ĐẶT TÊN
Mẹ đặt con
Tên Thắm
Đời sao lắm... mờ phai,
Mẹ đặt con
Tên Lúa
Rơm thơm hơn huệ nhài,
Mẹ đặt con
Tên Mai
Thương ngày dài lấm láp,
Mẹ đặt con
Tên Hạt
Vơi bát mồ hôi cay.
Mỏng manh níu thân gày
Tay trắng về khuất núi
Ngước trời cao con hỏi
Đất mẹ
Ai đặt tên?
Nguyễn Mạnh Dưỡng
Lời bình của nhà thơ Ngô Ngọc Thăng
Người đàn bà từ khi sinh con đã được phong thiên chức làm mẹ, dường như tạo hoá đã phân định, đó là thiên hướng của xã hội, là nghĩa vụ cao cả thắm tình nhân ái của con người, dù đầy vất vả gian truân không ai có thể thay thế được. Từ xưa đến nay rất nhiều người viết về đề tài người mẹ, song mỗi người đều có một cách khác nhau.
Tình cờ đọc bài thơ “Đặt tên” của nhà thơ Nguyễn Mạnh Dưỡng trên trang nhavanhanoi.vn nhân ngày 20/10 năm nay, tôi thấy đây là bài thơ khá, tác giả chú tâm vào những tố chất sâu đậm về đề tài người mẹ.
Bài viết ngắn gọn theo thể ngũ ngôn, tác giả đã cải tiến bằng phương thức giật cấp xuống dòng, mục đích làm tăng độ nhấn của câu chữ. Điểm khai thác chính của chủ đề này là đưa những ngôn từ mang tính ẩn dụ, triết luận, suy cảm.
“Đặt tên” tác giả sắp đặt theo bốn giai đoạn khác nhau, như những định đề, mở ra bước vận động câu chữ cho mỗi quãng thời gian của đời người mẹ. Việc đặt tên chỉ là cái cớ “tuy thế nhưng không phải thế”, ở đây câu chữ không hiển diện ra bên ngoài, “Đặt tên” còn mang một hàm súc ẩn ý cho việc dụng công vào sự phát triển của nội dung bài thơ.
Khổ thơ thứ nhất: “Mẹ đặt con /Tên Thắm/ Đời sao lắm... mờ phai”. Người mẹ khi bước vào ngưỡng cửa của gian nhà hạnh phúc, hướng tương lai với bao điều ước mơ tươi thắm: “Mẹ đặt con tên Thắm”. Câu thơ trên có tính khái quát như nói lên điều không thuận khi việc đặt tên cho con “con tên Thắm”, đã trở thành nỗi niềm tâm trạng, như có điều trăn trở bi đát trong cuộc đời làm mẹ. Lời thơ mang nặng điều suy tư đầy thương cảm của tác giả: “Đời sao lắm mờ phai”
Khổ thơ thứ hai: “Mẹ đặt con/ Tên Lúa/ Rơm thơm hơn huệ, nhài”. Tác giả lấy cây lúa làm tiêu đề, lối viết theo hướng suy luận, trong đó có cả ẩn dụ, so sánh. Câu thơ được ví như thân cây lúa, từ lúc “thời con gái” đến lúc ôm đòng, chắt chiu dòng sữa ngọt hình thành lên những hạt thóc nuôi sống con người, còn lại sợi “rơm thơm” tình nghĩa - Đó là hình tượng người mẹ, một giá trị nhân văn, một thành quả nuôi con “trồng người” một công việc cao cả của xã hội, tiếng thơm còn lưu mãi chứ đâu chỉ thoảng qua như những loài hoa: “Rơm thơm hơn huệ, nhài”.
Khổ thơ thứ ba: “Mẹ đặt con/ Tên Mai/ Thương ngày dài lấm láp”. Một hình thức dùng chữ “Mai” cho câu thơ mang tính suy luận “hôm mai”, “buổi mai” hay từ “sớm ban mai” bước chân mẹ đã vất vả lặn lội lo kiếm miếng cơm manh áo nuôi con, đến khi một ngày khép lại. Câu thơ nén lòng đầy cảm xúc “Thương ngày dài lấm láp”.
Khổ thơ thứ tư: “Mẹ đặt con/ Tên Hạt/ Vơi bát mồ hôi cay”. Đây là thành quả lao động trồng cây đến ngày thu hoạch “quả tròn, hạt mẩy” một kiểu dùng từ “Hạt”: “Mẹ đặt con tên Hạt” một ẩn ý về bước mẹ đã đến cuối đoạn trường “vơi gánh, nhẹ chân” cũng là đồng nghĩa với việc hoàn thành nghĩa vụ của đời người mẹ nuôi con trưởng thành “vơi bát mồ hôi cay”.
Đoạn cuối của bài thơ: “Mỏng manh níu thân gày/ Tay trắng về khuất núi/ Ngước trời cao con hỏi/ Đất mẹ ai đặt tên?”.Chân dung người mẹ đã hiện lên khi tuổi đã về già sau quãng đời với bao khó khăn vất vả nuôi con, nay đứa con đã trưởng thành thì người mẹ không còn nữa: “Tay trắng về khuất núi”. Tiếp theo câu hỏi của người con “Ngước trời cao con hỏi/ Đất mẹ/ Ai đặt tên?” đã cho ta nâng tầm suy ngẫm như dân gian ta thường nói cha trời, mẹ đất - công lao của mẹ được ví như “đất trời”. Vậy việc “Đặt tên” thêm dày chất liên tưởng so sánh, ở đây người mẹ là một hình tượng, là bức chân dung cao cả vĩ đại trong sự nghiệp “nuôi con trồng người”.
Bài thơ khép lại cho ta nhận ra việc “đặt tên” là một mã khoá của câu chữ, khéo “mở” và “chốt” của Nguyễn Mạnh Dưỡng.
Ngô Ngọc Thăng
Hội Nhà văn Hà Nội