Nhà thơ Nguyễn Chính
Cách nay không lâu, Nguyễn Chính cho tôi đọc tập thơ Dở dang mắt biếc. Tôi không khỏi ngạc nhiên về khả năng viết, khả năng sáng tạo liên tục và bền bỉ nơi ông. Nhưng tôi ngạc nhiên hơn là thơ ông luôn tươi mới và ngày một khác lạ, khác mình. Tôi coi đây là một sự vượt mình một cách tự thân nơi ông. Mà sự vượt mình, dù ở lĩnh vực nào, chưa nói là ở mức tự thân, cũng là đáng kể và rất đáng được ghi nhận.
Tôi đọc rất kỹ và tìm ra tên của tập thơ rút ra từ bốn từ trong câu “Dở dang mắt biếc, mênh mang hồn người” trong một bài thơ có tên giản dị đến nỗi khó giản dị hơn: Lính già ở chung cư. Có vẻ như ở chung cư, trong cái tình cảnh ăn sáng “năm ngàn một bát xôi ngô”, người lính già chợt nhớ “Trường Sơn khoai sắn em vùi trong mây” và “chưa nhạt lòng” khi nhớ về thời “dở dang mắt biếc”. Hai câu lục bát thật hay, như một tiếng thở dài, như một lời than, như một câu hỏi và cũng là một sự nuối tiếc vô vọng, chắc chắn còn ám ảnh cả người viết lẫn người đọc. Nó vừa là tâm thế lại vừa là tâm trạng: Quờ tay chạm đám mây trời/ Sao không chạm được tới người ngày xưa?
Qua Lính già ở chung cư càng thấy tên gọi một bài thơ cũng không quá quan trọng. Vấn đề còn lại là nhà thơ viết gì, nghĩ gì, gửi gắm gì và để lại thông điệp gì? Tất cả còn lại là nội dung, không phải hình thức.
Về điều này, B. Brecht là một nhà thơ bậc thầy và thuộc dòng cao thủ. Sinh thời, ông có một tứ thơ có một cái tên hết sức bình thường: Chờ thay lốp xe. Nếu diễn xuôi chỉ có: “Tôi hỏng lốp xe, phải ghé vào bên đường để thay lốp mới. Và chỉ khi thay xong lốp mới, xe của tôi mới tiếp tục đi được”. Chuyện chỉ có thế! Vậy mà B. Brecht là cho chuyện rất “ngày thường ở huyện” này, trở nên khác thường nhờ nhưng cơn cớ khác, lý do khác mà chỉ một mình ông mới tìm ra. Và cái ông tìm ra cũng là bản chất, đòi hỏi như là cái tất yêu của đời sống, của cuộc sống, của mỗi con người. Cho dù “Nơi tôi đã qua chẳng có gì lạ, nơi tôi sắp đến, chẳng có gì mới”... nhưng “Tại sao tôi vẫn hồi hộp thay lốp mới?”. Chính sự “hồi hộp thay lốp mới” đã góp phần khẳng định: “Cuộc đời là cuộc đời đi”, “còn sống là còn di chuyển, là còn vận động”. Nói một cách khác: Quá trình sống là một quá trình không được phép ngưng trệ bất kể khi nào. Tất nhiên, B. Brecht không chỉ có Chờ thay lốp xe mà còn nhiều tứ thơ khác: Về sợi dây thừng bị đứt, Hình con sư tử trên nắp hộp chè Trung Hoa...
Nguyễn Chính là người có sở trường làm thơ lục bát. Dường như thể thơ truyền thống này không còn là thách đố với ông. Ông đã vượt lên “đường ray” ngặt nghèo của thể loại để triển khai một lối viết theo kiểu của ông. Ông có nhiều cặp trên sáu dưới tám giàu cảm xúc, nhuần nhuyễn và tài hoa. Có thể dẫn chứng: “Trăng lên trăng lặn… ngọn cau/ Hoa thơm thơm cả một câu hẹn hò” (Thi nhân), “Bóng người đổ dốc chênh vênh/ Dấu chân vực thẳm mây bềnh bồng trôi” (Em và anh), “Sổ gai, thắt đốt mấy tầng/ Chắt chiu sự sống can trường mà xanh” (Thức niệm), “Mặt sông nguyên bóng mặt trời/ Nước xuôi, mây ngược và tôi trên bờ” (Cái bóng), “Sóng vừa đủ để dừng chân/ Em vừa đủ đẹp một lần bên tôi”… Đôi lúc ông rất tình tứ và đẩy cái chất tình tứ trong những từ ngữ mạnh. Ta thấy rõ nét riêng này trong Qua đồi vú với: “Vú đồi xanh mơn man/ Phơi non cùng mây gió” và trong Váy Dao xuống núi: “Váy Dao tốc ngược lên trời/ Biển e thẹn cạn, núi cười ngả nghiêng/ Miền xuôi lắm chuyện thật phiền/ Có hay miền ngược tắm tiên… lộ hàng”. Theo tôi, dứt khoát Nguyễn Chính là một người đa tình một cách yếu lòng. Không đa tình, không yếu lòng, làm sao ông viết và đặt ra câu hỏi: “Dan díu mãi cả âm dương xa cách/ Tình người dài mấy trăm năm?” (Dan díu khôn nguôi). Không đa tình, không yếu lòng, làm sao ông viết: “Người đi thành nỗi nhớ/ Con đò nằm bơ vơ” (Có mùa xuân lá vàng). Ông cũng rất nặng lòng và luôn muốn trải lòng với một chữ tình: Không hiểu vì sao lúc nào tôi cũng nhớ/ Chốn kinh kỳ dang dở mấy đời trai/ Nón trắng người đi chòng chành cơn gió thoảng/ Tiếng dạ thương ngọt mãi đến nao lòng… (Xứ Huế đồng xanh).
Thơ ông nhiều băn khoăn, ngẫm ngợi và cũng nhiều khoan dung, độ lượng. Đối với thi nhân, phẩm chất này thật đáng quý nếu không muốn nói thêm là có phần tiên quyết. Và phẩm chất này, thái độ sống này luôn đeo đẳng ông suốt cuộc đời. Rõ nhất là ở 2 bài Cái hầm trong nhà tôi và Trên mây. Trong Trên mây, ông có hai câu thơ minh chứng cho điều ấy: “Người với người có gì mà xa lạ vậy/ Mà mù mờ chốn phiêu du?” Câu hỏi ấy là câu hỏi với nhiều ưu tư, trăn trở, mang giá trị nhắc nhở và mãi còn thao thức trong lòng nhà thơ.
Nhờ Dở dang mắt biếc, tôi càng tin đến với Nguyễn Chính, cũng như đến với thơ của Nguyễn Chính, không bao giờ là muộn cả.
ĐHG
Nguồn tin: , bai: HNV.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn