Nhà giáo, nhà văn Đào Quốc Vịnh và “Những đôi mắt khoảng trời”

Thứ tư - 29/11/2023 08:38
Nhà giáo, nhà văn Đào Quốc Vịnh và “Những đôi mắt khoảng trời”
     
     
Phạm thị Phương Thảo
     Đọc xong cuốn tiểu thuyết mới tinh mang tên “Những đôi mắt khoảng trời” của nhà văn Đào Quốc Vịnh, tôi khép sách lại, có một chút tiếc nuối, bần thần, xôn xao. Một khoảng trời tuổi thơ như đang mở ra trước mắt. Tiểu thuyết thì có vẻ hơi ngắn với hơn 200 trang. Gọi là tự truyện thì có lẽ đúng hơn. Một cuốn sách hay dành cho trẻ em, phù hợp cho đối tượng học sinh cấp hai hay dành cho lứa tuổi mới lớn đều phù hợp. Tôi nhận ra có khá nhiều sự đồng điệu của thế hệ chúng tôi trong câu chuyện của ông. Nhớ thương, tiếc nuối và có chút ngậm ngùi !

Không gian truyện đưa chúng ta quay về một làng quê đồng bằng Bắc Bộ  nghèo khó những năm sau hoà bình 1954. Một cậu bé tên Khang vừa ra đời, sau hoà bình, tháng 5/1955, một món quà mà số phận dành tặng cho cha mẹ cậu, một cục cưng quý như vàng được cả dòng họ, gia đình chiều chuộng. Cũng bởi  nỗi đau của người mẹ như điên như dại khi cả sáu người con của cha mẹ Khang sinh ra trước đó đều bị chết vì dịch bệnh và đói nghèo. Chính tay mẹ Khang đã phải chôn cất từng đứa con do bà rứt ruột đẻ ra ! Cha Khang là thợ mộc, ông phải quanh năm đi làm ăn xa. Khang lớn lên trong sự chăm sóc, thương yêu của cả nhà. Ở nhân vật Khang, ta thấy hiện lên, vừa là hình ảnh của một “cậu ấm” ốm yếu, bệnh tật, quanh năm hen suyễn, lại vừa là hình ảnh một đứa trẻ thông minh, học  giỏi và phá phách. Cậu cũng từng nghịch đủ trò, theo bè bạn tham gia vào bao trò dại dột, cũng khôn ngoan và đôi khi cũng láu cá.

“Những đôi mắt khoảng trời” đang cùng chúng ta trở về tuổi thơ của chính mình. Những câu chuyện về thầy cô giáo, về bạn bè hiện lên đầy chân thực và sống động. Tôi có cảm giác nhà văn Đào Quốc Vịnh không mấy khó khăn khi viết lại những năm tháng kỷ niệm tuổi thơ bên cha mẹ và ký ức thấm đẫm những ngày đến trường đi học của mình. Một vùng quê Kinh Bắc trù phú và giàu bản sắc văn hoá. Lạ nhất là cách xưng hô khi gọi cha mẹ mình là bác và bu, lại còn xưng em. Những đoạn viết về cha mẹ thật xúc động và ấn tượng. Tôi tin rằng, ở thế giới bên kia, dưới suối vàng, cha mẹ ông đã mỉm cười, toại nguyện về cậu con trai của mình !

Những trang viết về thầy giáo Năm và các thầy cô, bạn bè trong ngôi trường xưa thật cảm động. Đằng sau sự ghê gớm của người thầy khi phạt trò và cậu học trò còn ấm ức mãi sau khi bị ăn đòn roi của thầy giáo, vẫn là cả tấm lòng yêu thương mênh mang. Có thể vì những ký ức đau buồn ấy mà sau này, thầy giáo Vịnh của các em học sinh thế hệ sau đã luôn mong muốn và đã hiện thức hóa ước mơ bằng những cách thức giáo dục khác hay hơn, tiến bộ hơn từ chính ngôi trường riêng do ông mở ra.

Dư âm cuốn sách đang bao trùm sự ngọt ngào và ký ức sâu lắng một thời đi học
quanh ta. Nó khiến ta nhớ về tuổi thơ, một niềm vui, tự hào và dạt dào xúc động, nó khiến tôi ngồi trầm ngâm hơn và cũng tự thấy mình hạnh phúc hơn. Trầm ngâm hơn bởi tôi nhận ra tuổi thơ của những “đứa trẻ” ở thời chúng tôi sống, những đứa trẻ sinh ra vào những năm 1955- 1960  trong chiến tranh, có số phận thật là đặc biệt. Đúng là nhất quỷ nhì ma, tuy  có nhiều nỗi nghèo khó, u buồn nhưng vẫn thật sự đáng quý, luôn gần gũi thiên nhiên, yêu đất đai, bờ bãi, ruộng đồng. Tuổi thơ ấy tuy lũ trẻ hay phá phách nhưng vẫn trong sáng, thông minh, ngây thơ, đẹp đẽ. Hạnh phúc hơn, bởi cái đẹp của tuổi thơ thời nào cũng vẫn thế, trong trẻo,  hồn nhiên, trong sáng, hồn hậu, thiện lương mà không kém phần rung động, gai góc. Có một chút bay bổng và lãng mạn trong những dòng văn tả cảnh thi thoảng điểm xen vào như những áng mây nhè nhẹ. Hình ảnh “Cậu bé chăn vịt “ hiện lên thật đẹp và đáng quý trước thiên nhiên tươi đẹp…

Tôi nghĩ, cho đến bây giờ, chắc chắn tác giả  Đào Quốc Vịnh vẫn chưa thôi phần day dứt khi nghĩ về quê hương, cha mẹ, anh em và bạn bè tuổi ấu thơ. Bởi những trò nghịch dại và những ký ức đau buồn và đôi khi lương tâm người thầy vẫn tra vấn ông. Có thể, cho mãi tới sau này, khi sự chiêm nghiệm dày lên, tuổi đến khi đã lên ông lên bà, khi con người ta đã tạm đủ thời gian cho sự kiếm tìm hạnh phúc, lẽ sống, sự bươn chải, sự bầm giập, cùng nỗi đắng cay và đau đớn, rồi cảm thấy mình có chút tự hào với gia đình và quê hương khi đã làm được nhiều việc ý nghĩa. Thấy mình thật sự đã trưởng thành, khi hướng về nguồn cội, người ta mới càng cảm thấy nuối tiếc biết mấy, những ký ức tuổi thơ, khi cái tuổi đầu đời trong trẻo ấy đã vùn vụt trôi qua.

Hình ảnh cậu bé Khang phải chăng là hình ảnh tuổi thơ của Đào Quốc Vịnh ?Ông được sinh ra ở một vùng quê tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh ngay sau hoà bình, tháng 5/1955. Đó là những năm tháng mà đất nước ta còn quá nhiều gian lao, bệnh tật và đói nghèo. Rồi đến những năm tháng tiếp theo phải sống trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ác liệt, bao lớp thanh niên làng quê đã lên đường đi ra chiến trường, biết bao người con tự nguyện xông pha lên đường để bảo vệ Tổ quốc. Cuộc sống của lũ trẻ con như Khang và lứa tuổi trẻ của thế hệ chúng tôi ngày ấy đều sống khá chật vật trong thời kỳ bao cấp. Dù khi ấy, trẻ em đã được đến trường đi học, đầu đội mũ rơm vàng óng, nhưng trong thời chiến còn có muôn vàn trở ngại, khó khăn.

Tất cả những nỗi gian khổ  ấy đã tôi luyện và hình thành nên tính cách của một lớp người trẻ tuổi khá mạnh mẽ, họ có nhiều hoài bão và dấn thân. Họ lao động miệt mài, luôn gần gũi thiên nhiên và ruộng đồng, biết vượt khó, khao khát được sống tự lập. Thực tế sau này, hầu hết lứa tuổi họ và nhiều người con thuộc thế hệ chúng  tôi ngày ấy đều lớn mạnh và nhanh chóng trưởng thành trong gian khó. Những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, mục tiêu “tất cả cho tiền tuyến” nên nhà nhà, người người, ai cũng khí thế, sôi sục lòng yêu nước, dẫu cho thiếu thốn, đói ăn, thiếu mặc. Trẻ con ngày ấy thì đa phần gày gò, đen đúa, có phần ngờ nghệch, đủ thứ dại dột, với đủ trò nghịch ngợm. Dẫu phải sống trong gian khổ nhưng trẻ em thời nào cũng vẫn đáng yêu, mang nét đẹp hồn nhiên, vô tư, trong sáng.

Tôi đang cố tưởng tượng về một cậu bé tên Khang xưa trong tác phẩm với tuổi thơ thần tiên nhưng không kém dữ dội với một ông giáo già râu ria tên Vịnh ở ngoài đời, liệu còn có gì giống và khác nhau nữa không ? He he. Một cậu bé được coi như cục vàng mười của cả dòng họ và đã được lớn lên ở một vùng quê nghèo khó. Nếu ông không viết ra thì chẳng mấy ai nghĩ rằng cậu bé Khang gầy gò, ốm yếu, hen suyễn ngày xưa ấy bây giờ là một ông giáo uyên bác, đạo mạo, cao to và nhìn tướng râu ria rậm rịt cứ như một ông Tây. Viết văn chính là cách lưu dấu những kỷ niệm đẹp đẽ và cay đắng trong tâm hồn! Có phải vì thế chăng mà cuối đời ông lại chọn cho mình nghiệp viết khi trở thành nhà văn ?

Tuổi thơ lứa tuổi chúng tôi ngày ấy đã đi qua và bây giờ có thể ngước nhìn lại. Chợt nhận ra thế hệ ấy đã sống và cống hiến hết mình cho bản thân, cho quê hương đất nước, cho gia đình và những người thân yêu. Họ biết vượt qua gian khó để tự khẳng định mình. Tôi chợt nhận thấy cả một khoảng trời ấu thơ của mình ùa về, trong sáng, ngây thơ và lung linh hơn. Ai chẳng có một thời thơ ấu tươi đẹp, mộng mơ và đôi khi buồn bã bên những người thân, bên quê hương, bên gia đình, bên ông bà, cha mẹ và cả một kho những câu chuyện vui  buồn, cười ra nước mắt mà thật khó có thể quên.

Những đôi mắt khoảng trời vẫn đang mở ra, trong xanh và ướt đẫm! Bạn có muốn được soi vào đó để nhớ về một thời tuổi thơ của mình không ?


P.T.P.T
 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây