấm gương để nhắc nhở những đứa con của Viên và Khanh noi theo.
Vào dịp cuối năm, đợt gió mùa đông bắc mạnh kéo về. Cái lạnh tê tái đã quật ngã bà cụ Xuân hơn tám mươi tuổi. Vợ chồng Viên và vợ chồng Khanh lo cuống lên bàn nhau đưa cụ đi bệnh viện. Bà cụ Xuân thều thào khuyên các con:
- Các con đừng… đưa mẹ… đi đâu nữa…cứ để mẹ… được… chết ở nhà thôi.
- Mẹ ơi! Mẹ phải lên bệnh viện chữa chạy mới khỏe lại được chứ - Lan vội vàng an ủi mẹ.
- Không được… nữa đâu… mẹ tự lượng được sức… mình mà. Các…các con…phải bảo nhau… đoàn… đoàn kết, yêu… yêu thương, đùm… đùm bọc…
Tiếng bà cụ cứ đuối dần. Đến gần sáng hôm sau, cụ trút hơi thở cuối cùng. Đám ma cụ được mấy anh em Tiến tổ chức chu đáo. Xong công việc, cái hòm đựng phong bì tiền phúng viếng được đổ thành một đống lớn giữa nhà. Ba anh em trai và Hải cùng những đứa con Tiến ngồi xung quanh. Tiến đề xuất:
- Theo anh thế này: anh em mình không cần bóc phong bì nữa, vừa mất công, vừa không hay khi người ta nhìn vào.
Viên và Khanh không hiểu chợt cùng nhìn vào mặt Tiến như dò hỏi. Tiến vội thanh minh:
- Có nghĩa là ta cứ lựa chọn theo tên ghi trên phong bì. Bạn bè của ai thì người đó giữ để sau này còn trả nợ.
- Nhưng như thế thì biết thế nào mà lần hả anh? - Viên vẫn thắc mắc.
- Có gì mà khó nhỉ, sau này của ai thì người đó tự kiểm rồi ghi lại.
Nghe Tiến nói, Viên và Khanh vẫn trầm ngâm. Tiến tỏ ra khó chịu, anh bới trong đống phong bì lấy hai cái dày cộp. Tiến xé toang một cái, những tờ đô la xanh biếc mệnh giá mỗi tờ một trăm đồng lả tả rơi xuống chiếu. Tiến vội nói:
- Tôi nói ví dụ “thằng” dự án huyện này chẳng hạn. Biết tôi chuẩn bị chuyển ra tỉnh, nên nó muốn tôi ký ngay cho chúng nó cái dự án xây dựng hạ tầng của mấy xã phía nam huyện, chờ “thằng” Chủ tịch huyện mới thì chúng nó chả đói nhăn răng ra à? Đấy các chú xem, một… hai… ba… hai mươi tờ, vị chi riêng “thằng” này hơn bốn mươi triệu. Vậy các chú có trả nợ được chúng nó không? Rồi Tiến giơ cái phong bì thứ hai ra trước mặt mọi người nói tiếp - “Thằng” giáo dục này nữa, đang muốn tôi ký duyệt cho trên hai trăm biên chế giáo viên của huyện đây mà. Không đơn giản như các chú nghĩ đâu.
Nghe chồng phân tích một hồi dài, Hải vội đỡ lời:
- Anh Tiến nói đúng đấy các chú ạ. Cái này là mang nợ chứ có phải được ăn không của người ta đâu. Anh chị cũng lo lắm đấy.
          - Bạn bè chúng cháu đến viếng bà đông lắm, chúng cháu cũng phải trả nợ - đứa con trai lớn của Tiến cũng xen ngang.
          - Nhưng em thấy nếu thế thì vợ chồng chú thím Khanh thiệt quá vì đã phải chi từ đầu đến giờ khá nhiều rồi - Viên ái ngại nói.
          - Riêng việc ấy chú Khanh thống kê đầy đủ, hết bao nhiêu vợ chồng tôi đảm bảo sẽ chịu tất. Các chú không phải bận tâm. Như thế được chưa?
Sau khi Tiến nói vậy, Khanh buồn rầu gật đầu. Thế là cuộc chia phong bì diễn ra nhanh chóng. Hơn hai phần ba số phong bì đã thuộc về Tiến. Khi chuẩn bị về, vợ chồng Tiến đến thắp hương trước di ảnh mẹ. Hải cởi cái áo xô cùng với cái khăn tang vo tròn, đặt cạnh lư hương nghi ngút khói và nói:
- Thôi! Những thứ này cứ để lại đây, mai về kiếm cái băng tang đen đeo vào ngực mấy ngày là được rồi, chứ cứ tùng tằng thế này bất tiện quá.
Thấy vợ làm vậy, Tiến và mấy đứa con cũng làm theo. Vợ chồng Tiến và mấy đứa con hớn hở ngồi vào chiếc xe con đang nổ máy chờ sẵn ngoài sân. Chiếc xe ì ì lướt nhẹ đi để lại một làn khói khét lẹt.

images2922869 1truyenngna
      Minh họa: ST

 
          Chuẩn bị giỗ đầu mẹ. Vợ chồng Tiến lại về triệu tập các em đến bàn bạc. Tiến vẫn chủ động:
          - Anh là con trưởng, việc giỗ mẹ sẽ tổ chức tại nhà anh. Kể cả giỗ bố cũng để anh chị đảm nhiệm hết. Như vậy cũng đỡ được cho chú thím Khanh không phải lo chạy vạy.
          Sau một hồi im lặng, Khanh lên tiếng:
          - Nhưng em dự kiến mời bà con hàng xóm một bữa để cảm ơn. Nếu ra chỗ bác, em thấy bất tiện quá.
          - Cái chú này lạc hậu bỏ mẹ. Bây giờ ta chỉ mời những chỗ thân cận thôi chứ chú bày vẽ ra cả làng cả tổng làm gì? Phải bớt hủ tục rườm rà đi, như anh trên đó chỉ mời lãnh đạo với một số ban ngành liên quan thôi chứ đâu có mời cả huyện, cả tỉnh – Tiến cắt ngang lời Khanh.
          - Nhưng bố mẹ mình nhắm mắt xuôi tay ở nhà chú Khanh, mà ý nguyện của mẹ cũng…
          Viên chưa nói hết câu, Tiến lại cắt lời:
          - Còn chú nữa. Chú nói vậy thế mẹ có di chúc không? Hay mọi người nghĩ vợ chồng tôi kinh doanh? Anh em trong nhà phải đoàn kết thống nhất chứ. Các chú không bàn vào lại cứ bàn ra là thế nào?
          - Thế trước đây giỗ bố vẫn làm tại nhà chú Khanh đó thôi - Viên vẫn tiếp tục vớt vát.
          - Thì trước đây còn mẹ, cho nên giỗ tại nhà chú Khanh là đúng. Nay mẹ mất rồi thì anh là con trưởng, các em phải theo chứ còn thế nào nữa.
          Cuộc bàn bạc gần như trở thành cuộc đôi co. Cuối cùng Tiến kết luận một cách dứt khoát:
          - Thôi! tùy các chú ở quê làm thế nào thì làm. Còn anh xin ba cái chân hương để về nhà anh tổ chức giỗ.
          Thế là Tiến đùng đùng đi về phía bàn thờ mẹ nhổ ba cái chân hương gói vào tờ báo do vợ chuẩn bị sẵn. Tiến quay ngoắt ra cửa vừa đi vừa lẩm bẩm:
          - Hừ! Ba cái việc cỏn con… lãnh đạo người ngoài còn dễ hơn.
          Vậy là việc giỗ đầu bà cụ Xuân được tổ chức cùng một ngày tại hai nơi. Tại nhà Khanh, khách mời bà con cô bác, bạn bè của Viên và Khanh ở quê. Điểm tại nhà Tiến, khách gồm các lãnh đạo tỉnh, huyện và một số cơ quan liên quan. Có người thắc mắc hỏi vợ chồng Tiến tại sao không thấy anh em dưới quê lên làm giỗ. Vợ chồng Tiến chỉ cười trừ lảng sang chuyện khác.
          Trước khi vợ chồng Tiến nghỉ hưu, Tiến dựng vợ gả chồng cho cả ba đứa con. Anh cũng đã mua đất làm nhà cho vợ chồng đứa con trai cả. Còn vợ chồng đứa con trai thứ hai đang ở cùng vợ chồng Tiến. Đứa con gái út lấy chồng là giáo viên dạy cấp hai ở xã vùng cao. Nhìn cảnh con cháu đề huề, vợ chồng Tiến vô cùng phấn khởi.
          Nhưng rồi một chuyện tày trời xảy ra. Đó là đứa con trai cả của Tiến tiếp tay cho đứa em trai chạy án một vụ án kinh tế lớn. Sự việc bị phát giác, nên cả hai đều bị xử phạt tù. Đứa con dâu thứ hai kết bè với một số người bị vỡ hụi nên trốn biệt tích. Trước khi trốn, nó đã cuỗm của vợ chồng Tiến một số tiền lớn. Đã thế đứa con gái út lại bỏ chồng con, cặp bồ với một tên người Hoa buôn đá quý chạy sang Trung Quốc. Hằng ngày vợ chồng Tiến luôn bị một số người lạ đến xiết nợ, trong đó có cả những tên lưu manh, xăm trổ đầy mình, bặm trợn, thô tục làm cho vợ chồng Tiến lo sợ mất ăn, mất ngủ. Đồ đạc đắt tiền trong nhà cứ thế lần lượt “đội nón” ra đi. Bệnh tình của vợ chồng Tiến theo đó ngày càng tăng nặng.
          Một hôm Tiến đi cái xe máy cà tàng về quê. Chẳng dám nhìn ai, anh đi thẳng về nhà Khanh. Nhìn Tiến râu ria xồm xoàm, mặt mày hốc hác nên mãi Lan mới nhận ra. Tiến rưng rưng nói với vợ chồng Khanh:
          - Anh chị mất hết rồi, từ con cái đến tiền bạc không còn gì nữa. Bây giờ không biết phải tính toán thế nào cả. Trời phạt anh chị đó mà. Anh ân hận quá. Anh chị phải bán cái nhà trên đó để trang trải mới yên thân. Anh về xin chú thím mảnh vườn nhỏ để làm cái nhà tá túc lúc cuối đời thôi. May còn giữ được cái sổ lương hưu.
          Sau một lúc trầm ngâm, Khanh mới lên tiếng:
          - Vâng! Cũng đành phải thế thôi.
- Giá ngày trước anh chị đừng quá coi trọng đồng tiền, dạy dỗ các cháu đến nơi đến chốn thì đâu có cơ sự này - Tiến ngậm ngùi than thở. 
Thế là ngôi nhà gỗ nhỏ được dựng ở cuối vườn nhà Khanh. Vợ chồng Tiến âm thầm không muốn giao du với bà con hàng xóm nữa.
Một cái tết lặng lẽ đến. Sáng mùng một tết, ba anh em ngồi quanh mâm rượu tại nhà Khanh. Tiến nhìn về phía bàn thờ bố mẹ và thì thầm với các em:
- Anh chị thật là có lỗi với vong linh bố mẹ, với các em nhiều lắm. Các em bỏ qua cho anh chị nhé.
- Thôi mà anh, chuyện qua rồi nhắc lại làm gì nữa. Sông có khúc, người có lúc. Anh em mình đừng vì đồng tiền, vì cái lợi trước mắt mà quên tình nghĩa anh em ruột thịt là tốt rồi. Thôi anh em mình cùng cụng chén chúc mừng năm mới nào – Viên nói to để phá tan bầu không khí trầm buồn.
  Ba anh em cùng nâng cao chén rượu. Tiếng nói cười xôn xao, hồ hởi của những người đi du xuân vọng lại. Một làn gió xuân ấm áp thổi nhẹ làm rung rinh những cánh đào rực rỡ trước hiên nhà.
P.L.Đ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây