Nhà văn Nguyễn Phúc Lai
Kiến nghị không triển khai thực hiện dự án quy hoạch du lịch dịch vụ thể dục thể thao và sân gôn Sông Hồng gửi lãnh đạo tỉnh Hưng Yên chờ lâu không có phản hồi, tôi được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hỗ trợ đồng hành gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đến nay đã qua 3 tháng Thủ tướng Phạm Minh Chính có thư phản hồi báo cáo của Chủ tịch Hội Nhà văn, cho biết Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nghiêm túc nghiên cứu phản ánh kiến nghị của tôi, đến nay cũng không có hồi âm.
Tôi được biết tỉnh đã đưa dự án sân gôn vào quy hoạch phát triển vùng bãi ven sông Hồng, sông Luộc. Bà con xã Bình Minh cho biết đã được thông báo ngừng sản xuất để chờ thu hồi đất giao cho nhà đầu tư triển khai xây dựng sân gôn.
Tôi nhận ra niềm say mê môn thể thao tự cho là “chất lượng cao” và lợi ích kinh tế khó tưởng tượng của dự án đầu tư xây dựng sân gôn sông Hồng nằm giữa không gian khu di tích văn hóa lịch sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung qua mấy dòng mô tả đầy cảm hứng trong văn bản phê duyệt quy hoạch mang tính quy phạm pháp luật, như sau: “Mỗi hố Gôn là một trải nghiệm cảnh quan riêng. 9 hố đầu đặc trưng cho khung cảnh “lãng mạng”(nguyên văn) bên bờ sông Hồng, 9 hố sau là khung cảnh tuyệt đẹp của rặng cây, hố cát và không gian đồng quê Bắc bộ xung quanh”.
Dự án sân gôn sông Hồng với diện tích 89,9ha; 18 hố tiêu chuẩn quốc tế nằm trên khu đất bãi ngoài đê thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu. Các bước thủ tục đã kéo dài hàng chục năm. Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung đưa vào quy hoạch phát triển sân gôn cả nước đến năm 2020. Dù được sự chấp thuận của các bộ ngành liên quan, rất bài bản, nhưng vẫn bộc lộ sự bất cập và vi phạm pháp luật không khó nhận biết.
1. Quy hoạch chồng quy hoạch
Sau tái lập tỉnh Hưng Yên ít năm, tôi làm Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin được giao nhiệm vụ chủ trì cùng với nhóm các chuyên gia kiến trúc quy hoạch thuộc Trung tâm bảo tồn tôn tạo di tích trung ương (thuộc Bộ Văn hóa Thông tin) lập dự án quy hoạch chi tiết bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hoá Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt năm 2003. Không gian quy hoạch rộng 993ha bao gồm Đền Hóa (xã Dạ Trạch), đền Đa Hòa (xã Bình Minh) và bãi Tự Nhiên (bãi nổi giữa Sông Hồng trước đền Đa Hòa). Do khó khăn sau tái lập tỉnh dự án chưa được đầu tư triển khai thực hiện. Tháng 8 năm 2014, UBND tỉnh Hưng Yên đã lập và quyết định phê duyệt Dự án quy hoạch “khu văn hóa du lịch và dịch vụ thể thao Chử Đồng Tử” với không gian quy hoạch chồng lên quy hoạch năm 2003 và kéo dài thêm diện tích đất bãi 2 xã Dạ Trạch và Hàm Tử ở phía Nam. Táo bạo đến mức dự án này đặt mục tiêu thay đổi cả giá trị lịch sử cốt lõi văn hóa tâm linh của khu di tích văn hóa Chử Đồng Tử “thành khu văn hóa du lịch và dịch vụ thể dục thể thao với không gian kiến trúc hiện đại và hệ thống hạ tầng đồng bộ với chất lượng phục vụ cao (…) khai thác hiệu quả quỹ đất hình thành trung tâm dịch vụ hoạt động thể dục thể thao chất lượng cao”. Dù chưa để lộ mục tiêu chất lượng cao (cũng có nghĩa giá trị kinh tế cao) là làm sân gôn nhưng tôi thấy sự khó hiểu của quy hoạch này và làm văn bản kiến nghị lãnh đạo tỉnh không thực hiện. Còn một lẽ nữa: Quyết định quy hoạch này của Ủy ban tỉnh đã không tôn trọng nghị quyết của ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng khóa tại văn bản Thông báo ý kiến số 416TB/TV ngày 17 tháng 11 năm 2011 nhấn mạnh yêu cầu dự án quy hoạch khu thể dục thể thao phải kết nối đồng bộ với các quy hoạch có trước, nhất là dự án quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Sau này quan sát thực địa và nghiên cứu văn bản quy hoạch sân gôn Sông Hồng, tôi thấy ý kiến của phóng viên truyền hình thông tấn xã Việt Nam là xác đáng: Dự án quy hoạch dịch vụ thể dục thể thao và dự án sân gôn Sông Hồng đã phủ định và làm biến dạng không gian văn hóa khu di tích lịch sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung.
2. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch “tạo căn cứ” để địa phương vi phạm Luật Di sản văn hóa
Mặt bằng sân gôn sông Hồng hoàn toàn nằm trên diện tích đất bãi của xã Bình Minh, chiếm trọn vùng 2 bảo vệ di tích áp sát đền Đa Hòa (di tích cấp quốc gia) và khu đền, đình, chùa của làng Đa Hòa (di tích cấp tỉnh) vi phạm Điều 36 Luật Di sản văn hóa. Tôi được giải thích giáp với di tích và khu dân cư ven sông sẽ có dải cây xanh cách ly và một số công trình kiến trúc đẹp mắt. Nhưng thử hỏi dải rừng cây xanh sẽ tồn tại bao lâu sau khi giao đất cho doanh nghiệp làm chủ có thể thuê 50 hoặc 70 năm? Doanh nghiệp đầu tư dự án mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận. Những chuyên gia am hiểu về kinh doanh sân gôn cho biết đầu tư sân gôn rất tốn kém, khoảng trên 20 năm mới thu hồi được vốn, chủ yếu trông vào nguồn thu từ bất động sản và dịch vụ phụ trợ. Với thời gian ấy, nhà đầu tư sẽ chuyển đổi, xoay vần ai mà biết trước được những gì đổi thay trong khi ngôi đền thiêng thờ đức thánh Chử Đồng Tử thì đời đời phải giữ vẹn nguyên, nghiêm cẩn! Như có ai biết trước bãi Tự Nhiên nơi công chúa Tiên Dung quây màn tắm và nên duyên với chàng trai đánh cá nghèo Chử Đồng Tử sông Hồng đã bồi đắp giữ gìn hàng nghìn năm mà chỉ sau mấy tháng bọn cát tặc được cán bộ quản lý thông đồng tiếp tay đã bị xóa sổ hoàn toàn.
Văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thỏa thuận với đề nghị của tỉnh Hưng Yên đề nghị bổ sung vào quy hoạch phát triển sân Gôn của cả nước đã đưa ra lý do như sau: “Bộ VHTTDL ủng hộ về mặt chủ trương việc sử dụng hiệu quả hơn đất phi nông nghiệp và hoang hóa để đầu tư xây dựng dự án sân gôn nhằm phát triển du lịch TDTT và giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống nhân dân”. Tôi đem chuyện này hỏi bà vợ ông bạn ở thôn Đa Hòa thì bà ngạc nhiên nổi nóng: “Các ông bảo dân chúng tôi điên cả hay sao mà đất bãi màu mỡ như thế không tra đỗ, trồng ngô khoai thì ươm nhân giống cây ăn quả mà lại bỏ hoang với phi nông nghiệp?!” Ở phần sau văn bản nêu trên, Bộ mới lưu ý địa phương cần chú ý bảo vệ không xâm phạm đền Đa Hòa, di tích đặc biệt thờ vị thánh thuộc hàng “tứ bất tử” của dân tộc. Song, có thể ông Thứ trưởng ký công văn không biết rằng tỉnh Hưng Yên nằm giữa vùng đồng bằng sông Hồng đất chật người đông. Huyện Khoái Châu bình quân đất canh tác trên đầu người thấp nhất tỉnh. Xã Bình Minh thấp nhất huyện. Giữa thế kỷ trước, Hưng Yên có phong trào di dân lên miền núi phía Bắc hay vào Tây Nguyên, vào Đồng Tháp Mười khai hoang mở nông trường. Ngày nay, ở Bình Minh có phong trào bà con rủ nhau đi tìm kiếm cồn nổi hay bãi bồi của các địa phương ven sông Hồng, sông Thái Bình (ở Hà Nam, Nam Định), sông Kinh Thầy, sông Luộc (ở Hải Dương)… thuê đất bãi với giá rẻ để trồng hoa màu ngắn ngày hay cây dược liệu. Tập trung nhiều nhất là đất bãi bồi các xã 2 phía cầu Long Biên Hà Nội. Bà con tranh thủ quay vòng trồng trọt thời gian trước và sau mùa lũ sông Hồng. Rau màu thu hoạch nhanh đem bán ngay ở thị trường Hà Nội. Chẳng may gặp năm lũ về sớm và dâng nhanh thì chỉ còn biết khoanh tay đứng nhìn thành quả công sức bị Hà Bá cuốn cả xuống sông!
Liệu sân gôn thu hồi gần 100ha đất bãi sau này sẽ thu nhận được bao nhiêu lao động làm dịch vụ mang túi đựng gậy gôn nước uống cho gôn thủ hay chăm sóc cỏ phun thuốc trừ sâu? Từ văn bản của Bộ VHTTDL mà tình cờ tôi có được bản sao nêu trên, tôi thấy cần tìm hiểu cụ thể hơn các vấn đề quan trọng khác như hiệu quả kinh tế xã hội, báo cáo đánh giá tác động môi trường, vấn đề bảo vệ hành lang thoát lũ sông Hồng… Những hồ sơ tài liệu này không thuộc diện bí mật nhà nước phải được công khai thông báo và cung cấp cho tổ chức cá nhân khi có yêu cầu theo quy định của Luật quy hoạch. Tôi làm văn bản nhờ cán bộ lãnh đạo Sở VHTTDL Hưng Yên đến gặp đại diện UBND tỉnh và các sở ngành liên quan giúp tôi được tiếp cận các hồ sơ tài liệu ấy. Đồng chí cán bộ Sở cho biết ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời gọn lỏn “không có trách nhiệm phải cung cấp” xong tôi không chịu bó tay, tiếp tục tìm hiểu cho rõ vấn đề.
3. Nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Hồng
Tôi viết thư hỏi thẳng ông Bộ trưởng (mang tên sông lớn) Trần Hồng Hà nêu thắc mắc: chả nhẽ Bộ TNMT với các chuyên gia đầu ngành lại không hề biết những tác hại gây ô nhiễm lâu dài của sân gôn đặt ở vị trí này đối với cả lưu vực phía Nam sông Hồng đã chấp thuận báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án trong khi quyết định phê duyệt dự án của Ủy ban tỉnh Hưng Yên đã bỏ qua vấn đề quan trọng bậc nhất của dự án là biện pháp xử lý hóa chất chăm sóc mặt cỏ tại sân gôn? Dường như quý Bộ cũng lảng tránh trả lời vấn đề này nên 20 ngày sau tôi nhận được công văn của Thanh tra Bộ chuyển thư hỏi của tôi về tỉnh để xử lý theo quy định!
Theo những chuyên gia khoa học về môi trường, trung bình mỗi ha trồng cỏ ở sân gôn mỗi năm phải dùng tới 1,5 tấn hóa chất để trộn với cát bón gốc cỏ hoặc phun, tưới định kỳ thường xuyên cho cỏ. Các loại cỏ đặc hữu tại sân gôn là cỏ ngoại rất đắt tiền phải được chăm sóc đặc biệt kỹ lưỡng, phải dùng những hóa chất rất độc hại để trừ nấm, trừ sâu diệt cỏ dại, để bảo đảm cỏ sân gôn lúc nào cũng mềm mượt xanh mướt, trơn tru cho quả bóng gôn lăn trúng hố gôn. Những hóa chất này sẽ gây hiểm họa nghiêm trọng đối với môi trường sống sức khỏe con người (như bệnh ung thư) và vật nuôi, cây trồng… Theo khảo sát tính toán của 2 nhà khoa học về sinh hóa và môi trường ở thành phố Hồ Chí Minh, sân gôn Tân Sơn Nhất với 157ha mặt cỏ mà mỗi năm dùng tới 189 tấn hóa chất bảo vệ và dưỡng cỏ, thì chỉ tính riêng 26ha trồng cỏ trên tổng số 89,9ha sân gôn sông Hồng không tính diện tích cây xanh cách ly và cảnh quan thì ít nhất mỗi năm cũng phải dùng tới gần 40 tấn hóa chất độc hại. Thử hỏi 50 năm hoặc 70 năm thời gian hoạt động sẽ là bao nhiêu tấn? Nước tưới và nước mưa sẽ ngấm vào lớp đất pha cát của bãi sông (bất khả xử lý) hay đổ vào hồ nước ven đê lâu dần cũng đều chảy xuống sông Hồng, thấm vào tầng nước ngầm, máy phun khuếch tán vào khu dân cư và đền Đa Hòa. Sông Hồng đang có biểu hiện ô nhiễm và suy giảm nguồn nước. Rồi có ai biết trước những gì xảy ra trong tương lai tại phía đầu nguồn bên kia biên giới nước bạn. Nước thải độc hại lâu dần sẽ đầu độc nguồn nước sinh hoạt của dân trong vùng, thủy sản, vật nuôi, cây trồng. Nhãn đặc sản, chuối cam sẽ tăng dần mức độ nhiễm chất cấm, sẽ mất giá trên thị trường và không thể xuất khẩu. Không chỉ phía bờ tả ngạn Hưng Yên (hiện từ Mễ Sở đến thành phố Hưng Yên đã có hơn 10 trạm lấy nước tưới và lọc nước sinh hoạt từ sông) mà còn tác hại với phía đối diện thuộc địa phận Hà Nội hoặc hạ nguồn Hà Nam, Thái Bình, Nam Định. Hàng chục triệu người dân!
4. Chỉ riêng vi phạm hành lang thoát lũ sông Hồng thì dự án sân gôn cũng đáng phải bị đình chỉ
Tại văn bản quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Hưng Yên cũng có cách tính để được chấp nhận triển khai trên vùng cấm hành lang thoát lũ sông Hồng.
Căn cứ Luật Đê điều năm 2006, tại quyết định số 257/QĐ-TTG ngày 18 tháng 2 nă 2016, Thủ tướng Chính phủ đã “phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình” tại mục V- giải pháp phòng chống lũ, khoản B (sử dụng bãi sông) quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Các hoạt động phát triển kinh tế xã hội và xây dựng công trình nhà ở mới… diện tích xây dựng không được vượt quá 5% diện tích bãi sông”.
Tại trang phụ lục của quyết định nêu trên có bảng kê danh mục cụ thể các bãi sông thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình có thể nghiên cứu xây dựng xã Bình Minh thuộc Khoái Châu, Hưng Yên diện tích cho phép có thể nghiên cứu xây dựng ngoài bãi sông là 99ha trong khi đó, mặt bằng xây dựng trên sân gôn sông Hồng là 89,9ha chiếm tỷ lệ 80,9% diện tích có thể xây dựng, gấp 35 lần quy định cho phép! Vậy mà tại văn bản quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1:500 sân Gôn sông Hồng ghi rõ diện tích xây dựng của sân Gôn trên diện tích bãi sông quy hoạch “chỉ là 2,3%”, phù hợp với quyết định số 257/QĐ-TTG ngày 18 tháng 2 năm 2016 của Thủ tướng Chính Phủ chưa bằng 1 nửa diện tích bãi sông được nghiên cứu xây dựng là 5%. Vậy thì con số chiếm đất xây dựng trên diện tích được phép nghiên cứu xây dựng là 80,9% hay 2,3%, chênh nhau tới 35 lần. Rõ ràng đây là cách tính để lách luật.
Tôi phỏng đoán cách tính trên quan niệm diện tích xây dựng trên sân gôn chỉ là những công trình (nền nhà) bằng gỗ hoặc bê tông cốt thép… Là diện tích mấy công trình phụ trợ như Nhà Điều hành, câu lạc bộ gôn 3 tầng, khách sạn 7 tầng, sân tập gôn, các biệt thự độc lập, đất xây dựng biệt thự trên dưới 250m2, các bungalow một tầng chiếm đất xây dựng 150m2 (theo báo Pháp luật điện tử).
Với cách hiểu và cách tính này người soạn thảo và phê duyệt quy hoạch đã không biết hay bỏ qua quy định của Chính phủ tại “nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn”. Tại điều 2 (giải thích từ ngữ) đã xác định cụ thể rõ ràng: “sân gôn là công trình xây dựng gồm đường gôn và công trình phụ trợ được thiết kế theo quy mô tiêu chuẩn phù hợp để phục vụ cho người chơi gôn”. Như vậy cả sân gôn là công trình xây dựng bao gồm tổng thể các hạng mục. Không thể “hóa phép” thu nhỏ diện tích sân gôn để không vi phạm pháp luật về đê điều. Tương tự cũng không thể chỉ với một quyết định hành chính của người đại diện cơ quan có thẩm quyền có thể chuyển đổi cả hồn vía, ý nghĩa của công trình hoặc không gian văn hóa tâm linh đã và sẽ tồn tại mãi mãi trong tâm thức của cộng đồng thành trung tâm dịch vụ du lịch hoạt động thể dục thể thao chất lượng cao với không gian kiến trúc hiện đại với mong muốn sẽ thu hái bội tiền, như tại quy hoạch dự án văn hóa du lịch thể dục thể thao Chử Đồng Tử đã nói ở bên trên.
*
Trong thư phản hồi của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, Thủ tướng đã có văn bản ý kiến chỉ đạo đồng chí Bí Thư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nghiêm túc nghiên cứu những phản ảnh kiến nghị của tôi (nhà văn Nguyễn Phúc Lai) để triển khai thực hiện đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hy sinh các giá trị văn hóa lịch sử.
Như vậy, dự án sân gôn sông Hồng dù đang còn ở bước chủ trương quy hoạch đã phát lộ xung đột với nhiệm vụ bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái của người dân xã Bình Minh và cả khu vực hạ lưu sông Hồng. Thiết nghĩ, sau này giao đất triển khai xây dựng và vận hành các xung đột trên sẽ càng diễn ra gay gắt khó bề hóa giải. Quá trình vận hành dự án sẽ kéo dài muôn sự chẳng lành. Tốt nhất theo tôi, nếu nhất quyết Hưng Yên phải có sân gôn lãnh đạo tỉnh Hưng Yên thảo luận với nhà đầu tư chuyển địa điểm xây dựng sân gôn đến một địa điểm khác có triển vọng về hiệu quả kinh tế đối với doanh nghiệp đầu tư và có thể là một trung tâm du lịch dịch vụ thể dục thể thao chất lượng cao của tỉnh bảo đảm những nguyên tắc ghi tại Điều 3 Nghị định số 52 của Chính phủ về đầu tư và xây dựng kinh doanh sân gôn đã quy định là: Không xâm hại di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, và bảo đảm sinh kế và môi trường sống của dân cư địa phương.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn