Ngày Thơ Hà Nội - 2024

Thứ sáu - 23/02/2024 18:56
Sáng nay 23/2/2024, tức 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn, trong không khí của những ngày đầu xuân, tại Văn Miếu - Quốc Tử giám đã diễn ra Ngày thơ Hà Nội với hai chương trình: Lễ và Hội thơ. Đông đảo các nhà thơ, giới văn nghệ sĩ và công chúng yêu thơ tới dự.
NSND Trần Quốc Chiêm đọc bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ
NSND Trần Quốc Chiêm đọc bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ

     
     NGÀY THƠ HÀ NỘI 
     Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng 2024
   
T
rong chuỗi hoạt động của Ngày Thơ Việt Nam lần thư 22 trên cả nước, Ngày Thơ Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức theo quyết định của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, với sự đồng ý và chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội.

        Chương trình khai mạc Ngày thơ Hà Nội là nội dung mở đầu quan trọng nhất trong chuỗi sự kiện Ngày thơ năm 2024 diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Kênh 1, Đài phát thanh truyền hình Hà Nội.

        Tới dự Lễ khai mạc có các đ/c lãnh đạo đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Sở Thông tin và Thể thao Hà Nội và các sở ban ngành liên quan của Thành phố.

Mở đầu chương trình, sau không khí sôi động của màn múa trống, múa rồng lân của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng trung ương là màn trình diễn bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy sâu lắng, linh thiêng và trang trọng qua sự thể hiện của NSND Trần Quốc Chiêm.

Sau phát biểu khai mạc của Nhà văn Trần Gia Thái - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội lên đánh trống khai mạc Ngày thơ. P.Gs,Ts, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT VN phát biểu.

Các NSND Hà Vi, Phan Muôn, Thanh Ngoan, Thu Hương …trình diễn các bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ tên tuổi lớp trước và các nhà thơ Hội Nhà văn Hà Nội của thế hệ hôm nay. Các ca khúc lựa chọn trong chương trình là những tác phẩm xuất sắc về mùa xuân, đất nước và Thăng Long Hà Nội, được sáng tác và được phổ thơ của các nhà thơ đã in đậm dấu ấn trong lòng công chúng Thủ đô và cả nước. 

      0be39dbe419350495ce6e1829a8fa37e

1d33ef41decd8f29c45edb176b7e54c9


Các nhà thơ, văn nghệ sĩ và công chúng yêu thơ tại Ngày thơ Hà Nội .           Ảnh : Trang Nam Anh

     Ngày thơ Hà Nội đã thể hiện vị thế Thủ đô Hà Nội là nơi tôn vinh văn chương nhân Ngày thơ Việt Nam. Thông qua việc tổ chức “Ngày thơ Hà Nội”, động viên các văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong thời kỳ mới;   Đưa tác phẩm văn học nghệ thuật đến với mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện. Qua đó, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống…

Đặc biệt, trong bối cảnh chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vừa được ban hành, qua Ngày thơ Hà Nội, các nhà thơ và các văn nghệ sĩ Thủ đô càng thấy rõ trách nhiệm lớn lao của mình trong sáng tác nhằm đẩy mạnh xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; đặt con người Hà Nội vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển thủ đô, là chủ thể quan trọng nhất, quyết định trực tiếp thành công của sự nghiệp phát triển thủ đô nhanh, bền vững, "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".

Trong phần trình diễn của các nghệ sĩ với các tiết mục ca trù, ngâm thơ, đọc thơ… đã thể hiện thành công tác phẩm của các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ: “Tây hồ hoài cổ” của Nguyễn Công Trứ, “Mưa Xuân” của Nguyễn Bính, “Tiễn Xuân” của Hữu Thỉnh, Hoa phượng của Bằng Việt, -“Với thơ” của Vũ Quần Phương, “Đầu xuân uống trà cùng bạn” của  Trần Đăng Khoa, “Lam Xanh” của Trần Gia Thái, “Đảo Sơn Ca” của Lê Cảnh Nhạc.

Trong phần trình diển sáng tác của mình các nhà thơ Thủ đô Hà Nội đã thể hiện khá ấn tượng các bài thơ: “Mùa xuân ấm” của Nguyễn Việt Chiến, “Tiên nữ” của Nguyễn Linh Khiếu, Anh và em” của Nguyễn Thị Mai, “Phố” của Trần Kim Hoa, “Cây tre” của Đoàn Văn Mật.

Sau phần khai mạc, Ngày thơ Hà Nội sôi động với các cuộc thi Trình diễn thơ của các nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, thi Trưng bày quán thơ của các Câu lạc bộ thơ Thủ đô và các đơn vị báo chí trực thuộc Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội. Kết thúc là lễ trao tặng các giải thưởng cho các nội dung Trình diễn thơ và Trưbng bày quán thơ.

Hưởng ứng Ngày thơ Hà Nộ, Hội Nhiếp ảnh Hà Nội và Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức trưng bày các tác phẩm xuất săc về Hà Nội, mùa xuân và quê hương đất nước với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn…

Hội Nhà văn Hà Nội là đơn vị được giao trách nhiệm trực tiếp tổ chức Ngày thơ Hà Nội đầu tiên tại Văn Miếu Quốc Tử Giám đã nỗ lực, sáng tạo, tổ chức thành công Ngày thơ Hà Nội năm 2024- Một ngày thơ trong không khí thơ ca Rằm Nguyên tiêu của cả nước đầy cảm hứng, ấn tượng.  


P.V
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây