Trong những tháng ngày cả nước gồng mình chống dịch với tinh thần “mỗi gia đình là một pháo đài”, “mỗi người dân là một chiến sĩ”, đã có rất nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật độc đáo ra đời, kịp thời cổ vũ, động viên cả dân tộc quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã có nhiều bài thơ gây ấn tượng mạnh về chủ đề này, trong đó có những bài đã được phổ nhạc, gây được tiếng vang lớn trong lòng công chúng. Điểm chung đáng quý trong những tác phẩm ấy là không hề “khô cứng”, “lên gân”, mà dường như chất liệu cuộc sống đã dội vào tâm can nhà thơ, biến thành những rung động tinh tế, chân thực, lan tỏa đến bạn đọc bằng những hình ảnh, ngôn ngữ thơ dung dị mà sâu sắc. Bài thơ Thu hy vọng đăng trên báo Thời nay, ngày 9/9/2021, là sự nối tiếp nguồn mạch thi cảm ấy, truyền đi thông điệp nghệ thuật: tình yêu thương và niềm hy vọng sẽ mang đến sức mạnh để mỗi người tự vượt lên nghịch cảnh và những dằn vặt, xót xa để đón niềm hạnh phúc sum vầy đang đến:
Trong tiềm thức văn hóa Việt Nam và các nước phương Đông, mùa thu mang nhiều ý nghĩa, là biểu tượng của tình yêu, sự sum vầy, đoàn tụ. Chính trong không khí mùa thu như thế ba năm trước, đôi vợ chồng trẻ đã chính thức về chung một nhà, cùng nhau dựng xây tổ ấm. Mùa thu năm nay, đáng ra sẽ là những khoảnh khắc kỷ niệm thật đẹp và ý nghĩa, nhưng bỗng trở thành khoảng thời gian đầy thử thách của tình yêu, bản lĩnh, sự hi sinh của cả hai người. Người vợ tình nguyện vào tâm dịch cứu người từ độ hè sang, để lại nỗi nhớ dài triền miên không dứt như những cơn mưa mùa hạ. Hình ảnh thơ thật sáng tạo, tinh tế, diễn tả sâu sắc nỗi nhớ mong, khao khát của người chồng. Ghi lại những cảm xúc phức hợp của người chồng khi đối diện với chính mình, với khoảng trống vắng chẳng thể khỏa lấp ấy, nhà thơ đã thấu cảm lòng người trong những câu thơ thật xúc động: Một mình anh vò võ/Xua trống vắng nao lòng!
Nhớ mong là thế, cô đơn, trống vắng là thế, nhưng người chồng chợt nhận ra, những yêu thương, lo lắng dành cho người vợ ở chốn hiểm nguy đang dâng đầy trong mình mới là điều quan trọng nhất, như những mầm cây sinh sôi mạnh mẽ sau cơn mưa rào. Ước muốn giản dị đến nhói lòng là được ở gần em, được san bớt cho em một phần gian khó: Thương em suốt ngày đêm/Quần quật nơi tâm dịch/Giá được ở bên em/San bớt phần gian khó… Dịch bệnh buộc tất cả chúng ta phải bước vào cuộc chiến cam go, khốc liệt. Không chỉ phải hi sinh hạnh phúc vợ chồng, mà những mất mát, những âu lo còn nhiều hơn thế. Hình ảnh “mâm cơm chia nhiều phía” gợi tả nỗi buồn và sự chơi vơi thật xót xa, ấn tượng.
Những khó khăn, vất vả trăm bề, những tình cảm được dồn tụ, nâng lên ở khổ thơ cuối, mở ra những cảm nhận và suy tư sâu sắc trong lòng bạn đọc. Đã hai mùa hè đi qua với biết bao gian nan, vất vả của cuộc chiến chống dịch, đã có biết bao cuộc chia tay, hẹn ước và đợi chờ. Xung quanh ta, khó khăn, mất mát, hi sinh là không thể đong đếm hết và có cả những lời hẹn ước mãi mãi dở dang. Nhưng hy vọng thì không bao giờ vơi cạn; trái lại, ngày càng đầy lên, được nuôi dưỡng bởi tình yêu thương và sự sẻ chia đầy tinh thần nhân bản: Đã hai mùa hạ cháy/Gian nan nén tận cùng/Thu về mang gió mát/Cuốn theo nỗi chờ mong/Mây xanh trùm khắp chốn!...
Tác giả đã rất tinh tế khi lựa chọn biểu tượng “mùa hè” và “mùa thu” giàu sức liên tưởng này để tổ chức thành tứ thơ độc đáo, mở ra khả năng đồng cảm, đồng sáng tạo mạnh mẽ của người tiếp nhận. Mùa hè khi nắng, khi mưa gắn với gian nan, vất vả, với nhớ nhung khấp khởi và cả lo âu phấp phỏng, để rồi sang thu, trời mây xanh thắm, những tia nắng vàng xoa dịu nỗi vất vả, gian nan. Hạnh phúc sẽ sớm về trong màu xanh của yêu thương và hy vọng trở thành âm hưởng bao trùm, vút lên trong bản hòa âm của cuộc sống trong những tháng ngày gian khó. Và hơn thế nữa, hạnh phúc là sự sẻ chia, là sự hiện diện trong từng khoảnh khắc tin yêu. Chỉ cần ở đâu có yêu thương và hy vọng, hạnh phúc sẽ đong đầy, sẽ tỏa lan như những áng mây thu xanh mát, mang yêu thương làm dịu nỗi chờ mong khắc khoải của bao người.
Cần nói thêm rằng, hình tượng “mây xanh trùm khắp chốn” còn là ẩn ý sâu xa của tác giả, muốn gửi đi thông điệp: bằng sự chung lòng, hợp sức của từng người, từng cộng đồng, chúng ta nhất định thu hẹp và xóa đi các “vùng đỏ” đang hiện diện trong cuộc chiến chống đại dịch; và từ đó thắp lên hi vọng từ mùa thu này, cả nước sẽ ngập tràn màu xanh sự sống!
Bài thơ khẳng định một niềm tin mãnh liệt rằng, những cố gắng bền bỉ của toàn xã hội là cơ sở của niềm hi vọng sâu xa: chúng ta sẽ chặn đứng và đẩy lùi đại dịch!
Hà Nội, tháng 9/2021
Thành Hạo
Nguồn tin: HNV.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn