BÀI CA CÔN SƠN - Một tiếng thở dài bất tận

Thứ sáu - 27/08/2021 04:22
Vũ Bình Lục
Nhà văn Vũ Bình Lục
Nhà văn Vũ Bình Lục

BÀI CA CÔN SƠN
MỘT TIẾNG THỞ DÀI BẤT TẬN


Phiên âm:


CÔN SƠN CA
                          Nguyễn Trãi

Côn Sơn hữu tuyền,
Kỳ thanh linh linh nhiên,
Ngô dĩ vi cầm huyền,
Côn Sơn hữu thạch,
Vũ tẩy đài phô bích,
Ngô dĩ vi điệm tịch.
Nham trung hữu tùng,
Vạn cái thuý đồng đồng,
Ngô ư thị hồ yển tức kỳ trung.
Lâm trung hữu trúc,
Thiên mẫu ấn hàn lục,
Ngô ư thị hồ ngâm khiếu kỳ trắc.
Vấn quân hà bất quy khứ lai?
Bán sinh trần thổ trường cao cốc.
Vạn chung cửu đỉnh hà tất nhiên,
Ẩm thuỷ phạn sơ tuỳ phận túc.


Quân bất kiến Đổng Trác hoàng kim doanh nhất ổ?
Nguyên Tải hồ tiêu bát bách hộc?
Hưu bất kiến Bá Di dữ Thúc Tề ,
Thú Dương ngạ tử bất thực túc?
Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu,
Diệc các tự cầu kỳ sở dục.
Nhân sinh bách tuế nội,
Tất cánh đồng thảo mộc.
Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.
Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,
Tử hậu thuỳ vinh cánh thuỳ nhục?
Nhân gian nhược hữu Sào Do đồ,
Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.


Dịch nghĩa:


BÀI CA CÔN SƠN

Côn Sơn có suối,
Tiếng nước chảy róc rách,
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa rửa rêu phô biếc,
Ta lấy làm chiếu thảm.
Trong núi có thông,
 Muôn chiếc lọng biếc um tùm,
Ta tha hồ ngơi nghỉ ở trong.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in màu xanh mát lạnh,
Ta tha hồ ngâm nga bên gốc!
Hỏi ngươi sao còn chửa về đi?
Nửa đời người còn trói buộc mãi trong đám bụi bặm làm gì?
Muôn chung chín đỉnh có cần chi,
Uống nước lã, ăn cơm rau tuỳ phận mình cũng đủ!
Ngươi chẳng thấy: Đổng Trác ngọc vàng chất đầy nhà,
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
Lại chẳng thấy Bá Di với Thúc Tề
Chết đói ở núi Thú Dương, không chịu ăn thóc?
Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu,
Cũng đều muốn thoả cái thích của mình.
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc rồi cũng nát với cỏ cây.
Vui, buồn, lo, sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn nối tiếp nhau.
Ở nơi núi gò hay lầu đẹp cũng là ngẫu nhiên,
Chết rồi còn ai vinh với ai nhục?
Nhân gian nếu có bọn Sào Phủ, Hứa Do
Khuyên các người hãy nghe ta hát khúc ca trong núi!


Dịch thơ
         
Bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện

Côn Sơn có suối,
Tiếng nước chảy rì rầm,
Ta coi là đàn cầm.
Côn Sơn có đá,
Mưa dội rêu phô xám,
Ta coi làm chiếu thảm.
Trên đèo có thông,
Muôn dặm biếc mông lung,
Ta thảnh thơi nằm nghỉ bên trong.
Giữa rừng có trúc,
Nghìn mẫu xanh chen chúc,
Ta đủng đỉnh ca ngâm dưới gốc.
Hỏi ai sao chẳng sớm quay về?
Nửa đời vùi mãi trong lầm đục,
Muôn chung chín vạc để làm gì?
Nước lã cơm rau hãy tri túc.
Kìa chẳng thấy Đổng Trác vàng đầy một ổ,
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc.
Lại chẳng thấy Bá Di cùng Thúc Tề,
Nằm khô trong núi không ăn thóc.
Hiền ngu tuy có khác nhau xa,
Đều muốn thoả riêng lòng sở dục.
Người sống trong trăm năm,
Khác đâu loài thảo mộc.
Vui buồn sướng khổ đổi thay nhau,
Một tươi một héo thường tiếp tục.
Đồi rậm lầu hoa cũng ngẫu nhiên,
Chết rồi ai vinh với ai nhục?
Nhân gian nếu có bọn Sào, Do,
Khuyên hãy nghe ta hát một khúc.
         


Bản dịch của Vũ Bình Lục:

Côn Sơn nước suối trong veo,
Nghe róc rách tiếng đàn gieo lưng trời.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Lấy làm chiếu thảm, ta ngồi ngâm nga.
Ngàn thông che lọng quanh nhà,
Thảnh thơi nằm nghỉ, ta là chủ nhân.
Nghìn mẫu trúc đứng chen chân,
Vi vu thả biếc khe gần núi xa.
Hỏi ngươi lần lữa chi mà,
Nửa đời vùi mãi tháp ngà lợi danh?
Cần chi phú quý hiển vinh,
Cơm rau nước lã, phận mình thế thôi.
Vàng kho Đổng Trác chật rồi,
Hồ tiêu Nguyên Tải đầy nơi, ai bằng!
Di, Tề hai gã khăng khăng,
Chết khô trong núi, chẳng ăn thóc người.
Hiền, ngu, đành khác nhau rồi,
Chẳng qua để thoả chí thôi đó mà.
Trăm năm một thoáng người ta,
Rồi ra cũng nát như là cỏ cây.
Buồn vui sướng khổ chuyển xoay
Sự đời tươi héo như ngày lại đêm.
Sang hèn, chuyện cũng ngẫu nhiên,
Chết rồi, vinh nhục ai phiền thấp cao?
Thế gian Sào, Hứa ai nào,
Hãy nghe ta hát xôn xao núi ngàn!...


CÔN SƠN CA của Nguyễn Trãi là bài thơ thể hiện tập trung tiêu biểu hồn cốt cái thú lâm tuyền của người ẩn sĩ, đồng thời là những quan niệm về nhân sinh, về lẽ tiến thoái (xuất-xử) của nhà Nho không gặp thời.
          Ta, là nhân vật trữ tình chủ thể. Nhân vật này đôi khi cũng tự phân thân, để ta đối diện với chính ta, như một thủ pháp nghệ thuật thường thấy trong văn chương nghệ thuật nói chung.
Đoạn đầu, tả cảnh rừng suối Côn Sơn và qua đó là sự hoà quyện, sự tương thích giữa thiên nhiên và con người, ở đây là tác giả, với tư cách là nhân vật trữ tình chủ thể.
          Côn Sơn có khe / Tiếng nước chảy rì rầm / Ta lấy làm đàn cầm.  Như thế là tiếng nước chảy từ khe suối, không biết có từ bao giờ, cứ rì rầm hát ca không dứt, ngày cũng như đêm, Ta lấy tiếng suối ấy làm tiếng đàn. Đó là thanh âm trầm bổng của núi rừng, của suối khe réo rắt trong veo phổ mãi vào đất trời non nước.
          Côn Sơn có đá / Mưa xối rêu xanh đậm / Ta lấy làm chiếu thảm. Rêu phủ trên đá làm chiếu, làm thảm để nằm nghỉ ngơi. Trong núi còn có muôn dặm xanh biếc rừng thông, ta ở trong đó, tha hồ ngơi mghỉ. Lại còn nghìn mẫu trúc xanh biếc trong rừng, ta tha hồ ngâm nga bên gốc…
          Vậy là thiên nhiên đã quá hào phóng, ban tặng cho thi nhân vô vàn những suối những khe, những thảm đá phủ xanh rêu, những bát ngát rừng tùng, những xanh tươi ngàn mẫu trúc…Và ta, như một chủ nhân thực sự, tự do tự tại, làm bạn với thiên nhiên và hơn thế, làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống của chính mình.
Đoạn thơ cũng biểu hiện sự đắm say hoà điệu của tâm hồn thi nhân trước vẻ đẹp mộng mơ tinh khiết của núi rừng. Có cái nồng thắm thiết tha say đắm. Có cái ung dung tự tại, phong lưu thoát tục…
          Bốn câu tiếp đó, thi nhân tự đối diện với chính mình, chất vấn chính mình:
Ngươi sao còn chửa về đi,
 Nửa đời bụi bặm hoài lăn lóc.
 Muôn chung chín đỉnh có làm gì?
 Nước lã cơm rau miễn tri túc!
          Một câu hỏi cho chính mình, rằng Côn Sơn quê nhà đẹp như thế, có thể sống cuộc đời tự do với rừng suối, chẳng phiền lụy đến ai, cũng chẳng cần phải cầu cạnh đến ai, chẳng phải phục dịch ai… Vậy mà đã quá nửa đời người lăn lóc với gió bụi rồi, sao vẫn còn cấn cái lăn tăn làm gì mà chửa chịu về? Muôn chung chín đỉnh có làm gì? Mựợn tích xưa (Vạn chung cửu đỉnh) để chỉ quan to, ăn lộc muôn thùng thóc, nghĩa là quan thượng phẩm, vinh hoa phú quý đã vào hàng bậc nhất rồi. Cửu đỉnh (chín cái đỉnh), chỉ ngôi vua,  có cả thiên hạ trong tay, của cải và quyền lực đều ở mức tột đỉnh… Người ta ở đời lao tâm khổ tứ, vào sinh ra tử, chẳng qua cũng chỉ vì những cái gọi là Muôn chung nghìn tứ ấy thôi, nhưng rốt cục để làm gì kia chứ, khi mà sự tồn tại của con người cũng chỉ có giới hạn ? Muôn chung cửu đỉnh, đâu có phải là sự vĩnh cửu ? Vậy cả đời lăn lóc khổ sở vì nó để làm gì? Thà rằng nước lã cơm rau, thế cũng là đủ, và biết thế là đủ (tri túc). Đó là những lời phản biện chính mình, cũng chính là thực tế, là quy luật tồn tại của vật chất, là “Biện chứng của tự nhiên” vậy !
          Phần tiếp theo, lại dẫn những ví dụ cụ thể, minh chứng cho cái lẽ Muôn chung chín đỉnh có làm gì ở trên. Ví như Đổng Trác vàng ngọc chất đầy nhà, làm đến Tể tướng, nắm cả thiên hạ nhà Hán trong tay, thế mà cuối cùng cũng bị anh con nuôi là Lã Bố giết, chết rất thảm thương. Lại ví như Nguyên Tải đời Đường, làm đến Trung thư thị lang, tham nhũng, của cải chất đầy nhà, hồ tiêu tám trăm hộc, cuối cùng rồi cũng bị giết. Đó là những kẻ tham mà ngu. Nhưng cũng có những người được xem là hiền, như Bá Di với Thúc Tề, không chịu ăn thóc nhà Chu, để giữ lòng trung với triều trước, bỏ vào núi Thú Dương, sau chết đói ở đó. Tác giả bình luận: Hiền ngu dù chẳng giống nhau đâu / Cũng đều muốn thoả lòng sở dục!
          Cuối cùng, sau những đúc kết, chiêm nghiệm về việc đời, lại quay về than thở. Tác giả viết tiếp bài ca: Người đời trong trăm năm / Rốt cuộc như thảo mộc, rồi cũng héo tàn mục nát như cây cỏ mà thôi! Thân cát bụi lại trở về cát bụi, có chi mà rộn ! Những buồn lo, sướng khổ đổi chỗ cho nhau, như vật đổi sao dời, xưa nay vẫn thế. Nguyễn Trãi có lần nói rằng Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi! (thơ Nôm). Bây giờ thì  Một tươi một héo vẫn tương tục, chả có gì lạ. Thế nên:
Cồn hoang lầu đẹp cũng ngẫu nhiên,
Chết rồi ai vinh với ai nhục?
Quả là “Thế sự du du nại lão hà / Vô cùng thiên địa nhập hàm ca” (Đặng Dung). Cái lẽ của trời đất là muôn thuở, cái lẽ của cõi người sinh diệt, cũng là muôn thuở vậy, cần gì phải phân vân tính toán chi nhiều ? Cho nên:
Nhân gian ví có bọn Sào Do
Khuyên hãy nghe ta ca một khúc!
Đó là hai câu kết của Bài ca Côn Sơn. Ở chốn nhân gian này, ví như có bọn Sào Phủ và Hứa Do, tức những bậc cao sĩ ở thời xa xưa trong lịch sử Trung Quốc, thì Hãy nghe ta ca một khúc! Sào Phủ và Hứa Do coi khinh quyền lực và danh vọng, vua Nghiêu nhường ngôi cho, cũng không thèm nhận. Giả sử, ở nhân gian có bọn người cốt cách thanh cao như thế, thì hãy nghe ta ca một khúc ! Vậy đó là khúc ca gì ? Ca ngợi phẩm giá của các cao sĩ Sào Phủ và Hứa Do chăng ? Quả có thế ! Muốn noi theo tấm gương của các vị tiền bối ấy chăng ? Quả đúng thế ! Muốn mau chóng rũ bỏ tất cả mà về với rừng suối Côn Sơn chăng ? Cũng đúng như thế !
          Nhưng Nguyễn Trãi vốn là một nhà Nho luôn ôm ấp lý tưởng đại dụng. Ông muốn đem hết tài năng của mình phục vụ đất nước, cho đến sức tàn lực kiệt mới thôi. Con người hành động ở Nguyễn Trãi luôn hướng về dân đen, muốn “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Chẳng thế mà Tiên sinh từng viết: “Còn có một niềm âu việc nước / Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung” (Thơ Nôm). Tiếc thay, Thế gian biến cải vũng nên đồi (Nguyễn Bỉnh Khiêm) thời thế đổi thay, lòng người biến đổi, nông sâu hiểm độc khó lường. Và  Hoa thường hay héo cỏ thường tươi ! Ức Trai không có chỗ đứng, không có cơ hội để thi thố hết tài năng, đành ôm hận bất lực. Nhàn tản, ẩn dật, yếm thế, vốn không phải là bản tính và sở nguyện của Ức Trai. Ông chỉ thể hiện nó như một cách tự tiêu khiển, hoàn toàn bất đắc dĩ, bởi không biết làm gì hơn !
 BÀI CA CÔN SƠN, do đó, chỉ có thể xem như một tiếng thở dài của một người anh hùng thất cơ lỡ vận mà thôi !
                                     
                                                                             V.B.L

 

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây