21:34 03/06/2021
Nhà thơ Hữu Thỉnh
Thương nhớ Vũ Duy Thông
Nhà thơ Vũ Duy Thông ( 1944 - 2021 )
Câu thơ viết năm mười bảy tuổi, ai dè lại vận vào lúc tuổi già. Hồi ấy, chúng tôi náo nức lắm. Những rộn rực của tuổi trẻ, những ngọt ngào từ chân trời vừa xịch mở làm cho lũ học trò sớm cảm thấy cái chật chội của sách giáo khoa. Thế là chúng tôi tìm đến với nhau. Và cuộc hò hẹn đầu tiên là trên các số báo tường. Những bài thơ đầu tay Vũ Duy Thông ký tên là Hoài Lâm. Mấy năm kháng chiến, anh đi học ở Tuyên Quang, Thái Nguyên, vùng tự do của Vĩnh Phúc, hòa bình về phố thị, nên cảm thấy nhớ rừng là phải. Có lần Thông tâm sự “Mình chỉ mong sau này thành một nhà thơ, nổi tiếng bằng ông Hoàng Trung Thông là sướng rồi”. Tôi thì dè dặt nhiều lắm, chỉ lặng lẽ rủ Thông vào Hội văn học khối 8 rồi cùng nhau làm tờ báo “Văn Sử Địa” của khối đã lấy làm hãnh diện lắm. Chữ Thông viết rất đẹp, cứng cáp, và rành rõ. Anh học đều các môn. Còn tôi thì học lệch từ năm lên lớp 8.
Ngôi trường của chúng tôi thoạt tiên có tên là Trường cấp III Nguyễn Thái Học, sau đổi thành trường Trần Phú, là trường cấp III duy nhất của tỉnh lúc bấy giờ. Trong kháng chiến đóng ở làng Han, xã Ngọc Mỹ, huyện Lập Thạch, hòa bình lập lại chuyển về Thị xã Phúc Yên rồi chuyển tiếp lên Thị xã Vĩnh Yên. Chúng tôi được gọi thức nhờ trường có nhiều thầy giáo giỏi, giỏi và rất biết cách khai nhãn lũ học trò yêu văn chương là thầy Nguyễn Chân, thầy Ngọc Vĩnh. Chúng tôi còn có niềm tự hào về một người anh vốn là học sinh rất giỏi văn của nhà trường là nhà thơ Ngô Văn Phú, đạt giải nhì cuộc thi ca dao những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Yêu văn như thế nên chúng tôi xem những buổi ngoại khóa là thiên đường, và từ những cuộc thi thơ được tổ chức rậm rịch đã hình thành một nhóm cốt cán với những cái tên Trần Danh Lân, Nguyễn Bách, Bùi Đăng Sinh, Vũ Duy Thông, Hữu Thỉnh, Ngân Vịnh, Vũ Đình Minh,... có thơ đăng trên các báo Văn học, Tổ quốc, Độc lập, Văn nghệ quân đội, Người giáo viên nhân dân và các tập sáng tác của tỉnh. Đang trên ghế nhà trường mà có thơ đăng trên các báo chí ở Trung ương và địa phương thế cũng đã có thể xem là sự hé lộ những năng khiếu. Hồi ấy còn lâu chúng tôi mới biết đến thế nào là đề tài, là chủ đề. Chỉ có cảm giác rất rõ là phải mở rộng cái bán kính vốn rất hạn hẹp của những gã thư sinh tỉnh lẻ thì mới có thể viết được. Vậy nên mới có những buổi tôi rủ Thông vào rừng Tam Đảo kiếm củi. Củi thì chỉ kiếm được mấy cành cong queo nhưng bầu trời, gió núi, những vạt sương mờ ảo loang lổ trong các thung lũng thì chúng tôi kiếm được rất nhiều. Ấy thế mà Thông có thơ. Một bài thơ khá chững chạc viết về người công nhân lâm nghiệp, với câu kết. “Sáng dậy gặp mây trước cửa lều” khá ấn tượng.
Tạng Thông không khỏe từ nhỏ. Anh lại là con một trong một gia đình trí thức có nề nếp, nên được chăm sóc như một cậu ấm. Ngẫm ra các môn thể thao, không có môn nào kéo được anh vào cuộc cho hết mình. Chỉ có mơ mộng là môn hút hết hồn vía anh. Do vậy, muốn tìm anh, tốt nhất là đến các hiệu sách tư nhân, anh hay la cà ở đó. Nhiều khi nhịn ăn quà sáng để mua sách. Ở tỉnh lẻ, kiếm được một quyển sách hay đáng được xem là một sự kiện. Thông cho tôi mượn khá nhiều sách. Đến bây giờ tôi vẫn muốn nói lời cám ơn anh về điều đó.
Sau ba năm cuối cấp phổ thông chúng tôi đứng ở ngã ba đường. Cuộc đời giang tay đón chúng tôi về mọi ngả. Nhưng chúng tôi cũng không phải lựa chọn lâu: Cả nhóm thi vào Tổng hợp văn, dù biết trước là rất khó. Nhưng đến ngày 29 tháng 6 năm 1963 ấy thì cuộc sống bắt đầu can thiệp vào những giấc mơ: Tôi đi bộ đội, Vũ Duy Thông về Hà Nội làm một cuộc lều chõng quyết định trong đời. Thông kể: “Khi mình ngồi vào bàn thi, thấy hai dòng chữ Nguyễn Hữu Thỉnh và Vũ Duy Thông ở hai đầu bàn, nhớ ông kinh khủng. Đến khi điểm danh, thầy đọc tên ông, tôi phải đứng dậy: Thưa thầy, bạn ấy đi bộ đội rồi ạ.”
Phải hơn một năm sau ngày tôi nhập ngũ thì đế quốc Mỹ mới phát động cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Trong thời gian đó cuộc sống của tôi lại phân thân ra làm hai mảnh: ngày làm người lính, tối mơ vào trường Đại học. Tôi đơn giản nghĩ rằng, con đường duy nhất để theo nghiệp văn chương dứt khoát phải học qua đại học Tổng hợp Văn. Kết thúc đợt huấn luyện cơ bản, tôi được thưởng ba ngày phép. Và tôi đã dùng nó để về với Vũ Duy Thông. Lúc này khoa văn của trường đã sơ tán về đường Láng. Hóa ra sinh viên cũng phải nằm giường hai tầng. Anh Phan Cung Việt nằm giường trên đã vui vẻ nhường chỗ cho tôi. Bữa cơm sinh viên chỉ có một bát cơm và một quả mì luộc. Nhưng tôi ăn thật ngon lành vì được ngốn Thi nhân Việt Nam và được Vũ Duy Thông chỉ cho một chàng sinh viên dong dỏng cao đó là Ca Lê Hiến.
Tốt nghiệp ra trường Vũ Duy Thông được cử về Thông tấn xã Việt Nam, khởi nghiệp bằng nghề báo. Địa bàn anh được cử đến đầu tiên là Hà Tĩnh, một trong những địa phương có cường độ bắn phá ác liệt nhất. Cuộc sống ở vùng tuyến lửa chẳng nuông chiều bất cứ một ai. Vũ Duy Thông thay đổi. Anh bắt nhịp khá nhanh với những vấn đề sống chết nơi tuyến lửa. Chính ở nơi cái chết rình rập khắp mọi nơi lại là nơi ươm mầm cho tình yêu và lòng dũng cảm. Tháng 12 năm 1967, tuần báo Văn nghệ in trang thơ chọn lọc của các cây bút trẻ, trong đó có bài “Từ góc phố này “ của Vũ Duy Thông. Bài thơ được dư luận rất chú ý vào thời điểm đó. Hai năm sau, bài thơ “Bè xuôi sông La” của anh đạt giải ba cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ. Tôi ngạc nhiên về sự già dặn trong bút pháp của Vũ Duy Thông.
Trong đời Vũ Duy Thông sống bằng nghề làm báo, do đó anh có nhiều điều kiện xê dịch. Những năm chiến tranh ác liệt nhất anh từ Hà Tĩnh về Hải Phòng lên Thái Nguyên, theo bộ đội làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Ai tính hết những thử thách nơi chiến trường, càng khó tính hết những thử thách ở hậu phương. Hai cụ chỉ có người con duy nhất là Vũ Duy Thông. Một đứa con duy nhất mà luôn luôn được ném vào nơi hòn tên mũi đạn, nói theo các cụ ngày xưa là trứng để đầu đẳng. Vậy mà anh vẫn đi, vẫn sống, vẫn viết, lặn đến tận đáy mọi thử thách hiểm nghèo. Có biết đến điều đó, ta mới đánh giá hết cái run rẩy, cái tinh túy của tâm hồn anh khi tình yêu trào lên đầu ngọn bút:
Nhận ra được những ngã ba cũng tức là đã nhắm được cái đích đến. Vũ Duy Thông rất bền chí tiến thủ. Có lẽ đó là bài học anh rút ra sau những buổi đấu trí quanh bàn cờ. Anh rất say và rất có năng lực về môn thể thao trí tuệ này. Vừa làm báo, anh vừa học. Làm tiến sĩ Mỹ học, làm phó giáo sư, rồi lại học thêm cả cử nhân kinh tế. Anh không bằng lòng làm một nhà thơ mà vươn lên tầm một trí thức. Đó là một nghị lực đáng khâm phục. Thơ xanh xuất hiện khá đều: Nắng trung du (1977), Những đám lá đổi mầu (1982), Tình yêu người thợ (1987), Gió đàn (1989), Trái đất không chỉ có một người (1991), Chối từ cô đơn (1998), Cuộc đời sẽ cứu rỗi (2003)... Và hàng chục đầu sách cho thiếu nhi. Anh rất hóm và có tài kéo dài tuổi thơ của mình. Vì vậy thơ thiếu nhi của anh được rất nhiều bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích. Và cả người lớn, tất nhiên. Bút pháp thơ Vũ Duy Thông ngày càng trở nên đa dạng. Từ những tập thơ say đắm, nồng nàn thời trẻ, thơ anh tiến dần đến những mảng đời trần trụi, những suy tưởng đậm chất thế sự. Bài thơ “Cụ già và chiếc ba lô” ghi dấu một bước chuyển trong thi hứng của anh. Anh muốn nén lại cái tài hoa sở trường để nhường chỗ cho sự sống lên tiếng:
Ở đây, nhà thơ hơi giấu mình đi một chút để cho sự sống cất lời, cốt tạo nên hiệu ứng tối đa cho thơ. Đó là hướng phấn đấu của Vũ Duy Thông khi mà sự trải nghiệm đã được tích lũy qua nhiều năm tháng. Tình cảm, cảm xúc nhiều khi bị nén lại, nhà thơ đứng lùi xa một chút, câu chữ cũng giản dị đi nhiều. Ấy là khi câu chuyện thế sự làm tấy lên mọi nỗi niềm. Chiếc bàn đá bên bờ biển là một câu chuyện thế hệ vừa vui vừa buồn. Cái nơi ta kề cà nói với nhau đủ mọi chuyện trên đời, say sưa đến mức quên mất rằng có một cặp tình nhân trẻ đứng bên cạnh đang sốt ruột đợi ta đứng lên để thế chỗ. Đây đâu phải chỉ là một câu chuyện tình, mà là chuyện đời nghiệt ngã, là cái vô thường chẳng riêng ở thời nào và ở bất cứ đâu.
Con người đa cảm giàu yêu thương ấy lại là người rất kiên cường chống trả với bệnh tật. Sau khi nhận sổ hưu, anh phải đặt stel chữa bệnh mạch vành, rồi lại bệnh viêm tắc tĩnh mạch, bệnh suy hô hấp. Mỗi lần đến thăm, thay vì nói chuyện thơ phú, chúng tôi loanh quanh nói chuyện thuốc hay thầy giỏi. Tôi lặng lẽ chia sẻ cái đớn đau của anh trên từng bước đi, từng hơi thở. Mỗi bước đi của anh trở nên khó khăn như người bước qua ngàn dặm. Anh âm thầm nén chịu bệnh để làm yên lòng những người xung quanh. Bạn bè thương nhau quá mà đành bó tay không thể làm gì được. Mỗi lần đến thăm lại thấy anh xuống sức, tôi lo lắm.
Bây giờ thì mọi chuyện vui buồn đã lùi lại phía sau. Vũ Duy Thông bình thản đi về phía ấy!
Một tình bạn hơn 60 năm đã chia sẻ buồn vui mọi sự ở đời. Một tình bạn đã coi nhau như ruột thịt. Lúc nào cũng cảm thấy luôn có nhau bên cạnh. Thương nhau hiểu nhau như hình với bóng. Nay đọc lại những gì anh viết, từng con chữ nức nở dưới đèn.
Thế đấy. Mới đấy mà bây giờ... Thông ơi!
Nguồn Văn nghệ số 23/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn