MỘT CHÚT THỜI SỰ*
Phạm Đình Ân
Tiệc xong
Bà già giúp việc ra khóa cổng
Ba người con đi lên ba phòng riêng
Ti-vi bật sáng phòng khách
Yên tĩnh.
Dội lại từ xóm bên nhiều tiếng kêu:
Cháy! Cháy! Cháy!
Rập rịch chân chân chạy
Lốp bốp tre luồng nổ
Gần xa tiếng la hét.
Bà giúp việc ra cổng ngó.
Yên tĩnh.
Ba người con đang bật máy vi tính
Bố và mẹ nằm phòng riêng
Ti vi bị bỏ quên
đang phát chương trình thời sự.
Hỏa hoạn được giập tắt
Yên tĩnh.
21-4-1999.
*Rút trong tập Vòng quay- NXB Hội Nhà văn -2013.
Lời bình của Trần Trung:
MỘT CHÚT THỜI SỰ - TÂM TÌNH VÀ CẢNH BÁO
Có lẽ, một nét riêng và để lại ấn tượng về thơ Phạm Đình Ân trong tôi là sự kiệm lời, gọn nén về câu chữ mà lại đánh thức những điều chiêm nghiệm cùng suy tư của nhà thơ.Nhất là, ở những tháng năm này, khi cuộc sống thời hiện đại, con người đang phải trần mình mà đối mặt với thật nhiều biến động...Với nhà thơ - Những kẻ sĩ nhạy cảm mà cũng đa suy, thì biến động từ diện mạo bên ngoài của xã hội-đã đành.Điều khiến thi nhân day dứt, chấn động trong tâm tư lại chính là những biến động-theo chiều hướng cảnh tỉnh, cảnh báo...là điều đáng buồn, đáng nghĩ thuộc về Nhân tình-Thế thái !
Tập thơ “Vòng quay”( Nxb Hội Nhà Văn-2013) của Phạm Đình Ân tạo ấn tượng và suy ngẫm cho độc giả từ chuyện đời, tình đời, tình người. Và,trong số những bài thơ gắn với cảm hứng ấy, bài “Một chút thời sự” của nhà thơ không cho ta cái lạ về tứ; đến ngay cả câu chữ cũng chẳng hề tạo ra dụng công... Thế mà vẫn “Thời sự”! Vẫn ám ảnh lòng ta bởi chất Hiện thực đời thường, rất đáng suy nghĩ.
Sau cuộc tiệc tàn của một gia đình, hẳn là sau sự ồn ã tại gia, Phạm Đình Ân đã hưỡng tới sự “yên tĩnh” quen thuộc; hướng tới những không gian tìm yên của từng thành viên trong gia đình-kể cả “bà già giúp việc”! Tứ của bài cũng bật gợi ra ngay từ khổ thơ đầu : “Tiệc xong/Bà già giúp việc ra khóa cổng/ Ba người con đi lên ba phòng riêng/Ti-vi bật sáng phòng khách...”.Hóa ra trong sự “yên tĩnh” quen thuộc, vừa có cả thói quen an toàn cần mẫn của “bà già”; lại vừa có cả thói quen quá đỗi vô tâm của “ba người con” lên phòng riêng, mặc “Ti-vi bật sáng phòng khách”.
Mượn trạng thái, trạng huống về sự “yên tĩnh” ban đầu, lời thơ của thi sĩ họ Phạm chợt như quẫy lên... Bởi, những thanh âm phá tan tĩnh lặng ngỡ như yên bình, thanh thản. Một chuỗi rền những âm thanh giật giọng, thảng thốt từ hiện thực của tiếng kêu :cháy! Cháy!Cháy; Rồi cả những bước chân chạy “rậm rịch” hòa với những tiếng “la hét”cùng cả âm thanh lốp bốp tre luồng nổ. Thế là đã rõ, thì ra đám cháy của một hoặc hai nhà hàng xóm nghèo rồi. Chi tiết gần xa tiếng la hét/ Bà giúp việc ra cổng ngó”một mặt vừa đưa ra cái bất ngờ, lại vừa chứa đựng cả cái thật lòng , trong ngỡ ngàng và quan tâm của “bà giúp việc”!
Bài “Một chút thời sự” của Phạm Đình Ân, như đã nói: tứ thơ không có gì độc lạ. Mạch cảm xúc tâm tình, theo điệu kể, cũng bình thường như hiện thực , hiện trạng vốn có của cuộc đời (hôm nay!). Bài thơ mở ra sự “yên tĩnh” ở khổ đầu, để rồi khổ kết cũng khép lại bằng hai chữ “yên tĩnh” đáng buồn. Đáng nghĩ-không phải từ không gian vật chất. Mà, chính là sự vô tâm đến lãnh cảm của lòng người, của nhân tình thế thái hôm nay:
Yên tĩnh
Ba người con đang bật máy vi tính
Bố và mẹ nằm phòng riêng
Ti-vi bị bỏ quên
Đang phát chương trình thời sự.
Hỏa hoạn được giập tắt
Yên tĩnh.
Câu chữ của Phạm Đình Ân cứ thả ra bình dị, thật như chính “Thời sự” của Nỗi - Đời – Hôm - Nay. Mà, chẳng phải lời bình luận.
Hà Nội,tháng 7/2017.