Gió vẫn trên đường - Nguyễn Trác vẫn song hành cùng cuộc đời (*)

Thứ hai - 07/12/2020 20:37
Trần Bảo Hưng
Gió vẫn trên đường - Nguyễn Trác vẫn song hành cùng cuộc đời (*)

      Nguyễn Trác làm thơ cả cho trẻ em và người lớn. Hai tập thơ dành cho thiếu nhi của ông “Mái nhà dưới bóng cây” (1987) và “Khu vườn tuổi thơ” (2012), đều được đánh giá cao. Người làm thơ cả cho thiếu nhi và người lớn không ít, nhưng được coi là hay ở cả hai lĩnh vực lại là của hiếm. Đặc điểm đầu tiên và lớn nhất của thơ Nguyễn Trác chính là điều này.

    “Gió vẫn trên đường” là tập thơ in riêng thứ 11 của Nguyễn Trác, tập hợp những bài ông sáng tác từ đầu những năm 2000 (có bài ông viết từ 1985), nhưng chủ yếu được Nguyễn Trác viết từ năm 2010 trở lại đây. Những bài mới nhất ông viết trong mùa dịch Covid tháng 6, tháng 7 năm 2020, chứng tỏ thơ ông chưa bao giờ rời xa cuộc sống. Thử nhắc tên (một cách không chủ đích) những bài thơ của Nguyễn Trác, như “Ngày xuân lên núi Ngọc”, “Cúc họa mi đã về”, “Gió vẫn trên đường”, “Buổi sáng ở Hạnh Hoa Viên”, “Mưa trên phố cổ”, “Một lần ra phố”, “Qua đê La Thành”, “Khi nhà cao Hà Nội bão hòa”, “Bên tháp Chàm nhớ một nhà thơ lớn”, “Mưa rơi đường Bà Triệu”, “Bên hồ Bạch Đằng”…Thấy ông vẫn thổn thức trước những biến thiên nhỏ nhất của cuộc đời.

   Càng cao tuổi, thơ ông càng nhiều nghĩ ngợi. Điều này là hợp quy luật, vì người già thường sống bằng nội tâm. Có lúc nhà thơ cảm thấy mình bị “văng ra” khỏi những biến thiên của thời cuộc:
Những người trẻ hôm nay thích nhìn ngan
Nhà thơ già ưu tư nhìn dọc
                             (Ngày xuân lên núi Ngọc)
 
Trong khi “một thế giới đang bề bộn thi công bởi các nhà chính trị”, thì “các nhà thơ kiên nhẫn trồng hoa” (Cúc họa mi đã về)…Cũng có lúc nhà thơ bi quan:
Thế giới ngày càng phẳng
Cuộc sống càng vô thường
                                                                             (Nửa đêm nghe tiếng chim vịt)
 
Nhưng ông vẫn tin “Những khoảnh khắc đã tạc vào năm tháng” không bao giờ tàn phai”:
Những bài hát năm xưa không mất
dù hôm nay thế giới khác xa
dù lớp trẻ với hệ quy chiếu mới
giờ vui buồn và hát cũng khác ta
Phải thay đổi và chấp nhận sự thay đổi vì cuộc sống vốn là như vậy, với không ít những xót xa “Xưa đọc Thép đã tôi, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi_Nay cháu con ta: gối đầu giường là iphone, ipad”. Sự thay đổi tất nhiên và cuộc sống luôn luôn biến đổi để tiến tới một sự cân bằng mới tốt đẹp hơn:
                          Bài hát năm xưa
                          các em làm mới lại
                          bằng lửa trái tim mình
                          mang nhịp rock hôm nay
                                          (Bài hát năm xưa và các chàng trai Rock)
 
Nhưng trái tim nhà thơ vẫn thế, vẫn tin yêu cuộc đời, dù “sách vở như xưa dù biết lỗi thời”, cuộc sống vẫn thế, vẫn nảy nở sinh sôi, bất chấp sự biến động của lòng người:
Bên bếp lửa chú gà mới nở
gại gại chiếc mỏ hồng lên vỏ trứng vỡ đôi
                         (Xưa ta gối đầu giường)
Nhà thơ tinh tế nhận ra cuộc sống vẫn chảy trôi theo quy luật, vẫn nảy nở sinh sôi. Vậy thì việc gì phải buồn!
Nguyễn Trác nhiều lần nhắc đến cỏ_theo nghĩa là sự bất diệt của cuộc sống:
Anh trở về bên cỏ
Lắng thầm thì tiếng cỏ xanh non
                           (Khi nhà cao Hà Nội bão hòa)
 
Ta là cánh chim thành phố
Muốn bay về lại thiên nhiên
Tìm màu xanh xưa của cỏ
Gặp mùa xuân ở bản em
                                                                                              (Đêm uống trà bản Ven)
Qua bài thơ “Trong lễ hội ký ức” nhà thơ một lần nữa nhận thức rõ quy luật của lịch sử, quy luật của cuộc sống – cái quy luật lớn nhất mà ai cũng phải theo:
                                Trước mặt trời rực rỡ
                                 Hoàng thành là lịch sử
                                 Hiện tại là ngọn gió
                                 Cháu ông là tương lai
Trong bài thơ “Tiễn hoa về rừng” tác giả nhắc lại tập tục tốt đẹp của người Thái Tây Bắc có lễ hội tiễn đưa hoa về rừng, như một cách ứng xử tình nghĩa, biết ơn thiên nhiên:
Nở rồi tàn quy luật
Ta tiễn em về rừng
Để mùa sau em lại
Nở đầy đồi đầy thung
Biết thế, nhưng người thơ vẫn buồn, vẫn ngẩn ngơ trước sự thay đổi, trước “thời gian”
                              Chúng ta mang thời gian
                               Bằng đôi tay bé nhỏ
                               Với bao nhiêu ước mơ
                               Sao ngắn ngủi một đời

Ngẩn ngơ, nghĩ ngợi, buồn , rồi chấp nhận! Thế mới là nhà thơ, mới là những tâm hồn luôn ngân rung trước những biến thiên có khi rất tế vi của cuộc sống.

Trong sự ngẫm ngợi về cuộc sống, Nguyễn Trác đôi khi có nhưng câu thơ xuất thần “sông Hương như tà áo gái lên chùa”. Biết bao người đã viết về sông Hương, ngẫm ngợi bên dòng Hương nhưng Nguyễn Trác đã có cách nghĩ khác lạ, mà vẫn rất đúng, rất trúng về dòng sông Hương thơ mộng mà rất đời của Huế. “Buổi trưa ở Đồ Bàn” là một bài thơ hay của Nguyễn Trác. Thành Đồ Bàn vốn là kinh đô cổ của Chăm Pa một thời oanh liệt, nhưng nay:
Tất cả rồi gió sẽ cuốn đi
Trong tử sinh khắc nghiệt
Thơ ít kẻ đọc hơn
Cả thơ Chế thơ Hàn
Chế ở đây là Chế Lan Viên, Hàn là Hàn Mặc Tử. Tất cả đều có thể thay đổi chỉ có sự sống của con người là mãnh liệt.
Dưới gốc cây một lão nông đang ngủ
Tiếng ngáy trưa rung cả Đồ Bàn

Trầm lặng hơn, nhiều suy tưởng hơn có lẽ là đặc tính của thơ Nguyễn Trác trong tập “Gió vẫn trên đường”. Trải qua thời gian, năm tháng, thơ Nguyễn Trác ngày càng đằm thắm hơn, hòa hợp hơn với cuộc sống luôn luôn thay đổi. Sự thăng hoa, nhập cuộc của ông với cuộc đời không khỏi có lúc đắng cay, đau đớn, nhưng kết cục nhà thơ vẫn gắn bó với cuộc đời, vẫn cố gắng để ngày càng hiểu sự đỏng đảnh của nó hơn. Tựu trung lại nhà thơ vẫn song hành với cuộc đời, như “Gió vẫn trên đường” không ngừng, không nghỉ.

                                                                                                                                                              12.2020.TBH

_____________

(*)Đọc “Gió vẫn trên đường” thơ Nguyễn Trác  NXB Văn Học 2020

 

Nguồn tin: bai: HNV:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây