Sáng tác của Võ Văn Trường

Thứ hai - 29/06/2020 10:55
Sáng tác của Võ Văn Trường

 

Võ Văn Trường
 

HUẾ

Những ngọn gió náu mình trong cỏ.
Đêm hạ huyền mơ hình bóng cung phi
Bóng trăm năm, nỗi niềm cung cấm
Thương Bạc những cuộc tình chẳng thể phu thê.

Những khu vườn chiều nội thành yên tĩnh
Những lối đường say khướt “Xích Lô Phương” (*)
Bên quán cóc rượu bỏ bùa tâm trạng
Kể chuyện con trai...mà nước mắt lưng tròng

Tôi trở lại thêm một lần với Huế
Vớt tiếng chuông chùa ở cuối dòng Hương
Ở cuối tiếng mưa... đêm chỉ còn tịnh mịch
Đêm chỉ còn tâm thức thuở yêu em.

Thuở giảng đường, lời hẹn hò áo trắng
Những “Ô Cửa Văn Khoa”(**)...xao động lá vàng
Xao động một thời chờ mong, nông nỗi
Nghe tiếng mưa rơi, nhớ mắt ai buồn.

Tôi trở lại thêm một lần với Huế
Thêm một lần mắc nợ giữa sân ga.
Mắc nợ hoa ...giữa hồn tranh dán giấy
Dự cảm bao giờ em nhớ...quên./.
                                               

(*)Tên thân mật của nhà thơ Nguyễn Văn Phương ở Huế

(**) Tên một bút ký của Nguyễn Phước Vĩnh Quyền.

 

CUNG SẦU GIA THỌ…(*)


Tôi đã nghe “Cung sầu Gia Thọ”
Nghe hoàng hôn, sương giăng bến Ngự Bình
Từ cung phi thành hoàng thái hậu
Kiếp má hồng biền biệt cố hương

 

Ơi dòng Hương, dòng đời biến chuyển
Trọng khinh nhắc nhở chuyện sơn hà
Sầu cung cấm, ngổn ngang tình - hiếu
Vẫn “mẫu nghi thiên hạ” một đời

 

Rèm châu, cung oán, héo gầy
Là thuyền xa bến, gió mưa lạnh lùng
Nam Kỳ mất, ủ mày chau mặt…
Rối ren thay “tứ nguyệt tam vua”.

 

“Từ huấn lục” những lời vàng ngọc
Đạo làm người giữ nếp giản đơn
Khuyên vua tôi dùng quan thanh bạch
Xóa tội người bị đày đến Thừa Nông (*)


Ngày cuối đời, kinh đô thất thủ
Gió tây buồn tiếng nhạn thở than
Gấm son, quyền quý, vui buồn

Ngâm lên một khúc cung sầu lẻ loi…


                                           11.2019
(*) Xúc cảm khi nghe “Cung sầu Gia Thọ” của NS Thái Thịnh, viết về cuộc đời đức Từ Dũ.

(**) Sau khi viết thư can gián vua Tự Đức, Phạm Phú Thứ đã bị đày đến Trạm Thừa Nông làm sai dịch.

 

ĐÀ LẠT SƯƠNG MÙ

 

Tôi yêu cái tên “Đà Lạt bên dưới sương mù”…(1)
Nhẩn nha nhớ nhớ bây chừ gần hết tháng ba
Mi mô da cuối mùa tỏa hương từ trăm cánh nhỏ
Xưa xa còn đó, những biệt thự màu hoàng lan
Bước chân tôi tiễn tôi về theo tiếng chuông nhà thờ Nicolas (2)
Ngày tôi đến
Sững sờ dưới chân núi LangBiang
Nghe kể chuyện góa phụ O’Neil, lập vườn cà phê Arabica
                                                             … và những con xén tóc (3)

Mùi hương hoa ướp trọn nỗi buồn
Khuya khoắt những giọt mưa trong thành phố
Những giọt mưa bên ngoài ô cửa sổ
Hình như đâu đây hiện hữu những cuộc chia ly
Mái tóc thật đen, đôi mắt thật buồn
Chẳng có nụ hôn, không bàn tay tiễn biệt
Bóng người đổ về đêm, tiếng hồ than thở
Không còn người viết tiếp chuyện đồi thông

Ôi những bông hoa bất tử
Hãy đợi những người yêu nhau như đợi ngày xa mặt đất
Đợi có một người sẽ chết vào đêm mai
                                 …và ngàn đêm sau nữa
Những trái thông nhỏ như đóm lân tinh
Thả rơi những tinh cầu
Thả rơi từng mảng hồn rờn rợn
Tạm biệt nhé những loài hoa và cả những chuyện tình…
Oải Hương từ miền Địa Trung Hải
Tím đến thế, thủy chung cho triệu triệu người chiêm ngưỡng
Nhưng tình yêu chỉ có một ngươi…
Dã Quỳ và chuyện tình ba người không hồi kết
Họ chết đi để trên đời còn có một loài hoa…

Lại nghĩ về những cuộc chia ly
Đêm nay và nhiều đêm sau nữa
Những người yêu nhau chết đi thành Đà Lạt sương mù.

 

                                                                             3.2019
(1) Tên một tập sách
(2) Nhà thờ Thánh Nicolas cuối thập niên 1920, tiền thân nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt.
(3) Khi Pháp đô hộ gần thác Cam Ly, một góa phụ người Pháp có tên O’Neil lập vườn trồng cà phê Arabica. Đặc biệt nàng có biết tài canh giữ không để những con xén tóc phá hoại…và cung cấp một loại cà phê thượng hạng. Nông trại của góa phụ sau này đã bị chính thác nước do nàng tạo ra cuốn phăng…và không bao giờ được xây dựng lại.



 RỜI NÚI
                     Truyện ngắn


image 8

 Một ngày nắng vàng thật đẹp, hình như đã cuối thu. Lưng trời tựa vào vách núi cứ đẩy ra xa tít để khoảng không gian mỗi lúc một rộng hơn. Giữa bản Sim, tiếng học bài của lũ trẻ trong lớp vang vang. Cô giáo Thơ liếc nhìn qua vách nứa cái lổ rách phía góc dãy bàn thứ tư như rộng ra. Rõ mồm một bàn chân nho nhỏ với đôi dép nhựa vàng vàng Thơ mới mua cho bé, khua khua. Những ngón chân bé tẹo, được Thơ rửa ráy sạch sẽ từ mấy hôm nay…Thơ không nỡ vào tạm biệt bé để đi. Bé sẽ lại níu lấy mình, mạ mạ…rồi òa lên nức nở.

Lại nghĩ đến thời điểm đó, cảm xúc trong lòng Thơ dâng lên khó tả. Nhìn người đàn ông với đôi mắt ngân ngấn, run run trong từng lời nói. Thơ đành vội cất lời như để đánh tan cái không khí ấy đi.

-Thì lâu nay tôi vẫn làm mẹ bé A Mi là gì…

Hai người nhìn nhau, bóng tối tràn lên rồi chìm trong im lặng. Chung quanh tiếng côn trùng về đêm rả rích, thiểu não.

- Cha con anh nghỉ. Tôi về đây.

Thơ vừa nói vừa bước nhanh xuống thang gác là một cây gỗ, được khấc cẩn thận đến những năm bậc. Mới bước đến khấc thứ ba không hiểu sao Thơ lại cho chân xuống đất. Hụt cái chấp chới. Chị sắp ngã chúi xuống, thì bất ngờ một cánh tay chắc nịch quàng chặt lấy bờ vai.  Mùi đàn ông vừa quen vừa lạ bởi cảm giác từ hơi thở và cả tiếng nhịp đập trong lồng ngực vang ra. Như phản xạ Thơ đưa tay mình đỡ lấy bàn tay ấy, gạt ra khỏi vai.

- Không sao.

- Tối quá. Chỉ hụt chân thôi mà…

Suốt đêm đó, Thơ không tài nào chợp mắt. Phòng kề bên, cách nhau bởi mấy miếng ván gỗ bìa được cửa xẻ thưng lại, hình như Lan cũng không ngủ được. Lan làm gì mà cứ lạo xạo mãi. Những hôm thế này Lan đã ngủ từ lâu rồi.

          - Lan vẫn chưa ngủ sao. Không có tiếng trả lời.

Thơ lại nằm yên lắng nghe lại cái âm thanh lạo xạo kia. À quên, hôm nay Lan đã về quê vẫn chưa lên mà. Nghe đâu Lan về để cha mẹ làm cái lễ hứa hôn một đám nào đó dưới xuôi.

- Thôi đúng rồi lũ chuột. Cái loài gặm nhấm kia, hôm nào chẳng từ ngoài rẫy sắn kiếm ăn, chừ về tá túc qua đêm. Lan man suy nghĩ, từ chuyện lũ chuột ăn đêm đến những đứa học trò lúc nào đầu tóc cũng hoe vàng, bụi đất lấm lem đổ theo những giọt hồ hôi lăn dài trên má, trên cổ mỗi khi đến trường trong những ngày nắng nôi…

 Thương nhất là vào mùa đông giá, đứa trẻ nào bờ môi cũng thâm tím tái.  Nghĩ về chúng Thơ lại liên tưởng đến những đứa trẻ ở phố thị. Bao giờ chúng đủ no, bao giờ chúng đủ ấm, bao giờ chúng có được mái trường tươm tất…bao giờ và bao giờ.

Giấc ngủ đến với Thơ khi nào cũng không biết nữa. Chỉ biết, đêm ấy trong cơn mơ Thơ thấy mình rơi xuống một bờ vực sâu hoắm. Một bàn tay chắc nịch giữ Thơ lại. Thơ cố níu rồi ôm chặt người ấy. Thế rồi cả hai cùng lao xuống vực nhanh như một mũi tên. Đến lúc có thể vỡ toang ra thành những mảnh li ti hay nát bấy ra vì va đập vào sườn đá thì một ông già râu tóc bạc phơ xuất hiện giơ tay đỡ lấy. Bằng một phép linh nghiệm cả hai cùng bay lên bờ vực. Trước khi biến mất, ông lão không quên để lại câu phán. Nghĩ lại, ngẫm chừng linh nghiệm. “Buông bỏ nhau thôi”.

Ngày Thơ mới lên bản Sim… thật không thể tưởng tượng được. Thế mà hôm nay đã 10 năm rồi. Nhớ cái đêm người đàn ông mất vợ trong tai nạn lở núi xoay mặt về phía Thơ truyền một thông điệp mà tai Thơ không dám tin tại sao anh ta lại có thể rành rẽ đến vậy.

- Hay là em ở lại với cha con tôi.

- Làm mẹ A Mi nhé.

Cũng hôm ấy, Thơ có quyết định sẽ về xuôi, hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên sau thời gian dài cắm bản.

***

Ký ức ngày lên bản Sim Thơ còn nhớ như in, bởi cuộc hành trình, bước ngoặt, cuộc đời không chỉ của Thơ mà của tất cả những sinh viên mới ra trường. Một ngày mưa, con đường ngoằn ngoèo quanh co, dốc lên dựng đứng, dốc xuống thăm thẳm với những đá là đá gồ ghề, lởm chởm. Rồi những đoạn sình lầy, nhão nhoẹt, trơn trợt vì bùn đất. Và rồi cái âm thanh đổ ào trên cao, xuống Thơ chỉ còn nhớ sau khi hồi tỉnh. Một đồng nghiệp và một đứa trẻ chừng 5 tuổi theo mẹ đã nát bấy. Cả hai bị vùi trong đất đá mới được bà con đào bới, phát lộ.

Điểm trường mà Thơ đến dạy cách khu trung tâm xã chừng 3km. Nói trường nhưng đó là căn nhà nứa lá trên doi đất khá cao. Lâu thành quen. Từ xa đã nghe tiếng đọc chữ ê a của các em vang lên trong căn nhà cấp bốn giữa đại ngàn. Những âm thanh trong trẻo đó nhanh chóng hòa vào màn sương chiều. Mùa đông, bên ngoài lớp học, từng cơn gió vẫn thi nhau thổi rít vào, luồn qua khe cửa, xông vào lớp học chừng hơn 10 mét vuông với 15 em nhỏ đang ngồi co lại để gắng gượng với từng đợt rét.

Những ngày đầu, Thơ sợ đủ thứ, nhất là khi đêm về. Xung quanh chỉ toàn một màu đen đặc. Thêm tiếng hú của thú hoang từ đâu vọng lại. Những lúc ở một mình không biết nói chuyện với ai, lủi thủi ra vào, hết cắt dán đồ chơi, soạn giáo án, rồi lại ca hát nghêu ngao. Có lẽ vậy mà đêm lại thành ra dài hơn bao giờ hết. Đêm dài thì cũng chỉ biết chui vào chăn, nằm nhìn trần nhà, nghĩ miên man.

Hôm đầu tiên vào lớp, lũ trò nhìn cô giáo như vật thể lạ ngoài hành tinh. Nhìn đứa trẻ có đôi mắt trong veo làm Thơ mang máng hình ảnh đứa trẻ chết theo mẹ trong chuyến đầu tiên về bản nhận công tác hôm nào.

- Con là A Mi.

- Con chào cô ạ…

- Nhà con phía sau ngọn núi …

Rồi cứ mỗi chiều các em tan học, trong đó có A Mi chào tạm biệt trở về nhà. Thơ lại đứng dựa vào cột nhà, nhìn theo các em đến khi khuất bóng sau những ngọn đá nhấp nhô. Lại ngóng ngày hôm sau các em đến lớp. Mùa lũ năm đó, tai họa ập đến với bản Sim, khi ngọn núi đổ ập xuống cuốn băng đi một xóm nhỏ, nơi có gia đình A Mi. Bảy con người trong bản Sim vĩnh viễn ra đi trong đó có mẹ của A Mi.

Ở thời điểm đó thật vất vả. Thơ cùng các giáo viên điểm trường bản Sim phải xoắn quần lội khắp nơi, đi đến từng nhà vận động, nhất là những nhà có người thân tử nạn để các em không bỏ học. A Mi mất mẹ, còn hai em nhỏ, đứa hơn hai tuổi, đứa mới mấy tháng còn bò dưới nền nhà. Cuộc sống vất vả, ba A Mi một thanh niên hiền lành, chăm chỉ làm lụng giờ lại thường lấy rượu giải sầu trước biến cố quá lớn trong đời.

***

Từ khu nội trú, Thơ nghe rõ mồm một tiếng khóc hai đứa trẻ, các em A Mi. Mỗi lần thế bụng Thơ lại nóng hơ, nóng hớt. Cái ăn cũng chẳng có gì, thế là Thơ nấu cháo, pha mì gói đến nhà cho lũ trẻ ăn. Lâu dần thành quen. Hai đứa em A Mi sau khi Thơ cho ăn no cái bụng còn nũng nịu ghé người lên đùi Thơ ngủ ngon lành.

Ba của A Mi tối ngày ở nương rẫy, về nhà lại vục đầu vào rượu. Vào hôm đúng một năm ngày người đàn bà xấu số là mẹ của A Mi mất mạng, từ sớm A Mua đã sắm sanh lễ vật để vào rừng ma. Bởi những người chết xấu đều chôn rất xa làng. Tối ấy như lệ thường khi đến cho mấy chị em A Mi ăn uống xong Thơ lại về nơi ở. Đang nằm bày những chuyện để chờ giấc ngủ thì có tiếng A Mi gọi.

-Cô Thơ ơi… cô Thơ.

-Theo chân A Mi, Thơ đến nhà, thì thấy A Mua nằm sóng xoài ngoài cửa. Trời mưa lâm thâm, nhưng cả người A Mua ướt nhũn. Không còn cách nào khác Thơ cùng A Mi phải đỡ người đàn ông ấy vào trong nhà, lửa củi, thay quần áo, bôi dầu cạo gió máy.

Lần đầu tiên Thơ làm công việc như của một người vợ với chồng. Ban đầu còn e ngại, sau vừa sờ sợ vừa thinh thích. Nhìn thân thể cường tráng của người đàn ông trung niên chợt trong Thơ dâng lên một cảm xúc khó tả.

Đêm đó Thơ lại mất ngủ. Thơ cũng không hiểu được mình. Vì sao chưa lập gia đình nhưng cảm giác tình thân với A Mi, rồi hai đứa em của A Mi như là những đứa con của mình vậy. Thơ cũng thấy thương thương người đàn ông mất vợ, khuôn mặt dễ mến ở bản Sim này.

***

Lan, đồng nghiệp của Thơ chợt dừng câu chuyện làm các cô giáo ở Bản  Sim thêm tò mò.

- Thế rồi sao nữa.  

- Lan sịt, khẽ thôi. Một người đàn ông nữa ở bản Sim có tình cảm với Thơ là A Đẩu. A Đẩu là cán bộ đoàn địa phương khi sáng còn đến điểm trường gửi mấy tờ gấp tuyên truyền vệ sinh cho các em học sinh.

A Đẩu là con trai đầu của già Lãm. Năm trước ngày xảy ra vụ lở núi, dịch Bạch hầu đã lấy đi một lúc cả chục người, trong đó có ba người em của A Đẩu. Cả nhà già Lãm, rồi bản Sim cứ cho là bệnh lạ, cúng kính đủ điều nhưng không khỏi. May nhờ có Thơ về trung tâm xã rồi huyện báo cáo. Ngành y tế địa phương kịp thời thành lập đoàn kiểm tra đến xử lý tiêm phòng, hướng dẫn bà con phòng chống dịch bệnh nên tai ương mới dừng lại ở bản Sim. Thế rồi không biết từ bao giờ A Đẩu thầm yêu trộm nhớ cô Thơ.

Tuy không nói ra, nhưng khi biết cô Thơ hay qua lại gia đình bé A Mi, thân tình với A Mua nên A Đẩu buồn lắm. Hôm cô Thơ rời núi, cùng với bà con trong bản thì có hai người đàn ông là A Mua và A Đẩu đến chia tay.

Bàn tay thô mộc sần sùi lần đầu tiên cầm bó hoa rừng, cả A Mua và A Đẩu cứ lóng nga lóng ngóng.

Thế rồi ai cũng xúc động không cầm lòng ngày cô giáo Thơ rời núi.

Mong một ngày không xa Thơ sẽ quay lại bản Sim như lời hứa. Nơi đây ai cũng biết, Thơ đã sống nhiệt thành một phần đời con gái của một cô giáo vùng xuôi cắm bản ./.

                                                                 Tam Kỳ tháng hạ 2020- V.V.T

Nguồn tin: Y Ban

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây