VIẾT NHƠ - Truyện ngắn của Chu Hồ

Thứ sáu - 14/05/2021 20:07

     

      
     VẾT NHƠ

                                                          Truyện ngắn của Chu Hồ

       Nhìn nét mặt rạng rỡ của đứa con trai được nhận vào làm việc tại một công ty lớn ở Hà Nội với mức lương khởi điểm bảy triệu đồng một tháng, Hậu vui mừng không cầm nổi hai dòng nước mắt. Thế là trời đã nhìn thấu mọi sự hi sinh, cam chịu để thực hiện lời hứa của mình với chồng trước lúc chồng lâm chung.

Hậu, mẹ Nam, một phụ nữ bốn mươi bốn tuổi, dân tộc Tày đã từng có một một gia đình thật êm ấm, hạnh phúc bên chồng và một cậu con trai hai tuổi.

Nhân, chồng Hậu, là một chàng trai khác bản người dân tộc Mông cùng quê Tuyên Quang. Họ gặp nhau, yêu nhau rồi cưới nhau. Chuyện tình của họ cũng giản dị như bao nhiêu chuyện tình của các chàng trai, cô gái vùng cao này từ xưa tới nay. Sẽ không có gì đáng nói nếu như Nhân không mắc phải căn bệnh quái ác suy thận mạn tính vào giai đoạn cuối.

Vốn nhà đã nghèo lại sống ở vùng cao, xa thành phố không có điều kiện tiếp xúc với y học hiện đại. Chữa bệnh chỉ dựa vào kinh nghiệm dân gian. Đến lúc nặng quá mới đưa xuống bệnh viện Tỉnh. Sau khi thăm khám Bác sĩ bảo với Hậu là: Bệnh suy thận khi đã ở vào giai đoạn 3 muốn kéo dài cuộc sống không còn cách nào khác là phải ghép thận. Riêng trường hợp chồng cô thì đã quá muộn. Cuộc sống của anh ấy chỉ có thể tính bằng ngày, thậm chí bằng giờ nữa thôi, cô phải chuẩn bị tinh thần để đón nhận điều xấu nhất.

Hậu đau đớn nhìn chồng lã dần đi mà đứt từng khúc ruột. Trái tim chàng chỉ còn đập những nhịp thoi thóp, yếu ớt nơi lồng ngực.

- Em ơi! Chắc anh chết mất! Dù biết điều đó đã đến rất gần nhưng Hậu cố ghìm hai dòng nước mắt chực trào ra mà an ủi chồng:

- Bác sỹ bảo là sẽ chữa khỏi bệnh cho anh mà.

- Nhưng lấy tiền đâu ra bây giờ hả em?

- Em sẽ vay mượn để chữa bệnh cho anh.

- Vay ở đâu bây giờ, anh nghe người ta nói ghép thận tốn nhiều tiền lắm. Mà vay rồi lấy tiền đâu mà trả?

- Em sẽ vay ngân hàng rồi mình trả dần, lo gì, còn người thì còn trả được nợ.

- Nhưng nhà mình có gì đáng giá để cầm cố mà vay?

- Anh không phải lo, viêc đó là của em. Còn anh, bác sỹ bảo là phải vui vẻ, lạc quan, tin tưởng vào chuyên môn thì bệnh mới chóng khỏi. Nhân thều thào:

- Anh biết bệnh của mình, anh không thể sống được lâu nữa đâu. Anh không có gì luyến tiếc cho mình. Anh chỉ thương thằng Nam còn bé quá, mới hai tuổi đã phải mồ côi bố. Thương em tuổi còn trẻ mà đã phải chịu gái góa chồng. Em còn trẻ, còn có thể tìm được hạnh phúc cho mình. Còn thằng Nam… Nói tới đây Nhân bổng òa khóc thành tiếng:

- Nam ơi! Đời con sau này sẽ ra sao? Sẽ đi đâu, về đâu con ơi!

Không nén nổi Hậu cũng òa khóc theo chồng. Hậu nức nở nói với chồng qua làn nước mắt:

-Anh đừng gỡ mồm như vậy, Anh không chết đâu. Bác sỹ bảo thế mà. Mà giá như anh có mệnh hệ gì thì em xin hứa với anh là em sẽ ở vậy nuôi con chúng mình nên người, được ăn học đến nơi đến chốn.

- Nhưng còn em? Năm nay em mới hai mươi tuổi.

- Em nuôi cho con trưởng thành đã, còn phần em sẽ tính sau. Đó là nói giả dụ như vậy thôi chứ anh sẽ khỏi bệnh, vợ chồng mình sẽ làm ăn nuôi con khôn lớn. Anh đừng nghĩ gỡ như vậy nữa được không anh?

Nhân giang đôi cánh tay yếu ớt chỉ còn da bọc xương về phía vợ. Hậu biết ý chồng liền ghé sát lạị để cho chồng ôm mình lần cuối. Giọng nói của Nhân đã đứt đoạn yếu ớt lắm nhưng vẫn thều thào vừa đủ để vợ nghe:

-Anh tin em…! Anh…Cảm ơn em! Nếu có kiếp sau… hai ta… lại là… vợ chồng … em nhé!

Hậu khẻ gật đầu nhìn chồng qua làn nước mắt. Đôi mắt Nam bổng bừng lên một tia sáng. Không biết có phải đó là ngọn lửa bùng lên lần cuối trước khi tắt hay đó là ánh sáng của niềm tin sau cái gật đầu của vợ.

Đôi tay không còn sức sống của chàng đã tuột khỏi vòng cổ của vợ rơi tỏm xuống giường. Hậu hốt hoảng gọi chồng:

-Anh Nhân! Anh tỉnh lại đi! Anh có nghe em gọi không?

Nhân cố gật đầu một cách rất khó nhọc, mắt mơ màng nhìn vào cõi xa xăm như đang chờ đón một điều gì đó. Trái tim nơi lồng ngực chàng đập yếu dần, yếu dần rồi tắt lịm, Đôi đôi mắt mơ màng của chàng từ từ khép lại. Y tá vội gọi bác sỹ cấp cứu nhưng khi bác sỹ tới thì trái tim chàng đã ngừng đập hoàn toàn, chàng đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay vợ.
 

* *

Từ ngày chồng mất, Hậu như một cái xác không hồn, mặt mày hốc hác, người gầy như một cái xác ve. Từ một cô gái xinh tươi như một đóa hoa rừng, nay trông Hậu như một thiếu phụ ngoài năm mươi tuổi.

Sáng sáng địu con lên nương, Đặt cho con chơi một mình trong cái chòi tre đầu rẫy để mình cuốc đất trồng cây, gieo hạt, thu hái nông sản. Trưa đến hai mẹ con chỉ ăn qua loa nắm cơm, củ sắn mang đi từ sáng. Mặt trời xuống núi lại địu con về cho lợn gà ăn xong mới bắt tay vào nấu bữa tối. Sáng hôm sau lại phải dậy sớm nấu bữa sáng và bữa trưa cho cả hai mẹ con. Cứ như vậy, năm nọ tiếp tháng kia lần hồi nuôi con qua ngày trong căn nhà sàn ọp ẹp.

Bé Nam khỏe mạnh, lớn nhanh và rất ngoan ngoãn. Hình như Nam cũng ý thức được hoàn cảnh và môi trường mình được sinh ra nên không bao giờ quấy khóc vòi vĩnh điều gì.

Lên sáu tuổi, Nam vào lớp một. Nhà gần trường nên sau khi đưa con đến lớp Hậu lại có thời gian để chăm sóc lợn gà, nương rẫy. Cuộc sống hai mẹ con cứ bình bình như vậy trôi qua.

Bây giờ trông Hậu lại trẻ đẹp như xưa. Cái vẻ đẹp mặn mà của gái một con đã làm cho bao nhiêu chàng trai phải mòn con mắt. Với cơ thể tràn trề sức sống của tuổi trẻ cùng bản năng đàn bà trổi dậy đôi lúc Hậu cũng thấy lòng mình rạo rực. Cũng có mấy người tán tỉnh, ngỏ lời cưới Hậu làm vợ nhưng Hậu từ chối tất cả. Nàng phải thực hiện lời hứa của mình trước lúc chồng trút hơi thở cuối cùng.

Nam là một học sinh giỏi suốt cả mười hai năm học phổ thông và đạt điểm cao trong kỳ thi vào đại học. Điều đó là một phần thưởng, một món quà vô giá đối với Hậu.

Nhận giấy báo trúng tuyển đại học hai mẹ con vừa mừng, vừa lo. Mừng vì ước mơ bao năm đã thành hiện thực. Lo vì Nam vào đại học cũng có nghĩa là bao nhiêu thứ tiền phải chi phí. Nào tiền ăn, tiền học, tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền tiêu vặt… Một tháng dè sẻn cũng tiêu tốn đến ba bốn triệu đồng. Mấy năm trước làm chỉ đủ nuôi sống hai mẹ con, thừa ra được đồng nào thì đóng học phí và mua sách vở cho Nam hết sạch.

Hậu tự hứa với lòng mình là bằng giá nào cũng phải nuôi cho con học xong đại học, có việc làm hẳn hoi rồi sẽ cưới vợ cho con. Nhưng ở cái xứ khỉ ho cò gáy này biết làm gì để kiếm ra số tiền cần chi tiêu đó. Bao đêm trằn trọc suy nghĩ, tính toán cuối cùng hai mẹ con bàn bạc thống nhất với nhau là Hậu sẽ cùng xuống Hà Nội tìm việc làm lấy tiền nuôi Nam ăn học.

Sau khi làm thủ tục nhập học xong, hai mẹ con thuê một phòng trọ bình dân với giá một triệu năm trăm ngàn đồng một tháng. Hàng ngày, Nam đi học còn Hậu đi khắp các hang cùng ngõ hẻm thu nhặt ve chai, phế liệu bán cho các hàng thu mua đồng nát. Ngày nhiều thì cũng kiếm được cả trăm ngàn, ngày ít thì năm sáu chục ngàn. Với số tiền đó Hậu chi tiêu một cách rất dè sẻn mà vẫn thiếu trước, hụt sau.

Trong cái khó ló cái khôn, Hậu mở một quán nước nhỏ đầu ngõ từ sáu giờ chiều đến mười một giờ đêm để có thêm thu nhập. Mỗi ngày cũng kiếm thêm được năm bảy chục ngàn tiền lãi. Tuy có vất vả hơn nhưng cộng các khoản lại cũng tạm đủ để chi tiêu hàng tháng. Chưa kịp mừng, thì một tháng sau quán nước của Hậu bị công an phường dẹp bỏ với lý do làm mất mỹ quan và ảnh hưởng giao thông đường phố.

Hậu xoay sang bán xôi vào buổi sáng sớm, hàng ngày phải thức dậy từ bốn giờ để thổi xôi cho kịp sáu giờ mang ra đầu chợ cóc để bán. Mấy hôm đầu chỉ một loáng là hết hàng vì xôi của Hậu vừa ngon lại vừa rẻ hơn các hàng khác. Nào ngờ đó lại là lý do dẫn đến sự ghen ăn tức ở của các bạn hàng bên cạnh.

Từ hôm xuất hiện hàng xôi của Hậu họ bị mất khách. Thế là họ quyết không cho Hậu bán hàng ở đây nữa với lý do đây là địa bàn của họ. Hậu không chấp nhận cái lý do vô lý ấy. Hàng ngày thúng xôi của Hậu vẫn hiện diện ở vị trí cũ. Thế là một cuộc xô xát đã diễn ra mà bên thất bại không ai khác là Hậu. Vốn hiền lành lại là dân ngụ cư làm sao Hậu đối đầu được với dân chợ búa này.

Để có tăng thêm thu nhập Nam nhận dạy tiếng Anh cho con một gia đình gần trường một tuần hai buổi với tiền công một trăm ngàn đồng/hai giờ học. Hậu cũng nhận thêm việc dọn dẹp, lau chùi, vệ sinh nhà cửa cho các gia đình có nhu cầu nhưng công việc lúc có lúc không, mỗi tuần may ra mới được một vài buổi.

Sát vách phòng mẹ con Hậu thuê là phòng hai cô gái nghe như một cô quê ở Hòa Binh, một cô ở Phú Thọ thì phải. Hai cô gái này ước chừng trên dưới ba mươi tuổi. đều đã có chồng con. Họ lên Hà Nội kiếm việc làm rồi gửi tiền về cho chồng nuôi con, Hâụ nghe loáng thoáng như vậy. Ban ngày thỉnh thoảng họ mới ra khỏi nhà khi nhận được điện thoại của ai đó còn thông thường thì đến sáu bảy giờ tối họ mới “đi làm”, đến mười một, mười hai giờ đêm mới về, mà hễ ra khỏi nhà là họ ăn mặc rất mát mẻ, son phấn lòe loẹt, nước hoa thơm phức…

Đôi khi vô tình Hậu nghe họ nói chuyện với nhau câu được, câu chăng vì hai phòng cách nhau một bức vách, đại loại là mỗi ngày họ kiếm cả triệu bạc. Tính tò mò khiến Hậu để ý tới công việc của họ kỹ hơn, hóa ra họ làm nghề bán “Hoa”. Hậu thấy ghê tởm và nhìn họ với con mắt không lấy gì thiện cảm…

Nam bước sang năm học cuối, phải tập trung cho việc làm luận án tốt nghiệp nên không có thời gian dạy thêm. Nhiều khoản chi phí phát sinh, nhu cầu chi tiêu tăng gấp đôi so với trước mà thu nhập lại giảm đi. Hậu nghĩ nát nước, làm đủ mọi việc mà vẫn không đủ tiền chi phí cho việc học tập và bảo vệ luận văn tốt nghiệp của con. Chẳng lẽ bao nhiêu năm hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình với mục đích nuôi con nên người nay trồng cây đã đến ngày cho quả lại đành chấp nhận trắng tay? Lời hứa cuối cùng với chồng lẽ nào không thực hiện được?

* *

Bước sang tuổi bốn mươi tư, sống thiếu chồng đã hơn hai chục năm. Nàng đang trong thời kỳ tái xuân, sức sống tràn trề. Vốn là một cô gái có nhan sắc được sinh ra tại cái địa danh nổi tiếng là “Vùng gái đẹp”. Nàng có nước da trắng mịn màng, có khuôn mặt thanh tú ưa nhìn, với dáng hình thon thả, nở nang cân đối. Không cần son phấn mà vẫn đẹp rực rỡ, hai cô gái phòng bên còn phải chạy dài. Nhan sắc của nàng đã khiến không ít chàng trai trẻ đi qua trên đường không thể không ngoái đầu nhìn lại.

Một đôi lúc trong đầu Hậu thoáng qua ý nghĩ hay mình thử làm cái việc của hai cô gái phòng bên. Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua chốc lát rồi bị dập tắt ngay. Không! Mình không thể làm cái việc ô uế ấy được, nhục nhã, ê chề lắm, mình đã giữ gìn được ngần ấy năm lẽ nào bây giờ…Nhưng những khoản chi tiêu không thể đừng được, nhất là các khoản phục vụ cho việc tốt nghiệp ra trường của con.

Nếu nàng giữ cho mình được trong sạch thì con nàng không thể ra trường, còn nếu muốn cho con tốt nghiệp ra trường thì nàng phải hy sinh. Trước mắt nàng có hai con đường nhưng nàng chỉ được quyền chọn một. Đắn đo, suy nghĩ mãi cuối cùng Hậu đành tặc lưỡi, âu cũng đành hy sinh tất cả vì con, mà mọi sự hi sinh đều mang một ý nghĩa tôt đẹp (Hậu nghĩ vậy). Thôi cũng đành nhắm mắt đưa chân làm cái việc mà lương tâm nàng không cho phép.

Cứ hết cái tặc lưỡi này rồi đến cái tặc lưỡi khác dần dần Hậu trở thành một ca ve bán chuyên nghiệp. Nhờ những cái tặc lưỡi liên tục đó mà Hậu có tiền để chi phí cho mọi sinh hoạt và các khoản chi tiêu cần thiết cho việc bảo vệ luận án tốt nghiệp của con.

Bây giờ, Nam con nàng đã ra trường, đã có công ăn việc làm, đã tự lập nuôi sống bản thân. Chờ một thời gian nữa công việc ổn đinh rồi nàng sẽ cưới vợ cho con, thế là ổn. Còn nàng, nàng sẽ từ bỏ cái chốn phồn hoa đô thị này, sẽ từ bỏ cái việc bất đắc dĩ mà từ trước tới nay nàng vẫn cho là nhơ nhuốc ấy để trở về Tuyên Quang quê nàng, lại lên rẫy, lên nương như định mệnh đã dành cho nàng từ lúc mới lọt lòng. Nàng sẽ gột rửa thật sạch vết nhơ mà nàng đã dính phải trong thời gian nuôi con ăn học tại Hà Nội bằng dòng nước suối trong vắt của núi rừng Đông Bắc quê nàng.

Về đến nhà việc đầu tiên là sửa lễ lên mộ thắp hương cho chồng. Sau khi cắt cỏ dọn dẹp sạch sẽ tinh tươm nàng thắp hương và bày hoa quả trước mộ chồng, khấn chồng như tâm sự. Nàng báo cho chồng biết là thằng Nam, con chúng mình đã trưởng thành, đã có công ăn việc làm…

Ngồi trước mộ chồng bổng nhiên bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa lại ùa về. Nàng nghẹn ngào nhìn ảnh chồng nơi mộ chí mà cứ tưởng đó là người chồng bằng xương, bằng thịt đang tâm sự cùng mình.

Đêm ấy, giấc ngủ của nàng cứ lởn vởn, chập chờn hình ảnh của chồng rồi nàng ngủ lịm đi lúc nào không biết, nàng chìm vào một giấc mơ. Hình ảnh trong mơ diễn ra như trong một cuốn phim:

Nàng thấy mình đang sống ở kiếp sau. Nàng và Nhân lại là vợ, là chồng. Đứa con của hai người vẫn là Nam nhưng đã thành một người đàn ông chửng chạc. Vợ chồng nàng đang trong vai bố mẹ chú rể trong lễ cưới của con… Đang ngập chìm trong hạnh phúc Nàng kể hết với chồng tất cả những việc làm của mình trong thời gian qua kể cả cái việc nàng phải bất đắc dĩ để có tiền nuôi con ăn học. Chồng nàng không những không trách cứ nàng mà còn tỏ lòng biết ơn sự hi sinh danh tiết của nàng…

Có tiếng chó sủa khiến nàng bừng tinh, nàng tiếc ngơ tiếc ngẩn giấc mơ hạnh phúc đang dở giang. Ngoài kia mọi người trong bản đã lên nương, lũ trẻ đang trên đường đến lớp. Một ngày mới lại bắt đầu.

                                                                                     TG: CHU HỒ (Hồ Minh Lộc)

 

Nguồn tin: HNV:

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây