CHẤT ĐỒNG DAO TRONG THƠ THIẾU NHI CỦA PHẠM THI PHƯƠNG THẢO

Thứ bảy - 27/05/2023 06:07
PGS,TS Trần Thị Trâm
(Qua khảo sát “Đồng dao trên núi” của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo)
CHẤT ĐỒNG DAO TRONG THƠ THIẾU NHI CỦA PHẠM THI PHƯƠNG THẢO



     Đồng dao trên núi- tập thơ cho trẻ thơ của Phạm Thị Phương Thảo, gồm 87 bài do nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành tháng 4 năm 2022.
Đúng như tên gọi của nó, chất đồng dao thấm đượm trong từng bài viết, trong toàn bộ nội dung và hình thức của tác phẩm. Nhưng mang hơi thở của thời đại, Đồng dao trên núi lại có không ít những khác biệt so với đồng dao truyền thống và có một phong vị đặc sắc riêng so với đồng dao của các vùng miền.

Để làm rõ giá trị “Đồng dao trên núi”, chúng tôi đã xuất phát từ đặc điểm của thể loại, trên cơ sở đó chỉ ra những thành công của tác phẩm và những sáng tạo của tác giả trong quá trình tiếp biến văn hóa dân gian truyền thống. Trước hết cần tìm hiểu đồng dao là gì? Ông Phạm Thế Ngũ (1) trong cuốn Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, đã giải thích: đồng là nhi đồng, dao là những câu hát không có nhạc đệm. Như vậy đồng dao nguyên là một thể loại của văn học dân gian, không có nhạc đệm, con trẻ thuận miệng hát chơi.

Giống như các thể loại văn học dân gian, đồng dao là một nghệ thuật đa yếu tố, đa chức năng, có tính ứng dụng (art utilitaire) và tính biểu diễn cao. Gắn với trò chơi, những câu hát mộc mạc, ngộ nghĩnh này được coi như một kiểu trường học tự phát, dân chủ dành cho các em bé nhà nghèo suốt đời không được cắp sách tới trường. Vì thế ngoài chức năng vui chơi giải trí, đồng dao còn là những bài học khai tâm khai sáng đầu đời, những bài học vỡ lòng cho trẻ về nhiều phương diện như: âm nhạc, ngôn ngữ (phát triển vốn từ vựng, luyện phát âm), đạo đức, thực hành luyện các kỹ năng: luyện mắt cho tinh, luyện tai cho thính, luyện chân cho dẻo, luyện tay cho khéo, luyện trí nhớ, luyện khả năng toán tính (tập đếm) ...

Như vậy, đồng dao đã mang đến cho các bé những hiểu biết về khoa học thường thức khá toàn diện về tự nhiên, xã hội, tư duy với rất nhiều kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lý ... Đặc biệt khi hóa thân vào những khúc hát ru dịu ngọt của bà, của mẹ, đồng dao đã góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình, tình yêu thiên nhiên, yêu con người và cái đẹp; đồng thời cũng gửi gắm cả những ước mong các bé em khôn lớn nên người của ông bà, cha mẹ...

Vấn đề quan trọng là những nội dung khoa học đó đã được dân gian truyền đạt bằng một phương pháp độc đáo hữu hiệu, dưới những hình thức sinh động ngộ nghĩnh, chơi mà học, học mà chơi, phù hợp với tầm đón đợi, tức là phù hợp với trình độ, tâm sinh lý, thị hiếu của trẻ.

Đọc Đồng dao trên núi của Phạm Thị Phương Thảo, ta thấy tác giả đã có ý thức rất rõ trong việc tiếp nhận và phát huy nhưng giá trị tinh hoa truyền thống dân tộc. Những bài thơ của chị thấm đậm chất đồng dao. Trước hết mục đích của tập thơ của chị là viết cho trẻ thơ, viết vì trẻ thơ. Ấn phẩm nhỏ xinh, đáng yêu này bà ngoại Phương thảo dành cho cu Bi, bé Bông và các bé em, nhất là các bé em miền núi.

Trong số 87 bài, có 17 bài viết về đề tài miền núi, vùng quê yêu dấu nơi chị đã sinh ra, lớn lên và nhiều năm gắn bó: Quê em nhiều núi, Bếp lửa nhà sàn, Bản em, Trường em, Cô giáo em, Mẹ nướng ngô, Nhóm lửa, Hoa đung đưa lù cở, Mưa xuân vương trên má mẹ, Xuân về trên bản em, Kể chuyện cô giáo bản em, Nghe cô kể chuyện thật hay, Núi hoa, Gọi mưa, Lễ hội xuân, Em tập hát Then, Địu con lên nương.

Rất quan tâm tới trẻ thơ miền núi nên chị đã chọn “Quê em nhiều núi” đứng ở vị trí mở đầu cho tác phẩm. Điều này còn cho thấy nét độc đáo của Đồng dao trên núi so với tập thơ viết cho thiếu nhi khác:
Quê em nhiều núi
Quê em nhiều hoa
Quê em nhiều suối
Núi hoa lưng nhà

(Quê em nhiều núi)

Dĩ nhiên, là tác phẩm cho trẻ thơ nên “Đồng dao trên núi “chỉ tập trung phản ánh thế giới của trẻ thơ - một thế giới hạnh phúc, tươi vui dành cho “Những thiên thần nhỏ/ Trong những giấc mơ” (Đôi dòng sữa mẹ)

Thế giới nghệ thuật trong đồng dao của Phạm Thị Phương Thảo là thế giới tự nhiên gần gũi, thân thuộc mà huyền diệu, tươi tắn, trong lành, luôn sống động, lấp lánh sắc màu và rộn rã âm thanh. Với: Cầu vồng vắt ngang mây/Lấp lánh những sắc màu/ Đỏ, cam, vàng, lục, lam/ Thêm cả màu chàm tím (Cầu vồng !); Bếp lửa reo vui/ Lách ta lách tách (Bếp lửa nhà sàn ); Nắng vàng rực rỡ/ Chiếu sáng khắp nơi (Chào mùa xuân ); là những hàng tre cao vút, những chú sẻ nâu tí xíu mải chơi, những đám mây trắng mây hồng, những vườn xuân trảy hội, hoa hồng thơm ngát, tim tím hoa xoan, những khu vườn mùa thu trĩu quả: cam quýt bưởi bòng, xoài vàng roi đỏ, những quả thị xinh xinh như vầng trăng nhỏ lấp lánh tỏa hương:
Quả roi chín đỏ
Trái xoài vàng tươi
Quả thị căng tròn
Lá xanh cành thắm
(Quả mùa thu)
Những vầng trăng nhỏ
Lấp lánh tỏa hương!

(Cây thị của bé)

Đặc biệt, chị có nhiều bài thơ hay về thế giới thiên nhiên và lũ côn trùng: Dế mèn tự hát, Kể chuyện lũ nhện, Đàn ong hát đồng ca, Chuyện bác xiến tóc, Gã châu chấu ba hoa, Chuồn chuồn mở hội, Cào cào khoe áo, Bọ ngựa diễn thời trang... Chị mong muốn chùm thơ này sẽ góp phần giúp các bé sống ở thành phố có thêm hiểu biết về thiên nhiên tươi đẹp và thế giới của muôn loài:
Khoác áo choàng sặc sỡ
Đứng rình ở trên cao
Áo bụng màu trắng phớ
Đôi cánh biếc xon xao

(Chim bói cá vồ mồi)

Trong con mắt ngây thơ của các bé, cả thế giới dường như đều có linh hồn và trở nên lung linh huyền ảo. Lũ trẻ như hoà nhập vào thiên nhiên trong trẻo, như nghe được tiếng thở của đất trời, tiếng thầm thì của gió, của trăng. Tất cả, từ ngôi sao xa xôi đến ngọn gió vô hình, từ cơn mưa đầu mùa đến tiếng ve kêu gọi nắng... đều được phô diễn một cách vui tươi dí dỏm.

Thế giới nghê thuật trong thơ Phương Thảo là bầu khí quyển trong lành tràn ngập tình thương yêu của ông bà cha me, thầy cô. Ở đó có những người bà, người mẹ hết lòng tận tụy với cháu con, những cô giáo miền xuôi hiến dâng tuổi trẻ để cõng cái chữ lên vùng biên ải xa tít... Ở đó: “Tất cả người lớn/ Đều vì trẻ con” (Vi Thùy Linh) ... Ở đó, có ngôi trường em yêu với những lớp học thật đẹp, thật vui: “Lớp học trên đỉnh núi/ Khăn sương vắt ngang trời (Kể chuyện cô giáo bản em):
Đến trường vui quá
Thêm bao bạn bè
Lớp học là nhà
Cô như cha mẹ

(Bản em)

Vậy mà hai năm nay vì Covid bé phải ở nhà, không được đến trường. Nhưng trong vòng tay ấm áp của ông bà, cha mẹ bé vẫn được vui chơi với biết bao trò chơi truyền thống và hiện đại. Nào: cá ngựa, đá bóng, cờ vua , trốn tìm, ú òa, ô ăn quan, xúc sắc xúc sẻ, nu na nu nống... Bé được hòa nhập với thiên nhiên tươi đẹp, được làm nhiều điều bổ ích, lý thú mà bé thích: múa, hát, nghe kể chuyện, tưới hoa, tập xe đạp, xem mẹ gói bánh chưng... Cứ thế, bé lớn lên trong tình yêu thương, trong tiếng hát ru dịu ngọt mang theo bao mong ước của bà, của mẹ: Con ơi lớn nhanh/Ngày dài nhung nhớ (Đôi dòng sữa mẹ).Trong thế giới tuyệt vời ấy, không chỉ mọi người luôn thương yêu nhau mà cả thiên nhiên, cả ông trăng tròn trên trời cao và muôn loài đều rất thân thiện với trẻ nhỏ: “Ông trăng tròn/ Yêu trẻ con/ Ông hiền lắm” vì đã góp phần nuôi dưỡng trí tuệ, tình cảm, tâm hồn cho các bé em (Ông trăng tròn); Giàn mướp/ Hoa nở vàng tươi/ Tay xòe lá vẫy/ Xanh trời quê ta (Ru bé ngủ).

Với đối tượng là trẻ thơ nên thủ pháp nhận hóa đã được chị sử dụng với môt tần số lớn. Nhờ thế vạn vật trở nên đáng yêu và thật dễ thương: giống như bé con, ông mặt trời già biết ngáp ngủ, biết gọi cửa đến chơi với bé. Chị ong chăm chỉ biết thương cha mẹ. Bắp ngô nằm thở hí hóp, đàn ong biết hát đồng ca, chú bọ ngựa biết diễn thời trang, cái bống ngoan, chăm chỉ học hành, chăm chỉ tập bơi. Những chú kiến càng ngày đêm cần cù xây nhà; sén tóc điệu đà, suốt ngày chỉ lo tết tóc làm duyên.
Chuồn kim mải mê khâu áo (Chuyện vui các loài vật). Rồi: Trâu hiền, mưa xuân vuốt má/Gà mẹ gọi con cánh xòa/Cánh đồng tươi non thật lạ/ Ruộng ngô mắt ướt xôn xao (Mưa xuân vương trên má mẹ).

Để phù hợp với trẻ, dường như tác giả đã cảm nhận bằng cách cảm của trẻ, nói bằng cách nói của trẻ, nghĩ bằng cách nghĩ của con trẻ. Triệt để sử dụng tư duy trực giác và lối phô diễn theo cách kể của các bé, chị đã rút những cái tít thật giản dị: Quê em nhiều núi, Vừờn nhà bé, Cây thị của bé, Bé tập vẽ tranh, Trường em, Bản em, Cô giáo em .... Và những câu thơ mộc mạc theo cách liệt kê của con trẻ: Nào hồng, nào thị/ Nào bưởi, nào na/Bé cười thích chí/Bao nhiêu là quà! (Đêm trung thu).
Đồng thời để trẻ dễ thuộc, dễ nhớ chị đã dùng những thể thơ ngắn ít chữ: 3 tiếng, 4 tiếng, 5 tiếng... Viết cho các bé miền núi phía Bắc, Phương thảo đã linh hoạt đưa vào thơ một lớp từ của đồng bào địa phương: lù cở, hội Lồng tồng, đứa gái, cái mặt trời...

Qua đó, “Đồng dao trên núi” đã dạy trẻ nhiều điều, giúp các bé tập quan sát, phát triển vốn từ vựng, luyện khả năng tập nói, tập hát, tập nghe, tập đếm: Ngước mắt lên trời/Bé vui tập đếm/một hai ba bốn/Sao tít trên cao (Bà dạy đếm sao); biết nhận diện đặc điểm từng đồ vật: Trang sách màu trắng Tấm bảng màu den Ngôi nhà màu vàng Lá cờ màu đỏ (Bé tập vẽ). Không những thế, tác giả còn khéo léo lồng vào đó bao bài học về đạo đức để dạy trẻ một cách nhẹ nhàng: biết khiêm tốn, chăm chỉ học hành, biết yêu lao động, yêu bạn bè, ông bà, thầy cô, cha mẹ: Biết yêu cuộc đời/ Làm bao việc tốt... Muôn loài muôn việc/Chẳng ai rong chơi/ Biết yêu cuộc đời/ Làm bao việc tốt(Chuyện vui các loài vật). Biết kết đoàn để làm nên sức mạnh: Mình cùng vui chung/ Làm gì cũng dễ (Kể chuyện bạn gió). Đừng như Sẻ con ham chơi: Vui quên về nhà/Tối về nhớ mẹ/ Chíp chip kêu la (Chim sẻ nâu). Chẳng như: Vịt đực khoác lác/ Cạc cạc suốt ngày...

Những bài hát đồng dao của Phạm Thị Phương Thảo đã dạy các em biết yêu cái đẹp. Mà những ai yêu cái đẹp sẽ biết sống đẹp, biết yêu con người, yêu quê hương đất nước, yêu nền văn hóa dân tộc mình. Với một trái tim yêu thương: Bé yêu tất cả nhà/ Ai cũng thương yêu bé (Nhóm lửa); Đàn tính vừa gẩy lên/ Nghe lời hay ý đẹp/ Yêu non xanh nước biếc/Yêu làng bản quê ta (Em tập hát Then).

Những khúc đồng dao mộc mạc ấy đã góp phần nuôi dưỡng trí tuệ, tình cảm, tâm hồn cho các bé và sẽ theo trẻ thơ đi suốt cuộc đời.

T.T.Tr

 

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây