Ngô Khiêm
Người hiền nhưng... rất cục
Hơn 20 năm trước, khi còn là một cậu bé sống ở quê nhà xứ Đông, vào mỗi chiều hè, tôi thường được nghe ca khúc “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” qua chiếc loa phát thanh ở đằng sau nhà bà nội. Bản tình ca “Sông cho anh làm thơ...” ấy cứ bám riết lấy tuổi thơ và như một điều gì đó thôi thúc tôi khi lớn lên phải đặt chân đến mảnh đất Hà Tây để ngắm nhìn dòng sông Đáy hiền hòa, thơ mộng như người con gái ở tuổi trăng tròn rất xinh đẹp, lãng mạn và tràn đầy nhựa sống. Thế rồi, tôi không những thực hiện được điều đó mà nghề báo còn cho tôi có cơ hội được gần gũi, thân thiết với “cha đẻ” của bài hát này-nhạc sĩ Đoàn Bổng.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng là người điềm đạm, sâu sắc, giản dị, rất đỗi tình cảm và cởi mở, vì thế trong phòng khách tại tư gia chưa đến 20m2, ngày ngày luôn đầy ắp tiếng cười của bạn bè là các văn nghệ sĩ khắp nơi tìm đến để “khoe” với nhau một sáng tác mới hay nhờ ông góp ý cho vài nốt nhạc, hoặc cũng có người đến nhờ ông phổ nhạc cho một bài thơ nào đó mà họ tâm đắc... Nhiều lần đến chơi vào giờ ăn trưa hoặc giờ ăn tối nhưng tôi thấy ông vẫn vui vẻ tiếp khách. Có những hôm ông vừa mới trở về nhà sau buổi về quê ở huyện Thường Tín (Hà Nội) chưa kịp nghỉ ngơi nhưng nét mặt vẫn tươi cười, hồ hởi đón bạn. Với ông, bạn bè chính là một phần quan trọng của cuộc sống mà không có họ, có lẽ giai điệu trong ông không thể nảy nở, đâm chồi được.
Nhưng ở người nhạc sĩ quê lụa này, tôi còn cảm thấy sự thẳng thắn, bộc trực, không chịu luồn cúi, im lặng trước những vấn đề “trái tai gai mắt”. 20 năm trước, khi còn là Trưởng phòng Ca nhạc, Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam, ông từng "quyết chiến" bảo vệ danh dự khi có một bài báo với tựa đề “Thơ hay văn vần” công khai xúc phạm ông khi ông xuất bản tập thơ “Nốt nhạc buồn”. 10 năm trước, cũng vào dịp tháng 7 này, ông và 4 nhạc sĩ khác còn gây “ồn ào” trên báo chí khi kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì cho rằng, việc xét trao tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc chưa chính xác. 5 năm trước ông cũng lên tiếng mạnh mẽ trên báo chí khi có một tác giả quê Bắc Ninh “đạo” bài hát “Về Hà Tây đi em” của ông thành bài thơ “Về Bắc Ninh đi em”. Hôm nay, khi mọi việc đã qua, ngồi với tôi trong căn nhà bình yên này, ông bảo: “Tôi là người hiền nhưng rất cục. Ai đã động đến tôi thì tôi phải làm cho “ra ngô ra khoai”. Đó là đấu tranh vì sự thật, vì lẽ phải và vì mục đích trong sáng”.
Giải thưởng lòng dân
Tôi hết sức ngạc nhiên khi ông kể mình chưa được giải thưởng âm nhạc lớn nào cả. Và việc có tên trong đợt xét duyệt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt này đã là lần thứ 4 liên tiếp của ông. 3 lần trước, ông đều trượt ở vòng cuối cùng, mặc dù những tác phẩm của ông đưa lên theo nhiều người đánh giá đều rất xứng đáng, rất có sức lan tỏa trong xã hội. Đợt này, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trình lên 3 bài hát của ông là “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” (thơ Lai Vu), “Hát về Người” (thơ Phạm Hổ) và “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”. 3 bài hát ấy dường như cũng là 3 chủ đề chính trong sáng tác của nhạc sĩ Đoàn Bổng. “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” có thể coi là đại diện cho những bản tình ca lãng mạn, bay bổng trong hàng trăm ca khúc về tình yêu đôi lứa của ông. “Hát về Người” có thể gọi là bài hát nổi bật nhất trong 7 ca khúc viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh của ông. “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi” cũng có thể đánh giá là “gương mặt sáng giá” trong hàng chục ca khúc về Thủ đô yêu dấu-nơi ông đã sinh sống, gắn bó suốt từ năm lên 8 tuổi.
Bàn về chuyện giải thưởng, bỗng nhạc sĩ Đoàn Bổng đọc mấy câu thơ trong bài “Giải thưởng lòng dân” mà một tác giả vừa tặng ông: Giải thưởng nào hơn giải thưởng lòng dân/ Giải thưởng ấy không gì sánh được/ Giải thưởng ấy mồ hôi nước mắt/ Được đắp xây không có tháng ngày/ Giải thưởng này không thể trao tay/ Cứ lặng lẽ không cần vội vã/ Mãi tỏa hương trong lòng khán giả/ Như mạch nguồn lòng đất sinh sôi... Ông từ từ nhấp một ngụm trà nóng rồi hạ giọng: “Có ý kiến cho rằng, nhạc sĩ chỉ cần giải thưởng từ lòng yêu mến của công chúng là đủ. Điều này theo tôi là chưa đủ, vì nhân dân ghi nhận là bằng trái tim nhưng Nhà nước ghi nhận là bằng dấu son trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của một nhạc sĩ”.
Thế nhưng ở một góc độ khác lạc quan hơn, tôi thấy ông còn có những “giải thưởng” khác mà có lẽ nhiều người viết nhạc phải ước ao. Bài hát “Bài ca Mặt trận Tổ quốc” của ông được chọn làm bài hát truyền thống của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà nhiều người thường gọi là “Mặt trận ca” tạo nên “bộ tứ ca” trứ danh cùng với “Đảng ca” (Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam) của nhạc sĩ Đỗ Minh, “Quốc ca” (Tiến quân ca) của nhạc sĩ Văn Cao, “Lãnh tụ ca” (Ca ngợi Hồ Chủ tịch) của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (thơ Nguyễn Đình Thi-Lưu Hữu Phước). Bài hát “Khúc quân ca Trường Sa” của ông với những ca từ hùng tráng “Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa” được chọn là bài hát quy định cho các đoàn thi hát trên tàu trước khi ra quần đảo Trường Sa. Rồi chùm 3 ca khúc viết về Thủ đô của ông là: “Hà Nội những kỷ niệm trong tôi”, “Thành phố ngàn năm văn hiến” và “Hà Nội của tôi” (thơ Quốc Toản) đã được dàn nhạc giao hưởng Rouen (Pháp) trình diễn tại Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đặc biệt, 4 câu thơ xúc động: An ninh khu V thời chống Mỹ/ Trăm người như một rất anh hùng/ Quên thân vì nước, vì dân tộc/ Các anh còn mãi với núi sông trong bài “Niệm khúc” của ông đã được Bộ Công an lựa chọn để khắc vào bia đá đặt trong Khu di tích An ninh khu V ở Quảng Nam.
Tâm hồn tuổi đôi mươi
Nhạc sĩ Đoàn Bổng sinh năm Quý Mùi-1943 nhưng những lần tiếp xúc với ông, tôi thấy dường như ông không có tuổi, lúc nào cũng thấy ông tươi trẻ, nhiệt huyết, khát khao được yêu và tràn đầy đam mê cống hiến. Ông thường quan niệm, mỗi năm qua đi đó là tuổi của thời gian chứ không phải tuổi của tâm hồn, nhất là với một người sáng tác âm nhạc thì phải giữ nguyên cảm xúc tuổi đôi mươi và không bị chi phối bởi bất cứ điều gì. Bởi thế mà người nghe vẫn thấy một Đoàn Bổng trẻ trung, bay bổng, trong sáng, vô tư, yêu đời như một chàng trai tuổi mới lớn mà có thể chỉ cần nhìn thấy một cô gái đẹp hay một hình ảnh nhân văn, lãng mạn nào đó cũng có thể làm ông xao xuyến, bồi hồi để “bật” ngay được ý nhạc. Điều đó lý giải cho một số ca khúc của ông ra đời gần đây mà người nghe thật khó đoán tuổi tác giả phần nhạc, như: “Nghe trong tiếng yêu” (thơ Trà My), “Hà Nội đêm” (thơ Trần Minh), “Ba Vì xanh mãi một tình yêu”, “Anh bắt đầu từ em” (thơ Quốc Toản)...
Cùng với những ca khúc về tình yêu đôi lứa, gần đây, ngòi bút của ông vẫn giữ được sự sắc bén qua nhiều chủ đề khác nhau mà tiêu biểu có thể kể đến là “Con phố mang tên ông” (thơ Vũ Quang Côn) hay “Nơi bạn tôi nằm” (thơ Nguyễn Thiện). Nếu như “Con phố mang tên ông” được đánh giá là ca khúc phác thảo thành công chân dung nhạc sĩ Văn Cao bằng âm nhạc thì “Nơi bạn tôi nằm” được đánh giá là ca khúc hay về chủ đề thương binh, liệt sĩ với những câu hát xé lòng người nghe: Dòng sông Thạch Hãn nơi bạn tôi nằm/ Dưới dòng sông sâu bao tầng đất lạnh/ Tuổi 20 tràn đầy nhựa sống/ Chưa một lần bạn gái cầm tay/ Đồng đội ơi, tôi gọi chiều nay/ Dậy đi anh, chúng mình gặp mặt/ Chia điếu thuốc trước giờ nổ súng/ Lá thư nhà mẹ nhắc tên anh...
Biết nhạc sĩ Đoàn Bổng ngoài sáng tác nhạc còn rất mê làm thơ và thường in vào những tấm thiệp nhỏ nhắn một đôi câu thơ để tặng bạn bè, tôi mạnh dạn đề nghị ông đọc câu thơ mà mình tâm đắc nhất. Ông tủm tỉm cười, suy nghĩ một lát rồi hạ giọng đọc: Dẫu anh tài giỏi mười mươi/ Cũng không sánh nổi nụ cười của em. Vậy là đủ biết trong người nhạc sĩ tài ba này luôn có một hình ảnh “em” đầy lãng mạn, mộng mơ có thể không thực nhưng là nguồn cảm hứng bất tận cho ông cất lên những giai điệu đẹp, những vần thơ bỏng cháy từ tận đáy lòng mình.
Nguồn tin: HNV
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn