Phạm Thị Hồng Thu
Thật hữu duyên và may mắn, trong chuyến đi du lịch Cuba tôi được gặp chị. Chị là Maria Llorens Trevino, tên Việt Nam là Hiền. Lần đầu tiên tôi kết bạn Facebook với một người nước ngoài, có lẽ lý do chính tôi kết bạn với chị không hẳn vì chị biết tiếng Việt mà quan trọng chị như một người Việt, đón chúng tôi chỉ mặc áo dài cách tân, thật ấn tượng. Chị nhỏ nhắn, nhỏ nhẹ, hiền lành, dễ thương như cái tên của chị. Chị được anh hướng dẫn viên người Việt Nam giới thiệu đi cùng đoàn chúng tôi. Chị bảo được gặp người Việt Nam, được trau dồi tiếng Việt và có thêm thu nhập chị vui lắm em à. Chị về hưu, lương ít, lại tình hình khó khăn, thương chị quá.
Trước đây, chị là người cô, là gia đình của nhiều sinh viên Việt Nam, những người con xa quê nửa vòng trái đất sang Cuba được chị đón về, tình cảm ấm áp thân thương, chị giúp đỡ các bạn ấy nhiều. Ai cũng quý chị. Chị là người phiên dịch tiếng Việt kì cựu của lãnh tụ Fidel và các cán bộ cao cấp của Cuba. Chị cho tôi xem tấm bằng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội khoa Tiếng Việt và Ngữ Văn khóa 1974 - 1978. Tấm bằng bìa màu xanh đã bong tróc cong vênh nhưng chị luôn yêu quý trân trọng và luôn mang bên mình. Nhắc về những ngày học ở Việt Nam chị rưng rưng xúc động cảm ơn đất nước Việt Nam. Những năm ấy Việt Nam còn khó khăn nhưng sinh viên nước ngoài như chị vẫn được quan tâm chu đáo. Chị kể về những ngày tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, đi xây dựng khách sạn Thắng Lợi và các công trình khác ở Thủ đô, kể về những người bạn ở Việt Nam.
Chị nói về lãnh tụ Fidel nhiều, lãnh tụ có tầm nhìn xa trông rộng, ông đã chỉ đạo tổ chức các lớp học ngoại ngữ cho sinh viên đại học. Chị được học Tiếng Việt 2 năm ở Cuba. Tiếng Việt là một thứ tiếng lạ, hay, hấp dẫn đã cuốn hút chị và chị là một trong năm sinh viên được chọn sang học đại học ở Việt Nam. Tốt nghiệp chị về dạy ở Viện Ngoại ngữ Pablo Lafargue, nơi chị đã từng học một thời gian. Sau đó chủ yếu chị làm việc ở Nhóm phiên dịch ESTI của văn phòng thường vụ Hội đồng Bộ trưởng Cuba, sau về Bộ Ngoại giao. Chị đã sang công tác ở Đại sứ quán Cuba tại Hà Nội hai lần, lần đầu năm 1984, lúc ấy Việt Nam rất khó khăn, chị đang mang thai nên về nước sinh em bé. Nhiệm kỳ thứ hai chị ở bốn năm 2004 - 2008. Chị rất muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Cuba, bởi chị rất yêu Việt Nam, coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Nhiệm kỳ thứ hai, chị mang con gái sang học trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, giờ cháu đang công tác ở Đại sứ quán Myanmar tại Cuba.
Chị cho tôi xem những tấm ảnh chị phiên dịch cho lãnh tụ Fidel, các cán bộ cao cấp của Cuba và Việt Nam như đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Võ Văn Kiệt… Đặc biệt chị được bà Nguyễn Thị Định tặng tấm ảnh ngày 16 tháng 12 năm 1982, phía sau tấm ảnh có bút tích của bà: “Chị thân mến tặng em Hiền thân yêu của chị tấm ảnh chị chụp năm 1974 hồi thời kỳ còn chống Mỹ cứu nước tại chiến khu miền Nam” Chị của em, ký tên Nguyễn Thị Định. Cầm tấm ảnh trên tay chị xúc động mãi, rồi mắt nhìn xa xăm như trở về một trời kỷ niệm không bao giờ phai.
Qua chị tôi được biết người đầu tiên đặt nền móng cho tình hữu nghị Việt Nam - Cuba là José Marti. Tên đầy đủ của ông là José Julián Martí Pérez, sinh ngày 28 tháng 1 năm 1953, mất ngày 19 tháng 5 năm 1895, ông là người anh hùng dân tộc lỗi lạc của đất nước Cuba, là một nhà thơ. Ông đã viết bài kí “Một chuyến dạo chơi trên đất nước của người An Nam”, mô tả về một xứ sở giàu đẹp, ca ngợi tinh thần yêu nước, ham lao động của người dân Việt Nam, đăng trên trên tạp chí “Tuổi vàng” hồi cuối thế kỷ 19, sau trở thành tác phẩm thiếu nhi kinh điển trong văn học Cuba. Chị cầm cuốn “Tuổi vàng” do nhà xuất bản Văn học in, cẩn thận lật dở từng trang cho tôi xem. Chị gìn giữ và thường xuyên đọc, nó như bảo bối. Đó là một cách chị luyện tiếng Việt.
Thấy đất đai Cuba phì nhiêu mà bỏ hoang quá nhiều, chúng tôi hỏi nguyên nhân chị bảo có nhiều lý do lắm và chị lắc đầu buồn rười rượi. Chị nói trong nghẹn ngào, nhiều người chê Cuba nghèo đã ra đi tìm miền đất hứa, kể cả người thương yêu của chị. Tôi hỏi “Sao chị không đi?”, chị trả lời dứt khoát: “Chị là người Cuba mà em!” Quả thật chị là một người Cuba chân chính, chị như những người dân Cuba kiên cường đang vượt qua chuỗi ngày gian khó. Chị rất yêu Việt Nam, chị muốn được trở lại Việt Nam, biết Việt Nam đang thay đổi chị rất mừng và chị tin Cuba một ngày không xa cũng thế.
Chia tay chị mà bịn rịn khôn nguôi, ai cũng quý chị, muốn được ở bên chị mãi và mong được gặp chị ở Việt Nam. Trong đoàn các chị em đã tặng chị áo dài và một chút tiền để làm quà, chị cảm động lắm, chị đùa “Chị có tiền về taxi rồi, các em yên tâm nhé!” Về Việt Nam tôi và chị vẫn liên lạc với nhau. Chị kể vừa phiên dịch cho đoàn cán bộ tỉnh Long An sang công tác. Có việc làm là chị vui dù tuổi cao, sức yếu, (chị sinh 1955), đi cả ngày mệt nhưng chị rất thích được gặp người Việt Nam, được nói tiếng Việt, chị thấy hạnh phúc vô cùng. Chị ước lại được sang thăm Việt Nam, được gặp các em. Việt Nam luôn chào đón chị, chào đón người con xa quê về thăm nhà. Hẹn ngày gặp
lại chị thương yêu.
Ảnh: Chị Maria Llorens Trevino và tác giả tại CuBa
Cuba 28/10 – 3/11/2023, Hà Nội 2/12/2023
P.T.H.T
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn