Qủa thật, lâu nay tôi ít được đọc thơ Hà Phạm Phú và cũng ít chú ý bởi tôi luôn nghĩ ông là một nhà văn , một dich giả nổi tiếng ,lại còn là người viết kịch bản phim gạo cội với chức danh giám đốc Hãng phim Hội Nhà Văn Việt Nam. Lần này được ông tặng tập “Nghe mưa” tôi mới giật mình.Thì ra ,trong số 17 đầu sách đã xuất bản , không kể 5 đầu sách dịch và 4 kịch bản phim ông đã có 5 tập thơ :Hát về nguồn (1981), Hương nắng tiếng chim (1982), Cỏ yêu (1999), Trăng khuyết (2004) và Nghe mưa (2020).Xem ra sức sáng tạo của ông đã là lớn ,sự nghiệp ông không nhỏ duy chỉ tôi còn vô tâm.
Nếu nhớ không nhầm ,lần đầu tôi gặp ông là khi tôi mới vừa chân ươt chân ráo ở Đà Nẵng ra .Khoảng tháng Mười năm 1989 hay 1990 gì đó , trong một lễ kỉ niệm của Trung đoàn Thủ đô tại Xuân Mai .Ông lên làm phim. Đó một giám đốc trẻ trung ,năng động ,hiện đại hào hoa và có phần đào hoa nữa. Ấn tượng ấy là khá sâu sắc . Sau này tôi với ông lại có duyên nhà sát vách nhau tại Khu tập thể Thanh Xuân Nam ,còn cơ quan thì Hãng phim ông tầng một ,Tạp chí Nhà văn tôi tầng hai biệt thự 65 Nguyễn Du Hà Nội . Là người làm phim ,lại có tay lái “lua” ông thường vi vu rong ruổi khắp các nẻo đường đất nước ,lúc xe công lúc xe tư. Chả rõ giờ ông “chơi” xe gì chứ hồi đầu cũng một cái Vitara Suruki gầm cao leo đồi leo suối cực khỏe. như xe nhà tôi . Laptop cũng là một phương tiện làm việc luôn bên cạnh ông khi đến các hội nghị. Những khi thêm chiếc kính mát trông ông càng sành điệu. Có lần, cũng tại một hội nghị , lúc chuyện trò vui vẻ , một nữ thi sĩ trẻ Hà Nội ghé tai tôi nỏi nhỏ : Đôi lúc bác ấy cũng hơi “ sang chảnh “ ! Tôi cười nửa đồng ý nửa không đồng ý với nhận định của “thím “ ấy chả biết có làm phật lòng nhà văn họ Hà . Chữ “thím” tôi mượn của nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Đã là cư dân Hà Nội hơn 40 năm nhưng Hà Phạm Phú luôn nhớ đến quê và nhắc đến quê hương gốc gác ,nơi ông đã sinh ra và sống thuở thiếu thời. Ông quê Đan Hà Hạ Hòa Phú Thọ , miền đât cổ với bề dầy lịch sử và những huyền thoại thiêng liêng về cội nguồn dân tộc Đang học dở lớp 9 ông nhập ngũ theo tiếng gọi của cuộc kháng chiến chống Mỹ .Ngày ông lên đường :
Cha không tiễn đưa,chỉ dặn
sao cho đáng mặt trai
NGHE MƯA dày 216 trang và có 119 bài ôm trùm nhiều đề tài với nhiều cung bậc tình cảm nhiều mầu săc tâm trạng ,phong phú đa dạng cả nội dung lẫn hình thức .Thơ ngắn thơ dài thơ tự do thơ lục bát…Thơ tự do ông khoáng đạt và hiện đại. Lục bát của ông nhuần nhuyễn ,tinh tế với nhiều câu tài hoa. Ơ “Nghe mưa “, ám ảnh người đọc nhất - như tôi chẳng hạn -là những bài thơ thế sự lòng người , xúc động người đọc là những bài thơ tưởng nhớ các bậc sinh thành và lôi cuốn bạn đọc là những bài thơ về quê hương , tình yêu trai gái . Thơ ông giản dị , chữ nghĩa rõ ràng rành mạch nhưng cũng có nhiều ẩn dụ ,cả những ẩn dụ khá bạo.
”Nghe mưa” được chia làm hai phần.
Ở phần I ,ngay bài đầu tiên là cảm thức về thời gian với những thi ảnh mới và lạ :
Thời gian con cáo dậy thì
Thời gian nguyệt thưc bầy ri vỡ đàn
Thời gian cỏ dại mọc tràn
Thời gian lũ cuốn
Thời gian chớp nguồn
“Thời gian con cáo dậy thì”. Tôi chưa từng đọc được ở đâu câu thơ lạ như vậy.Nó vừa hư vừa thực, vừa bí ẩn vừa gợi mở , vừa mang ẩn dụ của sự già dặn khôn ngoan vừa mang hình bóng sự tươi non phát triển về một trong những phạm trù gắn bó nhất với đời người là Thời gian.
Phần II mở đầu bằng bài “Nghe mưa rơi” thăm thẳm mà xa xót:
Tôi nằm thăm thẳm đêm dài
Bão mưa ồn ã đổ ngoài mái hiên
(Nghe mưa rơi)
Thơ nhắc lịch sử xưa (giặc Ngô) mà như cảnh báo về lịch sử hôm nay ..
Nguyễn Tham Thiện Kế viết “Nghe mưa nỗi nghe thân phận “ .Nhưng tôi nghĩ thơ Hà Phạm Phú không chỉ có thế và nỗi buồn trong thơ ông là rộng lớn và sâu nặng hơn nỗi niềm thân phận một cá nhân.Dẫu ông rất tự hào về cá nhân mình :
Ta bảy lăm những đốt tre khô cứng
Không khom lưng uốn mình
Xun xoe miếng ăn thân chó lợn
Trên nẻo đời cát bụi nhũng sinh linh
(Cây tre bảy lăm đốt)
Cốt cách ấy phải mang vác một nỗi buồn có cốt cách tương xứng.
Không day dứt nhiều khi mình “chào đời nơi xó rừng rậm rạp” mà ông day dứt hơn về những sinh linh cùng thời , về thế kỉ mà mình có măt : .
Ngày này trong thế kỉ rách mướp đạn bom
Mỗi nhân khẩu là một quân cờ trong tay chính khách
Sinh linh bị bỏ rơi như sỏi đá ven đường
(Viết nhân ngày sinh)
Ông như muốn lặn sâu vào cảnh trầm luân của thế kỉ mình ra đời. ,
Đó là một thế kỉ lớn lao với những cuộc cách mạng nhưng cũng tan tác hỗn loạn đau thương lớn bởi những cuộc chiến tranh.Niềm trắc ẩn thường trực trong lòng khiến.thơ ông khi thì quặn thắt khi thì mang một nỗi buồn
man mác :
Sương mù như khói loang loang
Như là kiếp trước loang sang kiếp này
(Sương mù II).
Thế giới đã vậy , còn quê hương đất nước gia đình mình sao ?
Sau những năm tháng hào hùng của hai cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại đất nước bước vào đời sống hòa bình với bao khó khăn và thách thức mới , bao đảo lộn phức tạp thì suy nghĩ cảm xúc của mỗi người bình thường chứ chưa nói đến các nhà văn đều đã không thể giản đơn một chiều. Nếu như trong văn học một lúc nào đó , ở nhà văn nhà thơ nào đó có xuất hiện tâm trạng lo âu ,buồn nản thậm chí là “sám hối” bất mãn cũng là điều chúng ta có thể thông cảm :
Tôi nghe những phố không nhà
Đồng tiền dựng đứng bao tòa nghiệt oan
(Nghe mưa rơi)
Phố không nhà còn trong nhà tiếng mọt nghiến đêm đêm cũng làm ông đau đớn .Ông thương cho mùi ẩm mốc, cũ nát của “những phiên hiệu nằm lâu trong tủ “ (Mọt nghiến). Lên Yên Bái làm phim về Khởi nghĩa Yên Bái ông dằn vặt và băn khoăn “Những vụ án ngoạm sâu lịch sử” để rồi :
Tôi và anh tự hỏi
Tại sao Yên Bái
Tại sao Yên Bái
(Trò chuyện với thi sĩ Ngọc Bái)
Khi cô đơn “lầm lụi độc hành “ ông bảo “gặp toàn những hình nhân /gác thú đuổi chim”(Đọc sách) .Ngồi uống cà phê, thấy cảnh đời thời kinh tế thị trường xệch xạc nhố nhăng ông giễu nhại biếm họa đến cực đoan :
Dòng người và xe đứt đứt nối nối /Không gian mịt mù bụi bụi khói khói /Mấy ả gái non cong cớn bước qua/Mấy gã trai lơ múa may la lối
Một vài cụ già đi bộ cắm cúi /Áp tai chiếc đài không ngừng nói nói/Chẳng biết nghe gì,chả biết tin gì/Quần cụt áo cộc nhầu nhầu thậm thụi “
Những tay thuyết khách tiếm mẳn ti vi/ Gã nhấm cà phê đang từ từ chêt...
(Cà phê ngã tư)..
Cảnh đời ấy nhiều lúc muốn thoát ra mà không thoát nổi khiến ông hoang mang : :
Tôi rã rượi tướp khô lá chuối
Chiếc ao tù nước đục rêu tanh
Tôi níu mây nhưng không níu nổi
Muốn bay lên chân rễ mọc đầy
(Ao tù)
Bất lực ,nản chí ông thúc thủ :“Một nhà thơ như cột thu lôi bị ốm “… .Đọc tới những bài này thú thật tôi đã bắt đầu lo liệu rồi ông có tuyệt vọng ? Nhưng may thay ông đã không tuyệt vọng .Hai mươi tám năm trong quân ngũ đã rèn ông thành một chiến binh mạnh mẽ. Sau lưng ông còn có quê hương dân tộc với những truyền thống tốt đẹp bền vững có anh em đồng chí và hương hồn mẹ cha .Nên, biết mình có” ốm “ mấy ông cũng phải đứng lên và đứng cho thật vững trước thời cuôc :
. Nếu anh đấm vào tường một đấm
Anh sẽ nhận một đấm
Mạnh đúng bằng cú đấm anh thoi
Vấn đề đơn giản thôi
Nếu anh vững hơn tường thì cứ việc
Nhớ lời Cha “sống sao cho đáng mặt trai” ông biết phải vững vàng và hứa với vong linh Mẹ “Con sẽ sống như mẹ hằng mong ước/Hoa bí vàng giữa đám chà gai “ .Ông trở lại Bến Đan quê nhà và dòng sông sóng sánh trong ông như từng sóng sánh tuổi thơ.(Bến Đan)
Tâm hồn ông lại thư thái, đôi mắt ông lại trong trẻo và thơ ông lại hào sảng bay bổng Mang hình ảnh Cha”gánh lúa về phanh ngực gió nam “như một động lực ông vươn vai hít thở khí trời Tây Côn Lĩnh
Cổng trời mở ra một trời khác
Ta đắm vào hương chạm tính người
Chạm vào linh khí Tây Côn Lĩnh
Muốn hát muôn trùng đất nước tôi
(Tây Côn Lĩnh)
Ông khẳng định “Mùa đông không phải để thay thế mùa hạ “(Kinh già) để đối thoại với đồng nghiêp
-Nhà thơ ơi !Hãy biến nỗi đau
Thành hồn cây
Đem màu xanh gieo vãi
(Đối thoại với J.Seifert)
Và ông lại có những câu thơ thật đẹp thật trong trẻo thật ngất ngây:
Ta thấy hồn ta thư thái bay /Như chim nhẹ cánh lướt cùng mây/vượt đỉnh núi Đanh lên Tam Đảo /xuyên thấu tầng trời say ngất ngây
Ta thấy rồng thiêng ẩn minh dương /ngẩng đầu quẫy gió ngọn An Sơn/Mắt rồng soi rạng miền An Lac /Bền vững muôn đời không bão giông
(Gửi Vĩnh Yên)
Gặp người chế ra cây đàn tính bản Hon ông ngỡ ngàng :
Ta chợt hiểu con sông Năng trước măt\
Miệt mài xuôi về phía Biển Hồ
Chính là Tính là cây đàn Đât nước
Ru lớn những tâm hồn ru lớn những nhà thơ
(Đàn tính)
Và bản năng thi sĩ ông bùng nổ như một lẽ tự nhiên như lô gich của cuộc sống như bản chất của những tâm hồn lương thiện say mê yêu đời
Bản năng thi sĩ ấy đứng trước chân trời mà run rẩy yêu thương tưởng như thấy chân trời cũng đang “ run “ lên “như được yêu “ cùng mình trong bẩy sắc cầu vồng.
Tôi cũng chưa thấy ai như ông yêu độc đáo thế này :
Trộn hình bóng em với muối
Rải ra khắp núi đồi
Hong phơi
Trăm năm sau
Nhắm rượi
(Tình yêu)
Hà Phạm Phú tuổi Mùi , năm nay đã là 77. Ôi người đã U 80. mà còn có những câu thơ tình như vậy ,có được tập thơ dày dặn như “Nghe mưa “phải nói là đáng nể . Vừa tự hào nhận mình là cây tre 75 đốt cứng cỏi nhưng ông cũng tự nhận “khuyết điểm” là có “tính ham chơi’ !.Nhưng tôi thấy ông có ham chơi đâu ,ông luôn bận bịu với công việc-kể cả việc duy trì đưa bài lên facebok mà tôi rất hay đọc - và với bao nghĩa vụ khác- nhất là nghĩa vụ “tự mang ách” vào cổ mình. nghĩa vụ một nhà văn ,nghĩa vụ một cái cột thu lôi khỏe mạnh của cuộc sống.
Có lần tôi đọc được một bài phỏng vấn ông. Ông nói, đại ý ,ông yêu văn thơ và giờ “chỉ muốn đóng một vai duy nhât”. Nhiều nghề vẫn có thể chỉ là một vai.Ông sắm vai một người đam mê văn chương nghệ thuật đến hết lòng người thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước và có trách nhiệm đến cùng với Quê hương đất nước.. Chúc mừng ông đã có nhiêu thành tưu trong vai mình.Chúc mừng NGHE MƯA .
Long Biên 9.2020. N.T