BALLAD KHÁC - CÂU HỎI VỀ KIẾP NGƯỜI. Nguyễn Quang Thiều

Thứ sáu - 28/08/2020 13:08
Thơ Ngô Đức Hành. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều giới thiệu
dsc1871
dsc1871

      Một ánh sáng bàng bạc, xa xôi, thẫm buồn và đầy bất trắc. Đó là những gì đi theo tôi dọc những bài thơ trong tập thơ này của nhà thơ Ngô Đức Hành. Khi cầm bút làm thơ được ít năm, tôi dần dần rời bỏ những du dương và những thỏa mãn tâm lý cũng như sự chiều chuộng của ngôn từ.

Bởi cuộc sống mà tôi đang sống trong đó có quá nhiều bất trắc và thơ dễ dàng trở thành sự phản bội lại đời sống. Chính đó mà khi những câu thơ của nhà thơ Ngô Đức Hành vang lên, tôi đã tìm thấy một phần tinh thần của đời sống thi ca đương đại.  Không hiểu sao, những câu thơ “ngắm hoa thưởng trà”, những cảm xúc mơ mộng lúc này với tôi như là một sự sai lầm nào đó trong lương tâm của nhà thơ cho dù về nghệ thuật nó có thể chạm vào một điều gì đó.

    Bởi sự thật, chúng ta đang sống trong một đời sống mà nỗi thất vọng đôi khi là tuyệt vọng như vượt lên những niềm vui, sự bình yên của con người. Thi thoảng, vào buổi sáng, tôi vẫn đọc facebook của bạn bè trong đó có facebook của nhà thơ Ngô Đức Hành. Và tôi thấy sự buồn bã và nổi giận của ông về những điều tồi tệ trong cuộc sống. Cách thức dậy của một nhà thơ đương thời này phải là cách họ đặt những câu hỏi về cuộc sống đang đến với họ, với cộng đồng của họ trong một ngày mới.

Sáng ra buồn mênh mông

Đời không ưa chầm chậm
Thế nào là đáng sống
Thế nào là yêu thương?

     Những câu hỏi như vậy đã làm nên tư cách và tư thế của một nhà thơ. Câu trả lời lớn nhất và cũng là khó khăn nhất đối với mỗi con người, đặc biệt đối với một nhà thơ là câu hỏi chúng ta phải sống ra sao. Không trả lời được câu hỏi về lẽ sống thì không có câu trả lời về nơi đến của thơ ca, của nghệ thuật. Không phải bây giờ con người mới đặt câu hỏi về điều đó mà nó đã được đặt ra từ khi con người nhận ra gianh giới giữa NGƯỜI và VẬT. Nhưng lúc này, câu hỏi ấy như gấp gáp hơn, cần thiết hơn bởi chưa bao giờ trong xã hội, chúng ta lại phải chứng kiến và đương đầu với những thách thức phi nhân tính như hiện nay. Nếu một nhà thơ không nhận ra điều ấy thì nhà thơ chỉ là kẻ ngủ quên trong những mỹ từ để thỏa mãn chính mình, nếu nhà thơ không biết đặt câu hỏi ấy thì những gì nhà thơ viết sẽ chìm vào vô nghĩa. Nhà thơ Ngô Đức Hành đã nhận ra những điều đó và đã đặt những câu hỏi đó.

     Một đặc điểm rất rõ, rất mạnh như là phong cách trong  thơ của nhà thơ Ngô Đức Hành là sự dồn nén tối đa trong ngôn từ. Sự dồn nén này làm cho những câu thơ của ông chặt chẽ, khúc triết nhưng lại mở ra một không gian cảm xúc và suy tưởng rất rộng. Chỉ hai câu thơ “Hương bưởi ủ sau xuân cô đơn con đường nhỏ/ Lối ta về có như lối đi?” mà chứa đựng một trữ lượng rất lớn của những đặc tính thơ ca: đẹp, mơ hồ, ám ảnh và gợi mở. Hãy đọc kỹ câu thứ nhất: “Hương bưởi ủ sau xuân cô đơn con đường nhỏ”, bạn sẽ bị chìm vào trong một cảm giác không thể nói gì khác ngoài từ mênh mang và một con đường hiện lên biền biệt tới tận chân trời.

    Không có bất cứ một từ nào khác biệt hay dị biệt ở đây mà chỉ là sự “sắp đặt” đầy tính nghệ thuật của các từ “thông thường” theo một trật tự có khả năng làm cho đặc tính của mọi từ được phát sáng hết cỡ. Và “lối ta về có như lối đi” là câu hỏi giống như của một nhà tu hành. Câu thơ giản dị như một lời nói và chính xác hơn là giản dị như một hơi thở nhưng lại mở ra sự suy tưởng vô tận. Tôi lại nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Ko Un (Hàn Quốc), ứng cử viên Giải Nobel văn chương: “Con đường ra đi là con đường trở thành nhà sư/ Nhưng con đường trở về mới là con đường trở thành Đức Phật/ Nhưng người chỉ có thể trở về khi đích thực ra đi”.

    Hai câu thơ này đại diện cho không ít những câu thơ trong tập thơ này. Nó dựng lên một không gian bàng bạc, buồn và đẹp. Nhưng từ một không gian cảm xúc ấy những câu thơ như một tiếng “nổ” bùng ra.

 

Tôi đâm mắt tôi để được mù lòa
Để không thấy bao điều nhức nhối
……………………………………
Tôi chọc tai tôi để không còn nghe nữa
Sấm trên cao & đất lở dưới chân người

    Chúng ta đã ít nhất một lần nghe người xưa nói “thà không có mắt để phải nhìn, thà không có tai để phải nghe”. Nhưng những câu thơ trên của nhà thơ Ngô Đức Hành đã đẩy tinh thần ấy đến cực điểm. Đó là một hành động khác, một hành động chủ động “tôi đâm mắt tôi…tôi chọc tai tôi”. Đây không phải là lối nói như phép “ngoa dụ” mà đây là một cảm xúc, một thái độ. Và đây cũng là cách nhà thơ đẩy người đọc đến tận cùng của cảm giác. Cũng như câu thơ “Anh đang sống như cuối ngày sẽ chết”  làm tôi bị dìm vào một căn phòng ngột ngạt đến sắp chết.

   Lâu nay, các nhà thơ thường lợi dụng các tính từ hay nói chính xác hơn bị các tính từ lợi dụng. Các tính từ có một ưu điểm và cũng mang một nhược điểm chết người là tạo ra sự du dương hay có thể gọi là tính thuận tai. Nhưng nhà thơ Ngô Đức Hành thoát được mối huy hiểm đó. Ông vượt qua cạm bẫy của các tính từ bởi ông luôn sử dụng các động từ. Chính thế thơ ông mạnh mẽ, tác động vào cảm giác người đọc một cách trực tiếp và gây lên những hiệu ứng bất ngờ. Và những câu thơ dùng động từ luôn mang lại cho người đọc cảm giác của thực tại giống như bị một ngọn lửa táp vào mặt. Đấy cũng là một đặc tính của thơ đương đại. Nó thường làm ra những cuộc “bạo động” trong tâm hồn người đọc.

   Mỗi thi sỹ đều phải chọn được con đường của mình. Nếu không anh ta sẽ không để lại bất cứ dấu vết nào cho dù anh ta đi một cách bền bỉ suốt cuộc đời mình. Vì sự bền bỉ ấy chỉ là sự bền bỉ đi lại con đường người khác đã đi. Nhà thơ Ngô Đức Hành đã chọn được con dường của mình. Và lúc này, người đọc cần sự bền bỉ của ông trên con đường ấy để làm cho con đường ấy từng bước hiện lên đầy đủ nhất.

                                                                                                               Hà Nội, tháng 7/2020

                                                                                                             NQT

Nguồn tin: bài: BVM:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây