CÁNH ĐỒNG HOA CÚC QUÊ TÔI

Thứ sáu - 24/12/2021 03:16
Cầm Sơn
CÁNH ĐỒNG HOA CÚC QUÊ TÔI
Cánh đồng hoa cúc quê tôi
tới đây dự án nuốt rồi còn đâu
ghi lại mất tấm sắc màu
giữ làm kỷ niệm dài lâu quê mình
mai kia nhà cửa chình ình
bê tông, cao ốc, buyn đinh chọc trời
nhớ về một thuở xa xôi
mở ra…hoài niệm…quê tôi đây này!
 
       Nếu theo tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng thì tính từ ga Hàng Cỏ đến đầu làng tôi là 19Km còn đi theo đường Quốc lộ số 5 thì tính từ bờ hồ Hoàn Gươm cũng chỉ trên chục cây số, hết địa phận huyện Gia Lâm là đến làng tôi. Cứ đến khoảng thời gian cuối năm, cánh đồng làng tôi lại vàng rực một màu của chi chít những bông hoa kim cúc nhỏ li ti như những cái cúc áo chen chúc đan dầy phủ kín bề mặt cánh đồng. Làng tôi có nghề trồng cây dược liệu từ hơn một ngàn năm trước. Thần phả Đình làng được ghi chép cẩn thận hiện còn được lưu trữ tại Viện Hán Nôm. Đình làng Nghĩa Trai quê tôi được lập nên để thờ ba vị Thành hoàng làng là các tướng của thời vua Lý Thánh Tông gồm: Phổ Minh; Tẩu Công Đại Vương và Miêu Duệ Tam Lang sau khi tháp tùng vua Lý Thánh Tông đi chinh chiến trừng phạt Chiêm Thành (1069) đã quay về lập ấp dạy dân làm thuốc, lấy việc trị bệnh cứu người làm phúc nên mới đặt tên làng là Nghĩa Trai. Dân làng Nghĩa Trai có truyền thống làm thuốc và trồng cây Đông dược kể từ ngày ấy và trải qua một nghìn năm vẫn chung thủy với nghề. Ngày nay, những thầy lang của làng đã tỏa đi khắp đất nước. Đời đời con cháu nối dõi nghề thuốc Đông dược gia truyền nhưng dù có đi đến đâu, ở bất cứ tỉnh thành nào suốt từ Móng Cái đến Mũi Cà Mau đều đặt tên cửa hiệu của nhà mình bắt đầu từ chữ Nghĩa, ví dụ như Nghĩa Hòa Đường, Nghĩa Hải Đường, Nghĩa Sơn Đường...
  Nghề trồng cúc cũng được khởi nguồn từ nghề trồng thuốc đông dược chung của làng. Cây cúc hoa vàng bắt đầu được người dân làng tôi đưa vào trồng khoảng từ 300 năm trước, lúc đầu thì nhỏ lẻ, manh mún, các thửa ruộng trồng cúc xen kẽ với những thửa ruộng trồng các cây thuốc khác như cốt khí, kinh giới, hương nhu, má đề, bạch truật, cao khương….do ý tưởng trồng loài cây khác nhau của từng gia đình, cho nên mỗi mảnh ruộng lại có một màu sắc riêng, dù hoa cúc có rực rỡ đến đâu thì cũng không gợi được sự chú ý của người đời. Khoảng vài chục năm gần đây, ngoài việc hoa cúc dùng để làm dược liệu, người ta còn dùng hoa cúc để pha trà uống vì hoa cúc có vị thơm nồng, ấm nóng rất dễ uống, đặc biệt trong những ngày giá rét. Do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, người dân làng tôi tập trung trồng cúc thành ra diện tích trở thành liền khu, liền khoảnh lên đến trên 20 héc ta. Sản lượng hàng năm thu được trên dưới 25 tấn hoa khô với doanh số 11 tỷ, trừ chi phí còn được hưởng lợi nhuận 7 tỷ VNĐ. Do vậy, khi mùa hoa cúc nở rộ, cánh đồng quê tôi vàng rực sắc hoa.
  Thực ra, thú sử dụng hoa cúc làm đồ uống đã có cách đây hàng ngàn năm ở tầng lớp thượng lưu phương Đông.
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi.
 
   Thời ấy người ta mới chỉ dùng hoa cúc để ngâm rượu, còn thời nay người ta đã đẩy nó lên hòa nhập cùng làng trà đạo.
   Trà hoa cúc không chỉ là một loại thực phẩm chức năng, nó còn là một vị thuốc có tác dụng chữa các bệnh về tim mạch, viêm nhiễm, có tác dụng sáng mắt mịn da, nó còn là một loại mỹ phẩm dùng rất tốt cho phụ nữ.
  Vào dịp cuối năm, người làng tôi bận rộn đổ ra cánh đồng hái cúc, cúc phải hái từng bông nên vào vụ, nhu cầu lao động cho việc hái cúc phải huy động tối đa, sau đó đem về lại còn phải phơi khô. Bây giờ nhiều nhà có lò sấy bằng than củi cũng làm cho năng suất và chất lượng tăng lên. Và cũng vào dịp cuối năm này, du khách từ Hà Nội, từ các tỉnh thành lân cận đổ về làng tôi rất đông, tất nhiên đông nhất là cánh nam thanh nữ tú trẻ trung, họ đổ xuống cánh đồng tạo dáng, quay phim, chụp ảnh trên thảm vàng hoa cúc làm kỷ niệm, người lớn tuổi hơn thì hỏi han trao đổi với dân làng rồi mua một vài bó hoa hoặc vài cân hoa mang về dùng. Không khí trên cánh đồng tấp nập, rất vui mắt.
    Khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi không khỏi bâng khuâng tiếc nuối vì chỉ sang năm 2022 thôi, cánh đồng hoa cúc làng tôi sẽ vĩnh viễn đi vào hình ảnh kỷ niệm, không còn tồn tại để cho du khách đổ về quay phim chụp ảnh nữa. Nó sẽ biến thành một khu đô thị ngồn ngộn những nhà cửa cao tầng, bề bộn những sắt thép bê tông bởi nó đã được tập đoàn Vingroup dựng lên một dự án đô thị có tên là
Vinhomes Đại An với quy mô dự án: 293,96 ha, vốn đầu tư: 1,4 tỷ USD (32.661 tỷ đồng) và tiến độ thực hiện trong 6 năm tính từ 31/3/2021.

 Ôi, Cánh đồng hoa cúc quê tôi!


CS.

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây