Trận hiệp đồng đánh Mỹ trên vùng biển Quỳnh Long, Nghệ An

Chủ nhật - 23/04/2023 14:46
( Kính tặng: Nhân dân và Cán bộ chiến sỹ Đồn B.P148-B.Đ.B.P.Tỉnh nghệ An )
Ảnh minh họa: ST
Ảnh minh họa: ST


Bút ký của Đại tá: Lê Minh Tý              

        Năm 1972, quân và dân Miền Nam tiến công mạnh; Mỹ, ngụy thua to, cố sống chết co cụm lại trong thành Quảng trị; Mặt khác, Mỹ tiếp tục đánh phá trở lại miền Bắc bằng chiến tranh phá hoại, nhằm làm cho ta suy yếu để chúng giành lợi thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Pa-ri. Cánh sinh viên chúng tôi khoa văn và khoa toán Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại ngữ đã thực hiện “ Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”. Hôm đó là ngày 06 tháng 09 năm 1971. Nguyễn Văn Thạc và đồng đội ở khoa Toán của trường Đại học Tổng hợp nhập ngũ vào các đơn vị, riêng tôi và 31 sinh viên khoa Văn, Sử và 68 sinh viên của hai trường: Đại học Bách khoa, Ngoại ngữ Hà nội lên đường vào lực lượng C.A.N.D.V.T. Thời gian huấn luyện tại Trường Sỹ quan C.A.N.D.V.T lẽ ra phải 6 tháng, nhưng mới huấn luyện được hơn 4 tháng, chúng tôi đã phải bế mạc để nhận nhiệm vụ ở các đồn biên giới. Chúng tôi được chỉ huy quán triệt: Mỹ lại cho máy bay bắn phá Miền Bắc lần thứ hai- Lần này sẽ rất quyết liệt, một mất một còn để giành thế mạnh trên bàn đàm phán tại Pa Ri (Pháp). Chúng tôi hành quân đêm đến một địa phương dọc quốc lộ số 1,thuộc tỉnh Thanh hóa, vào khoảng hơn 7 giờ tối.Trước đây, cánh lính trẻ chúng tôi mới chỉ chứng kiến các vụ máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc những năm 1964- 1968, lại là lính ở vùng đồng bằng nên chưa bao giờ thấy cảnh pháo kích bắn từ các Hạm đội của Mỹ từ biển vào. Những quả pháo đỏ lừ, déo déo nghe đến rợn người bay qua đầu chúng tôi, nổ ầm oàng giót vào xung quanh cầu Hàm rồng, cầu Đò Lèn. Chúng tôi chẳng biết xuống hầm tránh đạn; Ngược lại cứ ngẩng cổ lên để xem, lại còn khen là đẹp. Vì thế bị chỉ huy “Ấn đầu xuống”rồi phê bình nhắc nhở, bắt đi trú ẩn. Sang ngày hôm sau, cũng vào buổi chiều tối, đoàn hành quân đến ga Cầu Giát, Ba chúng tôi là: Tý, Nam, Giang, xuống tàu để hành quân bộ tới đồn Lạch Quèn (Thuộc địa bàn Huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Tôi không thể quên được. Đó là một ngày đầu tháng 4 năm 1972.Về đơn vị buổi chiều còn chân ướt, chân ráo, thì khoảng 5 giờ một tốp máy bay địch đến oanh tạc. Từ ngoài biển chúng bay vào,vừa qua cửa Lạch, trên doi cát dưới những gốc cây phi lao là trạm kiểm soát của Đồn, một chiếc máy bay tách khỏi đội hình, quay trở lại, hạ thấp độ cao và phóng quả tên lửa trúng cây bạch đàn giữa ngôi nhà bán âm, bán dương của đơn vị. May mà khi đó chúng tôi chưa vào nhà.Quả tên lửa và tiếng nổ inh tai nhức óc hôm đó làm cho tôi nhớ mãi và cũng không khỏi pha chút sợ hãi. Cứ như thế, ngày nào máy bay Mỹ cũng bay vào đánh phá rất dữ dội, ác liệt. Chúng tuyên bố: Đánh hủy diệt để chặn đường chi viện của Miền Bắc vào tiếp tế cho chiến trường Quảng trị. Thời kỳ này,Cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị cũng chẳng có nhiệm vụ gì hơn là vận động nhân dân xuống hầm trú ẩn mỗi khi có máy bay địch, mặt khác bố trí trận địa súng phòng không để chiến đấu với máy bay Mỹ khi xà xuống ném bom, thả thủy lôi. Trong những lần chiến đấu đó, tôi nhớ như in: Hôm đó trời cao, những đám mây ửng hồng, bồng bềnh từ biển vào. Không ai bảo ai, đều nhủ lòng: Trời trong xanh quang đãng thế này, thể nào lũ quạ Mỹ sẽ vào bắn phá, chứ không thể không. Các trận địa của dân quân, của bộ đội cao xạ, tôi cùng tổ trực chiến của Đồn đều súng đạn sẵn sàng. Quả thật lúc đó vào khoảng 9giờ ngày 29 tháng 10 năm 1972.Từ biển, một tốp máy bay F105 bay từ từ, bỗng một chiếc tách ra, lượn ra ngoài ,lao xuống trút một loạt bom vào cửa lạch, nơi chúng phát hiện có một chiếc thuyền đánh cá của dân đang vào bờ. Tiếng bom ầm vang,cột nước cao vút. Cùng lúc đó trên núi Cờ thuộc xã Quỳnh Thuận, trận địa pháo 49 cùng tổ dân quân trực 12 ly7 do chị Thỏa là trung đội trưởng chỉ huy, chớp thời cơ khi máy bay địch lao thấp, liền nhả đạn. Chiếc máy bay bị trúng đạn, bốc cháy. Cả trận địa reo hò, chúng tôi cũng hò reo: Cháy rồi, cháy rồi…Biết “Đồng đội”của chúng bị trúng đạn, không thể bay tiếp. Ba chiếc máy bay cùng tốp đã quay trở lại để cứu, còn chiếc bị cháy đã vòng ra biển,mang theo một đốm lửa . Không qua được mắt của các xạ thủ phòng không các trận địa quanh đó. Một chiếc dù bật khỏi chiếc máy bay cháy và một tên phi công đang lơ lửng trên trời. Một bên quyết cứu đồng đội đang bị nạn, một bên quyết tâm bắt tên giặc lái, “Đã gặp nhau” và một trận chiến đấu quyết liệt bắt đầu. Dưới mặt đất, lưới lửa phòng không của quân dân ta bủa vây và liên tiếp nhả đạn mỗi khi chúng lao đầu trút bom.Một chiếc bị cháy, ba chiếc còn lại của tốp ban sáng không tiếp tục đi theo kế hoạch cũ nữa, mà chúng lập tức quay lại và gọi thêm chi viện để kịp cứu tên phi công đang chới với ngoài biển. Một tốp,rồi hai, ba tốp nữa ở ngoài biển bay vào. Liên tục chúng thay nhau ném bom để ngăn chặn không cho ta bắt sống tên giặc lái đang sắp rơi xuống biển. Thay nhau, bốn chiếc một, cứ thả bom lần lượt từng chiếc, ba tốp sau cứ theo đó để chặn quân dân ta. Bom đạn cày xới, nổ inh vang cả một vùng biển xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận. Đối với chúng tôi, chỉ huy Đồn phân công mỗi tổ một việc. Tổ công tác cơ sở giúp dân (Nhất là người già ,trẻ em) nhanh chóng đi sơ tán khỏi vùng cày xới của máy bay địch. Đội cơ động do tôi (Đội phó) phụ trách đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng phòng không của chủ lực và dân quân liên tiếp nhả đạn vào đội hình máy bay khi chúng lao thấp để thả bom và bắn rốc két. Lúc đầu chúng thả bom và bắn đạn giấy để uy hiếp lực lượng ta, về sau chúng đánh xen kẽ cả đạn giấy, cả bom đạn sát thương. Nhiều vùng thôn quê ven biển và hệ thống hầm hào của ta ở xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận bị bom địch cày xới, phá hoại tan tành. Để đảm bảo tuyệt đối tính mạng cho dân, một vành đai an toàn cách bờ biển hàng chục km được đưa dân đi sơ tán, chỉ còn lại lực lượng chiến đấu một mất, một còn với địch.Trong lúc khói lửa, đạn bom mịt mù, một phương án ra biển được triển khai thực hiện.Phải cần người biết bơi giỏi, thuyền tốt,lái tốt được trang bị súng, đạn đủ cơ số lên thuyền ra bắt tên giặc lái.Đồng chí Phạm Bá Vanh (Trung đội trưởng dân quân xã Quỳnh Long) cầm lái. Đồn C.A.N.D.V.T.92, cử hai đồng chí là: Nguyễn Trung Tín và Nguyễn Văn Thọ, thành một tổ ra biển.Trên mặt đất, tôi là đội phó Đội cơ động đã chỉ huy Đội căng sức hiệp đồng cùng các trận địa phòng không xung quanh để chiến đấu chống máy bay địch với cuộc chiến ngày càng ác liệt, lực lượng ta phải huy động cả lực lượng dân quân các xã: Sơn hải, Quỳnh thọ là các xã giáp danh chi viện cho việc đưa dân đi sơ tán. Chúng tôi vừa bắn máy bay, vừa nghi binh đánh lạc hướng chúng cho tổ đi thuyền ra biển, làm chúng không để ý tới phương án ra bắt sống tên giặc lái đã rơi cách biển khoảng 2 km. Thuyền của ta tiếp cận gần chỗ tên giặc lái rơi ngoi ngóp, phì phò, thì chúng đã cho thủy phi cơ bay đến tiếp viện. Đã tới lúc cả hai bên cùng nhìn thấy mục tiêu ở dưới biển là tên giặc lái. Thế là cuộc chiến đấu hợp đồng gần như sáp lá cà lại diễn ra hết sức quyết liệt. Tổ ra biển bắt sống tên giặc lái chiến đấu với thủy phi cơ của địch đã hết đạn. Lúc này tên giặc lái đã được đưa lên thuyền. Nguy kịch đặt ra: Nếu cứ lái thuyền vào bờ trong lúc: Tốc độ thuyền đi chậm; Mặt khác khi đó lực lượng của ta trên thuyền đã hết đạn, chúng sẽ bắt sống ba đồng chí trên thuyền và cứu được giặc lái. Một phương án táo bạo được hội ý chớp nhoáng. Không còn cách nào khác, dùng dây súng trói tên giặc lái; Đồng thời dùng lê AK xuyên thủng thuyền, trọng lượng nặng nên nước tuôn ào ạt.Trong phút chốc cả ba đồng chí của ta và tên giặc lái đều bơi trên biển.Cuộc chiến đấu kéo dài liên tục 5 giờ liền,cả trên đất liền cũng như ở ngoài biển. Mọi người ai nấy thấm đói, mệt. Ba đồng chí đã cố gắng hết sức bơi vào bờ. Riêng đồng chí Phạm Bá Vanh lúc chiến đấu đã bị thương và sau đã hy sinh.Tổ ra biển bắt tên giặc lái về báo cáo cụ thể, cặn kẽ việc xử lý; Lập tức một thông báo của Ban chỉ huy Đồn và của Bộ chỉ huy C.A.N.D.V.T.Tỉnh Nghệ an phát đi cho nhân dân ven biển trong vùng để chú ý quan sát tên giặc lái hôm trước. Quả thực một tuần lễ sau, ngư dân Quỳnh Long đi biển đã vớt được xác tên giặc lái đó và đưa vào bờ chôn cất chu đáo, cẩn thận). Ngoài chiếc máy bay bị bắn rơi ngay từ sáng hôm 29 tháng 10 ra,lực lượng phòng không của ta còn hạ thêm một chiếc F105 nữa. Cuộc chiến đấu này quả là một kỷ niệm nhớ đời. Trận chiến đấu Hiệp đồng trên biển tại Xã Quỳnh Long, Huyện Quỳnh Lưu, Tỉnh Nghệ an, năm 1972.

           Sau thất bại nặng nề này, chúng bắt đầu tăng cường nã pháo kích từ ngoài chiến hạm vào đất liền. Thời gian pháo kích từ 30 đến 45 phút mỗi đợt; Thời gian thường là chập tối, nửa đêm và gần sáng. Vì lúc đó chúng cho là ta hay mất cảnh giác hoặc ít đề phòng. Quy luật chung của chúng: Pháo kích ,kết hợp với thả biệt kích, người nhái vào thám báo và nắm tình hình của ta để hôm sau đánh phá dữ dội và sát mục tiêu hơn. Cánh lính Đồn chúng tôi còn phải thường xuyên theo dõi, đối phó với chúng thả thủy lôi ở cửa lạch Quèn, đây là một trong những cửa lạch chính để vận tải bằng đường thủy từ nội địa ra biển. Mỗi lần chúng thả thủy lôi, ai trực đều phải ghi chép rõ từng quả, từng đợt để sau đó báo cáo trên và theo dõi từng quả nổ vào thời gian nào?Khi thấy số thủy lôi đã nổ hết so với số theo dõi thì mới cho tàu, thuyền qua lại.

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây