Tổ chức tọa đàm về hai nhà thơ: Trúc Thông và Hoàng Nhuận Cầm

Thứ ba - 12/07/2022 06:55
Tổ chức tọa đàm về hai nhà thơ: Trúc Thông và Hoàng Nhuận Cầm

      Ngày 11/7, tại Hội trường Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức cuộc hội thảo toạ đàm "Nhà thơ Trúc Thông và nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm với Hà Nội thơ". Trong tham luận mở đầu hội thảo, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Sáng tác của HNV, chủ trì cuộc hội thảo đã nhấn mạnh sự đóng góp rất lớn của 2 cố nhà thơ với nền văn học đương đại và thi ca Thủ đô.

Nhà thơ Trúc Thông (tên thật là Đào Mạnh Thông), sinh năm 1940, quê Hà Nam, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đã qua đời lúc 7h sáng ngày 26.12.2021 sau chục năm bị đột quỵ, tai biến nằm liệt giường. Ông tốt nghiệp Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, về công tác tại Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu. Là một nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh giữ nước, ông đã để lại nhiều bài thơ ấn tượng. Các tác phẩm đã xuất bản: Chầm chậm tới mình (thơ,1985); Ma-ra-tông (thơ, 1993); Một ngọn đèn xanh (thơ, 2000); Vừa đi vừa ở (thơ, 2005); Trúc Thông thơ (2014); Văn chương ngẫu luận (lý luận phê bình, 2003); Mẹ và em (bình thơ, 2006); Trúc Thông tiểu luận bình thơ (2013). Ông được trao nhiều giải thưởng văn học: Giải thưởng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội 1990 - 1995, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2000, Giải B Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2016. Bài thơ Cao Bằng trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 (tập 2) là một trong những bài thơ nổi tiếng của ông.

Trong số các nhà thơ thuộc thế hệ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, có lẽ đến hôm nay, Trúc Thông là một trong số ít các nhà thơ của thời “cận đại” còn đối thoại được với những tìm tòi - cách tân của các cây bút trẻ ngày hôm nay. Vốn là một nhà thơ từ xưa đến giờ luôn nổi tiếng vì sự khắt khe, đòi hỏi ở chính mình cũng như những người làm thơ khác (nhất là những cây bút trẻ) một nỗ lực mới cho nền thơ đương đại của chúng ta, Trúc Thông và thơ của ông dường như không bao giờ chịu cũ, không khi nào chịu già, không bao giờ chịu dừng lại và thôi tìm tòi, thể nghiệm.

Có thể nói, trong mỗi bài thơ của mình, Trúc Thông đều cố gắng đưa vào một nét kiến trúc mới, hoặc một phát hiện mới, hoặc một ý tưởng mới…khiến chúng ta đôi khi phải kiểm tra lại các giác độ “thưởng ngoạn” thơ hiện đại của chính mình. Bởi dường như ở dưới tầng ngôn ngữ, câu chũ hạn hẹp ấy có một dòng chảy đời sống đang nhắc nhở chúng ta về nỗi đau của cuộc chiến tranh khốc liệt đã đi qua và những lo âu, trăn trở trong đời sống con người hôm nay.

Nhà thơ Trúc Thông (1940 2021)                          Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (1952 2021)

                  Nhà thơ Trúc Thông (1940 - 2021)                                              Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm  (1952 - 2021)                              
         Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, sinh ngày 7.2.1952, quê Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội (con trai nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Giác), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Năm 1969, Hoàng Nhuận Cầm học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; đến năm 1971 nhập ngũ vào binh chủng Phòng không – Không quân. Ông từng chiến đấu tại các mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; đến năm 1976 giải ngũ về, tiếp tục học Đại học. Năm 1981, ông về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và từng là Phó giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam. Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng văn học với các tập thơ: Thơ tuổi 20 (1974); Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983); Xúc xắc mùa thu (1992); Thơ với tuổi thơ (2004); Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007); 36 bài thơ tuyển chọn (2008). Ông đã viết một số kịch bản phim: Lầm lỗi; Đằng sau cánh cửa; Đêm hội Long Trì; Hà Nội- mùa đông năm 1946; Pháp trường trắng; Ai lên xứ hoa đào; Đoạn trường chiêm bao; Nhà tiên tri; Mùi cỏ cháy. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã được trao giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1972-1973; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993 cho tâp thơ Xúc xắc mùa thu; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2012

Cách đây hơn một năm, ngày 20/4/2021, nhà thơ nổi tiếng Hoàng Nhuận Cầm, người bạn thân thiết của tôi đã đường đột giã biệt cõi đời lắm hạnh phúc và cũng không ít khổ đau này. Anh ra đi để lại vô vàn sự tiếc thương trong lòng độc giả thơ và bạn hữu văn chương. Cách đây hơn ba chục năm khi Hoàng Nhuận Cầm in tập thơ “Xúc xắc mùa thu” (được trao giải thưởng Hội Nhà văn VN năm 1992), tôi đã được chứng kiến những thời khắc thăng hoa nhất của anh với thi ca khi chuẩn bị in tập thơ này.

Điều đáng trân trọng, thi ca đối với Hoàng Nhuận Cầm là một thế giới “Mắt trong leo lẻo nỗi buồn ngàn xưa” với nhạc điệu thơ như vỗ về, như chia sẻ để đánh thức người nghe, người đọc. Thứ thơ ấy, khó ai viết giỏi hơn Cầm. Tôi đồ rằng, thơ đương đại nước ta có hai thi nhân tạm gọi là “vua”. Đó là “vua thơ trẻ em” Trần Đăng Khoa và “vua thơ học trò, sinh viên” Hoàng Nhuận Cầm. Đố ai viết thơ trẻ con giỏi như Khoa lúc còn là thần đồng chục tuổi. Và, cũng đố ai viết thơ tuổi sinh viên hay hơn Cầm cách đây bốn chục năm.

 PV. 11/7/2022

 

Nguồn tin: HNV

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây