Nhân vật Phụ nữ trong "Trầm tích chiến tranh" của Đặng Khánh Cường

Thứ sáu - 15/10/2021 20:43
P. gs, Ts Trần Thị Trâm
Nhân vật Phụ nữ trong "Trầm tích chiến tranh" của Đặng Khánh Cường

Ts. Trần Thị Trâm

    Tập truyện ký Trầm tích chiến tranh của tác giả Đặng Khánh Cường, do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 6 năm 2020 gồm 8 câu chuyện cảm động hầu hết viết về chiến tranh. Sau độ lùi gần nửa thế kỷ, trong ký ức Đặng Khánh Cường, chiến tranh được kết đọng thành những trầm tích quý báu và đã để lại trong ông nhiều dư âm, dư ảnh.
Nhân vật chính trong tác phẩm của ông, hầu hết những nhân vật nữ. Vì chiến tranh mà các chị đã phải chịu biết bao bất hạnh, thiệt thòi. Đó là cô Huệ một nữ thanh niên xung phong trong Thoát tục. Là chiến sỹ Đào trong Đêm ấy, không có trăng. Là Lam Trinh trong Mế Nhặt. Là Xoan trong Giai nhân ảo. Là Trúc trong Nước mắt Thung Rếch. Là cô Út trong Truyện cô Út Mường làng tôi. Thậm chí chỉ là nhân vật rất phụ, thoáng qua như chị gái của Lam Trinh (Mế Nhặt) thì cuộc đời nhân vật cũng toàn là nước mắt. Cô con gái ông giáo xinh đẹp, hiền lành ấy đã bị lừa lấy phải một tên lái buôn độc đoán, vũ phu tâm địa tăm tối, bệnh hoạn và bị hắn bạo hành hết sức dã man. Riêng Chuyện tình xứ người được diễn ra ở châu Âu. Nhân vật chính là nữ tiến sỹ khoa học và cô con gái tên Na - hai công dân toàn cầu có những lối sống cởi mở, hiện đại. Sự xuất hiện của họ trong tác phẩm giống như một sự đối sánh để thể hiện ý đồ của người viết, nhằm làm rõ những đa đoan của phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh. Mà chuân chuyên thiệt thòi nhất là những nữ quân nhân.
    Khảo sát lịch sử văn chương nước nhà, ta thường thấy xuất hiện hai kiểu nhân vật trung tâm là người chiến sỹ và người phụ nữ. Nếu người chiến sỹ là biểu tượng của lòng yêu nước với tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc không tiếc máu xương thì nhân vật phụ nữ là biểu tượng của lòng trung hậu đảm đang và khổ đau, nước mắt (Đau đớn thay phận đàn bà - Nguyễn Du). Như vậy, những nữ - chiến sỹ của Đặng Khánh Cường là kiểu nhân vật kép nên ở họ lòng yêu nước, sự dũng cảm hy sinh và nỗi đoạn trường dường như đều được nhân đôi. Khi đất nước chiến tranh, mặc dù chân yếu tay mềm. sát cánh cùng các bậc nam nhi ra trận, chị em đã muôn phần vất vả nhưng khi đất nước hòa bình, bi kịch sống trong cô đơn, bệnh tật các chị còn cơ cực hơn nhiều. Nếu kiếp đàn bà 12 bến nước và ở Việt Nam những nàng vọng phu có thêm bến nước thứ 13 khi suốt đời mòn mỏi hóa đá chờ chồng thì những nữ quân nhân trở về từ cuộc chiến trong truyện ký của Đặng Khánh Cường còn cực thêm một bậc. Vì chiến tranh đã cướp đi ở các chị niềm hạnh phúc thiêng liêng là có một tổ ấm gia đình. Không ít chị đã phải suốt đời: ôm đàn mà vắng cả năm cung. Không được làm nàng dâu, không chồng, không con, không được làm mẹ, làm bà…Thật xót xa khi chứng kiến cảnh cựu chiến binh Nguyễn Thị Huệ (Thoát tục) - một cô gái vốn xinh đẹp yêu đời có khả năng tuyệt vời làm mẹ làm vợ nhưng sau chiến tranh đã lựa chọn xuống tóc đi tu, đau đớn để lại tấm thẻ Đảng - một báu vật thiêng liêng suốt thời tuổi trẻ vinh quang để lánh mình nơi cửa Phật. Dù thế, chị vẫn không thoát khỏi khổ đau nơi cõi tục, vẫn bị cô em tham lam gieo bao hệ lụy.
Trong Mế nhặt, cô nữ sinh thủ khoa trường Sư phạm Lam Trinh đẹp như một đóa hoa rừng có một tình yêu lãng mạn cùng anh chiến sỹ trẻ tên Bình. Nhưng rồi bất ngờ cha cô bị bom Mỹ giết. Khi Lam Trinh về tới nơi thì cha đã được chôn cất. Trong đêm tối cô tìm đến mộ cha và đã bị mấy tên lính Tàu dã tâm thi nhau hãm hiếp. Lam Trinh bị sốt li bì nên mọi người đưa cô vào điều trị tại trạm xá của nhà trường và ở đây người ta đã phát hiện ra cô bị bệnh lậu và lập tức cô bị bà hiệu trưởng đuổi học với tội danh là gái. “Cô không còn mặt mũi nào quay về bản cũ. Một mình với một tay nải, Lam Trinh cứ ngược hướng núi cao vắng bóng người mà đi, đi mãi về vùng có cây lá ngón (trang 68) để kết liễu đời mình. Nhưng nhờ mấy bà mế hái thuốc tận tâm cứu giúp, cô thoát khỏi lưỡi hái tử thần và rồi trở thành bà lang nổi tiếng, được mệnh danh là con nhà trời với cái tên mế Nhặt.
    Trúc (Nước mắt thung Rếch) nhà nghèo nhất thung nhưng cũng xinh đẹp nhất thung. Giữa cơn lốc kim tiền nhiều cô gái trong bản chẳng ngại kiếm tiền bằng mọi giá riêng Trúc vẫn sống trong sạch chỉ biết lầm lũi vất vả làm ăn. Rồi khi cô gặp Thành - con một gia đình khá giả, được gia đình anh giúp đỡ, cô được đi học lớp nữ hộ sinh cắm bản và chuẩn bị về làm dâu nhà họ. Hạnh phúc tưởng như đang mỉm cười nhưng bất ngờ cô gái ngây thơ đã bị những kẻ đố kỵ lừa đảo biến thành tội phạm buôn bán ma túy, bị bắt tạm giam chờ ngày ra tòa.
     Không chỉ đi sâu vào bi kịch, Đặng Khánh Cường còn luôn có ý thức khẳng định những phẩm chất đẹp đẽ của những người phụ nữ. Nếu các nam quân nhân trong Trầm tích chiến tranh có kẻ hèn nhát đào ngũ, dối lừa (Mưa bóng mây cũng làm ướt áo), có kẻ khi hòa bình bị tha hóa bị vật chất cám dỗ, trượt dài trong sự sa đọa thì ngược lại, các nhân vật nữ của Đặng Khánh Cường không ai bị đánh mất mình. Họ có thể là nạn nhân song không ai trong số họ trở thành tội nhân. Tất cả đều đẹp người, đẹp nết. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, các chị sẵn sàng ra trận, dũng cảm chiến đấu và lập được rất nhiều thành tích. Tiêu biểu là chị Lu trong Mưa bóng mây cũng làm ướt áo, với thành tích xuất sắc chị đã được đơn vị đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng. Các chị tuy mềm yếu, nhân hậu, vị tha nhưng lại đầy bản lĩnh, luôn tự trọng và dám phản kháng để bảo vệ phẩm giá của mình. Lam Trinh trong Mế Nhặt đã phẫn nộ trước sự sàm sỡ của mấy tên lính Tàu và khi bị mất hết danh dự cô đã quyên sinh. Út Mường hiền lành đã kháng cự quyết liệt tay trưởng nhóm thợ xây và dám giết chết tên quan Tây trưởng đồn để bảo toàn tiết hạnh (Chuyện cô Út Mường làng tôi). Còn khi có điều kiện các chị cũng không ngại phấn đấu để trở thành những nhà chuyên môn giỏi như mẹ của Na - một nữ tiến sỹ khoa học trong Truyện tình xứ người.
Điều đó cho thấy, thái độ trân trọng, yêu thương, sự thấu cảm mà nhà văn đã dành cho những nhân vật nữ của mình. Nó cũng lý giải vì sao ngòi bút nhân văn của tác giả đã không ngại cảnh tỉnh, phê phán những thế lực đã gây nên bao nỗi bất hạnh cho người phụ nữ. Đó đâu chỉ là chiến tranh mà còn là đứa em tham lam của Huệ (Thoát tục ), là thói vô cảm của bà hiệu trưởng trường Sư phạm (Mế Nhặt), là thói đố kị của người đời (Nước mắt thung Rếch), là tên quan Tây và đứa con trai tăm tối, táng tận lương tâm của Út Mường (Chuyện cô Út Mường làng tôi)… Thái độ trân trọng, yêu thương còn thể hiện qua sự nâng niu từng chi tiết khi ông cố gắng chọn cái kết thúc có hậu cho số phận mỗi nhân vật nữ nên những điều giản dị, chân thực ông viết ra bỗng trở nên sinh động và lãng mạn (Mưa bóng mây cũng làm ướt áo, Đêm ấy, không có trăng, Truyện tình xứ người). Để rồi những thông điệp đầy chất nhân văn tác giả gửi gắm trong mỗi trang sách nhẹ nhàng đến được với những vùng sâu thẳm trong trái tim bạn đọc. Cuộc tình thoáng qua giữa chị Lu một nữ quân nhân ngoài 30 tuổi nổi tiếng gan lì với một anh chàng đảo ngũ trong cái hang nọ đã cắt đứt con đường trở thành anh hùng của chị nhưng lại mang đến cho chị niềm hạnh phúc bình dị mà tuyệt vời là được làm mẹ của một chàng sinh viên trường đại học Giao thông - Vận tải ngoan ngoãn đáng yêu. Sự gặp gỡ kín đáo giữa Mế Nhặt (Lam Trinh) và cô con gái của Bình – người yêu cũ của cô (được cha đặt tên là Lam Trinh) đã đủ an ủi để bà mế có thể thấy cuộc đời thật đáng sống…
Rõ ràng, sức hấp dẫn của truyện ký Đặng Khánh Cường là ở cái tình của người viết gửi trong từng con chữ. Bởi là người nghệ sỹ có trái tim mẫn cảm, lại là người lính bước ra từ cuộc chiến khốc liệt, tận mắt chứng kiến nỗi đau tận cùng và cũng đã được nếm trải niềm hạnh phúc tột đỉnh trong ngày chiến thắng vì thế ông thật sự thấm thía cái giá phải trả của những cuộc chiến và sự thiêng liêng cao quý của tình người nói chung và tình đồng đội nói riêng. Từ huyết quản chảy ra phải là máu. Cho nên, những đứa con tinh thần của ông đều mang ăm ắp cảm xúc, có tính tự truyện,giàu chất nhân văn, chân thực và thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Và chân thực chính là yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của tập truyện ký Trầm tích chiến tranh.
Tính chân thực đã làm cho cốt truyện của không ít truyện ký Đặng Khánh Cường hấp dẫn, với những tình huống bất ngờ, những chi tiết đắt giá và những cái kết rất khó đoán định. Đây cũng là một đặc sắc của truyện ký Đặng Khánh Cường. Có truyện ta đã nghe thấy ở đâu đó như Thoát tục nhưng vẫn hấp dẫn nhờ những chi tiết sinh động và chân thực bởi nó được kể lại bằng chính người trong cuộc. Mà trong chiến tranh có biết bao điều kỳ lạ xảy ra, theo logic thông thường thật khó ai hình dung nổi. Chẳng hạn chi tiết: trong một lần anh Cường trợ lý của thủ trưởng đi tắm suối, bất ngờ cô Huệ nữ thanh niên xung phong từ bụi cây xông ra ôm chặt lấy anh và tha thiết xin anh trao niềm hạnh phúc được làm đàn bà vì “Biết đâu…biết đâu, ngày mai em chết (Trang 11) khiến anh “bằng mọi cách cũng vùng thoát được, vơ lấy bộ quần áo chạy biến (trang 11). Hay chi tiết những ni cô vốn là cựu nữ quân nhân hôm vô tình gặp một bé bụ bẫm trên chùa, bản năng làm mẹ trỗi dậy, khát khao được làm mẹ, buổi tối, các chị lần lượt tự vạch áo cho nhau bú. Rồi sau khi “cười, đứa nào cũng đầm đìa nước mắt” (trang 16).Các truyện: Giai nhân ảo, Truyện tình xứ người, Nước mắt Thung Rếch là những truyện có cái kết bất ngờ. Không ai lại nghĩ nàng thiên thần mà tay họa sỹ Hùng sa đọa mê đắm trên mạng lại là “cái con bé hành nghề massa bị công an truy đuổi năm ngoái, xô cửa trốn vào gầm cầu thang nhà hắn“ (trang 89). Khó có thể nghĩ cái kết thúc viên mãn của chuyện tình khi bà nữ tiến sỹ khoa học lại đồng ý cho Na- con gái yêu của mình lấy chàng trai da đen mồ côi cả cha lẫn mẹ tên Hann làm công nhân bốc vác ở càng Hamburg và Hanna lại là bạn của tiến sỹ Piter con trai vị giáo sư viện trưởng viện Xã hội học người Đức. Có ai ngờ rằng cô bé Trúc may mắn mà từng bước trở thành nàng Lọ lem bỗng vướng vào vòng lao lý “phen này phải dựa cột là cái chắc” (trang 121) …
Đọc truyện ký của Đặng Khánh Cường. ta dễ nhận thấy một lối kể chuyện mộc mạc đơn giản, đôi khi vụng về, nhất là những đoạn miêu tả sex. Bởi cái đẹp bao giờ cũng là sự gặp gỡ giữa hai đối cực.
Dù còn những hạn chế không tránh khỏi nhưng việc lựa chọn phản ánh những vấn đề sử thi qua số phận con người và cách nhìn chiến tranh qua gương mặt đàn bà đã giúp cho Trầm tích chiến tranh của Đặng Khánh Cường trở nên giàu chất nhân văn, vì thế đã góp phần làm phong phú thêm cho đề tài chiến tranh cách mạng, đồng thời cũng có đóng góp không nhỏ cho đề tài phụ nữ..


 

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây