Nhà văn Cầm Sơn (Tên khai sinh Nguyễn Đức Sơn, sinh ngày 29 - 6 - 1952; quê quán: xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), năm nay vào tuổi thất thập, nhưng chưa thuộc hàng “xưa nay hiếm”. Người tuổi Nhâm Thìn có "cung quan" (vừa vừa), kiên ngạnh, phóng khoáng, tài hoa, biến hóa, thực tế. Một lý lịch trích ngang thú vị: Tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội; Cao cấp lý luận Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; công tác trong ngành Lâm nghiệp 40 năm đến lúc nghỉ hưu (1970-2010); từng giữ chức Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn (Phú Thọ), kiêm Bí thư Đảng ủy công ty trực thuộc Tổng Công ty giấy Việt Nam. Tự nguyện về hưu trước tuổi hai năm (2010). Sinh ra ở quê nhãn nhưng nhà văn Cầm Sơn lại gắn bó nhiều năm với Đất Tổ Hùng Vương. Từ năm 2010, ông “thiên di” về Thủ đô, hai vợ chồng sống trong một căn hộ của Vinaconex, trên đường Tố Hữu, một tổ ấm lý tưởng bên người bạn đời đầy đặn nghĩa tình tao khang; vui thú cảnh già, viết văn và làm thơ, chụp ảnh và quay phim có nghề chuyên phục vụ miễn phí các cuộc giao lưu đồng nhiệp văn nghệ. Ai gặp nhà văn Cầm Sơn lần đầu cũng đầy thiện cảm vì tính tình thẳng thắn, xởi lởi, ăn sóng nói gió, hay giúp đỡ bạn hữu vô tư, trong sáng hết mực.
Có thể nói, bạn bè văn nghệ quen biết rất thích bút danh Cầm Sơn bởi nhiều ý nghĩa (Cầm là họ lớn của người dân tộc Thái, tác giả tự nhận mình ở núi lâu đã thành một đứa con của núi, một thành viên của dân tộc Thái), đã đến với Nàng Thơ trước khi chuyên chú viết văn xuôi. Nhà văn đã in ba tập thơ lắng đọng tình cảm với núi rừng, thiên nhiên tràn trề câu chữ: Tình rừng (2007), Tình núi (2009), Miền xanh (2010). Nhưng có thể Nàng Thơ chưa phải là mối duyên tơ bền lâu với nhà văn. Thể loại chọn nhà văn, công thức này có lẽ sát hợp với tác giả. Sáu tập văn xuôi gồm 2 cuốn tiểu thuyết (Xuyên qua cánh rừng, Khói đỏ) và 4 tập truyện ngắn (Sín Lủ, Đỗ quyên đỏ, Bùa ngải, Chuyện tình người thợ mỏ), như ai đó nói, mới thể hiện sức vóc “vậm vạp” của cây bút tuy xuất hiện muộn trên văn đàn (khi đã 55 tuổi) nhưng sớm khẳng định vị thế.
Văn xuôi của Cầm Sơn tập trung khắc họa hình ảnh người lao động trên các lĩnh vực sản xuất công - nông - lâm nghiệp khắp mọi miền đất nước. Lao động và vẻ đẹp của người lao động trở thành cảm hứng xuyên suốt trong viết văn của tác giả. Đó có thể là hình ảnh người công nhân lâm nghiệp trong cơn chuyển mình của cơ chế sản xuất qua tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng (2014). Nhà văn khi viết đã không câu nệ, phụ thuộc vào cái gọi là "đề tài", vượt lên trên chuyện làm ăn của một lâm trường cụ thể để nói về nhân tâm thời đại, về những cuộc đấu tranh giữa mới và cũ, lúc diễn ra trong im lặng sóng gió ngầm, lúc bùng lên thành cao trào bão tố. Cái mới ban đầu thường gặp rào cản, trong đấu tranh với cái cũ có thể tạm thời thất bại, nhưng chính nghĩa và chân lý cuối cùng chiến thắng. Viết về cuộc đấu tranh vì sự thắng lợi của cái mới, nhà văn rất chú ý đến việc phân tích (bằng hình tượng nghệ thuật) quan hệ giữa hoàn cảnh và tính cách, tuân theo tinh thần của Các Mác: “Muốn con người trở nên nhân đạo hơn thì phải tạo ra hoàn cảnh nhân đạo hơn”.
Cầm Sơn là nhà văn chịu khó thâm nhập thực tế đời sống, thực hành công thức “Sống đã rồi hãy viết” với ý thức có bột mới gột nên hồ. Ông đã về “cắm bản” ở vùng mỏ Quảng Ninh, gắn bó với mảnh đất “vàng đen” từ tình cảm của người trong cuộc. Với tình cảm của một người lao động nhiệt thành trước khi trở thành nhà văn, ông đã khai thác được nhiều cốt truyện, tình huống, nhân vật, sự kiện điển hình để viết về lao động của những người công nhân vùng than, chọn in trong tập truyện ngắn Chuyện tình người thợ mỏ (2017). Nhà văn đã xuống tận “ moong” (Pit - đáy mỏ), đã xông lên đèo cao, đã học ăn học nói theo khẩu khí người vùng than, đã chia sẻ những nhọc nhằn trong lao động của người thợ lò, nên khi viết những con chữ không trở nên “múa may”. Mỗi truyện ngắn trong tập là một mảnh đời, một tâm sự, cảnh ngộ đầy biến hóa. Người lao động vất vả nhưng vinh quang khi đọc tác phẩm tìm thấy mình trong đó. Thiết nghĩ, đó là thành công của tác giả, không phải ai cầm bút viết văn cũng dễ dàng chạm tới được.
Nhưng có thể nói, Khói đỏ (tiểu thuyết, 2019) mới thực sự gây ấn tượng với người đọc văn Cầm Sơn. Tôi gọi đây là cuộc “vượt vũ môn” của nhà văn khi trong tiểu thuyết này đã mở rộng không gian - thời gian nghệ thuật để tái hiện đời sống trong tính chất “toàn cảnh” (thời gian kéo dài mấy chục năm, địa bàn mở rộng từ Bắc vào Nam, nhiều biến cố, nhân vật,...). Nguyên mẫu của nhân vật chính được khai thác từ chính người thân ruột thịt, người sinh thành nhà văn. Một chiến sỹ tình báo hoạt động bí mật, đã xa lìa gia đình, quê hương trong một cuộc Nam tiến thần kỳ. Ông đã hy sinh trong thầm lặng khi thực thi nhiệm vụ, mấy chục năm sau người thân mới tìm được hài cốt. Cũng vì công tác của tổ chức giao phó mà tất cả đều phải “sống để bụng chết mang đi”. Nhân vật chính - chiến sỹ tình báo - đã có một số phận vinh quang và cay đắng. Nếu nói quy luật của sáng tạo nghệ thuật là quy luật tình cảm thì Khói đỏ đã được viết một cách rưng rưng xúc động, chạm đến trái tim người đọc. Tác giả đã viết tác phẩm này bằng sự run bật của cảm xúc, nung nấu nhiều thời gian, công sức. Ở đây có vấn đề quan hệ giữa sự thật và hư cấu trong viết văn. Tác giả tâm sự: “Bố tôi đi Nam, vào tận miệt cao su đi dễ khó về một thuở ngay khi tôi mới tám tháng tuổi. Vì vậy, trong lý lịch, tôi buộc phải khai “Bố mất tích". Vì lý do này mà mặc dù phấn đấu hết cỡ tôi vẫn không được nhập ngũ và mãi đến năm 1993, khi là Phó Giám đốc Lâm trường rồi, tôi mới được kết nạp Đảng. Sau này tôi cũng mừng vì không biết bố tôi có thuộc diện hoạt động “trực tuyến” hay không, nhưng sau khi mất tích với cương vị Phó Bí thư Huyện ủy, tại địa bàn bố tôi hoạt động đều được xác nhận "không có cơ sở cách mạng nào bị vỡ, không có người tham gia hoạt động cách mạng nào bị lộ". Mãi đến năm 2010, sau bốn lần vào Nam, sang tận Camphuchia gia đình chúng tôi mới tìm được hài cốt của bố tôi. Ghi lại chuyện này, tôi đã viết bút ký Hành trình sang Cambodia tìm cha ” (Congannhandan.Online, 12-9-2016).
Tác giả chia sẻ về nghề văn: “Tôi viết văn chỉ là do đam mê, hay có thể nói đấy là cái nghiệp. Những tư liệu chiêm nghiệm trong cuộc sống thường nhật cả một đời người nếu chết đem theo thì phí quá, phải viết ra kèm theo chính kiến của mình giãi bày với cộng đồng cùng người thân và con cháu. Những mong đóng góp được một chút nhỏ nhoi cho đời sống văn hóa xã hội, cho nền văn học nước nhà”. Đó chính là tinh thần cầu thị của người lao động viết văn chân chính.
Nhà văn Cầm Sơn đã nhận Giải thưởng (Hạng C) của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, năm 2013 (tác phẩm Đỗ quyên đỏ); Giải thưởng Hùng Vương về VHNT lần thứ 7 (năm 2015) của UBND tỉnh Phú Thọ./.
Hà Nội, tháng 12-2021
Nhà văn Bùi Việt Thắng
Nguồn: Báo Lao động, số Tết Nhâm Dần, 2022
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn