NGUYỄN HUY TƯỞNG - SỐNG MÃI VỚI THỦ ĐÔ

Thứ bảy - 02/10/2021 09:29
Nhà nghiên cứu phê bình vh Đặng Tương Như
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ( 1912 - 1960 )
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ( 1912 - 1960 )
  - Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) xuất thân từ một gia đình nhà nho, quê ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội. Với Nguyễn Huy Tưởng, Thăng Long - Hà Nội luôn trong trái tim đầy yêu thương, trăn trở và hoài ước. Với lòng yêu nước, yêu quê hương xứ sở, cùng với sự nghiệp văn chương, văn hóa, ông sống mãi với Thủ đô, với non nước này.
    Nguyễn Huy Tưởng có thiên hướng rõ rệt về đề tài lịch sử, khát vọng sáng tạo những tác phẩm có quy mô lớn, dựng được những hình tượng hoành tráng về lịch sử Dân tộc. Ông có nhiều thành công hơn ở thể loại tiểu thuyết và kịch.
      -  Những tác phẩm chính:
      + Các vở kịch: Vũ Như Tô (1941), Bắc Sơn (1946), Những người ở lại (1948), Lũy Hoa (kịch bản phim - 1960).
       + Các tiểu thuyết: Đêm hội Long Trì (1942), An Tư (1945), Sống mãi với Thủ đô (1961).
        + Kí: Kí sự Cao - Lạng (1951).
        + Truyện thiếu nhi: Tìm mẹ (1950), Kể chuyện Quang Trung (1957), An Dương Vương xây thành ốc (1960), Lá cờ thêu sáu chữ vàng (1960) . . .
                                                                                     *
     - Thăng Long - Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi kết tinh khí hạo nhiên của bốn phương vẫn chờ đợi những anh hoa văn chương đến làm tri kỉ. Thăng Long - Hà Nội, nơi chôn rau, cắt rốn của Nguyễn Huy Tưởng, luôn đau đáu, trăn trở trong lòng ông, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của ông. Là một nhà văn có kiến văn sâu rộng, am hiểu sâu sắc truyền thống lịch sử và văn hóa Dân tộc, Nguyễn Huy Tưởng đã tìm thấy chất liệu thẩm mỹ quý như vàng cho sáng tác của mình. Thăng Long - Hà Nội đã làm nên “toàn bộ hồn cốt và đường nét trong văn ông” (Nguyễn Tuân). Trong số 12 tác phẩm tiêu biếu lớn nhỏ vừa kể trên đây, thì đã có 9 tác phẩm lấy Thăng Long - Hà Nội làm nền. Dù viết cho độc giả lớn tuổi, hay viết cho thiếu nhi, những lời văn của ông nói về vùng đất thiêng này vẫn trầm tĩnh, sang trọng, trong sáng mà bay bổng, lãng mạn. Ông đã từng mê đắm trong hào quang hoài tưởng về công trình kì vĩ của An Dương Vương khởi dựng tòa Thành Ốc hồi thế kỷ III trước Công nguyên. Tòa thành linh diệu ấy được Người Kinh kỳ - Thủ đô ngàn năm xưa cùng các Tiên Nữ xây dựng nên từ thời tiền Thăng Long:
   “ . . . Các nàng tiên đã làm việc rồi. Trên không, các nàng bay đi, bay về. Có hàng vạn nàng tíu tít như đàn chim én mùa xuân. Mặt các nàng đẹp như hoa. Mắt các nàng sáng như gương. Người các nàng nhẹ như liễu. Tóc các nàng xõa dập dờn như làn sóng. Người nào cũng mặc áo xanh, yếm trắng, quần hồng, thắt lưng quan lục bỏ múi sau lưng. Bàn chân trắng như ngà, gót đỏ như son đạp trên đám mây trắng trôi đi, trôi lại, khi lên, khi xuống. Người nào cũng gánh những sọt mây đầy đất đỏ lấy từ núi Thất Diệu về, nhẹ nhàng đổ xuống những đường vòng trên cánh đồng bao la, bằng phẳng. Đổ xong, các nàng lai thoăn thoắt bay về núi Thất Diệu. Họ vừa bay lên thì một tốp khác đã là là hạ xuống. Trên không, phấp phới như bướm như hoa, những làn tóc, những tà áo, những giải thắt lưng tung bay trong gió” (An Dương Vương xây thành ốc - 1960)
      Rồi dần theo dòng chảy lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng sống cùng nỗi đớn đau của người dân Kinh thành Thăng Long khi nhìn cảnh An Tư công chúa xinh đẹp, bạc phận chia xa vòng tay Vương triều nhà Trần để gả cho Thoát Hoan, một tên tướng giặc nhằm đổi lấy sự bình an cho tướng sĩ, làm “thư nạn cho nước”. Cái chết của An Tư là tinh thần nghĩa liệt của con gái đất Thăng Long ngàn năm văn hiến đã được Nguyễn Huy Tưởng tạc thành tượng đài trong tiểu thuyết “An Tư” (1945)
   Tiểu thuyết Đêm hội Long Trì (1942) được đăng tải lần đầu tiên trên Tạp chí Tri tân là dấu ấn để nhà văn Nguyễn Huy Tưởng khẳng định tên tuổi của mình trên văn đàn. Ở “Đêm hội Long Trì” quy mô đề tài cùng các tuyến nhân vật được mở rộng. Dựa trên tấn bi kịch trong gia đình nhà chúa mà sử sách ghi lại, Nguyễn Huy Tưởng đã dựng lên một bức tranh xã hội thời phong kiến với nhiều vấn đề được đặt ra. Việc tranh giành ngôi vị đã dẫn đến nhà chúa rồi cả ngôi vị chúa Trịnh tiêu vong. Không những thế, sự an nguy của Kinh thành, hay rộng hơn là của cả nước đều chịu chung hệ lụy. Mỗi khi đặt bút viết về Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng khôn nguôi bồn chồn, lo lắng cho sự tồn vong hay hưng thịnh của Thủ đô yêu dấu.
    Năm 1941, sự xuất hiện của “Vũ Như Tô” ghi dấu một đỉnh cao chói lọi của bi kịch lịch sử trên kịch trường Việt Nam. Vở bi kịch lịch sử năm hồi này viết về một sự kiện xảy ra ở Kinh thành Thăng Long vào những năm 1516 - 1517.
    Hoàn thành vào tháng 6 - 1941, một năm sau, tháng 6 - 1942, ông mới viết xong lời Đề tựa cho tác phẩm, trong đó Nguyễn Huy Tưởng bày tỏ nỗi băn khoăn của người sáng tạo nghệ thuật: “ Đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc?”, “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Than ôi, Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải ? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.
   “Cầm bút chẳng qua cùng bệnh với Đan Thiềm”, đó là căn bệnh truyền kiếp của muôn vàn thế hệ văn nghệ sĩ khắp thế gian này: bệnh yêu CÁI ĐẸP đến độ tôn thờ trên điện thờ Văn chương nghệ thuật; hơn thế nữa đó là căn bệnh khát khao sáng tạo lâu đài nghệ thuật nguy nga cho muôn đời, nỗi khát khao tuyệt đích ấy trở thành tôn giáo trong cuộc đời mỗi nghệ sĩ chân chính. Cái Đẹp và cái Tốt không bao giờ có giới hạn. Vũ Như Tô là một kiến trúc sư có tâm hồn trong trẻo như nước suối đầu nguồn, không màng danh lợi, dẫu gươm kề cổ cũng nhất quyết không từ bỏ một ước nguyện, một hoài bão lớn lao là “tô điểm đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ, thách cả công trình sau trước, tranh tinh xảo với hóa công”. Ta thấy thấp thoáng sau hình tượng nhân vật này, ở ngay hoạt động văn chương này, một Nguyễn Huy Tưởng cũng gửi gắm  hoài bão góp phần làm vinh dự cho văn học, văn hóa nước nhà qua hình tượng nhân vật, qua tác phẩm văn chương có giá trị vững bền, “cao cả, huy hoàng, giữa cõi trần lao lực, có một cảnh Bồng Lai”.
    Trong sự ngưỡng mộ của nhân vật cung nữ Đan Thiềm, thì Vũ Như Tô là con người “ ngàn năm chưa dễ có một”. Con người ấy có thể “sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây dựng những lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ” Ông chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện trên mảnh lụa thần tình biến hóa như cảnh hóa công. Ông là người có nhân cách cứng cỏi, cao cả, lúc đầu thà chết chứ không nhận lệnh xây Cửu Trùng Đài cho hôn quân bạo chúa.
   Niềm khát khao và đam mê Cái Đẹp ở ông lại đồng điệu  với người cung nữ Đan Thiềm đam mê cái Tài - tài năng sáng tạo nên Cái Đẹp. Được Đan Thiềm khuyến khích rằng có thể mượn thế lực và đồng tiền của bạo chúa để thực hiện được hoài bão của mình, thì Vũ Như Tô đã bất chấp tất cả - tiền của của nhân dân, mồ hôi, xương máu của biết bao người thợ, thậm chí cả sức lực và tính mạng của bản thân. Ông đã đắm chìm trong mộng tưởng sáng tạo, đặt cả số phận, tính mạng của mình vào công trình Cửu Trùng Đài ; bởi vậy ông ngày càng xa rời thực tế khắc nghiệt của đời sống những người dân lành, thậm chí đã đẩy ông về phía kẻ thù của nhân đân. Cuối vở kịch, người ta đòi đem Như Tô “phanh thây trăm mảnh”, cho rằng “mấy nghìn người chết vì Cửu Trùng Đài, mẹ mất con,vợ mất chồng” vì Vũ Như Tô.
   Diễn biến tâm trạng qua các lời thoại của nhân vật Vũ Như Tô ở từng lớp kịch xoay quanh việc tìm lời giải cho câu hỏi lớn trong tâm tưởng của ông: “Xây Cửu Trùng Đài là đúng hay sai ?”, “Việc ông đang làm là có công  hay có tội ?”. Bi kịch của Vũ Như Tô  là ở chỗ ông không tự giải đáp được câu hỏi tưởng như đơn giản đó, bởi ông chỉ đứng trên lập trường của người nghệ sĩ, của Cái Đẹp mà xa rời cuộc sống lầm than của nhân dân, không gắn với lợi ích thiết thực của nhân dân. Hành động mà ông lựa chọn (lần thứ hai, ông không theo lời khuyên của Đan Thiềm) là không chạy trốn, không điều hòa mâu thuẫn nói trên, mà là thách thức, chấp nhận sự hủy diệt Cửu Trùng Đài, chấp nhận cái chết, chấp nhận đi ra pháp trường. Ông không tỉnh táo bằng Đan Thiềm, lại quá tự tin vào sự quang minh chính đại của mình, nên khi giấc mộng nghệ thuật bị đổ vỡ, ông đau đớn đến kinh hoàng. Nỗi đau đó bật thành tiếng kêu thảm thiết: “Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Tiếng kêu khắc khoải vô vọng ấy bị ngọn lửa thiêu hủy Cửu Trùng Đài nuốt chửng. Và trên nền lửa đỏ, lẫn tro tàn đó, người nghệ sĩ tài danh mơ mộng đầy ảo vọng Vũ Như Tô bị dẫn ra pháp trường.
  Dựng nên hình tượng Vũ Như Tô, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã bầy tỏ sự tôn quý, ngưỡng mộ những bậc “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” xưa và nay, ông mượn cả lời của cung nữ Đan Thiềm để khẳng định điều đó: “Ông ấy là một người tài”. . . “đất nước cần nhiều thợ tài để tô điểm”. Nhưng Nguyễn Huy Tưởng cũng đầy tỉnh táo và thận trọng khi xây dựng nhân vật này, vì quá đam mê khát vọng sáng tạo nghệ thuật tới mức không biết mình thành kẻ đối lập với quyền lợi chính đáng của người dân. Ông cảm thông với bi kịch cuối đời của Vũ Như Tô, đau nỗi đau bi tráng tột cùng của cái Tài, “Chữ tài liền với chữ tai một vần” - sự bạc bẽo của thân phận nghệ sĩ được thâu tóm trong một chữ “lụy”: “Tài làm lụy ông . . . tài bao nhiêu, lụy bấy nhiêu”. Đó là “lỗi lầm bi kịch”  của Vũ Như Tô, là âm hưởng chủ đạo của toàn vở kịch “Vũ Như Tô”. Nguyễn Huy Tưởng đã đến với nhận thức sâu sắc rằng người nghệ sĩ dù tài năng đến đâu cũng không thể thực hiện được khát vọng sáng tạo nghệ thuật trong cuồng vọng của lũ bạo chúa, trong một xã hội không có điều kiện để nỗi khát khao đó thành hiện thực. Hơn thế nữa, người nghệ sĩ chân chính không bao giờ được đối lập với nhân dân của mình.
                                                                                 
                                                                                 *
   - Người nghệ sĩ không thể trở thành vĩ đại nếu chỉ quanh quẩn trong niềm vui, nỗi buồn, trong ảo vọng của riêng mình. Người nghệ sĩ chỉ có thể lớn lên khi mọi niềm vui, nỗi buồn, những tâm tình, khát vọng sáng tạo của họ bắt rễ sâu trong lòng đất của lịch sử, và được nuôi dưỡng trong cuộc sống vĩ đại của Nhân dân, của Tổ quốc.
   Cách mạng tháng Tám 1945 thành công và sự ra đời của Nhà nước Dân chủ Nhân đân đầu tiên ở Đông Nam châu Á, tiếp đó là cuộc kháng chiến Thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược là những sự kiện lịch sử vĩ đại đã lay động mọi nhận thức, mọi tâm hồn người dân đất Việt, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ Cứu quốc.
    Một con đường sáng tạo nghệ thuật mới đã mở ra trước mắt văn nghệ sĩ, một luồng gió mới đã thổi vào nền văn nghệ nước nhà. Từ năm 1930, khi 18 tuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã tham gia hoạt động yêu nước của thanh niên học sinh ; năm 1943 ông gia nhập nhóm Văn hóa Cứu quốc bí mật và được bầu làm Tổng Thư ký Hội truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng. Tháng 6 - 1945 ông tham gia Ban biên tập Tạp chí Tiên phong của Văn hóa Cứu quốc. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I từ 1946. Tháng 7 năm ấy ông được bầu là Phó Thư ký Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam. Tháng 12 - 1946 toàn quốc kháng chiến, ông tổ chức và đưa đoàn Văn hóa kháng chiến lên Việt Bắc. Tiếp tục hoạt động Văn hóa, ông đảm trách Ủy viên thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam, Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ và tham gia Tiểu ban Văn nghệ Trung ương Đảng. Nguyễn Huy Tưởng là người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.
    Đảm nhận nhiều trọng trách trong hàng ngũ lãnh đạo Văn nghệ nước nhà, nhưng Nguyễn Huy Tưởng vẫn không nguôi khát khao sáng tạo văn chương. Ông luôn trăn trở tìm cho mình một con đường chân chính, và không bao giờ bằng lòng với những gì mình đã viết.  Đối với Nguyễn Huy Tưởng, “Có cái nghề nào thú vị hơn nghề văn. Nó lấy nguyên liệu chính là con người, một cái gì đẹp nhất, kỳ diệu nhất của sự sáng tạo . . . Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người. Người là thật. phải thật với người”. (Trích “Nhật ký” của Nguyễn Huy Tưởng – ngày 16/6 và 15/7 năm 1956 -“Nguyễn Huy Tưởng - tác phẩm chọn lọc” NXB Hội nhà văn, 1994).
   Với lời nguyền trung thưc của mình, ông bắt tay vào viết bộ ba tiểu thuyết lịch sử để đời: “Sống mãi với Thủ đô” và kịch bản phim “Lũy Hoa”. Năm !958 ông viết xong tập I của “Sống mãi với Thủ đô” thì tạm dừng lại để viết sang kịch bản phim “Lũy Hoa” (1959) những mong nhờ nghệ thuật điện ảnh làm sống động thêm cho tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô”. Những tác phẩm này đều trực diện tả cuộc chiến đấu quyết tử của Hà Nội vùng lên tháng 12 năm 1946 theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của  Hồ Chủ tịch kính yêu. “Những cái tên sách gợi lên hình ảnh một cái đài tưởng niệm bằng ngôn ngữ, một vòng nguyệt quế từ bàn tay nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặt lên trán những trai thanh, gái lịch của Hà Nội rất giầu lòng yêu nước” (Nguyễn Minh Châu).
   Nếu trước kia Nguyễn Huy Tưởng say sưa với Thăng Long quá khứ bao nhiêu, thì bây giờ ông lại là nhà văn nồng nhiệt với Hà Nội hiện tại bấy nhiêu. Trước kia các nhân vật trong kịch, trong tiểu thuyết, trong các đoản văn của ông là những công chúa, cung nữ, hoàng tử, kiến trúc sư tài hoa, và lúc nhúc lũ hôn quân bạo chúa tranh giành quyền vị . . . làm nên những thảm kịch Thăng Long. Còn nay, Nguyễn Huy Tưởng viết về Hà nội với vẻ toàn vẹn, phong phú, phức tạp của nó trong trận quyết chiến với giặc Pháp hung tàn bẩn thỉu. Ông mở rộng thế giới nhân vật của mình với nhiều tầng lớp nhân dân lao động Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là Nhân, cô gái làng hoa Ngọc Hà, dịu dàng, đằm thắm mà kiên cường, dũng cảm đã hi sinh trên Bãi giữa sông Hồng khi đưa những chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô sang bờ Bắc an toàn. Là anh Dân thợ nguội, ôm trái phá diệt xe tăng, quần thảo với giặc quanh phản thịt trong chợ Đồng Xuân, tay cầm chiếc búa thợ đập vào đầu giặc Pháp trên nóc chợ. Là anh Kiên bình tĩnh, sáng suốt trong từng mệnh lệnh chỉ huy, cùng đồng đội quyết tử để kìm chân giặc, cắn răng nén đau khi phải cưa chiếc chân dập nát bằng cưa thợ mộc, nhưng vô cùng nhân hậu nhường cáng cho đồng đội bị thương nặng, còn mình xuống cáng, tay chống nạng, với chiếc chân còn lại, vẫn rảo bước theo chân đồng đội. Cậu bé đánh giày tên Thắng Đen ngay từ những trang đầu của tác phẩm đã quyết “sòng phẳng” với tên sĩ quan Pháp mũ đỏ khi nó dám quỵt tiền đánh giày của cậu. Cậu bé can trường thét vào mặt giặc “- Ông trả tiền tôi đây. Ông không bắt nạt được tôi như ngày trước . . .” và cậu cất lời thề “- Em thề phải giết được thằng kia”. Chú bé đã tản cư vào Hà Đông, nhưng nhớ Hà Nội quá lại ra, toàn ngủ đầu hè. Chú thoắt ẩn , thoắt hiện trong các ngõ ngách, trên các chiến lũy cùng đồng đội quyết tử để bảo vệ Thủ đô. Chú bé nhìn chiếc thùng gỗ đựng đồ lề đánh giày cùng lá vàng bập bềnh trên mặt nước Hồ Gươm như lời chào vĩnh biệt êm đềm quá khứ dánh giầy để từ nay sống đời của quyết tử quân Hà Nội oai hùng và vinh quang cùng lớp đàn anh. Đừng ví cậu với chú bé Ga-vơ-rôt trong “Những người khốn khổ” của văn hào Vic-to Huy-go làm gì cho thêm xa xôi, trong mạch cảm hứng sử thi Việt Nam quen thuộc của Nguyễn Huy Tưởng, cậu thiếu niên Thắng là “hậu duệ” của thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản “Phá cường địch, báo Hoàng ân”, nhưng cậu không phải là hoàng tử của ông hoàng bà chúa nào, mà là con trai của một người mẹ lam lũ bán xôi chè rất thân thuộc ở vỉa hè Hà Nội. Rồi ở cuối tác phẩm, người đọc xúc động nhìn thấy Thắng trở thành Trung đội trưởng trong đội ngũ của Trung đoàn Thủ đô về tiếp quản Thủ đô, cậu lại được nâng niu cánh tay mẹ yêu, mẹ con bà bán xôi chè ôm  nhau nước mắt chan hòa trong niềm vui chiến thắng khi trọn lời thề sống chết với Thủ đô. Việc đặt tên ba nhân vật : Nhân, Dân, Thắng là Nguyễn Huy Tưởng đã “tranh thủ ý kiến của Tố Hữu. Ý kiến hay: Nhân là hồn. Dân là sức. Thắng là cả vấn đề Hà Nội lầm than làm cách mạng. Nhân : hiền hậu, nhanh nhẹn, dịu dàng, không láu lỉnh. Ba nhân vật ấy cần xoáy vào nhau” (Trích “Nhật ký” của Nguyễn Huy Tưởng, ngày 27-4-1959).
    Đúng như tâm niệm nghệ thuật hiện thực của Nguyễn Huy Tưởng: “ Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người. Người là thật. Phải thật với người”. Những người thật, việc thật ngoài đời đi vào những trang “Sống mãi với thủ đô”, “Lũy Hoa”  trong không khí “Hà Nội cháy khói lửa ngập trời”, nhưng không làm cho tác phẩm hỗn loạn, thành một thứ tự nhiên chủ nghĩa. Như một kiến trúc sư Văn chương nghiêm cẩn và tài hoa, Nguyễn Huy Tưởng đã điều phối nhân vật, sắp xếp sự việc, hoàn cảnh, chi tiết một cách chân thật, tự nhiên và hợp lí, làm toát lên vẻ đẹp nhân cách của người Hà Nội: yêu nước, yêu Thủ đô mãnh liệt thiết tha, giàu lòng thương yêu con người, đức hy sinh cao cả, anh hùng mà nghệ sĩ, gian khổ mà vẫn hào hoa. Họ là hoa nở trên chiến hào. Cuộc chiến đấu diễn ra khốc liệt không cân sức giữa một bên là đội quân xâm lược nhà nghề với trang bị vũ khí hiện đại: có máy bay, xe tăng, thiết giáp, cam-nhông, súng bộ binh các loại và cái hung tàn, cuồng bạo truyền kiếp của giặc xâm lược.  Còn một bên là dân quân, tự vệ trong tay chỉ có lựu đạn tự chế, thanh kiếm Nhật, chiếc búa của người thợ, quả trái phá, khẩu súng trường, những viên đạn lấy được của giặc và sức mạnh của lòng yêu nước, chí căm thù giặc, sức mạnh truyền thống anh hùng, bất khuất chống xâm lăng của dân tộc. Quân giặc hung hãn muốn qua một đêm nuốt gọn Hà Nội, hỗn xược đưa tối hậu thư bắt Hà Nội đầu hàng. Những anh bộ đội như Kiên, những người thợ như Dân trong giờ phút đợi lệnh Hồ Chủ tịch đã phải nghẹn ngào, cắn răng, mặt sắt lại nắm chặt tay, mắt trợn trừng chứng kiến cảnh bọn Pháp “bắt một anh tự vệ, đè xuống đường. Một thằng lấy dao chọc tiết người thanh niên. Một thằng lấy chậu hứng máu, bắt một ông già uống . . .”; “trong mưa và  khói súng, Thu Phong thấy một cái đầu lâu râu rũ rượi còn rỏ máu treo ở ngòai cửa sổ cái gác ấy. Thu Phong nhìn lâu lâu cái đầu lâu của người bạn đồng đội. . . Mắt anh quắc  lên, tay đấm mạnh xuống cái tay vịn vào ghế bành. Anh cầm khẩu súng, nạp đạn một cách giận dữ”. Tiếng Dân trầm trầm;”Quyết tử ra quân phải cho bọn giặc một trận thất điên bát đảo. Phải tiêu diệt vị trí, phải đem được đầu đồng chí mình về”. Rồi Dân đưa quả bom lên vai bước đi chắc nịch. Đồng đội bước theo anh. Rồi một tiếng nổ lớn, tiếp theo là tiếng ầm ầm đổ vỡ, tiếng sắt va loảng xoảng, tiếng kính vỡ rào rào như mưa. Tiếng thét xung phong, tiếng lựu đạn nổ, tiếng giặc Pháp kêu ặc ặc như tiếng lợn bị chọc tiết. Hai bàn tay trắng trẻo của nhạc sĩ Thu Phong làm cái việc thiêng liêng ấy: anh nuốt nghẹn nâng cái đầu của đồng đội và bọc bằng một miếng vải hoa, lặng lẽ đặt xuống  một cái hố đào sẵn trong một vườn cảnh nhỏ, có núi non bộ, có nhiều chậu lan. Một lá cờ Tổ quốc phủ lên bọc đầu lâu. Các chiến sĩ đứng chung quanh nấm đất. Họ cúi đầu. Tiếng Dân trầm trầm: “Chúng tôi sẽ báo thù cho đồng chí… Đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ ...”  Những người con của Hà Nội lầm than, lam lũ đã sống và chiến đấu như vậy. Đau thương và căm hờn đã hun đúc họ thành những con người đầy lòng tự trọng, vượt lên cái chết, quyết không đầu hàng lũ giặc cướp nước. Nhìn Hà Nội khói lửa ngút trời, Thắng chống hai tay lên bao lơn kêu: “Mày giết người chúng ông. Mày đốt Hà Nội của chúng ông thế kia. Chúng ông sẽ giết sạch chúng mày.”
   Vói tâm nguyện “thật với người”, với việc, Nguyễn Huy Tưởng đã tạo dựng lên không khí bi tráng của lịch sử kháng chiến của thủ đô Hà Nội anh hùng. Bao trùm lên những sáng tác của ông là cảm hứng sử thi, anh hùng ca, chất lý tưởng được thể hiện trong một âm hưởng lãng mạn cao đẹp. Nhưng ông cũng rất tinh tế trong việc diễn tả đời sống tâm hồn của các nhân vật trong khói lửa chiến tranh. Với sự mẫn cảm, Nguyễn Huy Tưởng đã diễn tả những nét sang trọng, lịch sự, lòng nhân ái cao quý của người Hà Nội giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Trong suốt quá trình viết “Sống mãi với thủ đô” và “Lũy Hoa”, Nguyễn Huy Tưởng luôn dặn lòng “Không vụ tài liệu mà chú trọng đến con người, đến những khía cạnh có chiều sâu nhân bản”. Đó chính là mạch ngầm quý giá của những áng văn chương thật sự có giá trị muôn đời. Đi suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô” (tập I) là nhân vật Giáo sư sử học Trần Văn. Anh là một người yêu nước, hiểu biết sâu sắc truyền thống lịch sử của dân tộc, có nhân cách cao quý, khinh bỉ cuộc sống giàu sang trong nô lệ.  Đầy lòng tự trọng của một bậc đại trí thức Thủ đô, anh biết khi Tổ quốc lâm nguy mình phải đứng ở đâu. Từ chối tản cư tìm chốn an lành cho bản thân và gia đình, anh tình nguyện đứng vào đội ngũ quyết tử quân cùng những học sinh của mình, cùng những người dân cần lao phố nghèo chiến đấu bảo vệ thủ đô yêu quý của đất nước. Nhưng trong thâm tâm, “anh ghét chiến tranh, ghét cả cái tên của nó”. Cùng các học trò xông pha khói lửa, giữa những đống gach ngói đổ nát, giành giật từng con phố, căn nhà, nhưng tự đáy lòng Trần Văn “luôn cảm thấy bất nhẫn, không muốn để những người đang tuổi đi học kia phải xếp quyển vở lại để cầm một thứ vũ khí nào đó và không bao giờ trở lại dưới mái trường”. Với Trần Văn, những biến cố  xảy ra trước và sau ngày Toàn quốc kháng chiến như một định mệnh. Số phận cứ đùn đẩy anh gặp lại Trinh - người yêu cũ -  trong những cảnh huống hiểm nghèo. Khi diễn ra trận chiến ở nhà máy đèn, chồng của Trinh hy sinh. Trần Văn ngẫu nhiên cứu được mẹ con Trinh ra khỏi hầm trú ẩn. Các trận quyết chiến diễn ra liên miên ở bất kì thời khắc nào trong ngày, trong tháng khiến Trần Văn không thể có điều kiện bảo vệ mẹ con Trinh. Sau một trận đánh, anh lại tình cờ gặp Trinh đang bế con nhỏ trên tay, một cô Trinh mệt mỏi, yếu đuối, tuyệt vọng trong đoàn người chưa kịp tản cư ra ngoại thành. Trào dâng trong lòng anh nỗi thương xót, ngậm ngùi. Nhìn hình ảnh  “Trinh nhỏ bé trong bóng tối, lảo đảo vì mệt mỏi, khuỵu luôn, trật giầy luôn, anh xót xa nghĩ phụ nữ và trẻ em là những đối tượng phải chịu gánh nặng của chiến tranh nặng nề hơn cả, vì họ là những thân phận yếu đuối nhất đời, mỏng manh như một cái bóng nước, chỉ một giọt mưa nhẹ cũng đủ làm cho tan đi như đã không có. Trong lúc này giúp họ cũng lớn như đánh giặc”. Tác phẩm cứ đan xen, hòa quyện bút pháp miêu tả những sự kiện lịch sử với bút pháp diễn tả diễn biến tâm trạng nhân vật, đan xen những triết luận về số phận cá nhân  đặt trong vận mệnh của Thủ đô, của đất nước. Điều đó khiến cho tác phẩm vừa có vẻ đẹp lý tưởng, vừa có chiều sâu hiện thực, và cảm hứng anh hùng ca hòa quyện với cảm hứng trữ tình, lãng mạn cao đẹp. Giữa khi những trận quyết tử đang diễn ra khốc liệt nhất thì mùa xuân về trên chiến lũy. Và ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng đã chuyển sang ngòi bút phóng sự, thành những thước phim ghi lại không khí Tết Nguyên đán truyền thống trên “Lũy Hoa”. Đêm giao thừa rét căm căm, Dân và Thu Phong đã cắm cờ của Trung đoàn Thủ đô lên đỉnh Tháp Rùa trở về, quần áo ướt lướt thướt, họ run cầm cập, nhưng lá cờ đang tung bay trước gió. Căn phòng ở điểm chốt của đội quân quyết tử tưng bừng, náo nhiệt hẳn lên. Anh chàng Loan trẻ trung yêu cầu: “Cái gì cũng phải đẹp, cũng phải lịch sự, phải lộng lẫy, trong cái tết lạ nhất của Hà Nội từ trước  đến nay”. Nguyễn Huy Tưởng cũng náo nức đưa ra trước bạn đọc, trước mắt người xem những mảng ấn tượng về “cái tết lạ nhất” ấy: gian phòng đã được quét dọn sạch sẽ. Bàn thờ Tổ quốc đã được dựng. Có ảnh Hồ Chủ tịch, có cờ. Nhiều khẩu hiệu: “Việt Nam Độc lập muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Xuân mới thắng lợi mới”. Người ta treo cả những câu đối đỏ, một số tranh tết. Đỉnh trầm nghi ngút. Hương nén. Hương vòng. Rất nhiều những bạch lạp lớn. Trên trần kết hoa giấy. Khắp các tường  đều dán hình Tháp Rùa. Trước bàn thờ là một chiếc bàn lớn bầy rất nhiều mứt, kẹo, các chai rượu mùi. Bóng. Vây, Mực. Hạt dưa.. . .không biết bao nhiêu là bánh pháo, cái tròn, cái hình chữ nhật, chồng chất lên nhau, lòe loẹt. Loan thì đi cắm hoa trên các chiến lũy, cắm hoa trên mộ các đồng chí đã hy sinh. Rồi tất cả reo lên khi Thắng mang thư chúc tết của Hồ Chủ tịch về. Quyên đón lấy lá thư, giọng đọc run run: “Các em ăn tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ? Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn tết . . . Các em hăng hái tiến lên. Lòng già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào luôn ở bên cạnh các em. . .” Mọi người xôn xao hỏi nhau: “Bác gọi chúng mình là em ư ? ”. Họ nhìn nhau, nước mắt long lanh. Và pháo giao thừa đã nổ, tưng bừng, náo nhiệt. Cả Hà Nội như vùng đứng lên. Thu Phong dạo đàn, và tiếng ca quyết tử quân vang vang hòa vào tiếng pháo tết râm ran khắp đô thành:
                        Bao chiến sĩ anh hùng,
                       Lạnh lùng vung gươm ra sa trường !
   Loan và Quyên trao cho nhau nụ hôn nóng bỏng trên chiến lũy trong tình yêu đầu đời, trong tình yêu thiêng liêng bất diệt với Thủ đô nghin năm văn hiến. Qua những trang viết về cái “tết đẹp nhất từ trước đến nay” trên “Lũy Hoa” Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng muốn khẳng định sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân dân thủ đô có cội rễ sâu xa, bền vững trong tinh hoa văn hiến của dân tộc, kết tinh đậm nét trong mỗi người dân lao động bình dị nhất của Thăng Long - Hà Nội, thể hiện rực rỡ, chói lòa trong những điểm nút của lịch sử. NHÂN DÂN THẮNG. Nhân dân nhất định thắng khi “Ôm đất nước những người áo vải - Đã đứng lên thành những anh hùng”. Họ sẽ SỐNG MÃI VỚI THỦ ĐÔ, sống mãi với non nước này. Niềm tin và hi vọng của họ đã thành hiện thực: Trung đoàn Thủ đô bảo toàn được lực lượng đã anh dũng chiến đấu cùng toàn dân cho đến toàn thắng trở về tiếp quản Thủ đô, ngày mồng 10 tháng 10 năm 1954. Những đoàn xe cuối cùng của bọn xâm lược đã lùi lũi rút khỏi cầu Long Biên. Các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô hùng dũng tiến vào thành phố thân yêu của mình. Họ bắt đầu ở Hà Nội, cuối cùng họ lại trở về với Hà Nội. Con đường Hàng Đào, Đồng Xuân của Liên khu I khói lửa năm nào, nay rực rỡ  và lộng lẫy với những cống chào, hoa và cờ rợp đường, rợp phố đón những người con anh dũng vào lòng.
                                                                                *
                                    
   Kinh thành Thăng Long ngàn năm xưa, Thủ đô Hà Nội nay thấm đượm trên từng trang văn của Nguyễn Huy Tưởng. Hà Nội là trái tim hồng của Tổ quốc, nên trong các sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng, Thánh địa Thăng Long - Hà Nội vượt qua biên độ của chính mình, hòa nhập vào hồn thiêng của dân tộc. Mạch ngầm hồn thiêng sông núi tự “Những buổi ngày xưa vọng nói về” đã hun đúc  nên hào khí Thăng Long và cốt cách người Hà Nội, anh hùng và nghệ sĩ.
  Theo cố nhà văn Nguyễn Tuân thì “ Hà Nội là trung tâm tim óc của cả nước. Qua bao triều đại, chế độ, cái tim óc bền dẻo vĩ đại ấy đã đập đều trên chín thế kỷ rưỡi”, và đến hôm nay “cái tim óc bền dẻo vĩ đại” ấy vẫn đập đều trên mười thế kỷ.
      Di sản Văn chương của Nguyễn Huy Tưởng vô cùng quý báu , nó lưu giữ hình bóng và không khí đặc biệt của những thời điểm lịch sử trọng đại của đất nước. Di sản ấy sẽ được nâng niu, gìn giữ trong viện bảo tàng lòng người yêu Văn chương các thế hệ, đặc là người Hà Nội.
   Nhân Quốc khánh 2-9-1996, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật ( đợt I), đó là giải thưởng lớn , 5 năm xét tặng một lần dành cho “những văn nghệ sĩ tầm cỡ, tiêu biểu, có cống hiến lớn về văn học nghệ thuật, có tác dụng lớn phục vụ cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân” (trích văn bản của Hội đồng giải thưởng).
   Cố nhạc sĩ Văn Cao đã dành cho Nguyễn Huy Tưởng những vần thơ rất trân trọng:
                    “ Cái chết của Anh,
                      Cái chết của nhà văn
                      Không bao giờ là cái chết.”
      Nguyễn Huy Tưởng sống mãi với Thủ đô, với Thăng Long - Hà Nội, với  nền Văn học Nghệ thuật nước nhà.     
                              Viết nhân Kỷ niêm lần thứ 67 ngày Giải phóng Thủ đô 
                                         ( 10/10/1954 – 2/10/2021 ) ĐTN

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây