Tổng kết cuộc thi Thơ của CLB Văn học Tháp bút, Hà Nội

Thứ tư - 15/05/2024 05:18
Nguyễn Thị Mai : Sáng ngày 14/5/2024, tại Q. Hà Đông, Hà Nội, CLB Văn học Tháp bút - Trung tâm Văn hóa TP. Hà Nội đã tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi thơ Mùa xuân và Tình yêu. Cuộc thi diễn ra chỉ trong thời gian Mùa Xuân 2024, song đã đạt được kết quả rất cao. Nhavanhanoi.vn trân trọng giới thiệu nội dung, kết quả cuộc thi qua bài viết của Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên dưới đây:
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai - Ủy viên BCH Hội Nhà văn HN với các tác giả được giải.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai - Ủy viên BCH Hội Nhà văn HN với các tác giả được giải.



TỪ MỘT CUỘC THI THƠ
(Trích)

Nguyễn Thế Kiên

Giữa xuân Giáp Thìn, nhà thơ Đỗ Chiến Thắng - Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, gửi qua mail cho tôi 80 bài thơ bốn câu (được đánh mã số cho từng bài thơ) đã vượt qua vòng sơ khảo của một cuộc thi thơ nhỏ. Đó là những tác phẩm thơ của 40 tác giả dự thi cuộc thi Thơ bốn câu với chủ đề mở là Mùa xuân và Tình yêu. Cuộc thi này được tổ chức và phát động bởi Câu lạc bộ Văn học Tháp Bút, hiện đang hoạt động dưới sự quản lý của Trung tâm văn hóa Thành phố Hà Nội

511649e65d1b34a6a9903504f453953a

Các đại biểu về dự buổi Lễ tông kết và trao giải cuộc thi chụp ảnh kỷ niệm.

   ...  Với tám mươi bài thơ bốn câu trong chủ đề Mùa xuân và Tình yêu của CLB Văn học Tháp Bút, để lại trong tôi là sự trân trọng và chút tiếc nuối! Cuộc thi có chủ đề rất mở, bởi nguyên nội hàm của hai mảng Mùa xuân và Tình yêu trong thơ đã là vô cùng rộng. Có lẽ chính vì thế, mà tám mươi sáng tác vượt qua vòng sơ khảo đều đã mang những giá trị đích thực của thi ca! Đối tượng dự thi, đa phần là những cây bút trong CLB, nhưng thật ra đa phần họ đang là những nhà thơ của Hội nhà văn Việt Nam, hội Nhà văn Hà Nội gửi bài tham gia dự thi, có lẽ bởi vậy, mà chất lượng thơ trong cuộc thi này khá đồng đều!

Thơ bốn câu hay thơ tứ tuyệt nói chung là một thể thức thơ không hề dễ đối với bất cứ người làm thơ nào! Để có được một bài thơ bốn câu hay, thì chắc chắn tính hàmngôn, sự lay gợi của ý tứ, câu chữ thơ ấy phải được đặt iên hàng đầu. Chính vì vậy mà tự bản thân của thể loại thơnày đã là một dạng thức thơ mang những thông điệp về sự sáng tạo và tìm tòi! Nó ngắn, nó ít chữ, mà lại phải chở nhiều ý tứ lớn, cho nên nó không chấp nhận sự lặp lại, sự dãi dề, sự kể tả của thơ mặt phẳng!

Trong tám mươi bài thơ trong cuộc thi này, có 08 bài thấy cấu tứ thơ nổi trội lên bởi cái hàm ngôn và sự dẫn gợi ấy! Một bài thơ tứ tuyệt được cho là hay, đương nhiên phải tuân thủ được những yêu cầu về ngôn ngữ thơ độc đáo và tư tưởng thơ sâu sắc. Có như thế, thì cái dư ba của những bài thơ bốn câu ấy mới chinh phục được bạn đọc, mới đủ sức để tồn tại và tự tin gắn tên mình vào một sự tôn vinh dù là nhỏ bé!

Trong tám tác phẩm được trao giải ở cuộc thi này, hai bài thơ được giải cao nhất mang là bài Ném thia lia (mã số T17b) và Mùa đi (mã số T38a). Chỉ sử dụng có mười lăm từ, tác giả của bài thơ Ném thia lia đã khiếnngười đọc phải tiếp cận và giải mã những mật ý trong sự hàm ngôn của câu chữ. Cụm từ “ném thia lia” đóng vai trò là nhãn tự của bài thơ. Ném thia lia là một trò chơi của trẻ thơ, được đặt trong cấu tứ của bài thơ nó đã mang những tầng nghĩa khác. Kìa, những mảnh tháng năm của ký ức yêu thương, được xắt thành lát mỏng và ném loang trên mặt nước, như thầm nhủ tình yêu là một trò chơi của trời đất bày ra với cuộc người! Mời đọc:
Thôi em ơi
Tan bọt sóng, còn gì để nói
Tôi cầm năm tháng
Ném thia lia…
( Ném thia lia, MS T17b - Đặng Văn Chương )
 

Ở bài thơ Mùa đi, trong 28 chữ của một cung Lục bát tứ tuyệt, mịn màng như tấm lụa chiều, gói cái e ấp của một mầm yêu muộn. Tác giả đã khá cao tay khi xử lý cái kết, để “đêm bịn rịn” gói trong “đêm lỡ làng”, và cái lỡ làng ấy mới là nguyên cớ để “mùa đi”, mới tạo nên những dư ba nuối nhớ loang vào sâu thẳm. Tôi cứ nghĩ, nếu không có cái “bịn rịn”, không có cái “lỡ làng” kia, mà thay vào đấy là những hẹn hò vật lộn đến no say nhàu nhĩ ném lên đêm, thì bài thơ đã tự chết ngay từ lúc câu thơ để cơn gió hoang sổ lồng. Mời đọc:

Mùa đi chầm chậm bước chiều
Xuân thì e thẹn mầm yêu ngỡ ngàng
Sổ lồng cơn gió đi hoang
Gói đêm bịn rịn lỡ làng vào đêm.
( Mùa đi, MS T38a – Đỗ Chiến Thắng )

Mạch thơ Lục bát vốn hợp tạng của những nguồn cơn cảm xúc xa xôi, bóng gió, hay vân vi bày tỏ… Bởi vậy nên hiện vẫn có rất nhiều nhà thơ ở ta chọn Lục bát để gửi gắm cảm xúc thi ca của mình, dẫu biết mảnh đất Lục bát vốn đã chật chội những dấu chân của tiền nhân, nhưng sức cuốn của miền thơ ấy rất khó cưỡng, nên hậu thế vẫn cứ hớn hở gieo chữ vào miền Lục bát. Và đây là một cung lục bát tình được xếp giải Nhì, bởi nó nhuần nhị, đầy đặn cả về tứ và tình:

Cái ngày xưa ấy đâu rồi
Dấu yêu để lại một trời tháng ba
Người thì biền biệt phương xa
Còn em chín nẫu mùa hoa dậy thì.
(Ngày ấy đâu rồi, MS T25b – Nguyễn Việt Hằng )
 
Đồng thứ hạng với bài thơ Lục bát trên đây, là bài thơ Cánh võng xanh được đánh mã số T34a. Mắc vào câu chữ trong ấy là hình hài một cánh võng, cứ chênh chaođưa lắc giữa “em” và “chiều”. Cánh võng xanh mang sắc màu của núi rừng chiến địa, cứ đưa lắc cùng những nhớ thương thổn thức bên chiều! Thơ viết về đề tài quen thuộc mà kín ý, gợi nguồn như thế này, ấy là điều không hề dễ! Bài thơ toàn những câu chữ dung dị, mộc mạc nhưng được dùng đắc địa mà trở nên lay gợi. Mời đọc:
Anh đi xa mấy mươi mùa hoa mai
Trong em vẫn một hình cánh võng
Bên tĩnh lặng, bên chiều nhạt nắng
Nhìn võng chao thương nhớ mắc đăm đăm…
(Cánh võng xanh, MS T34a - Lê Hà ).
 
Ở hạng mục giải Ba của cuộc thi, là hai bài thơ được đánh mã số T15a và T18b. So với những bài thơ trong tổng thểcuộc thi này, thì đây là hai bài thơ khá tròn trịa, câu chữ đãtạo được những âm ba khi bài thơ khép lại. Mời đọc:
Biển ở ngoài xa, anh ở bên
Tình anh như thể thuỷ triều lên
Và em như thể triền cát mịn
Cuốn hạt nào rơi, sóng phải đền ...!
(Biển và em, MS T18b – Hà Hưng)
+++
Đào vừa buột tấm áo đông
Chúm cha chúm chím nụ hồng tháng Giêng
Hanh hao đôi mắt láng giềng
Thoảng làn hương mỏng xô nghiêng giậu rào
(Đào, MS T15a – Mai Thị Chung )

 

Đọc bài thơ Đào, trong tôi gợn lên một sự tiếc, tiếc bởi cái từ láy “hanh hao” đã làm giảm đi cái hay, cái khoáng đạt của bài thơ này, giá như hai chữ ấy là “chênhchao” thì ý thơ khác hẳn. Thì bài thơ này sẽ hay hơn rất nhiều, bởi ánh mắt chênh chao, lóng lánh của mùa xuân mới để những “giậu rào” quy chuẩn bị ngả nghiêng xô lệch chứ, còn đôi mắt “hanh hao” kia thì e cái sự “xô nghiêng: kia có phần hơi khiên cưỡng chăng?

Sự tiếc nuối này bị còn đẩy cao lên ở một bài thơ không có mặt trong nhóm đoạt giải thưởng. Ấy là một bài thơ viết về tuổi trẻ anh hùng của lớp cha anh,đó là bài thơ Thuở trai có mã số T10b, mời đọc:

Thưở còn trai trẻ xông xênh
Nghêu ngao câu hát nhẹ tênh gió trời
Đắp mồ cho bạn xong rồi
Lại vô tư hỏi, ai đời chôn ta?
(Thuở trai, MS T10b – Nguyễn Khoái ).
 

Đọc lướt, thấy chất hùng anh, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng của người chiến sĩ/tráng sĩ xả thân vì non nước. Nhưng chính câu kết của bài thơ và câu hỏi đặt ở cuối bài khiến tôi phải định hình lại bài thơ bằng tư duy phản biện: Người chiến sĩ xung trận, đã coi cái chết nhẹ tựa lônghồng, thì cái dấu hỏi và cách hỏi kia đã vô tình phản lại ý tưởng của bài thơ bằng sự “so đo” tiềm ẩn trong lòng chữ! Giá như tác giả tìm tòi hơn, quyết liệt hơn ở câu cuối, thì bài thơ này sẽ rất có giá trị. Thí dụ một phương án: Đắp mồ cho bạn xong rồi/Mai sau kệ cả đất trời chôn ta!Hơi tiếc vậy, với thơ, nhất là thơ tứ tuyệt lục bát, thì sứ mệnh của câu kết vô cùng nặng nề, nó phải làm chức năng nền móng để đỡ cả bài thơ, lại phải là gốc cội, để trổ mầm những liên tưởng, những lay gợi vào tâm hồn bạn đọc! Thơ tứ tuyệt khó và thú vị ở là chỗ ấy!

Hai bài thơ được xếp vào giải Khuyến khích của cuộc thi cũng khá ấn tượng là bài Tháng Ba (Mã số T14b) và Hội xuân. (Mã số T08a).

Mộc miên đỏ rực dòng sông
Hoa trôi về bến không chồng chiều nay
Mẹ mong, em đợi tháng ngày
Con chim cánh lửa liệng bay ngang trời
(Tháng Ba, MS T14b) – Nghiêm Hiền )
+++
Chầu văn rập rờn trên sóng
Áo khăn xô lệch mặt hồ
Ngày xuân em đi lễ hội
Nghiêng chiều lạc bước chân mơ
Hội xuân, MS T08a – Tôn Duy)
 

Nếu như Tháng Ba thơ mượn màu hoa mộc miên nhức nhối đỏ, lững đững một dòng trôi về bến không chồng, rồi vụt hiện lên những mất mát đau thương. Thì Hội xuân thơ lại mang dáng một nữ sỹ vào hội với “Áo khăn xô lệch mặt hồ” thả xuống “nghiêng chiều lạc bước chân mơ”. Hai bài thơ với hai đề tài khác biệt, nhưng lại có những nét tương đồng trong sự sáng tạo nghệ thuật. Một bên thì đắc dụng vào nét đặc trưng của sắc hoa gạo tháng ba để lập tứ, một bên thì diệu dụng cái sắc xuân trong khăn áo xô vào chiều rực rỡ mà sẵn sàng dắt mùa lạc bước cùng thơ.

Xin chúc mừng Ban tổ chức cuộc thi Thơ Bốn câu với chủ đề Mùa xuân và Tình yêu. Xin được chúc mừng các tác giả đã giành giải thưởng trong cuộc thi này! Với những tác phẩm thơ này, dẫu có thể tiêu chí của những người tổ chức cuộc thi chỉ là chấm giải với tinh thần “so bó đũa chọn cột cờ”, nhưng chất lượng thơ của các tác phẩm được giải mới tạo nên cái tầm của một cuộc thi!

Chúc mừng Câu lạc bộ Văn học Tháp Bút với gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, luôn là nơi quy tụ được nhiều cây bút văn chương có chất lượng. Những thànhcông của cuộc thi thơ này, đã góp phần nâng cao vị thế vàt ầm vóc của một Tháp Bút văn chương giữa Thủ đô ngàn năm văn hiến!

Cuối xuân Giáp Thìn 2024
Kienlucbat

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây