Mấy cảm nhận về truyện "Má lành" của Phạm Ngọc Tâm Dung

Thứ bảy - 01/10/2022 08:23
In trong tập truyện ngắn “Đàn bà nông nổi”
của Tác giả - NXB - HNV- 2021
Mấy cảm nhận về truyện "Má lành" của Phạm Ngọc Tâm Dung

                                                                                              Nhà văn Nguyễn Thanh Tùng
 

          Phạm Ngọc Tâm Dung tặng tôi tập truyện và ký “Đàn bà nông nổi” NXB HNV- 2021. Cầm tác phẩm trên tay, tôi ấn tượng với ảnh bìa màu vàng tím rất nữ tính, một chút bí ẩn lãng mạn và hình như cả một cuộc dấn thân…. Mở sách, với tâm trạng “khám phá”, thói quen của tôi là xem trước phần mục lục… và tôi đã lờ mờ cảm nhận hồn cốt của tác phẩm đang nằm ở đâu! Sau khi đọc 5 truyện ngắn và ký tôi bắt đầu chú tâm vào truyện Má Lành được bắt đầu từ trang 47 đến trang 195 trong tổng số 197 trang của toàn tác phẩm.
Truyện Má Lành được tác giả chia làm 5 phần giống như chương hồi vậy.
Nhân vật chính trong câu chuyện là Má Lành, một nhân vật phụ nữ như bao nhân vật phụ nữ trong những câu chuyện của tác giả. Có điều Má Lành là trung tâm, là hiện thân của xã hội Việt Nam thu nhỏ qua các thời kỳ sau năm 1945 đến nay. Sự sáng tạo của tác giả trong cách xây dựng kết cấu của câu chuyện quay ngược thời gian và đầu cuối tương ứng dắt dẫn người đọc hướng người đọc qua nhiều cung bậc của cảm xúc, có lúc người đọc như đang theo dõi một tản văn, có lúc như xem một kí sự được thổi đầy cảm xúc, có lúc như đọc truyện hiện thực phê phán… sự chỉn chu trong câu chữ, nụ cười phảng phất những giọt nước mắt kín đáo nhưng người đọc đều cảm nhận và trân trọng.
Nhân vật Má Lành với những thăng trầm của cuộc đời; Một người đàn bà, một người giúp việc, một quản gia… trong một gia đình công chức, má được chủ nhà tin tưởng, trân trọng và yêu mến đã gắn bó 20 năm trời. Mọi thứ có được đều có nguyên do của nó, nguyên do không phải tự nhiên có mà chính là được tiềm ẩn trong con người có giáo dục có hiểu biết. Má Lành đúng nghĩa là người mẹ thứ hai của cô chủ nhỏ (Trinh). Má nâng niu, yêu quý Trinh như núm ruột của mình, má dành tất cả tình yêu thương cho cô, má cho cô không những là những đêm trường thức trắng, má cho cô, người cuối cùng và duy nhất cả bầu ngực trinh nguyên linh khí của đất trời kết nối tình mẫu tử thiêng liêng trong sự tự nguyện và dâng hiến.
Tâm hồn thánh thiện của Má Lành đã truyền cho cô con gái nhỏ chủ nhà thành một thiếu nữ hiện thân, là mơ ước, là khát vọng sự trao gửi tâm hồn của Má Lành một cách tự nhiên nhất. Đó là ngọn nguồn của lòng tin, sự kính trọng đều được bắt đầu từ tình yêu.
Tác giả đã dắt dẫn người đọc quay ngược lại thời gian đưa người đọc trở lại bối cảnh xã hội Việt Nam thời kỳ đau thương và đen tối nhất, Cải cách ruộng đất, thời gian đầu khoảng từ 1956 -1957 của thập kỷ XX. Cô bé Lành, con gái út của một gia đình nhà giáo nề nếp sống trung lưu nhờ sự chăm chỉ đảm đang của người vợ, người mẹ. Bỗng một cơn lốc ập tới, một biến cố xã hội đã đẩy nhân vật bé Lành vào “vòng xoáy” để cho nhân vật quẫy đạp, quay cuồng, vượt lên hay bị nhấn chìm…Chấn động thứ nhất: “Vợ chồng nhà Lý Thịnh đâu, mau ra đình để cho bà con nông dân hỏi tội. Nghe vậy, bà Mùi bủn rủn chân tay, ông Thịnh ôm ngực ho sù sụ bước ra sân. Thằng Tâm con Lành bám chặt lấy tay mẹ run cầm cập”. Sự chấn động tâm lý được đẩy lên: Sau tiếng hô “đả đảo” “Thằng Tâm con Lành chỉ biết bịt chặt hai tai rồi rúc vào lòng mẹ mà run như lên cơn sốt”. Chao ôi! Thật là xót xa chua chát về những sai lầm của một thời đen tối, đưa những kẻ vô học, lười biếng ngu dốt và chứa đầy trong đầu tư lợi cá nhân trả thù cá nhân sự đố kỵ ghen ghét, được mang danh là nông dân; Tôi thấm thía điều này lắm vì bà nội tôi bị quy Địa chủ cường hào, người đấu bà tôi toàn những người thân, lẽ ra họ phải mang ơn thì họ trả bằng oán. Nông dân đến nhà tôi vét đến hạt thóc cuối cùng, tôi khóc và giữ, bị mẹ tôi bịt miệng và lôi vào bếp dọa du kích trói. Tôi sợ và im, nước mắt chảy vào trong lòng.
Bé Lành chưa hoàn hồn cú sốc ập tới đó là sự chia lìa với người anh trai, sự tan đàn sẻ nghé “Thoát khỏi tay Chén, Lành lồm cồm bò dậy, cái chân bị Chén đạp đau ê ẩm. Lành gượng dậy, bước thấp bước cao quay về nhà. Vừa nhìn thấy mẹ nó òa khóc rồi lặng đi trong tiếng nấc nghẹn ngào”. Còn gì đau đớn hơn khi bé Lành tận mắt chứng kiến cảnh người ta giải cha mình “kéo lê đôi chân trần tím ngắt trên nền đường sỏi đá, để lại phía sau những vệt máu đỏ lòm”. Sự gào thét trong vô vọng…

Thanh Tung  Tác giả Nguyễn Thanh Tùng

 
Thời gian trôi đi như nước chảy qua cầu, tiếng thở dài như dòng sông dòng suối vẫn bám chặt lấy cô Lành khi đã là thiếu nữ xinh đẹp thông minh hiếu thảo đảm đang, Lành đã tự vươn lên để sống để không bị gục ngã trước bão dông. Lành đã cùng người mẹ tảo tần mò cua bắt ốc, chịu đói chịu khát họ đã vì nhau mà sống mà hi vọng. Điều đáng trân trọng là tác giả Phạm Ngọc Tâm Dung đã gửi gắm thành ý của mình vào nhân vật chính của tác phẩm một điều tâm đắc là “sự học”.
Trong nền tảng gia đình quý sách (tri thức) còn hơn cả của cải, quý sự học của con đến cháy bỏng, truyền đức hiếu học cho con dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. (Ông bố học nghề đan lát từ trong trại cải tạo), cô con gái đứng trước lớp trả lời thầy giáo:
Thầy Hòa tiến về phía Lành khẽ hỏi: “Chị học được công thức tính từ đâu?”
Lành ngước lên rồi trả lời:
- Thưa thầy… Bố em dạy ạ!
Có lẽ trong suy nghĩ của tác giả, một Nhà giáo, một Nhà báo, một Thi nhân thì sự học coi như máu thịt mà chị đã thổi hồn vào nhân vật của mình.
Tai họa vẫn tiếp tục đổ xuống đầu cô gái tên Lành, cô Lành thật mà đâu có gặp lành. Mối tình đầu trong sáng, đắm say đã bị những định kiến tước bỏ chỉ vì là con địa chủ, vì chiến tranh…thế rồi cha mẹ cũng bỏ cô mà đi. Dù đã cứng cáp qua bao thử thách của thời gian, qua sự di truyền và dạy bảo của song thân, từ sự yêu thương của người thân người tốt, Lành không trơ chọi giữa đời.
Cô Lành có thể yêu và lấy một người chồng, sống cuộc đời bình dị chờ các anh trai tìm về! Nhưng không, nhân vật đàn bà của tác giả Tâm Dung không “nông nổi” thế. Một chút cá tính mạnh mẽ, một chút thông minh vượt trội, một sự trăn trở giữ lời hứa trước di nguyện của cha là tìm lại các anh và cả một chút đa đoan của người con gái đẹp nặng tình với mối tình đầu sâu đậm mong manh mà bền chắc thiêng liêng như đường gân thớ máu. Lành gác lại hạnh phúc riêng để ra đi. Cuộc ra đi, cuộc tìm kiếm đã cho Lành một bé Trinh (con chủ nhà), một cô Trinh thông minh, nhân hậu xinh đẹp là hiện thân của Má Lành.
Trong cái rủi có cái may, tác giả đã kéo thời gian trở về hiện tại, dịch Covid- 19 hoành hành trên khắp thế giới, việc du học của Trinh bị hoãn lại. Như một định mệnh xui khiến và bù đắp, tình yêu thánh thiện của Trinh với Bình (cậu con trai nghèo ở quê ra thành phố học), tình yêu của Má Lành tưởng như vô vọng thì vỡ òa hạnh phúc, niềm vui của Má Lành. Đôi trẻ đã được bên nhau. Má Lành đã tìm được gia đình anh trai thất lạc trong cái ngày kinh hoàng xẻ nghé tan đàn, không phải là Tâm mà là cháu nội duy nhất của liệt sỹ Phạm Văn Tâm. (người yêu của Trinh, đó chính là Bình) Phải chăng thế hệ trước đã đổ nước mắt và xương máu để thế hệ sau có hạnh phúc trọn vẹn “Một chiếc ô tô đen bóng đậu nơi sân. Bố mẹ Trinh xuất hiện với một lẵng hoa tươi thắm trân trọng đặt lên bàn để chúc mừng giờ phút thiêng liêng hội ngộ xuyên thế kỷ của gia đình Má Lành”. Một cái kết ít nhiều có hậu như tâm hồn nhân hậu sâu lắng của tác giả.
Truyện “Má Lành” trong tập truyện ký “Đàn bà nông nổi” Hay và thành công. Tác giả xây dựng cốt truyện theo cách đầu cuối tương ứng, vặn ngược thời gian tạo sự hấp dẫn rất riêng. Cách xây dựng nhân vật có sự đan cài, nhân vật chính luôn tỏa sáng cho nhân vật phụ. Nhân vật phụ chính diện hay phản diện đều góp phần hỗ trợ nâng đỡ cho nhân vật chính, tạo nên một chỉnh thể động. Tác giả xây dựng nên những tình huống tăng dần để đẩy nhân vật vào những tình huống oái oăm cho nhân vật đựơc lột tả hết tính cách, nhân cách. Đọc những tác phẩm của tác giả Phạm Ngọc Tâm Dung, tôi thích cách viết nhẹ nhàng sâu sắc và nhân văn của chị, điều mà làm nên cái rất riêng của chị, khi đọc lên thật chuẩn chỉnh về ngôn ngữ, dịu nhẹ về màu sắc, thầm thì du dương về âm thanh, nhún nhẩy đung đưa về nhịp điệu, giống như nằm trên võng đay nhắm mắt nghe tiếng ru của mẹ … Cái riêng trong tác phẩm của tác giả Tâm Dung mà tôi tâm đắc nhất đó là thủ pháp nghệ thuật “Tả cảnh ngụ tình”. Thật đúng “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Đời sống nhân vật, diễn biến của câu chuyện đều được lồng vào cảnh sắc, âm thanh của tự nhiên làm tăng thêm cảm xúc tâm trạng cho người đọc, tăng thêm hiệu ứng diễn tả cho các tình tiết truyện làm cho tình tiết truyện thêm lung linh huyền ảo:
“Mặt sông cuồn cuộn chảy. Một dòng nước xoáy thăm thẳm xoay tròn đến chóng mặt. Một bè lục bình nở đầy hoa tím bị những con sóng giằng xé chia cắt thành nhiều nhánh nhỏ cứ vật vã, nổi chìm trong cái vực sâu hun hút, đỏ ngầu”. Đó là đoạn tả cảnh khi Tâm chạy trốn bắt đầu của sự chia lìa. Cảnh Ông giáo Thịnh với sự oan khiên đang bị trói dưới mái đình, hình như có cả sự nổi giận của thần linh:
“Đêm 25 tháng Chạp…Những cơn gió bấc rít từng hồi như cắt da cắt thịt. Bụi tre đầu đình nghiến vào nhau ken két”. Thật là “Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu” (Ca dao). Trong tác phẩm ta còn nghe cả những tiếng cú kêu lạnh người, tiếng rơi vỡ của ngói… những âm thanh rùng rợn như những tiếng đóng nắp quan tài trong mùa dịch bệnh. Để rồi tác giả cho ta nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm:
“Trên mặt hồ đôi vợ chồng Thiên nga trắng muốt đang dìu lứa con đầu tiên ra tập bơi trên làn nước xanh trong đầy nắng”.
Không biết cái nắng có làm ấm áp cho tâm hồn má Lành, không biết làn nước trong xanh có gột rửa hết nỗi đắng cay mà cuộc đời phũ phàng tước đi của người đàn bà tội nghiêp má Lành làm mẹ mà chưa một lần làm vợ. Tôi nói ra không biết có phạm thượng hay không? Má Lành hay Đức mẹ Đồng trinh?

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây