Người Phụ nữ đẹp nhất

Thứ ba - 16/01/2024 19:08

Người Phụ nữ đẹp nhất

            
            Chia sẻ với phụ nữ Hà Nội nhân chào đón xuân mới đang về
            Bùi Kim Tứ
 
             Trên thế giới và ở Việt Nam ta từ xưa tới nay có rất nhiều những người đàn bà đẹp và tài ba. Cái đẹp ai cũng thích, người phụ nữ đẹp lại càng được mến trọng hơn, ai cũng muốn nhìn, muốn làm quen, quen rồi thì thì hãnh diện lắm. Nhưng đẹp thế nào mới là điều cần bàn, đẹp mà chua ngoa, lăng loàn thì không được. Đẹp mà đầy bệnh tật cũng không được. Đẹp mà có âm mưu đen tối, giả dối thì rất đáng sợ. Cho nên cái đẹp phải rõ ràng là đẹp cả hình thức bề ngoài lẫn nội tâm bên trong, nghĩa là người đẹp thì từ vóc dáng đến tâm hồn đều đẹp, đẹp toàn diện chứ không khuyết hoặc chỉ trội một điểm nào.
     Nhân vật chính Thuý Lan, trong truyện thơ dài cùng tên của Lê Hữu Bình tôi thấy có lẽ đạt đến tất cả các điều kiện trên. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn Thuý Lan với “con mắt tinh đời” của những người biết nhìn nhận người đẹp:
                                   Bút nào tả nổi dọc ngang
                          Văn nào lách được những đường nét hoa.

       Không có ngòi bút nào có thể tả hết được nét đẹp của nàng. Vẻ đẹp ở Nàng Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du:“Làn thu thủy nét xuân sơn/ Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh/ Một hai nghiêng nước nghiêng thành”... Mắt tựa trong vắt như nước mùa thu, lông mày phơn phớt như mùa xuân trên núi (Trong sách Hán thư Trung Quốc có Bài ca của Lí Diên Niên viết: phương Bắc có người con gái đẹp, đẹp đến nỗi ngoảnh lại nhìn một cái mà xiêu lòng người, ngoảnh lại nhìn cái nữa làm đổ thành quách). Thuý Kiều đẹp đến hoa phải ghen, liễu phải hờn, nghiêng thành nghiêng nước, còn Thuý Lan thì đẹp thế nào: Thuý Lan đẹp đến ngẩn ngơ đất trời.           
       Ngẩn ngơ đất trời! Đẹp nhìn đến thôi miên thế… Lúc Phi Hổ nhìn theo phía sau bước của Lan đi, với những ước lệ về số đo của toán học và hình học, chuẩn mực và gợi cảm đến thật khó tin. Phi Hổ chỉ còn buông bỏ ánh mắt mình:    
                          Tươi son họa tiết thiên thanh
               Chà, vầng nguyệt ánh lung lanh bốn bề…
     Rồi tới khi được tiếp cận vẻ đẹp ấy, từ xa đến gần và được bóc ra từng lớp. Buộc Phi Hổ phải thốt lên:
                    … Ôi cha kiệt tác có tim
               Một toà nõn ngọc lịm lìm ngất ngây
                         Thớ xuân lượng giữa bồng lại
                Tinh hồng chuốt dọc hương nhài thoa ngang
                         Đường cong uyển dẻo mịn màng
                Gờ thu mỏm mẻn ngậm trăng cận vành
                        Lạch đào non nõn mướt xanh
                 Song Trâm tuyết khảm ngà trành thẳng thuôn
                        Một, ba(1) vòng nở căng tròn
                 Phần nghiêng rỏ bóng khát mòn mắt mơ…
           Vùng khôn phát tiết ánh trai ẩn chìm/ Trái xoan mũi thẳng mày nghiêng/ Toát ra cả một uy riêng rõ rừ/ Đoan trang nhãn thiện vô tư/ Dịu dàng hở lộ nhân từ ẩn trong .           Thật là đẹp, một thân hình nõn nà kiều diễm tuyệt vời, chỉ một không hai, một kiệt tác của tạo hóa có trái tim. Thầy Lang nọ có tâm, biết về tướng số đã bắt mạch cho chị, thầy cũng phát hiện ra nét đẹp hội tụ bên trong của người con gái này, nên thầy đã dốc toàn tâm toàn lực để chữa cho chị thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo:
                Cậu Đạo em trai Thuý Lan cũng rất ngộ nghĩnh, lo cho vẻ đẹp của chị mình. Sợ chị mình đẹp kiêu sa lộng lẫy như thế, thì tránh sao khỏi trong những lúc giao tiếp công việc, gặp gỡ nhiều hạng người sẽ khó mà an toàn cho chị:
              … Vô cùng quyến rũ đài sang
           Rồi trăm anh chết ong vàng rướn theo
                   Rồi trăm cột đổ tường xiêu
           Phía sau chị đã thủng diều đứt dây
                    Huống chỉ chính diện cả ngày
            Em van các vị chớ say làm liều...
              Đến chồng của Thuý Lan là Hải nhìn vợ mình tắm mà sững sốt, bàng hoàng: Ngọc vàng tắm bể trăng trong/ Đẹp, Lan đến mức Hải không dám nhìn... Thật là đẹp quá đến nỗi không dám nhìn, e rằng nếu mà nhìn sợ phát hiện ra cho là, nhìn trộm thì “dơ”. Chỗ này thì chịu tác giả rồi. Người ta bảo nhất dáng nhì da, ở Thuý Lan, dáng da thì miễn bàn. Bộ trưởng Trường lần đầu tiên gặp chị đã cảm nhận nét đẹp thanh tao, dịu hiền nhân hậu ở chị:
                     … Đài hoa tác tạo những đường nét tiên
                           Dáng thon mày biếc âu hiền
                       Thiên Nga lỡ gió rẽ miền tà dương…
            Còn đối với lái xe Cường (lái xe riêng cho Thuý Lan ) thì vẫn ngấm ngầm thầm yêu trộm nhớ, muốn chinh phục trái tim Thuý Lan từ lâu. Nay được dịp nhìn toàn thân thể chị, không thể tự kiềm nén nổi: Được vầy Cường vút lao lên/ Bế ngang ngọn tháp dung nhan để... liền. Một lần Thuý Lan sang Trung Hoa vì công việc, các anh chàng nước bạn ngỡ ngàng trước sắc đẹp mê hồn của Thuý Lan, quên cả biên giới Tổ quốc mình. Đã cùng thốt lên:
             … Nét như mây nếp đầu cơn
        Êm đềm mặt nước hoàng hôn rỗi chờ
                 Mỏng làn da mịn mê mơ
         Đào hồng lên má mày gờ liễu xiêu
                  Diệu kỳ thay tụ đủ điều
          Ánh lồng trong nguyệt dáng chiêu dụ trời.
                  Lan chừng bẽn lẽn bồi hồi
          Nhoẻn cười duyên chút sơn sôi thủy trầm
                 Xưa nay tiếng bạn nghe thâm
          Một lời là một chẳng nhầm chút nao…
        Tiết khí của Lan tỏa ra lồng quyện vào ánh trăng, dáng dấp của chị chiêu dụ được cả trời. Một nhân vật lắm mưu cũng ghen tỵ với sắc đẹp của Thuý Lan là Thư ký Hiền (Thư kí cho Giám đốc Gâm Lang). Hiền muốn chiếm Gâm Lang, nhưng Gâm không thèm để ý đến cô, mà chàng chỉ yêu say đắm Thúy Lan. Bực tức ganh Thuý Lan đến thế, nhưng chính Hiền cũng phải thừa nhận Lan đẹp hơn mình rất nhiều:
          … Mạch rành nàng cũng thẳng tưng
    Thuý Lan đẹp đến mây ngưng biển dời…
           … Sắc cho trăng lặn sao rơi
    Vàng tan đá nát, sành chơi thạo hàng…
         … Lan cười mi biếc liêu diêu
    Đẹp trong vuông vức cả chiều nghiêng êm...
     Ta hãy dừng lại ở chỗ này, đọc chậm: Đẹp trong vuông vức! Người ta thường làm một việc gì từ nhỏ đến to nhất là việc thật khó thì hay chúc mừng nhau, mong sao mẹ tròn con vuông. Đúng! cái đẹp của Thuý Lan thật là quá mĩ mãn. Chính tôi cũng thấy lạ, ngỡ ngàng loanh quanh với câu hỏi của bản thân mình: Sao người Việt ta lại xuất hiện một bậc Đại mỹ nhân đến vậy? Không phải là người Việt mà tôi cứ cố tình ca ngợi người Việt, cái chính là tác phẩm hay quá. Đặc biệt những vần thơ mô tả về sắc đẹp khiến lòng tôi chộn rộn, không thể cưỡng lại dụng ý, muốn nói khác đi. Những vần thơ “ĐẸP” ấy trích ra từ truyện thơ Thúy Lan, làm rung động mọi trái tim khi đọc, bạn cũng vừa xem đó, tác phẩm còn đây đâu hề nói quá…Tự hào về người con gái Việt Nam chúng ta. Cảm ơn tác giả Lê Hữu Bình - một người lính cụ Hồ             
      Không những Thuý Lan đẹp lộng lẫy bên ngoài, mà tâm hồn của Thuý Lan còn đẹp hơn ai hết. Ngày còn nhỏ sống với bố mẹ có người hành khất đến xin ăn Thuý Lan đã xúc gạo đem cho, mẹ phát hiện đánh đòn, chị cam chịu và nói: Mẹ ơi mẹ cứ đánh con/ Còn nhiều người khổ con còn cứ thương... Một lần biết tin vợ trợ lý phải đi viện cấp cứu, chị đã bảo lái xe đưa đi còn mình bắt xe khác về nhà: Vợ lính coi tựa người nhà/ Hiếm chừng ai có máu xa lòng gần… Đang lúc dấn thân vào thương trường gặp khó khăn, nhưng chị vẫn vui mở lòng từ thiện: Một trăm triệu tháng em đưa/ Tấm tình ta đó mọn quà giúp thêm… Thật là tấm lòng vàng đẹp đẽ vô cùng. Trí Thâm và Kim Ngân rắp tâm hại chị, đến mức chị phải lĩnh án tử hình vì hai tên súc sinh này. Thế mà chị vẫn tha bổng cho những kẻ mạt hạng đó:
                       Biết thừa kẻ hại mình xong
                 Thôi, tha cho hắn cho lòng vợi đau…
             Vì nói ra, kẻ kia cũng bị án tử lại thêm một nỗi đau cho xã hội gia đình họ. Thật là tấm lòng cao thượng, một cái tâm vị tha quá lớn không thước nào đo nổi, khâm phục thay! Xã hội trước, nay chúng ta từng chứng kiến mỗi khi những kẻ phải ra hầu tòa là chúng vấy càn cho nhau; đổ lỗi tranh công thật là bẩn thỉu. Vẻ đẹp Thúy Lan lay động cả đất trời, khiến cho hòn tên mũi đạn đã tránh chị, khi chị phải ra trường bắn: Thúy Lan vô tội trời tuyên/ Đạn không một vết cắm xuyên cạnh người… Cuối tập, Nhà thơ đã chọn ra những loài hoa quý nhất, đẹp đẽ nhất để ví Thuý Lan với các loài hoa ấy, thật ý nghĩa, cảm động. Nào hoa ban trắng rừng Tây Bắc, nào là hoa sen Đồng Tháp, đến hoa đào Hà Nội nở rộ mỗi độ xuân về:
                         … Trắng miền Tây Bắc hoa ban
                    Ngạt ngào Đồng Tháp sen ngan ngát mùi
                                Nhật Tân đào nhuộm hồng trời
                     Thúy Lan vậy đó ngời ngời kiêu sa
                                 Lan yêu là của muôn hoa
                       Nhân từ làm nhụy tỏa ra cho đời...
                Thật không thể nào nói hết được cái đẹp của Thuỷ Lan, mênh mông, rộng lớn sâu thẳm, chừng khoảng 18 lần tả về nhan sắc xuất hiện trong truyện. Ta thử hình dung, trong hàng ngàn câu thơ, tôi chỉ trích dẫn vài đoạn mà đã thấy quá đẹp, quá kỳ diệu rồi. Tôi càng phục và cảm ơn tác giả đã dựng lên một Thuý Lan là người phụ nữ Việt, chị ngã em nâng, môi hở răng lạnh, máu chảy ruột mềm. Một người con gái Việt Nam đảm đang, thủy chung, thông minh, nhân hậu, khiêm tốn. Khi âu yếm Thúy Lan, Phi Hổ luôn khen chị đẹp mỹ miều, huyền mộng thông tuệ. Chị cũng tự nhận:
                        Cốm chi một vẻ hồng phai
                 Cứ khen, anh cứ dễ người ngượng theo.
              Hoặc: Ước rơi vào đám non mờ
                   Vụng này em cũng có cơ so tài.
               Ừ, ngẫm từ xưa tới nay, tả sắc đẹp phụ nữ, các thi sỹ thường chỉ chú ý tới Thị giác là chính, mà xem nhẹ các cảm xúc của thính giác và khứu giác? Cho đến nay, bạn đọc mới lại có dịp thấy Thúy Lan được tác giả dụng công miêu tả thật đầy đủ. Cũng muốn khép lại bài viết tại đây, song tôi vẫn thêm câu tả về giọng nói ngọt ngào của chị:
                        Dáng thanh da phấn mặt hoa
                   Lời mầu nhựa thẫm lẫn pha vĩ cầm…
     Từ yếu tố đẹp trọn vẹn từ hình thức đến tâm hồn một cách tự nhiên, “trời phú” của Thúy Lan mà dường như đó cũng chính là nguyên nhân đã gây nên bao phiền toái, gay cấn và kịch tính, làm cho tác giả có cơ sở để khẳng định rằng:
                       Thuý Lan cô gái Hà Thành
                    Đẹp xinh tới mức “chiến tranh” vì nàng.
     Tuy nhiên, ở đây chúng ta hiểu Lê Hữu Bình sử dụng lối nói mang tính quan hệ nhân quả, lấy sắc đẹp làm “ngòi nổ” chiến tranh chứ nếu định nghĩa rằng đẹp xinh tới mức (như) chiến tranh thì không phải. Đây có phải là hạn chế trong lối nói ẩn dụ của tác giả chăng? Vì đẹp thì phải như mây, nước, trăng, hoa…mà ta đối chiếu được (tác giả cũng đã so ví trong nhiều đoạn thơ) hay như bóng hình nghiêng nước, nghiêng thành chứ?
        ...
       Cảm ơn tác giả Lê Hữu Bình. Quê ông: Đông Hoàng- Đông Sơn- Thanh Hoá (nơi nền văn hoá Đông Sơn, vùng đất địa linh nhân kiệt). Tôi tin rồi đây khuôn vàng, thước ngọc - người đẹp Thuý Lan sẽ có ảnh hưởng đến bạn đọc và công chúng nhiều hơn nữa.
 
  17/8/2019- Viết tại quê nhà Hưng Yên
 B.K.T 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây