Hoa cúc vàng - Tập thơ của Nguyễn Đức Thuận và lời bình

Thứ năm - 01/06/2023 08:42
Hoa cúc vàng -  Tập thơ của Nguyễn Đức Thuận và lời bình

                                                                                   

“HOA CÚC VÀNG” - MỘT GIỌNG ĐIỆU LẮNG ĐỌNG, DA DIẾT
  VÀ GIẦU CHẤT TRÍ TUỆ CỦA TÂM HỒN THƠ NGUYỄN ĐỨC THUẬN

      
     Đinh Thiên Hương

     PGS.TS Nguyễn Đức Thuận đã “ở độ tuổi mùa thu-mùa của “hoa cúc vàng” (như lời tự bạch). Cả cuộc đời, anh dành cho nghiên cứu, giảng dạy là chủ yếu. Kho trước tác của anh thiên về nghiên cứu - phê bình, cũng là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, thi thoảng cảm xúc dâng trào, hay  nỗi niềm chợt đến, anh vẫn sử dụng vần điệu để trải lòng. Cho đến nay, Nguyễn Đức Thuận mới chỉ giới thiệu 2 tập thơ “Hương biển” (1996) và “Hoa cúc vàng”(Nhà xuất bản Hội Nhà văn,2023). Đó là minh chứng cho những điều vừa nói trên kia. Đồng thời cũng chứng tỏ, sự lựa lọc để “trình làng”của một nhà giáo nghiêm cẩn, một nhà nghiên cứu phê bình kĩ tính, trên tinh thần “quý  hồ tinh bất quý hồ đa”. Chứ như tôi thiển nghĩ, một đời cầm bút với nghiệp văn-thơ, anh đâu chỉ có chừng ấy bài thơ…

     Riêng với tập “Hoa cúc vàng” (có 36 bài thơ), người đọc nhận ra giọng điệu lắng đọng, da diết và giầu chất trí tuệ của một hồn thơ. Đây là những phút giây hiếm hoi trong ngày và trong đời để nhà nghiên cứu phê bình thoát ra khỏi những mê đắm, và nỗ lực một cách đơn độc, nhằm khám phá những đơn vị tác phẩm, những hiện tượng văn học. Tư cách nghệ sỹ lúc này trỗi dậy, rất cần sự thăng hoa, cân bằng cảm xúc, và nhất là cần lắm những gởi trao, tâm tình. Cho nên không phải ngẫu nhiên trong tập thơ, tác giả có nhiều đến thế những lời mời gọi, những câu hỏi tu từ, tạo nên những cuộc đối thoại nghệ thuật giầu ý nghĩa và sắc thái biểu cảm.

     Nhà thơ gọi tên mái trường như gọi niềm tin yêu và đặt vào nơi ấy bao khát khao kì vọng:“Đồng Hòa ơi! Biết bao khao khát mong chờ / Như tình yêu con sóng vỗ bờ”. Chắc là trong những chuyến công tác hoặc thăm thú, nhà thơ có “một thoángVladivostoc”, rung ngân thành lời: “Đất nước Nga! Đất nước Nga! / Tình yêu trái tim tôi tha thiết…Tuyết bắt đầu tan / Trời se lạnh, nắng nhạt vàng hơi ấm / Thời gian trôi chầm chậm / Không gian êm đềm như mơ…Những thân cây bạch dương rừng vắng…”Nhưng gọi tên một hải cảng trên đất nước người, là để nhà thơ tìm thấy một tương đồng mà yêu quê mình phố biển nồng nàn hơn: “Như thành phố biển Hải Phòng / Êm đềm lời ru con sóng…Phút giây lơ đãng / Nhớ về đất nước xa xăm”. Lại có lần tác giả gọi đích danh:“Thúy Kiều ơi! Thi sỹ Nguyễn Du ơi!”. Có thể đoán định thế này chăng, sau những công trình nghiên cứu công phu về Nguyễn Du và “Truyện Kiều” của tác giả (như tôi được biết), thì đây là những câu thơ trĩu nặng ưu tư, đau đáu trải nghiệm của anh về thân phận con người và nhân tình thế thái. Vẫn biết nói tới Nguyễn Du là phải nói đến Thúy Kiều – nhân vật lý tưởng, “đứa con đẻ tinh thần” của người nghệ sỹ. Nhưng ở bài thơ này, nhà thơ Nguyễn Đức Thuận dành bày tỏ tấm lòng luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, cảm thương và sẻ chia sau hơn 200 năm kiếp phù sinh Nguyễn Tiên Điền và phận bạc đoạn trường người con gái họ Vương:“Đã qua rồi những cơn ác mộng / Cảm ơn Người-thi sĩ Nguyễn Du ơi!”

     Cũng trong cái mạch khát khao giao cảm giao hòa và gởi trao, tâm tình ấy, còn thấy nhà thơ thường dùng những câu hỏi tu từ. Có khi vừa gọi vừa hỏi sóng:“Biển yêu thương, ơi biển yêu thương! / Bao con sóng trở mình thao thức / Suốt tháng năm không chợp mắt bao giờ / Con sóng nhớ bờ, con sóng bơ vơ?”. Có khi hỏi em và hỏi những mùa hè: “Em nhớ không, khi tia nắng đầu tiên / Gọi hè về dập dềnh măt nước?...Có phải cánh cò trong giấc mơ em?”. Lại có khi, nhà thơ tự hỏi mình nhân ngày 20 /10 “Biết tặng em quà gì nhỉ?”. Để rồi, ý nhị và tình tứ bộc bạch với người yêu, rằng “Trái tim anh mang dáng nụ hoa hồng / Như lời tình ái anh gửi tới / Người ấy…, tỏa hương, hoa biết không?”. Có thể nói, trong số các bài thơ sử dụng câu hỏi tu từ, thì “Em có về Hải Phòng với anh không?”(Bài thơ in trên Báo Hải Phòng số Xuân Đinh Sửu-1997, tác giả giữ bản quyền), thủ pháp này xuất hiện với tần số cao đặc biệt. Bốn dòng thơ mở đầu cho bốn khổ thơ, là câu hỏi tu từ “Em có về Hải Phòng với anh không?”. Biện pháp tu từ điệp ngữ này vừa như nốt nhạc luyến láy, tha thiết, đậm chất phong tình, ngân lên tự đáy lòng, vừa là lời mời gọi chan chứa tình cảm. Nó chịu lỗ về thông tin, nhưng lại lãi về giá trị biểu cảm Để sau mỗi lời mời gọi ấy, là sự phô diễn, là niềm tự hào trước vẻ giầu đẹp của quê hương và tấm chân tình cứ nối nhau như những đợt sóng dạt dào cảm xúc. Cái tôi trữ tình nhà thơ hỏi đấy, nhưng lại tự bộc bạch, đoan chắc rất thật lòng, đáng yêu và dễ đổ xiêu lòng em đấy:“Em có về Hải Phòng với anh không?/ người tài hoa /(mà anh thì vụng dại)/ nếu được yêu / anh chỉ yêu một người con gái / bằng tình yêu say đắm đến vô cùng”.

     Qua những lời gọi, những câu hỏi tu từ ấy, nhà thơ đã tạo nên những cuộc đối thoại nghệ thuật. Nó là cơ hội và điều kiện cho cái tôi trữ tình vừa bộc bạch, giãi bày vừa khuyên nhủ, nhắn gửi để sớm tìm được sự đồng điệu tâm giao. Đồng thời, nó cũng cuốn hút người đọc, người nghe vào dòng chảy cảm xúc một cách tự nhiên hơn. Điều này càng có ý nghĩa với một nhà nghiên cứu phê bình văn học, vốn lao động một cách cật lực và rất cô đơn khi khám phá và sáng tạo. Đây là lúc họ có thể trở về với cái tôi nội cảm, với khát khao giao cảm giao hòa…

     Đọc “Hoa cúc vàng”, chúng ta còn thấy những dấu chân in trên mọi nẻo đường của nhà thơ. Tác giả đi từ “biển quê hương” lên vùng “trung du”, “thăm chiến trường xưa”, đắm say với “kỉ niệm màu hoa phượng” quê nhà, nhưng vẫn bồi hồi, khắc khoải nhớ“Giàn tên lửa trang nghiêm trên đồi hoa tím…Màu tím, màu tím em ơi sao cứ da diết mãi / Trời hoàng hôn tím ngát trên đầu / Ở chân trời nào tim tím mắt bồ câu?”. Nhà thơ tinh tế lắng lòng nơi “Làng quê” để trở thành chiếc cần thu rất nhạy:“Chiều nghe sáo rung ngân trong gió / Đêm trăng lên cá quẫy dưới ao nhà / Lá lay nhẹ, hương hoa bay ngan ngát / Tiếng gà nào gọi sáng cuối làng xa”…Ở bài “Cây bàng”, ngoài sự thể nghiệm về việc đổi mới cách ngắt nhịp thơ lục bát, còn thấy Nguyễn Đức Thuận có những kỉ niệm thật đẹp về cây bàng-như loài cây tuổi thơ và nắng vàng ở quê mẹ thành Nam...Yêu lắm cái túi của tuổi thơ ta, là cả một kho tàng bí mật, cất giữ trong đó có những “Quả vàng như mật”“đựng đầy nắng thơm”. Anh yêu quê mẹ và thương nhớ mẹ như một ám ảnh khôn khuây“Dưới cây /đứng lặng ngẩn ngơ / quét lá rụng / Mẹ tôi mơ / Nắng vàng…”Cùng với sắc hoa phượng thắp lửa đỏ trời nơi thành phố Cảng, phải là người hiểu biết, thấu tỏ và yêu quê biển nặng lòng lắm mới cảm nhận và muốn gửi trao, sẻ chia cái vị mặn mòi đặc trưng ắp đầy chất biển: “Muốn gửi cho em mặn nồng hương biển / Chia nửa tâm tình những tháng ngày xa”.

     Nặng tình nặng nghĩa với quê hương bản quán, với đất nước non sông, cho nên sau này trên mọi nẻo đường đời, vẫn luôn thấy một Nguyễn Đức Thuận đau đáu nỗi niềm với đất nước quê hương. Anh vô Huế say với nhịp phách tiền trên dòng Hương, lịm người đi trong “Nét dịu dàng pha lẫn chút trầm tư” xứ Huế; ngang dọc miền Đông, miền Tây Nam Bộ, trải lòng với đất và người miệt vườn bốn mùa tốt lá xanh cây của sông Hậu sông Tiền, qua“Hành trình miền Tây Nam Bộ, nhật ký…”; từng rất say với “cốc rượu ngang mày / Ánh mắt sau tay”…của cô gái người Choang ở Quảng Tây-Trung Quốc; lại cũng từng rất hiểu“Tấm lòng Nga”“Một thoáng Vladivôstôc”. Nhưng cuối cùng, nhà thơ vẫn “Trở về thành phố thân yêu / Hành trình khép lại, bao điều nhớ thương…”Không cần phải nhắc lại ý thơ: “quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi”. Trong thơ Nguyễn Đức Thuận, quê hương xứ xở như sợi dây diều  giữ hướng mọi đường bay. Anh từ quê ra đi, từng bỏ lại phía sau giảng đường và sách bút, xẻ dọc Trường Sơn“đi theo ánh lửa từ trái tim mình”. Rồi trên con đường nghiên cứu và giảng  dạy, cánh chim bằng lại nương gió để bay cao…Nhưng mới hay, không có gì êm dịu bằng hai tiếng quê hương. Có thể nói, nhiều người quý trọng nhà thơ-nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Đức Thuận, trước hết là anh đã mở tầm định hướng cho mình từ những trung tâm văn hóa giáo dục lớn của quốc gia, song lại kiên trì bám trụ lập thân lập nghiệp nơi quê nhà “đầu sóng ngọn gió”mà buổi đầu không ít những khó khăn. Cho nên qua thơ, thấy PGS.TS – nhà thơ Nguyễn Đức Thuận yêu quê và ơn sâu nghĩa nặng tình dầy với quê!

      Đồng với những vần thơ chứa chan cảm xúc, giầu sắc điệu lắng đọng và da diết, như đã nói trên kia, người đọc còn thấy ở đây một hồn thơ có nền tảng của tri thức văn hóa và giầu chất trí tuệ. Nó góp phần làm cho thơ Nguyễn Đức Thuận có sắc mầu triết lý. Cũng đúng thôi, Nguyễn Đức Thuận chủ yếu là một trí thức, có học vị học hàm cao, đã minh chứng năng lực thực chất bằng cả một đời nghiên cứu, giảng dạy và trước thuật, với những đóng góp và sáng tạo được giới chuyên môn khẳng định. Khi làm thơ, anh luôn có những trải nghiệm, suy tư và đúc kết. Thành ra, dù nói về cảnh, về tình hay về sự, như cách phân loại của người xưa, thì tình thơ lai láng của tác giả vẫn thấp thoáng hoặc giầu những đúc kết triết lý về nhân sinh thế sự. Điều này tránh cho thơ ca những dễ dãi, “hoa lá cành” hoặc đầy tính thù tạc…, say đắm mà vẫn trĩu những ưu tư và có chiều sâu tư tưởng. Điều này, bạn đọc có thể nhận thấy qua những tứ thơ gợi mở sâu xa và ngôn từ thơ giầu nghĩa hàm ngôn, nhiều ẩn ý.

     Có thể lấy ngay bài “Hoa cúc vàng”, được tác giả lấy để đặt tên cho toàn tập thơ làm ví dụ. Tầng bậc ý nghĩa thứ nhất, dễ nhận thấy là nắng thu và sắc màu trong những đóa hoa“Vàng tươi màu kiêu sa?”. Nhưng phải có chút tri thức và trải nghiệm mới nhận ra rằng, mùa thu là mùa của nửa độ đường trong năm (xuân-thu nhị kì). Với con người ta (mà nói như  tác giả), đó “như là dấu ấn kỉ niệm cho tuổi trăng chiều của tôi”. Cho nên, ngay cả mối “tình đầu lộng lẫy”, giờ cũng đã là “một thời”, để ta nhớ về “thuở ấy”…Và trên “Hành trình thời gian”, tưởng như mênh mông vô tận vô cùng, vô chung vô thủy của không gian và thời gian, nhà thơ vẫn tin rằng những năm tháng này là cột mốc, là “điểm tựa sinh sôi”. Cho nên, nhà thơ bỗng thấy hạnh phúc vô bờ, khi vào “Phút giao thừa hai thiên niên kỉ / Ta nắm tay nhau / Cùng triệu triệu người”, vượt hành trình, đi qua “chiến tranh và độc ác…đói nghèo và thiếu học”. Nhờ có “Tình yêu và Hạnh phúc /Cánh đồng lúa vàng và tri thức / Vươn tới những vì sao”. Nếu không có vốn liếng văn hóa, đã dễ gì hiểu tường tận ngụ ý của nhà thơ về khái niệm vũ trụ và ý nghĩa của nó đối với việc tồn tại, sinh sôi sự sống và khát vọng vươn xa hơn, bay cao hơn của con người…

      Ở bài thơ “Thăm các lăng vua triều Nguyễn”. Đồng thời với các ngôn từ, hình ảnh mang dấu ấn lịch sử-văn hóa, đòi hỏi phải có kiến thức để giải mã, chúng ta chắc cũng đồng ý với đúc kết của nhà thơ: đế vương thì muốn“Thên cổ còn uy linh”, nhưng lẽ thịnh vong-hưng phế và thời gian sẽ nghiệt ngã, vô thường:“Ôi ngày xưa vua chúa / ước mãi cùng núi sông / Điện, lăng nay còn đó / Bia đá mờ rêu phong”.Trong nhóm đề tài này, bạn đọc còn có thể sẽ tâm đắc với những bài “Tầm cao”(tr.34), “Điện Biên” (tr.36), “Cọc Bạch Đằng” (tr.44), “Về hưu” (tr.60). Tin rằng, mỗi người tùy theo cảm thức và kinh nghiệm trường đời, sẽ đồng điệu cùng nhà thơ khi tiếp nhận những giá trị văn hóa và cái chất trí tuệ đó.

     Trở lên trên, chưa phải là tất cả những gì bao quát được về một tập thơ. Càng không dám nói tới cá tính sáng tạo nghệ thuật của một đời thơ. Nhưng tôi vẫn tin yêu mạch cảm xúc thơ chân thành, lắng đọng và da diết của nhà thơ Nguyễn Đức Thuận. Tất cả có được là nhờ bởi năng khiếu thi ca – đã đành. Nhưng dường như, trước hết, trên hết, là nhờ bởi một tầm cao và sâu của ngọn nguồn tri thức văn hóa, cùng những trải nghiệm đa dạng mà tác giả tích lũy được. Xin chân thành cảm ơn và rất quý trọng nhà thơ “Sắc hoa cúc vàng”, ngay cả khi anh đã bỏ lại phía sau “Phố phường nhộn nhịp, với mình…dần xa…”, nhẹ nhàng “về hưu”. Bởi anh, biết thế nào là đủ!     

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây