Đến dự buổi ra mắt tập thơ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh có đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy và Vũ Thanh Mai; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; cùng đông đảo lãnh đạo các bộ, ban ngành, cơ quan, người thân, bạn bè và độc giả.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh cũng nhận được nhiều lẵng hoa chúc mừng của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước… nhân dịp cuốn sách ra mắt.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, từng đảm nhiệm các chức vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Đông đảo các đại biểu, văn nghệ sĩ và bạn đọc tại buổi giới thiệu tập thơ
Tập thơ “Hoa đời mùa sau” gồm 71 bài thơ, lấy cảm hứng từ cuộc sống hằng ngày, những gì tác giả nhìn, nghe và cảm nhận. Tập thơ còn gồm phần Phụ lục với những bài viết của các tác giả như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú, nhà báo Phạm Quốc Toàn, các tác giả Hạnh Nguyên, Thanh Sơn, Lan Nguyễn, Thế Duy, Lưu Thị Hằng, Cao Văn, Đặng Huy Giang, Lê Hữu Bình, Vương Duy… về các bài thơ trong tập thơ…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, thơ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh là sự phản ánh chân thực về đời sống, rất bình dị nhưng cho thấy phẩm chất của một thi sĩ “lặng lẽ bên đời mà viết”. Thơ của ông không dùng nhiều những mỹ từ, những âm điệu du dương, nhưng vẫn khắc vào tâm khảm người đọc những âm vang. “Thơ của ông có sự khám phá đời sống trong những câu chuyện rất thường gặp, với những câu thơ giản dị, trong sáng, khúc chiết nhưng chứa đựng đầy những thông điệp, những hy vọng gửi cho những thế hệ sau này.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, tập thơ “Hoa đời mùa sau” là sự ra mắt một cột mốc trong chặng đường sáng tác đã có rất nhiều cột mốc của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh. “Tập thơ là một bản căn cước công dân tâm hồn của tác giả” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Chia sẻ về tập thơ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú cho biết, có thể thấy ở thơ của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh những suy nghĩ, những hình tượng của đời sống hôm nay, từ những chi tiết, công việc rất bình thường. Ông có cảm xúc từ những điều rất đời thường, như công việc tẽ ngô của nhà nông, những tần tảo của người mẹ… “Đây là tập thơ hay, vì là tiếng nói của đời sống, đã được khúc xạ qua một tâm hồn, một trái tim thi sĩ chung nhịp đập với quần chúng nhân dân.
Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam nhận xét, ở tập thơ thứ 12 này, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh có xu hướng trở về với sự an nhiên tự tại ngay từ trong nội tâm, bỏ qua mọi thủ pháp phô trương, ồn ào hoặc diễn giải cao giọng, cũng như không hề có ý định gây sốc trong cấu tạo hình tượng hoặc trong phép tu từ.
Nhà thơ Bằng Việt cũng cho rằng, tác giả Nguyễn Hồng Vinh đồng thời cũng sử dụng thế mạnh của người làm báo, dùng thông tin báo chí để đưa vào hợp lý và đúng chỗ, làm sống động thêm các chi tiết cho nhiều bài thơ, mặt khác cũng biết làm chủ liều lượng tư duy hùng biện của một nhà lý luận triết học, để cân bằng với những lý lẽ minh triết rút ra từ thực tiễn, nâng lên từ cuộc sống hằng ngày.
Chia sẻ về đứa con tinh thần thứ 12 của mình, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh cho biết, ở mỗi tập thơ sau, ông đều tự tìm tòi, làm mới mình bằng những cách tiếp cận mới, cách phát hiện vấn đề, cách sử dụng câu chữ, cách diễn giải để tăng tính thuyết phục.
Trong số các sáng tác của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, có nhiều bài thơ đã được phổ nhạc và trình diễn. Ngoài 12 tập thơ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh còn có rất nhiều tác phẩm, tiểu luận lý luận, báo chí. Đây là sức làm việc đáng nể ở độ tuổi của ông hiện nay, mà như nhà thơ Bằng Việt nhận xét, là “một người có sức sáng tạo và lao động lớn lao”, hay như nhà văn Nguyễn Hồng Thái bày tỏ: “Tôi có viết văn hết đời cũng không thể bằng được một sức làm việc như thế này”.
LINH KHÁNH
Nguồn tin: Báo Nhân dân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn