Vĩnh biệt nhà thơ Y Phương

Thứ ba - 15/02/2022 11:04
Nhà thơ Y Phương (1948 2022)
Nhà thơ Y Phương (1948 2022)

- Văn nghệ 23:50 09/02/2022

-Tác giả: Nguyễn Văn Dân

 

HỒN DÂN TỘC TRONG TẢN VĂN Y PHƯƠNG

   Nhà thơ Y Phương vừa rời bỏ cõi tạm vào hồi 20h50’ ngày 09/02/2022. Thông tin này khiến cho nhiều người không khỏi cảm thấy đột ngột và xa xót.

Y Phương là một nhà thơ người dân tộc Tày, có tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, sinh ngày 24/12/1948, Quê gốc: xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.

Năm 1968, Y Phương nhập ngũ, phục vụ trong quân đội đến 1981, chuyển về công tác tại Sở văn hóa thông tin Cao Bằng. Năm 1976- 1979, ông học trường Điện ảnh Việt Nam, rồi học khóa II (1982-1985) Trường Viết văn Nguyễn Du. Năm 1986, ông về công tác tại Sở văn hóa thông tin Cao Bằng. Từ năm 1991, ông là Phó giám đốc Sở văn hóa thông tin Cao Bằng. Năm 1993, ông là Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Cao Bằng. Đại hội Hội Nhà văn Việt nam khóa VI, ông được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

Các tác phẩm chính: Nói với con (thơ,1980); Người hoa núi (kịch bản sân khấu, 1982); Tiếng hát tháng Giêng (thơ, 1986); Lửa hồng một góc (thơ in chung, 1987); Lời chúc (thơ, 1991); Đàn then (thơ, 1996); Thơ Y Phương (2002); Thất tàng lồm (ngược gió, 2006), tập thơ song ngữ; Chín tháng (trường ca); Đò trăng (trường ca); Vũ khúc Tày (2015), tập thơ song ngữ… và nhiều tập tản văn khác

Nhà thơ đã được nhận Giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ quân đội, Giải thưởng loại A của Hội nhà văn Việt Nam (1987) với tập thơ Tiếng hát tháng Giêng, Giải A của Hội đồng văn học dân tộc – Hội nhà văn Việt Nam (1992) cho tập thơ Lời chúc. Giải B của UBTQ liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tập trường ca Chín tháng (2001), Giải B của Bộ Quốc phòng với Trường ca chín tháng (2001).

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Trong số các tác giả thơ xuất hiện từ sau 1975, Y Phương là một nhà thơ có bản sắc tương đối rõ, một giọng điệu đáng chú ý trong nền thơ Việt Nam nói chung và trong nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng. Nét độc đáo đó nằm ở cả nội dung và hình thức. Với Y Phương, thơ của dân tộc Tày nói riêng và thơ Việt Nam nói chung có thêm một giọng điệu mới, một phong cách mới.

Sự ra đi của ông thực sự đã để lại một khoảng trống trên văn đàn và trong lòng bè bạn, những người yêu quý ong và yêu quý thơ ông

Xin cúi đẫu tiễn biệt ông, một tài năng đặc biệt và một nhân cách lớn, và xin giới thiệu một đôi nét chân dung ông qua bài viết của tác giả Nguyễn Văn Dân mà tòa soạn đang có trong tay

Văn nghệ

 

    Y Phương là một nhà thơ người dân tộc Tày, quê quán ở làng Hiếu Lễ, xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, một huyện cực bắc của tỉnh Cao Bằng. Tên khai sinh ông là Hứa Vĩnh Sước, vì vậy, ông còn được gọi là “Người con trai làng Hiếu Lễ”. Học chưa hết cấp III, Y Phương đã xung phong đi bộ đội. Chàng trai Hứa Vĩnh Sước đã trải qua cuộc đời người lính đặc công và đến với thơ ca thật tình cờ. Những bài thơ đầu tiên được in báo năm 1973. Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ quân đội đến năm 1981 thì chuyển về công tác tại Cao Bằng. Ông bắt đầu thực hiện giấc mơ hồi trẻ là được đi học, trước hết học Trường Điện ảnh Việt Nam từ 1976 đến 1979, rồi học khóa II (1982-1986) Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông nhanh chóng trở nên nổi tiếng là một nhà thơ người dân tộc thiểu số. Năm 1986 ông về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Cao Bằng và từ 1991 là Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin của tỉnh. Từ 1993, ông là Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật Cao Bằng. Sau đó ông chuyển về Hà Nội công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam.

Y Phương là một nhà thơ của cả Việt Nam chứ không phải chỉ của riêng dân tộc Tày. Nhưng trong con người ông, văn hoá Tày đã tích tụ để làm nên thơ ca ông. Ông gửi gắm tâm tư tình cảm của con người Tày đối với đất nước và người dân Việt vào thơ. Thơ ông cho thấy những nhịp đập nhưng nhức của con tim người Tày trong nỗi niềm chung của dân tộc Việt. Nhưng có lẽ, khuôn khổ thơ không đủ không gian để nhà thơ giãi bày cảm xúc, nên ông đã phải dùng đến tản văn để bung toả nỗi niềm, những nỗi niềm về con người Tày, về văn hoá Tày, về thiên nhiên của người Tày. Những nhịp đập nhưng nhức của con tim trong thơ ông đã bung lên trong các áng tản văn. Năm 2016, ông xuất bản tập tản văn Fừn nèn - củi tết để nói về con người và văn hoá dân tộc của ông, một nền văn hoá làm nên linh hồn cho toàn bộ thơ văn ông. Văn hoá Tày là cái làm nên những giá trị nghệ thuật đặc trưng cho văn thơ Y Phương. Để hiểu rõ về văn thơ của ông, ta không thể không tìm hiểu những đặc điểm văn hoá trong các sáng tác của ông, trong đó đặc biệt là tản văn.

Đọc tản văn Y Phương, ta thấy như được tắm mình vào không gian văn hoá Tày. Đó là một nền “văn hoá khác” trong cái không gian đa dạng văn hoá của người dân Việt. Một sự đa dạng phong phú nhưng bình đẳng, như chính nhà văn đã khuyến cáo ngay từ bài tản văn thứ hai trong tập sách: “Văn hoá ăn thua ở chỗ khác nhau. Chứ không phải hơn kém.” (Băm sáu giờ say). Đúng vậy, văn hoá của mỗi dân tộc, nếu chẻ ra từng bộ phận mà cân đong đo đếm thì có thể có sự nặng nhẹ khác nhau. Nhưng đó là “khác nhau”, là “đa dạng” chứ không phải là hơn kém, mà so bì hơn kém để làm gì? Cái khác, cái đa dạng mới là quan trọng. Liên Hiệp Quốc cũng đã khuyến cáo: Sự đa dạng là một nguồn lực sáng tạo văn hoá. Tuy nhiên, đa dạng lại phải nằm trong sự thống nhất mới có thể có ổn định để phát triển. Tháng 9 năm 2012, người sáng lập và là Chủ tịch của Tổ chức Tiến bộ Quốc tế Hans Köchler đã viết một bài trên tạp chí Biên niên sử Liên Hiệp Quốc có tên là “Thống nhất trong đa dạng: Cách tiếp cận tích hợp đối với quan hệ liên văn hoá”. Trong bài viết này, Köchler khẳng định quan điểm “thống nhất trong đa dạng” là một chủ trương vì hoà bình và ổn định thế giới của UNESCO nói riêng và của Liên Hiệp Quốc nói chung. Không có đối thoại để thống nhất, thế giới sẽ có nguy cơ tan vỡ trong xung đột (“UN Chronicle”, tập XLIX, số 3, 2012, 9-2012). Trong tản văn của mình, Y Phương đã thể hiện đúng cái tinh thần “thống nhất trong đa dạng” của Liên Hiệp Quốc.

Nhà thơ khẳng định cái khác của mình không phải là để phủ nhận cái khác của người khác. Ngay từ đầu tập sách, Y Phương đã so sánh: Người Kinh nói: Anh em ruột rà; người Tày nói: “Anh em tò tạp. Nghĩa là anh em đạp nhau ra cửa sinh. Nhưng không phải dùng chân đạp thật lực. Nó giống như gạo, đậu, đỗ, ngô... đựng trong bao ruột tượng. Cứ lần lượt từ trong bụng dạ bà mẹ tòi ra từng đứa một”. Và ông kết luận về tinh thần “thống nhất trong đa dạng” rất hay: “Ruột rà” hay “tò tạp” thì cũng đều ở trong bụng mà ra. “Cả dân tộc ta (tức dân tộc Việt) tư duy bằng bụng. (...) Người Kinh họ nói: Tôi nghĩ bụng. Người Tày mình cũng nói: Nghĩ ở trong bụng. Khôn ở trong bụng.” (Băm sáu giờ bay). Thống nhất trong đa dạng hay đa dạng trong thống nhất, theo nhà thơ dân tộc Tày của chúng ta, chính là như thế.

Với lời khuyến cáo của nhà văn như vậy, ta sẽ phải đọc tập tản văn của ông để tìm hiểu văn hoá Tày. Đối với nhiều người Kinh hay người dân tộc khác, văn hoá Tày vẫn còn là một vùng xa lạ. Y Phương đã mở ra cho chúng ta một không gian văn hoá dân tộc đặc sắc. Những phong tục cưới xin; lễ tết; tục không ăn rau ngày mùng một tết; tục nấu “cháo ngựa” cho ông bà, cha mẹ; tục làm bánh “xì chen” có nhân “chạy lung tung đuổi nhau trong lòng bánh” (Bánh xì chen chạy lung tung); tục làm phúng xàng (lạp xường), một món ăn đặc biệt và ly kỳ của người Tày mà nghe nhà thơ kể ta đã thèm khát muốn thưởng thức (Phúng xàng lủng lẳng); tục trữ củi tết, với quan niệm rất đặc sắc cho rằng củi là giống cái, và đi liền với nó là quan niệm lửa là giống đực: “bố lửa mẹ củi”; tục kết bạn tồng; tục tảo hôn.....; tất cả hiện lên giống như những bông hoa lạ trên núi rừng cực bắc nước Nam. Đọc tản văn Y Phương, ta hiểu thêm chữ “tồng” tức là “sự giống nhau”. Kết bạn “tồng” là kết nghĩa bạn bè giữa những người cùng tuổi: “Bạn tồng là những người có cùng năm sinh, đồng niên đồng tuế. Có cùng gia đình. Có cùng sở thích. Họ hao hao có cùng hình dáng. Nghĩa là có nhiều cái cùng. Nhiều cái giống nhau thì càng tốt... Họ tự nguyện tìm đến nhà nhau để kết bạn ‘tồng’. Đây là nét đẹp văn hoá, ngày nay vẫn được mọi người tiếp tục duy trì”. Y Phương đã kết luận về “bạn tồng” như vậy (Tục kết bạn tồng). Về tục hái củi tết, người trung du dưới xuôi trước đây cũng thường xuyên đi hái củi. Nhưng ít người trong họ nghĩ đó là một công việc văn hoá, là “tục lệ”. Vậy mà dưới ngòi bút của Y Phương, “hái củi” hiện ra với những sắc màu tươi mới như một bộ tranh hoạt hình. Trong trang sách tản văn Y Phương, đi “hái củi tết” mà như đi hội, thậm chí còn vui hơn tết thật. Chuyện kể đi hái củi và việc mô tả các loại củi, từ củi gỗ nghiến sang nhất đến gỗ mạy puôn, cuối cùng là gỗ mạy công dùng để nhóm bếp, tưởng là khô khan như cái tên của nó mà lại giống như một bức tranh thơ (Fừn nèn).

Nói đến người nông dân Tày, Y Phương dồn hết lòng thương cảm dành cho họ giống như cho chính mình: “Những người nông dân họ đi như chạy. Người nông dân cả đời không dám ốm.” “Chưa thấy ở đâu có như những người đàn bà quê tôi. (...) Cả cuộc đời họ sống cho người khác. Hy sinh tuổi trẻ lẫn sắc đẹp cho người khác.” Nhưng “Trên thân mình những con người ấy, vẫn toả ra mùi dịu dàng tươi mát tự nhiên như đồng cỏ. (...) Đặc biệt cái mùi thơm cay của lá chàm.” (Ngọn khói lên trời). Đọc đến đây, ta mới hiểu vì sao người Tày mặc quần áo màu chàm.

Nói đến văn hoá Tày không thể không nói đến thiên nhiên. Thiên nhiên của Y Phương có ba nhân vật điển hình của núi rừng là: “đá” (mà nhà văn gọi là “bạn”); là “suối”; là “hoa”. Đá của quê hương nhà thơ là đá có hồn người: “Đá núi lô xô dạt vào nhau, tạo thành những lớp sóng cao ngất. (...) Sóng đá âm thầm ra điều nghĩ ngợi (...) Tôi còn nghe thấy đá hình như cãi nhau (...) Mỗi khi mùa xuân mới sắp sửa tràn về, ngoài trời có những đợt mưa lung lay bay bay, tôi lại nhớ và thương da diết những ‘người bạn’ đá” (Bạn đá). Suối của Y Phương là suối người, suối chứa đựng cả một thời ấu thơ, trai trẻ: “Suối no nê tiếng khóc, tiếng cười của biết bao lớp người làng tôi. Đấy là nơi hò hẹn của đám trai gái làng Hiếu Lễ.” (Sét đánh bờ phai). Và hoa, những bông hoa “có chân”. Những câu chữ của người Tày nói về hoa thì yêu kiều nghịch ngợm: bẹo hoa chứ không phải ngắt hoa, bẹo hoa như bẹo má con gái, trong mắt và mũi họ, hoa cũng đẹp và thơm như con gái Tày. (Hoa có chân hoa đi).

Văn hoá người Tày trong tản văn Y Phương hiện lên thật phong phú và đẹp đẽ. Nó đúc kết những sáng tạo thú vị của người dân hiền lành lam lũ, đặc biệt là tiếng Tày, một thứ tiếng nói ra nghe như tiếng sóng. Nhưng, giống như mọi dân tộc khác, nó cũng có những tục lệ văn hoá đau buồn: buồn nhất là tục tảo hôn. Có thể nói, tản văn Y Phương như là một tập thơ, trong đó có những bài vui và những bài buồn.

Đá, sỏi, suối, hoa, đâu đâu cũng thấy hồn người, hồn quê. Thiên nhiên cũng có hồn, có tình cảm, hay đó là tình cảm của nhà văn dành cho thiên nhiên? Ngay cả những đồ vật cũng có tình cảm, như nhà văn nói: “Những món ăn dân dã (...) là tình người. Ăn là ăn tình người. Ăn lấy mùi lấy vị chứ đâu phải ăn lấy no”. (Cháo ngựa).

Tình cảm của nhà thơ với quê hương da diết lắm. Thơ không chuyên chở hết được nên nhà thơ phải gửi vào tản văn. Cái tình cảm đó nó không còn nhưng nhức trong những câu thơ, mà nó vỡ oà ra thành những dòng chảy lai láng không một chút che đậy: “Quê hương với mọi người con, đều tuyệt vời như nhau cả. Bởi thế một tấc đất, một giọt sương, một ngọn cỏ... đều có hồn thiêng sông núi trú ngụ.” Cái tình cảm của người sống xa quê lại càng da diết, dứt day: “Tôi đi xa quê đã lâu”, nhưng “Tất cả quê hương Trùng Khánh đang thở trên người tôi”; “thân xác thì đi, nhưng hồn còn ở lại quê nhà. Hễ nghe thấy tiếng sỏi lăn trên đường, là hồn tôi rơi ra. Xin người hàng xóm đừng giật mình. Sỏi đá chính là tôi.” (Đêm nằm nghe sông kể). Vâng, nhà thơ là sỏi đá, và sỏi đá cũng là quê hương.

Là một người con Cao Bằng xa quê, Y Phương như thấy mình mang nợ với quê hương. Ông không chỉ vui với văn hoá quê hương, mà ông còn luôn đau đáu về những mất mát, mai một của nó trong thế giới hiện đại. Hãy giữ lại văn hoá dân tộc. Đó là tâm nguyện của Y Phương. Suy nghĩ của ông trùng hợp một cách may mắn với tư tưởng của Liên Hiệp Quốc: Bảo tồn văn hoá dân tộc là bảo tồn các nguồn lực sáng tạo của loài người. Phục dựng đền thờ không chỉ là chuyện khôi phục một di tích vật thể, mà đó là sự phục hồi văn hoá: “Ngày nay, trên khắp nước mình, đâu đâu cũng rùng rùng tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống. Nhắc đến chuyện này, cay lên sống mũi tôi như xát ớt. Liệu còn có ai, người nào để tâm huy động dân hai làng dựng lại ngôi đền Thần Nông. Để con cháu đời đời tưởng nhớ công đức ngài đã dày công dạy dân mình làm ra hạt gạo. Đừng mang tiếng vô ơn, kẻo rồi chết không nhắm được mắt.” (Sách của dân cày). Đặc biệt, nói đến văn hoá là nói đến ngôn ngữ. Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố: Mỗi một ngôn ngữ mất đi là một nền văn hoá mất đi. Như thể nghe được thông điệp này, Y Phương đã cất lên một tiếng kêu não nề với ngôn ngữ của dân tộc mình: “Chữ slư nam đi đâu rồi?”

Hồn văn hoá dân tộc Tày trong tản văn Y Phương chính là hồn sống của ông mà ông tha thiết neo giữ. Nó chính là nguồn sáng tạo thơ văn của ông.

(Đầu xuân Nhâm Dần, ngày nhà thơ Y Phương đi xa)

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây