Tình yêu quê hương đất nước luôn là nguồn đề tài, nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo thi ca. Đó cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Trong mạch cảm xúc dào dạt ấy, bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi ( 1924 - 2003) nổi lên như một tiếng thơ sâu lắng, thiết tha, in dấu ấn rất đậm vào lòng bạn đọc.
Bài thơ “Đất nước” được khởi nguồn từ năm 1948 và hoàn thành năm 1955. Bài thơ viết khá công phu, là kết tinh những suy nghĩ, những cảm xúc của thi sĩ về đất nước trong không khí lịch sử hào hùng của Dân tộc. Bài thơ giàu chất sử thi, có tầm khái quát lớn lao và tràn ngập cảm xúc say mê, nhiệt thành. Bài thơ này được hình thành từ ba mảng: phần đầu của bài thơ được lấy từ các đoạn trong bài “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (1948) và “Đêm mít tinh” (1949); phần sau được hình thành trong tâm trí của tác giả từ năm 1950 đến năm 1955. Tuy vậy, “Đất nước” vẫn là một chỉnh thể nghệ thuật, nhất quán một cốt lõi nội dung tư tưởng - cảm xúc. Người đọc có thể nhận ra sự khác biệt ở hai phần: rõ nhất là ở nhịp thơ, thể thơ và lối gieo vần; nhưng sự khác biệt ấy lại tạo ra hiệu quả bất ngờ: đó là sự thay đổi cảm xúc phù hợp và một kết cấu độc đáo cho bài thơ. Mạch cảm xúc – suy tưởng có thể hình dung như sau: cảm hứng về đất nước bắt đầu bằng cảm xúc về mùa thu, mùa thu của thiên nhiên, đất trời gọi hoài niệm về “những ngày thu đã xa” “trong lòng Hà Nội”. Từ mùa thu của thiên nhiên dẫn vào cảm xúc về mùa thu của đất nước, của cách mạng với niềm xúc động đầy tự hào được làm chủ đất nước. Tiếp đó là những cảm xúc, những suy ngẫm về đất nước đau thương trong chiến tranh, nỗi tủi hờn của kiếp người nô lệ lầm than, đất nước dồn nén căm hờn, quật khởi, trưởng thành và tỏa sáng. Bài thơ kết thúc bằng một hình ảnh vừa chân thực vừa có ý nghĩa biểu tượng về sự vươn mình vĩ đại của đất nước và của con người Việt Nam:
Nước Việt Nam từ máu lửa
. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
*
Người đọc không chút ngỡ ngàng khi thấy thi sĩ đưa dắt cúng ta vào “Đất nước” với cảm hứng hương cốm mùa thu đất Việt:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Cảm hứng về đất nước cũng được bắt đầu với cảm hứng về mùa thu. Trên đất nước ta, đặc biệt là ở xứ Bắc mùa thu có lẽ là mùa đẹp nhất, gợi nhiều cảm hứng cho sáng tạo thơ ca, nghệ thuật. Nắng thu dịu trong sắc vàng rười rượi. Gió thu hiu hắt trong se lạnh heo may. Trăng thu trong sáng . . . Lòng người nhiều bâng khuâng xao xuyến. Không gian, thời gian, thiên nhiên cây cỏ, lá hoa thật thi vị. Mùa thu tháng Tám gắn liền với cuộc Cách mạng và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đem lại những suy nghĩ, cảm xúc rất mới mẻ về đất nước cho thi sĩ.
Đứng ở “Thủ đô gió ngàn”, lòng thi sĩ chợt bâng khuâng khi thoáng cảm nhận trong gió mùa thu “hương cốm” đầu mùa, hương thơm rất gợi cảm trên đất nước nông nghiệp trồng cây lúa nước. Hồn thơ của thi sĩ về với dĩ vãng để nhớ “những ngày thu đã xa”. Đó là vẻ thanh tân của thu trong lòng Hà Nội. Hà Nội chớm vào thu có biết bao nhiêu vẻ đẹp, gợi bao nhiêu cảm xúc, có bao nhiêu điều đáng nhớ. Thi sĩ đã chọn một “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội – Những phố dài xao xác hơi may” để mở đầu cho một đoạn thơ dư ba những hoài niệm tâm tình.
“Chớm lạnh” là dấu hiệu nổi bật nhất của một cuộc chuyển mùa và cũng là một tín hiệu thẩm mỹ chạm khẽ vào những trái tim nghệ sỹ nhậy cảm nhất để rung lên nhịp nhớ nhung, thổn thức, . . . Từ cái nóng oi của mùa hè, chuyển sang cái se lạnh của”hơi may” mới thật là thi vị. Cái lạnh còn e ấp khẽ khàng như một đấu hiệu ấy được nhà thơ cảm nhận thật tinh tế: “trong lòng Hà Nội”, nghĩa là trong không gian, trên phố phường, trong cỏ cây hoa lá và cả trong lòng người Hà Nội.
Gió mùa thu nhẹ như một hơi thở. Nhà thơ không gọi thứ gió ấy là “heo may” mà gọi đó là “hơi may”. Chỉ đổi đi có một chữ mà thay đổi cả hồn thơ và tình điệu thơ.
Đây là “trong lòng Hà Nội” có “hơi may” của Nàng Thu – gợi lên âm thanh “xao xác” rất đỗi mơ hồ. Âm thanh mơ hồ “xao xác” là cái hữu thanh mỏng manh gợi lên cái yên tĩnh vô cùng của phố vắng. Mùa thu đến thật êm đềm, vắng lặng. Đẹp mà buồn đến nao lòng.
Trên cái nền thu rất buồn ấy hiện lên hình ảnh những người ra đi với dáng điệu rất buồn nhưng không kém phần cương quyết:
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Nhà thơ nói “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” mà câu thơ tiếp theo lại cho ta biết những điều đang diễn ra phía sau. Điều tưởng như nghịch lí ấy lại có sự hợp lí riêng. Người Hà Nội đã bao lần ra đi theo tiếng gọi cứu nước thiêng liêng với quyết tâm “không hẹn ngày về”, “Qyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nhưng làm sao đành lòng rời xa một Hà Nội như thế ? Lòng họ vẫn “Sống mãi với Thủ đô”. Cho nên, “đầu không ngoảnh lại”, mắt chẳng ngoái nhìn, chân vẫn mạnh mẽ bước đi, người ra đi mang dáng vẻ cương quyết mà thực ra trong lòng biết bao nhiêu lưu luyến, nhớ thương:
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Câu thơ rải ra từng chữ như từng bước chân xa dần, lại như từng nốt đàn piano rải ra trong khúc nhạc ra đi cứu nước. Bức tranh “Mùa thu Hà Nội” cũng đã hoàn tất, đầy gợi cảm: những ngôi nhà, những dãy phố lặng im, những thềm nhà ngập nắng thu dần phủ đầy lá thu, có dáng người lặng lẽ ra đi để lại đằng sau mùa thu Hà Nội . . .
Sau một khoảng lặng “xyên tâm”, bản Giao hưởng “Đất nước” bừng lên một chương mới: “Mùa thu nay khác rồi”, câu thơ năm chữ xuất hiện đột ngột nghe như một tiếng reo vui hồ hởi, trong đó hàm nghĩa so sánh giữa “mùa thu nay” với “những ngày thu đã xa”, đồng thời cũng là bản lề khép lại hoài niệm và mở ra thực tại. Mùa thu buồn chia xa . . . đã xa. Nỗi buồn thu đã chìm lắng nơi chân trời dĩ vãng. Nàng Thu nay hiện ra với tà áo thiên thanh và tiếng “nói cười thiết tha”, “trong” và “biếc”:
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Không gian nghệ thuật chuyển dịch từ phố phường Hà Nội lên “núi đồi” của “Thủ đô gió ngàn”; thời gian nghệ thuật cũng chuyển dịch “Từ những năm đau thương chiến đấu” sang những năm “ngời lên nét mặt quê hương”. Đó là mùa thu năm 1948, một năm đáng ghi nhớ trong công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta. Chúng ta đã chuyển sang giai đoạn giành thế chủ động trên chiến trường, tin vui chiến thắng làm nức lòng người khiến cho thi sĩ và biết bao người có thể “đứng vui nghe giữa núi đồi” với niềm kiêu hãnh và tự hào chính đáng về Tổ quốc kháng chiến của mình. Vì vậy, tất cả những gì nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy đều cộng hưởng với nhau mà bật thành tiếng reo vui. Những con chữ trong thơ của Nguyễn Đình Thi như biết nói, biết hát, biết tự khoe vẻ đẹp của đường nét, ánh sáng, sắc màu của thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng cùng lòng người rạng rỡ, thiết tha. Trái tim nghệ sĩ vốn đa cảm, nhậy cảm, nay hòa nhịp với niềm tin yêu cuộc đời của hàng triệu người, của đất nước trong những đổi thay lớn lao:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Điệp khúc “của chúng ta” ngân vang hòa với tiếng “nói cười thiết tha” thể hiện một niềm tự hào mang tính dân chủ rõ rệt.
Cảm xúc và suy tư về đất nước chuyển hóa từ sắc thái nội tâm sang những hình ảnh về quê hương, đất nước yêu thương và tự hào:
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nguyễn Đình Thi là một thi sĩ, nhưng cũng là một nhạc sĩ tài hoa . Thơ của ông đầy tính nhạc, một thứ âm nhạc sang trọng như “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Những câu thơ trên như những giai điệu cuồn cuộn chảy, những âm “át” đặt ở cuối hai dòng thơ, hai dòng nhạc ngân nga như hát. Đến câu thơ tiếp theo bỗng hạ xuống với một thanh trắc ở âm trầm lặng nhất gợi lên sự suy tư trầm lắng: “Những dòng sông đỏ nặng phù sa”. Quả thật đây là một niềm vui đầy suy nghĩ. Đâu chỉ là phù sa “đỏ nặng” mà dòng sông quê ta bồi đắp châu thổ, đó còn là một tình yêu quê hương đất nước rất sâu nặng được tác giả gửi đúng trong từ “nặng” đó.
Từ cái hữu hình cụ thể, cảm hứng và suy tư về đất nước của tác giả vươn tới cái vô hình, đó là hồn nước thiên thu vọng về từ thẳm sâu lịch sử. Mạch cảm hứng của thi sĩ quay về với quá khứ xa xưa:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Một đặc điểm trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi được thể hiện khá rõ trong bài thơ “Đất nước” là thi sĩ tài hoa này không dừng lại ở cảm xúc mà luôn đẩy tới những hình tượng thơ mang sức chứa, sức gợi của sự khái quát và triết lí cao. Chính điều đó giúp nhà thơ khắc họa chân dung tinh thần của đất nước và con người Việt Nam rất sâu sắc và nổi bật. “Buổi ngày xưa vọng nói về” không phải là một quá khứ đau buồn, nặng nề mà là một truyền thống anh hùng, bất khuất đầy vẻ vang và tự hào. Những từ láy “đêm đêm”,” rì rầm” đặt cạnh nhau gợi lên âm hưởng trầm mặc, thành kính khi đón nhận lời non nước ngàn xưa vọng về: “Đây lắng hồn núi sông ngàn năm”.
Trở về với đất nước thực tại, những dòng thơ của Nguyễn Đình Thi quặn lên nỗi thương đau chiến tranh:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Hình ảnh thơ vừa thực vừa có tính chất tượng trưng, có tầm khái quát cao. Hình ảnh ấy được tạo ra bởi thủ pháp ngược sáng quen thuộc của nghệ thuật nhiếp ảnh. Trong ráng chiều rực đỏ, những cánh đồng quê cũng như đỏ máu, nỗi đau thương thấm đất. Từ dưới nhìn hắt lên, dây thép gai chăng trên đồn bốt giặc trên đồi cao như “đâm nát trời chiều”, nỗi đau như thấu trời.
Thấm thía nỗi tủi nhục của người dân nô lệ mất nước, tác giả đã sáng tạo những hình ảnh đầy sức gợi cảm:
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây thằng chúa đất
Dứa đè cổ đứa lột da
Đang từ những dòng thơ bẩy chữ, tác giả thu lại còn sáu chữ mỗi dòng như đúc lại căm hờn, nghẹn ngào, uất ức. Hình ảnh bát cơm đầy luôn luôn là mơ ước của người dân nước ta, như một biểu tượng của ấm no, hạnh phúc, đơn sơ mà cảm động. Ca dao nhiều lần gợi lên hình ảnh bát cơm đầy dẻo thơm mà mỗi hạt chất chứa bao nhiêu mồ hôi, nước mắt:
Ai ơi, bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần.
Bát cơm trong thơ của Nguyễn Đình Thi đâu phải là bát cơm đầy dẻo thơm mà là “bát cơm chan đầy nước mắt” tủi hờn, thế mà kẻ thù còn “giằng khỏi miệng” người dân nước ta mới thật là đau xót. Người xưa có câu”Trời đánh còn tránh miếng ăn”. Tội ác mà kẻ thù gây ra cho người đân nước ta đã lên tột đỉnh khiến trời không thể dung, đất không tha và con người không thể chịu đựng nổi. “Hiền hậu” như gốc lúa, bờ tre mà không câm lặng được nữa. Những vật vô tri, vô giác ấy cũng phải “bật lên những tiếng căm hờn”, bởi vì “Thằng giặc Tây, thằng chúa đất” đã dã man, tàn bạo đến tột đỉnh: “Đứa đè cổ đứa lột da “ dân mình. Những câu thơ của Nguyễn Đình Thi mang tính khát quát cao mà không mất đi sức lay động, gợi cảm.
Vượt lên những thương đau, những con người Việt Nam biết bền gan chiến đấu, dám hi sinh, càng biết yêu thương, quý trọng con người và sự sống hơn. Những người chiến sĩ trong “Những đêm dài hành quân nung nấu” vẫn thấy vụt sáng lên trong tâm tưởng hình ảnh đôi mắt người yêu ở chân trời xa soi sáng , vẫy gọi:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Những câu thơ cuối của bài thơ “Đất nước” mang tính sử thi khá đậm nét. Nhà thơ thể hiện sức mạnh của đất nước và con người giàu sinh lực và niềm lạc quan mà “xiềng xích” và “súng đạn” không thể khuất phục được lòng “yêu nước thương nhà” của dân ta. Nhà thơ đã dùng phép đối lập để khẳng định sự bất diệt của sự sống trên quê hương, đất nước mình: sự đối lập giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, sự đối lập giữa cái hữu hình và cái vô hình, “Xiềng xích” của kẻ thù là cái hữu hạn làm sao khóa được cái vô hạn lớn lao là trời và đất của Tổ quốc ta. Từ những “cánh đồng quê chảy máu”, từ bầu trời bị dây thép gai đâm nát, sự sống tốt đẹp vẫn sinh sôi nẩy nở:
Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
“Súng đạn” của kẻ thù là cái vật chất hữu hình làm sao hủy diệt được cái tinh thần vô hình là “Lòng dân ta yêu nước thương nhà”:
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà
Câu thơ của Nguyễn Đình Thi đẹp như một chân lí, là một lời ca đẹp ca ngợi lòng yêu nước thương nhà của bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu vì sự tồn vong của non nước này. Tổ quốc đau thương sẽ lớn lên trong tấm lòng yêu nước của “những người áo vải”, những người dân lao động bình dị:
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Câu thơ của Nguyễn Đình Thi lại là một sự khái quát: Từ hàng ngàn năm nay những người áo vải là những người đã đổ mồ hôi để dựng xây đất nước, lại chính họ đã đổ máu để cứu nước. Để giữ gìn một đất nước có biết bao những người con qua nhiều thế hệ đã hi sinh; để làm cho đất nước phát triển, cần đến những vầng trán “cháy rực nghĩ trời đất mới”:
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh
Bài thơ “Đất nước” kết thúc trong một khổ thơ chung đúc và dồn tụ ý tưởng của toàn bài:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Trên cái nền của hiện thực bão dông dữ dội rung trời chuyển đất, sức mạnh diệu kì của đất nước và con người Việt Nam được vật chất hóa từ câu tục ngữ quen thuộc mang tính quy luật “tức nước vỡ bờ”. Vẻ đẹp và sức mạnh ấy như được chạm khắc bằng ánh sáng, hình khối và như hiển hiện trước mắt, rạo rực và tự hào trong lòng ta ấn tượng không mờ phai về đất nước biết đứng lên tự khẳng định mình, từ”máu lửa” và bùn đất mà thắp dựng lên vẻ đẹp “sáng lòa” rạng rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Bài thơ “Đất nước” thể hiện những cảm nhận của Nguyễn Đình Thi về đất nước Việt Nam hiền hòa, đau thương đã anh dũng đứng lên chiến đấu và chiến thắng trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược.
Đây là bài thơ có những thành công trong cách gieo vần, chọn lựa hình ảnh, cách tạo giọng điệu, nhịp điệu.
Hà nội, 01 tháng 9 năm 2021. KS