Đổi mới tư duy kinh tế điện ảnh - cú huých cần thiết

Thứ sáu - 12/04/2024 13:49
Đổi mới tư duy kinh tế điện ảnh - cú huých cần thiết


     
    Nhà văn, nhà điện ảnh CAO NGỌC THẮNG

       
      Lâu nay phim đề tài lịch sử ở nước ta dường như rơi vào tình trạng sau một vài lần công chiếu, ở rạp hay trên sóng truyền hình, được cất vào kho lưu trữ. Nỗi buồn ấy san đều cho cả hai phía: phía đầu tư và sản xuất cũng như quần chúng người xem phim. Nỗi buồn ấy dai dẳng, ngấm ngầm bởi chưa tìm được lối thoát. Những lỗi thường mắc cứ lặp đi lặp lại, khiến người xem phim chán chường mỗi khi nghe nói đến phim lịch sử. Nào là truyện phim chưa tương xứng, nào là bối cảnh, phục trang, hóa trang, những yếu tố ban đầu, chưa nói đến diễn xuất, kỹ thuật âm thanh, đặc biệt là kỹ xảo, tất cả cộng lại phim như… một vở diễn trên sân khấu chuyển động, không thể hình dung được lịch sử mà truyện phim định trình chiếu; nói cách khác là ý đồ truyện phim, thông qua hình ảnh, chưa tương thích với nguyện vọng người xem phim, thậm chí gây cho người xem có cảm tưởng bị coi thường. Ngày nay, với nhiều điều kiện đã thay đổi, từ năng lực thẩm mỹ đến khả năng tiếp cận nghệ thuật tiên tiến, hiện đại của nhiều cường quốc điện ảnh trên thế giới, sự “khó tính” của người xem là đương nhiên và chính đáng. Nhưng, đó không phải là “khó tính” mà là nhu cầu, yêu cầu ngày càng cao của đông đảo người yêu thích nghệ thuật thứ bảy. Điện ảnh, bộ môn tổng hợp vào nó hầu như toàn bộ những thành tựu của các bộ môn nghệ thuật khác cũng như của khoa học công nghệ mang tính thời đại và quốc tế, đối với loại phim đề tài lịch sử càng thể hiện rõ hơn khi nhu cầu nhìn sâu vào quá khứ xã xôi, từ điểm nhìn của xã hội hiện đại để kiến tạo tương lai đúng hướng.

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, trải qua những cuộc đấu tranh bền bỉ và liên tục, hào hùng và thăng trầm, để lại những di sản đồ sộ trong đó kết tinh biết bao sự kiện, trận mạc lẫy lừng cùng nhân tài, hào kiệt trên những mảnh đất linh thiêng, bên cạnh những đúc kết kinh nghiệm, bài học, bản sắc đồng thời cũng gói ghém những mâu thuẫn, những tồn nghi là những vấn đề cần giải mã để sáng tỏ từng giai đoạn, từng thời kỳ một cách khách quan, mang đậm tính nhân văn. Đây là mảnh đất, tất nhiên không chỉ riêng đối với nghệ thuật thứ bảy, tạo nhiều cơ hội để điện ảnh khôi phục lịch sử bằng nghệ thuật kết hợp với kỹ thuật hiện đại một cách chân thực và biểu cảm sâu sắc.

Thực tế, người yêu thích điện ảnh không hẳn hoàn toàn quay lưng với phim đề tài lịch sử. Dư âm Đêm hội Long Trì (1989), ngày nào vẫn còn trong lòng thế hệ khán giả đương thời, bởi sự hấp dẫn, thuyết phục đến từ kịch bản, đặc biệt là bối cảnh công phu, được ê-kíp làm phim tạo dựng với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm cao đối với lịch sử. Và, gần nhất là sự đón nhận nồng nhiệt của người xem khi cùng lúc hai phim Hồng Hà nữ sỹĐào, phở và piano công chiếu vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn-2024. Đây là tín hiệu khả quan, mừng và vui, đem lại không khí phấn chấn cho thị trường điện ảnh nước nhà, tạo một cú hích cho những người làm phim đề tài lịch sử.

Hồng Hà nữ sỹĐào, phở và piano là hai phim hoàn toàn khác nhau về độ lùi và bối cảnh lịch sử. Nếu Đào, phở và piano là một lát cắt của cuộc kháng chiến 60 ngày đêm của quân dân Thủ đô trước khi rút khỏi Hà Nội yêu dấu cách đây gần 80 năm (giữa thế kỷ XX), thì Hồng Hà nữ sỹ là câu chuyện về nữ thi sỹ Đoàn Thị Điểm ở nửa đầu thế kỷ XVIII, thời Lê Trung hưng. Trọng tâm thu hút sự quan tâm của khán giả, ở cả hai phim này, chính là cách diễn giải về lịch sử thoát khỏi sự khiên cưỡng, không lệ thuộc vào sự kiện và dữ liệu lịch sử, mà chú trọng dùng các thủ pháp nghệ thuật để dòng chảy câu chuyện liền mạch một cách lãng mạn và trữ tình trên nền bối cảnh được phục dựng chi tiết và công phu. Mặc dù ở cả hai phim đâu đó vẫn lộ ra những khiếm khuyết này nọ, nhưng sự hấp dẫn đã khiến người xem không mấy để tâm, chân thành lượng thứ, các phương tiện thông tin đại chúng được dịp bày tỏ lòng hoan hỷ.

Sự kiện về hai phim lịch sử do nhà nước đặt hàng công chiếu trong dịp đầu năm 2024, như hiện tượng, cho thấy khán giả đương đại luôn chờ đón các tác phẩm điện ảnh đích thực. Âu cũng là mối lương duyên khó tách rời giữa công chúng và nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng. Làm thế nào để duy trì mối quan hệ khăng khít cho vững bền và đằm thắm?

Có lẽ mấu chốt nằm ở tư duy kinh tế điện ảnh. Ngày nay, tư duy nghệ thuật, yếu tố chủ quan, thuộc người làm nghề, đã có thay đổi khá rõ khi lớp nghệ sỹ trẻ ngày càng bộc lộ đam mê sáng tạo trong không khí cởi mở với đa dạng đề tài và cách thể hiện phóng khoáng, tạo nên nhiều tác phẩm có tiếng vang ra ngoài biên giới. Những thể loại ngoài đề tài lịch sử, đầu tư tài chính cũng là vấn đề (khi không tìm được nguồn, nhiều kịch bản phải chịu số phận nằm lại trong ngăn kéo), nhưng tư duy nghệ thuật có khả năng khỏa lấp, nếu tác phẩm đạt chất lượng, hấp dẫn người xem. Đối với phim điện ảnh lịch sử không như vậy, đòi hỏi một tư duy kinh tế hoàn toàn khác, nghiêm túc và thỏa đáng, từ tiền kỳ cho đến hậu kỳ, đặc biệt là đầu tư cho bối cảnh (theo nghĩa rộng). Một kịch bản đảm bảo và có những dấu hiệu tích cực, nhưng không được đầu tư thích đáng, hoặc việc sản xuất thất bại hoặc cho ra tác phẩm nửa vời, không có giá trị. Có nghĩa, các nhà đầu tư, nhà nước và tư nhân, cũng là yếu tố không thể thiếu trong quy trình tạo nên lợi nhuận của một tác phẩm điện ảnh lịch sử. Khi tham gia thực sự vào quy trình sản xuất, các nhà đầu tư cũng có trách nhiệm với chất lượng tác phẩm, trước hết là trách nhiệm với chính đồng vốn của mình và thúc đẩy khả năng sinh lợi nhuận mà mình được hưởng sau khi công chiếu tác phẩm đó.

094107 dp3

phi tie n so n jpeg 1708581485 4010 1708581685

Một số cảnh trong phim Đảo, Phở và Piano

Nhiều người biết, những hạt sạn trong các tác phẩm điện ảnh lịch sử, kể cả hiện tượng Hồng Hà nữ sỹĐào, phở và piano, đều từ bối cảnh đem lại; bởi, bối cảnh chưa chuẩn sẽ trực tiếp, và cả gián tiếp, tác động, ảnh hưởng đến các khâu khác: diễn xuất, quay phim và các khâu hậu kỳ. Để khắc phục tình trạng này, không gì khác là phải đầu tư xây dựng phim trường, việc cũng đã nhiều người biết và nóng lòng chờ đợi. Thực tế, nhà nước đã có kế hoạch và quy hoạch xây dựng trường quay tại Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) với diện tích 15 ha từ 50 năm trước và thực sự ở đó đã chắp cánh cho các phim Chung một dòng sông, Chị Tư Hậu hay Nghêu, sò, ốc, hến ra đời và trở thành các tác phẩm kinh điển. Phim trường này sau đó đã được đầu từ hơn 100 tỷ đồng để thực hiện các phim nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và tiếp đó dự kiến phát triển hệ thống trường quay ngoại cảnh khép kín và khu hậu kỳ, nhằm đáp ứng trọn gói nhu cầu của 30 phim truyện điện ảnh vào năm 2015 và tăng lên 35 phim vào năm 2020. Nhưng rất tiếc, sau khi hoàn thành hai phim lịch sử Thái sư Trần Thủ Độ Huyền sử Thiên Đô, phim trường Cổ Loa rơi vào cảnh đổ nát, hoang tàn, "đắp chiếu" chờ quy hoạch tổng thể. Đó là một sự lãng phí quá lớn, đòi hỏi đầu tư lại từ đầu, trong khi giới điện ảnh thiếu môi trường sáng tạo, xã hội thiếu những tác phẩm điện ảnh chất lượng nghệ thuật.

Có thể chưa nhìn xa đến kinh đô Hollywood, trông sang các nước gần gụi như Trung Quốc hay Hàn Quốc, thị trường điện ảnh của họ sôi động đều nhờ ở đầu tư xây dựng phim trường. Đầu tư cho phim trường quả rất tốn kém, song mối lợi to lớn có thể thấy trước mắt. Lợi nhuận từ công trình phim trường trước hết thu được từ các đoàn làm phim, không chỉ các phim đề tài lịch sử, mà còn từ các dịch vụ điện ành và tiếp đó từ du lịch. Đầu tư cho phim trường có tác dụng kích thích đẩy mạnh phương thức xã hội hóa (nhà nước và tư nhân cùng góp vốn và phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ đóng góp, chưa kể các khoản thuế đóng vào ngân sách), cũng là tạo điều kiện, cơ sở cho sự phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp thực thụ, có khả năng sản xuất hàng hóa, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Rõ ràng, phim trường là nơi khai thác triệt để thặng dư của những người lao động nghệ thuật, như một loại tài nguyên tiềm năng, thật sự nghiêm túc và minh bạch trong điều kiện kinh tế thị trường. Hơn lúc nào hết, thời điểm hiện nay, việc khởi động lại phim trường Cổ Loa và tiếp tục xây dựng một số phim trường khác, trước mắt là đáp ứng nhu cầu sản xuất phim của hai trung tâm lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thực sự là cú hích cấp thiết cho nền điện ảnh nước nhà có đà phát triển đột phá.

Xây dựng phim trường còn thúc đẩy đầu tư khai thác các mảnh đất mầu mỡ khác có liên quan tới điện ảnh. Chẳng hạn, nghiên cứu và thiết kế cảnh quan văn hóa, kiến trúc, trang phục, dân tộc học, xã hội học, ngôn ngữ giao tiếp ở các triều đại và thời kỳ lịch sử khác nhau, phục vụ cho đề tài của các phim cụ thể; hay nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình làm phim, nhất là ánh sáng, tiếng động, âm nhạc, kỹ xảo dựng phim, hòa thanh, chỉnh màu cho tới công tác lưu trữ trên nền tảng công nghệ số hóa; ngay cả công tác truyền thông, quảng bá, quảng cáo, phát hành phim, tất cả đều có thể hiện diện bằng hợp đồng kinh tế được pháp luật bảo hộ.

Nền điện ảnh Việt Nam sau hơn 70 năm hình thành và phát triển với những thành tựu đã được khẳng định, ngày nay đang cấp thiết đòi hỏi tư duy kinh tế điện ảnh đổi mới, nhanh chóng thể hiện thành hành động cụ thể và thiết thực. Những tín hiệu đáng mừng vừa qua không thể rơi vào lãng quên, để rồi phải khởi động lại niềm tin yêu từ đông đảo quần chúng khán giả đối với nghệ thuật thứ bảy đầy hấp dẫn…          

C.N.T

Nguồn tin: Trần Gia Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây