Nhà văn Phùng Văn Khai
Tôi biết đến nhà thơ Hà Nguyên Cát (bút danh Nguyên Hà) qua ba tập thơ Lửa tình yêu (Nxb Hội Nhà văn, 2019); Miền ký ức (Nxb Hội Nhà văn, 2020); Thác lòng (Nxb Hội Nhà văn, 2021) và nhất là con người ông, luôn đắm say và tâm huyết, sâu sắc và trải lòng mộc mạc, thơm thảo nghĩa tình không chỉ với thơ ca, quê hương nguồn cội mà còn là với toàn bộ cuộc sống đang diễn ra sôi động, phức tạp hôm nay. Phải thế chăng mà thơ Hà Nguyên Cát luôn đưa ra những thông điệp, những nhận diện, thao thức, chất vấn, những câu hỏi muôn màu trong cuộc sống của chúng ta. Ngay ở đầu tập thơ, bài Giếng làng chính là một thông điệp vừa khơi mở vừa ẩn chứa nhiều câu hỏi:
Đợi người không thấy người ra
Mặc lòng nắng rọi, mây sa mời chào
Giếng làng thiêm thiếp chiêm bao
Trong mơ vọng tiếng gàu chao giội về.
Hoặc như, cách thức Hà Nguyên Cát chất vấn chính mình tưởng chừng bình dị như là nói chơi vậy mà hàm chứa bao nỗi niềm xa vắng khôn nguôi. Ở một bài thơ ba khổ Vết ngã đầu tiên ngắn gọn mà tinh lọc, người đọc đã thấy rất rõ điều này:
Bao lần con đi vấp ngã
Đớn đau rồi tự đứng lên
Cũng nhờ đôi tay của mẹ
Nâng con lần ngã đầu tiên
Con đã gom điều được - mất
Dọc ngang, sấp ngửa đời con
Chiều nay về thưa với mẹ
Mà không bóng mẹ bên thềm
Chơi vơi con bước ngoài hiên
Góc sân sậm màu rêu mốc
Muốn tìm vết ngã đầu tiên
Chắc đã lặn sâu vào đất.
Quả là thơ ngắn, tình dài, ý thơ ngoài lời, tình người thăm thẳm.
Trong tập Gặp lại mưa quê lần này xuất hiện nhiều bài lục bát. Lục bát dường như là một thế mạnh cũng là gửi gắm muôn nỗi tâm tư của HàNguyên Cát với quê hương nguồn cội. Cái cách Hà Nguyên Cát triển khai từng cặp lục bát, từng khổ 4 câu vừa thuần thục vần điệu vừa mới mẻ với những hình ảnh, sự vật đan cài rất tài tình:
Đã lâu gặp lại mưa quê
Nhòa cửa kính ngỡ bốn bề nước lên
Nhớ tràn lũ trắng đồng chiêm
Lúa non đang cúi ngạt chìm dưới sâu
Mồ hôi, nước mắt bạc màu
Trời cho một cuộc bể dâu kiếp người
(Gặp lại mưa quê)
Ở một góc nhìn khác lại là một sự so sánh bình dị mà độc đáo:
Cháu về tìm lại thơ ngây
Một thời lẫn với cỏ cây quanh nhà
Chập chờn cõi nhớ hiện ra
Trong bóng phố, rợp vườn bà thuở xưa
(Trong bóng phố)
Cái cách Hà Nguyên Cát gửi gắm thông điệp trong lục bát thật muôn màu, muôn vẻ:
Chiến tranh cháy giấc mơ đầu
Gói tro về thả nông sâu theo dòng
Ấm bờ, ấm tận đáy sông
Mà người trở lại ngập lòng heo may
(Một khúc sông quê)
Sự tinh nghịch của lục bát Hà Nguyên Cát cũng “không phải dạng vừa đâu”:
Một lần đến với Hội Lim
Chẳng ngờ lại mắc bệnh tim nhớ thầm
Búp măng chạm nón ba tầm
Chỉ nghiêng một độ mà râm đến giờ
(Một lần Hội Lim)
Tạm điểm ra vài bài lục bát như vậy, người yêu thơ đã có thể cảm nhận phong cách lục bát của Hà Nguyên Cát luôn lấy sự mộc mạc, chân thành, những chữ anh dùng đều được đặt đúng vị trí cần thiết của nó, giải quyết những nhu cầu thẩm mỹ bằng sự từng trải và trái tim ấm nóng. Đây chính là bản lĩnh của một cây bút từng trải và rất cảm thông với con người, với cuộc đời.
Hà Nguyên Cát trước tiên và đến hôm nay vẫn luôn là một người lính. Người lính trong thơ Hà Nguyên Cát là một người lính đã trải qua những bước ngoặt khốc liệt nhất của chiến tranh, những hy sinh lớn lao, mất mát không gì nói hết của người chiến sĩ nơi tiền tuyến, và nhất là người ở hậu phương với những ám ảnh khiến chúng ta buốt nhói tâm can:
Tay mẹ run run đỡ lấy anh
không phải quấn trong vải xô
mà bọc trong cờ Tổ quốc
nửa thế kỷ
mẹ chờ
giờ mới tròn nguyện ước
Ôm anh trong vòng tay
tuổi thơ anh cùng tuổi xanh của mẹ
rưng rức ùa về những khoai vùi, sắn độn
những ngày cua cáy ven sông
...
Ôi, vòng tay mẹ đã ôm anh
giữa nước mắt và lặng im
như ôm cả vào lòng cuộc chiến
(Vòng tay mẹ ôm anh)
Cũng là viết về sự hy sinh tột cùng của người mạ (mẹ) vùng sông Ranh với những người con ra đi không trở lại, trong bài Sao anh chưa về lại viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Thân gửi tấm hình một bà mạ ở Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình:
Mạ giữ tấm hình anh
tấm hình hai màu đen trắng
cả khi ra đồng
khi trú ẩn dưới hầm
khi đưa cơm cho dân quân canh trời giữ biển
Mỗi lần coi tấm hình anh
trong mắt mạ lại hiện lên
rưng rưng phút chia ly
anh ôm lấy mạ
hẹn ngày thống nhất non sông
…
Trong tập thơ, ở bài Cây thước chỉ huy kính tặng cố Thượng tướng, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư Hoàng Minh Thảo - nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, một con người mà nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân và đặc biệt là Học viện Quốc phòng luôn rất kính trọng ông, Hà Nguyên Cát đã có những vần thơ bình dị mà sâu sắc về vị tướng đặc biệt:
Hóa thân làm thước chỉ huy
Trong lòng trúc ẩn những gì đã qua!
Cùng ông suốt chặng đường xa
Giờ trầm tư ở trong nhà Tướng quân
Thơ Hà Nguyên Cát, ở tập Gặp lại mưa quê lần này có nhiều bài rất ngắn, nhất là loạt bài viết về dịch bệnh Covid-19 như Giờ này em ở đâu; Lễ hội mùa Covid; Trung thu Covid; Đếm hạt ngâu; Tiệc gió mưa; Gỡ băng cho phố... đã cho thấy trách nhiệm công dân rất cao của nhà thơ. Nhà thơ vốn là người nhạy cảm, luôn suy nghĩ, trăn trở, cảm thông với cộng đồng. Đứng trước những căng thẳng, thậm chí là nghiệt ngã của dịch bệnh, tráitim của nhà thơ đã đập cùng một nhịp với nhân dân trong những giây phút khó khăn. Hà Nguyên Cát đã rất tinh tế trong Đếm hạt ngâu:
Đếm từng hạt ngâu rơi
rót vào đêm trắc ẩn
nghe như có hạt đời
vỡ trong cơn dịch bệnh
Từng hạt, từng hạt rơi
vào bình đêm thổn thức
gõ tê trong lồng ngực
mau tạnh đi, ngâu ơi!
Viết về dịch bệnh như thế, quả thực rất cao cường.
Ở những bài cực ngắn, thông điệp đưa ra lại khiến ta rất bâng khuâng:
Tháng Ba vào giáp hạt
Rau, củ giữ bếp nồng
Giờ bốn mùa cơm trắng
Hỏi ai còn nhớ không?
(Tháng Ba)
Cây đào bích đưa về năm ngoái
Mãn xuân mời nhập tịch vườn nhà
Chẳng phụ tấm chân tình giữ lại
Rét tê cành vẫn ngấn nụ hoa
(Cây đào năm ngoái)
Với người thường đọc thơ anh, từng đọc trong tâm thế biên tập bài in trên Văn nghệ quân đội đã hàng chục năm, chúng tôi thấy rất rõ sự trưởng thành về mặt thẩm mỹ của nhà thơ Hà Nguyên Cát. Anh đã đi từng chặng, từng chặng đường thơ với cái thắm thiết và sự chiêm nghiệm, gạn đục khơi trong của chính mình. Với tư cách người viết, người biên tập, người đồng đội, người em của Hà Nguyên Cát, tôi xin được chúc mừng anh.
P.V.K