Nhân Ngày Thơ Việt Nam, Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng 2024

Thứ ba - 20/02/2024 15:08
Nhân Ngày Thơ Việt Nam, Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng 2024


KHAI MẠC NGÀY THƠ HÀ NỘI

 

    Với truyền thống ngàn năm văn hiến, Hà Nội là địa phương có bề dày về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vào bậc nhất cả nước. Từ khi hợp nhất với Hà Tây, theo đó hợp lưu văn hóa Xứ Đoài cùng với một bên là văn hóa Kinh Bắc... càng làm cho  văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở nên phong phú, đa dạng và phát huy bản sắc ở thời kỳ mới.

     Sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh luôn luôn được lãnh đạo Thành phố quan tâm chỉ đạo, thay đổi tích cực về cơ chế, chính sách trong đầu tư xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, sáng tạo; tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa; cải thiện chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân… chính là những quyết sách quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng con người Thủ đô trong thời kỳ mới.

 

      Trong không khí những ngày tết cổ truyền dân tộc, nhân Ngày thơ Việt Nam  (Được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương, Bộ Văn hóa thông tin, từ năm 2002, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khoá 7) đã quyết định tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Chọn ngày Rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm (ngày này năm Mậu Tý 1948, tại Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã viết bài thơ Nguyên tiêu), Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đồng ý để Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức Ngày Thơ Hà Nội theo chủ đề chung: Bản hòa âm đất nước, nhằm trực tiếp động viên đội ngũ nhà văn cũng như giới văn nghệ sĩ sáng tạo và cống hiến, khích lệ, cổ vũ công chúng  với tình yêu Hà Nội, phát huy và phát triển rực rỡ văn hóa Thủ đô. Văn học nghệ thuật tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa với tầm nhìn đến năm 2045, kết hợp phát triển ngành du lịch văn hóa, tạo một diện mạo văn hóa nghệ thuật tầm cỡ ở khu vực và quốc tế, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phồn vinh, hạnh phúc và bền vững của Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

 

      Văn chương, thơ, phú Thăng Long - Hà Nội từ Chiếu dời đô của Vua Lý Công Uẩn, từ Nam quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, rồi Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi và Hội thơ Tao đàn của Vua Lê Thánh Tông , tiếp là Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du v.v.. cho đến văn thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh - những năm đầu của cách mạng dân tộc, dân chủ. Dưới ánh sáng của Đề cương Văn hóa Việt Nam, dòng Văn học cách mạng tiếp nối ở thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cho đến nay…tạo thành văn chương mang bản sắc của một quốc gia độc lập với khát vọng hòa bình của toàn dân tộc. Tổ chức Ngày thơ Thăng Long - Hà Nội như một sự kiện khai xuân hàng năm cho hoạt động văn chương nghệ thuật Thủ đô cũng chính là để tiếp nối các sự kiện văn chương nghệ thuật, tiếp nối, trao truyền, phát huy các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật sau hơn một ngàn năm tuổi của Thủ đô chúng ta. Hà Nội cần nhiều hơn nữa các tác phẩm văn chương nói chung và thơ nói riêng có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Thủ đô và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc.

Chương trình Ngày Thơ Hà Nội sẽ được khai mạc và kéo dài cả ngày 23 tháng 2 năm 2024 (tức Nguyên tiêu 15 tháng Giêng Giáp Thìn) tại toàn bộ không gian Trung tâm di sản văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

 

     Mở đầu là màn biểu diễn trống hội Thăng Long tưng bừng rộn rã.. cùng với màn múa rồng truyền thống...và đánh trống khai hội. Bài thơ Nguyên tiêu của Bác được nghệ sĩ sân khấu đọc lên, với các nghệ sĩ, diễn viên phụ họa. Tiếp theo là nội dung trình diễn thơ (đọc, hát các bài hát phổ thơ nổi tiếng, múa hát xen lẫn) do các nhà thơ và nghệ sĩ thể hiện. Màn đọc, diễn thơ của hàng chục CLB thơ phong trào sinh hoạt tại các quận, huyện, kết hợp với nội dung thi thơ và trao giải thưởng tại chỗ của Ban tổ chức.

      Đồng hành với chương trình phần lễ và hội tại trung tậm, khoảng không gian xung quanh hai sân trung tâm được tổ chức các sinh hoạt giao lưu văn hóa, đặc biệt là trưng bày, giới thiệu tranh và ảnh nghệ thuật của các họa sĩ và nhiếp ảnh gia hội viên; nhiều gian trưng bày thơ được dựng lên với thiết kế trang trí màu sắc sinh động mà trang trọng nhằm giới thiệu tác phẩm sáng tác của hội viên nhà văn, các tác giả trong lực lượng phong trào quần chúng. Bên cạnh đó là các gian giới thiệu về Thời báo Văn học nghệ thuật của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam và Tạp chí Người Hà Nội của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội v.v..

 

     Ngày Thơ Hà Nội có sự tham gia của đông đảo từ các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, nhiều nghệ sĩ là hội viên ở các hội chuyên ngành thuộc Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và Việt Nam, các thành viên CLB Thơ của các quận huyện, một số báo chí, truyền hình và đông đảo công chúng yêu thơ Hà Nội va cả nước. Ngày thơ còn được sự đóng góp, đồng hành của Sở Văn hóa và Thể thao cũng như các cơ quan, ban ngành liên quan của Thành phố Hà Nội.

 

    Thành công của Ngày Thơ đã thể hiện năng lực sáng tạo, sự tâm huyết, tình yêu Hà Nội và khát vọng vươn lên của đội ngũ văn nghệ sỹ, tạo dấu ấn đặc sắc cả về tư tưởng và nghệ thuật, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước sáng tạo, cống hiến vì một nền văn hóa bản sắc Dân tộc và gửi đi một thông điệp thi ca góp phần cùng chấn hưng văn hóa Việt Nam.

P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây