Phần 1: Lê Lựu và Trần Đăng Khoa
Nhà văn Lê Lựu và người em "thần đồng" - nhà thơ Trần Đăng Khoa có không ít lần tranh cãi văn chương với nhau. Họ có thể không khai khẩu trực tiếp hoặc bút chiến như các nhà phê bình thường làm mà có một phương cách riêng khá lạ lùng: Họ khai tâm cho nhau...
Nhà văn Lê Lựu, người con Hưng Yên ưu tú trong các sáng tác văn xuôi. Cuộc đời ông là một tấm gương của nghiệp viết: luôn chiến đấu trước cái xấu, cái ác một cách mạnh mẽ và độc đáo; chiến đấu trước sự trì trệ trong tiến trình phát triển của xã hội...
Cuộc chiến đấu này rất gian khổ, đòi hỏi một đức hy sinh bền bỉ, đôi khi thua thiệt và cả sự thị phi trước những người, những thế lực xấu xa. Đã có lúc các nhà văn núng thế, bất lực trước bao nhiêu thói tật đầy dẫy xung quanh mình. Những thói tật xấu xa ấy còn được tiếp tay bởi không ít thế lực với động cơ trục lợi từ mồ hôi xương máu của nhân dân. Tuy nhiên, phải khẳng định, ở đâu và bất cứ khi nào, thói đạo đức giả, lối sống lệch lạc, hay việc điều hành xã hội một cách hình thức, nhân dân còn chịu đói khổ và dốt nát thì hiển nhiên các nhà văn sẽ còn phải đảm đương cái nhiệm vụ rất nặng nề này. Lê Lựu cũng không khác. Nó đòi hỏi ngòi bút của nhà văn đưa ra phải sắc bén và hữu lý.
Thời gian gần đây, nhà văn Lê Lựu đột nhiên quay sang gây dựng và tổ chức thành công Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam. Một mô hình mới mẻ, năng động và đã trở thành bức thiết với mỗi người Việt Nam yêu nước. Mục đích trung tâm là đánh thức, khơi dậy và bồi dưỡng thêm phần Văn hóa - một thế mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam Văn hiến, hiếu học và trượng nghĩa. Nó rất trắc trở và gian nan! Có những lúc sóng gió nổi lên rất dữ dội, kể cả là sóng ngầm chĩa vào ông, muốn quật ông ngã xuống. Nhà văn Lê Lựu, bằng một cái tâm minh định, một tấm lòng son sắt, thuỷ chung, cộng với một trí tuệ mẫn tiệp đã xuất sắc từng bước vượt qua tất thảy. Ông như cây cột cái xây dựng lên Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam với những hoạt động rất hiệu quả, hữu ích trong những năm qua
Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam thực chất là một tổ chức doanh nghiệp khá đặc biệt và vị giám đốc khả kính, nhà văn Lê Lựu cũng đặc biệt không kém.
Rất băn khoăn khi đặt bút viết về nhà văn Lê Lựu. Bởi lẽ, ông quá nổi tiếng. Cũng bởi lẽ như tôi biết, thực lòng ông không muốn anh em bạn bè hoặc học trò như tôi viết về cá nhân ông. Viết về công việc của ông, của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam do ông làm giám đốc thì ông hoan nghênh. Còn bảo: “Trung tâm của tớ hoạt động hiệu quả thế mà các cậu chả chịu tuyên truyền gì cả, lại đi vẽ rắn thêm chân. Hay là định phá hoại tớ. Rõ thật là!”.
Một hôm, gần đây thôi, một nhà văn trẻ bảo tôi: “Ông ạ, bác Lựu nhà mình ấy mà, thực ra là mới nổi tiếng, nổi tiếng qua cuốn sách và các buổi nói chuyện của nhà văn sau lần đi Mỹ. Hai quốc gia từng có quá khứ nhiều chiều với nhau nên ai đi đi về về cái thời điểm nhạy cảm ấy thì nổi tiếng. Sau đó người ta mới đi tìm sách của cái ông nhà văn này, mới ồ lên: “Ơ, Mở rừng, Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Hai nhà, Chuyện làng Cuội... sao nó hay thế, văn hay đã đành, vấn đề hay, cuộc đời lắm, thấm lắm, thính lắm!…”. Thế đấy, xã hội ở ta có lúc, có nơi rất lạ kỳ, viết lách đã mấy chục năm, tác phẩm đã dày dặn, đã kiên định, đã chính trị, đã văn hóa, đã nhân dân mà không ai để ý đến.
Nhà văn Lê Lựu và tác phẩm Thời xa vắng
Nhà văn Nguyễn Minh Châu, bậc đàn anh của Lê Lựu rất tin tưởng tài văn Lê Lựu. Ông từng khẳng định văn nghiệp Lê Lựu sẽ rực rỡ nhưng lại chẳng ai tin. Ngay cả Nguyễn Minh Châu, lúc đương thời, trong những sáng tác về cuối đời, ông đã có một sự biến chuyển rất mạnh mẽ, rất khác ông trước đó. Đã có lúc, người ta còn cố làm ra không hiểu ông hoặc hiểu chệch đi. Do đó, sự bùng phát của Lê Lựu dẫn đến sự nổi tiếng như một sự lạ với chính bản thân Lê Lựu vậy.
Nhà văn Lê Lựu có cậu “em trai” thần đồng, đó là nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đã có không ít dạo, nhiều người tốn rất nhiều giấy mực về hai anh em nhà này. Đặc biệt, những dịp báo Tết thì dường như không báo nào “thần đồng” và bậc đàn anh không xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Họ mang đến những thú vị đậm đà “tiêu ớt giấm tỏi” cho người đọc. Phải nói rằng, ngoại trừ những cống hiến và thành công trong sáng tác thơ văn thì Lê Lựu và Trần Đăng Khoa chắc chắn là hai nhà báo có hạng.
Trần Đăng Khoa viết báo hóm hỉnh, sâu sắc, nhiều khi không kém gì thơ của anh. Những nhận xét của Trần Đăng Khoa trong các bài báo hoặc trả lời phỏng vấn báo chí là cái nhìn đôi lúc chỉ “thần đồng” mới có. Ví dụ như trong một cuộc trò chuyện được truyền hình trực tiếp đêm cuối năm, “thần đồng” cứ ngồi lỉm dỉm như lẫn vào những cây đa cây đề hoặc các nhân vật “ngôi sao” ở các lĩnh vực khác nhau. Đến Khoa nói thì ai ngờ ông lại có ước muốn rất “tầm vóc” quốc tế: xuất khẩu trí tuệ. Trần Đăng Khoa bảo, nước ta bây giờ nên chú trọng đến công tác xuất khẩu trí tuệ, vì chỉ một mẫu của trí tuệ được xuất khẩu đúng với vị trí của nó thôi đã bằng bao nhiêu tấn lúa gạo mồ hôi mồ kê của bà con cô bác nhà mình rồi. Khoa nói với vẻ mặt rất nghiêm và có vẻ hơi buồn, một cái buồn cố hữu nơi “thần đồng” chăng?
Lúc ấy lại nhớ cái lần tôi “thỉnh” anh tới nói chuyện với các sĩ quan trẻ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh về thời kỳ anh ở Trường Sa. Hôm ấy, anh nói rất hay về hình dáng bản đồ Việt Nam như in từ dáng hình của những bà mẹ lam làm, hy sinh và hy sinh, gian nan và gian nan, giông bão mà kiên trinh bất khuất vô cùng. Mọi người đã lặng đi khi nghe anh nói. Cả các cấp lãnh đạo lúc đó cũng lặng đi. Thần đồng Trần Đăng Khoa có những lúc thăng hoa như vậy. Như có một vị thần linh nào nấp sẵn mà mách nước cho anh.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa
Nhà văn Lê Lựu và người em "thần đồng" - nhà thơ Trần Đăng Khoa có không ít lần tranh cãi văn chương với nhau. Họ có thể không khai khẩu trực tiếp hoặc bút chiến như các nhà phê bình thường làm mà có một phương cách riêng khá lạ lùng: Họ khai tâm cho nhau. Không phải lúc nào họ cũng đồng thuận, vì một lẽ dĩ nhiên là cả hai đều bướng bỉnh có hạng. Tuy nhiên, trong thâm tâm, hẳn nhiên hai vị “tiểu bồ tát” này chắc là luôn bái phục nhau về nghề nghiệp, về các sáng tác hoặc về đời sống chẳng hạn, nhưng trên các kênh thông tin thì chưa chắc. Nhiều người tưởng bở: ơ hay, hai cái nhà bố này tài đến nỗi nào, tác phẩm đến nỗi nào mà cứ choang nhau tối tăm như thế. Lại còn moi móc những ngoại hình chum vại, tóc xoăn mũi lõ, ăn mặc, giầy tất lôi thôi lên mặt báo thì còn ra thể thống gì!
Thực ra là hai vị ấy rất thương yêu, rất đoàn kết, nhất trí với nhau. Lê Lựu rất thương yêu, đoàn kết với Trần Đăng Khoa vì họ đều là nông dân đặc hạng. Không nông dân làm sao thơ Khoa chỉ những hương sen, hương súng, hương bưởi, hương cam, hương lúa, hương may; rồi thì dế mèn, giun đất, cánh cam, muồm muỗm; cao xa hơn thì sông núi, ruộng đồng; cao vời vợi thì trăng sao, vũ trụ... Đó cũng chỉ là cái nhìn hồn nhiên lương thiện của anh nông dân bờ bãi sông Hồng.
Lê Lựu cũng vậy. Vẫn là những bến sông cá mú, bãi đay, bãi sậy, hoa nhãn, hoa dâu; và đặc biệt là những con người, những người nông dân bảo thủ, khờ khạo, nhút nhát, lam lũ, sống và chết trên cánh đồng làng mình. Khi có giặc giã thì cuốn đi chấp nhận hy sinh, chấp nhận thua thiệt chứ nào một ai tính toán mơ đến ngày được đeo huân huy chương về làng, làm cán bộ to, là trung tá, đại tá. Rồi hết giặc, ai còn sống lại về, lại lam lũ như thế, có khi còn bi kịch hơn thế là đằng khác. Mà cũng từ đó, những tác phẩm của nhà văn mới ra đời.
Có thể nói thẳng ra rằng, Lê Lựu chép nguyên chuyện đời sống của nhân dân quê ông, có không ít đoạn từ chính cuộc đời nhà văn ra trang giấy cũng không có gì sai cả. Trần Đăng Khoa cũng thế. Họ cứ đua nhau chép đời sống của nhân dân ra. Có chỗ tích cực, có chỗ vân vi và có cả những tiêu cực ở đời sống này mà các nhà thơ, nhà văn dũng cảm đưa vào. Chính vì thế, họ cũng bị “tuýt còi” như ai. Cơ mà nông dân thì không sợ gì. Nói như Lê Lựu: điếc không sợ súng!
Ông em “thần đồng” Trần Đăng Khoa hóa ra cũng giúp Lê Lựu đắc lực ra phết. Khi anh em cứ í ới trên báo chí thông tin như vậy, nghiễm nhiên Lê Lựu giảm thiểu được chi phí tuyên truyền. Dùng được Trần Đăng Khoa làm tuyên truyền, quảng cáo thì cho dù hàng hóa có ế sặc ra đấy nhưng người đời vẫn nhòm ngó, hoan nghênh. Lê Lựu có việc gì mời Trần Đăng Khoa cũng đến, đến rất sớm tiếp đón khách khứa cho ông anh. Khoa bắt tay khách, nói mấy câu rất tinh quái khiến khách dù phong bì chẳng có cũng hớn ha hớn hở. Có khi Khoa chưa chắc thuộc tên, nhớ mặt khách là ai, làm gì. Đại loại với những người viết trẻ, Khoa thường nói: chú, thím viết rất hay, rất khỏe, anh đọc rất thích. Với các bạn đồng niên đồng môn Khoa cũng khen. Các bậc bề trên thì anh chúc mừng sức khỏe chẳng hạn, nên cảm thấy... rất tuyệt là vậy!
Một hôm, cách đây hơn mười năm, Lê Lựu đưa cho tôi một tờ giấy A4 đã vi tính, hớn ha hớn hở: “Này, đơn xin về hưu của tao, cho mày đấy!”. Vậy là Lê Lựu sẽ làm giám đốc thật rồi!...
Tôi, chàng trai hăm sáu hăm bảy, phấn đấu mờ mắt chưa được vào biên chế, nghe chuyện về hưu của ông như sét đánh mang tai, tò mò đọc lá đơn nọ. Đơn rất ngắn, đại ý “… Tôi, Lê Lựu, đại tá, nhà văn nhập ngũ ngày… đã 40 tuổi quân, nay đến tuổi 58, xin các cấp có thẩm quyền cho về hưu để lo việc gia đình….”. Cha ơi là mẹ ơi! Lo việc gia đình mà chọn cái thời điểm này thì phi Lê Lựu quá! Ai nghe cũng không thể cả tin thế được. Bảo là đủ tuổi, ừ. Bảo là đủ năm công tác, ừ. Hoặc là năng lực hoặc là gì gì chứ viện dẫn lý do thu xếp việc gia đình, lại là gia đình nhà văn nghe nó thế nào ấy, cứ hài hài, cứ chương chướng như là móc máy giễu cợt gì ai. Chắc Lê Lựu tự giễu cợt mình? Đọc xong, tôi chưa kịp nói gì thì nhà văn đã đi đâu mất. Coi như một điều thú vị dành cho người học trò được ông quý mến, cũng là người đồng hương mà đi đâu đó, khi có tí men là tôi bốc khí: “Ai đồng hương Lê Lựu thì gặp tôi”. Nhiều người trố mắt, nhìn kẻ nói như người giời.
Thực ra mọi chuyện với Lê Lựu đều diễn ra rất nghiêm túc. Tuy nhiên, khi trở thành Giám đốc Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam thì sự nghiêm túc kia mới được dịp thể hiện đầy đủ, kiện toàn nhất, nghiêm túc đến nỗi nhiều người không chịu được. Họ không chịu được thì bỏ đi. Lê Lựu mặc kệ. Ông cứ khư khư cái nghiêm túc của mình vì nhiệm vụ của ông bây giờ là khẳng định, bảo vệ và phát triển cái phần Văn hoá trong các Doanh nhân. Là Lê Lựu tự đặt ra cho mình một nhiệm vụ như thế chứ có ai xúi bẩy gì đâu, càng không một ai giao cho ông nhiệm vụ đó.
Có một dạo, người đời ồ lên: “Cái lão Lựu này khôn dóc, bênh doanh nghiệp rồi nó lại quả cho...”. Lại không ít ý kiến bảo: “Già còn dại, nổi tiếng còn muốn chuốc vào tai tiếng thì cho chết. Dây với doanh nghiệp, đi tù là cái chắc. Lão này sẽ đi tù...”. Lê Lựu không sợ, cứ cười hì hục và giữ vững nguyên tắc của mình: Việc mờ ám không làm; việc không liên quan Văn hóa Doanh nhân có tiến bộ không làm; việc không có lợi cho doanh nghiệp về vấn đề Văn hoá không làm; cho tiền không rõ mục đích không lấy; ai bày trò làm ăn mù mờ không quyết; ai không đồng ý không nhận; đã nhận thì ký cho nghỉ... Lê Lựu bây giờ ưa ký lắm. Lắm lúc tôi cứ thấy ông mê mẩn ngắm chữ ký và con dấu của mình mà mụ mị cả đi. Rồi ông như người mộng du chả hiểu thế nào.
Lại có một chuyện thế này, trong một cuộc họp rất quan trọng, có một người tự cho là quan trọng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của một bộ ngành, cụ thể là văn chương đã khơi khơi trên diễn đàn bảo: “Các văn nghệ sĩ của bộ ngành ta được đãi đằng tốt lắm, quyền lợi nhiều lắm mà lại tìm cách ra ngoài cả. Như là tôi thì tôi không đồng ý, sướng thế, lương thưởng các thứ cao thế ra làm gì, nhuận bút viết gì nhận lấy, tiền trăm tiền triệu…”. Nghe qua bỗng thấy sự thớ lợ và xiểm nịnh vô cùng! Hóa ra sự phi văn chương đã nhảy tận đến diễn đàn rồi, bô bô rồi, đã đơn giản quy ra tiền ra lợi rồi. Đã thế thì làm gì anh em văn nghệ sĩ đích thực chả bỏ đi. Các cụ nhà ta chả đã dạy rằng: “Khi kẻ tiểu nhân đắc chí thì người quân tử phải trốn ngay, càng xa càng tốt” là gì. Giờ mới à ra rằng, sự xin về hưu đúng thời hạn của Lê Lựu, rồi bôn ba phần cuối cuộc đời ông là một cuộc chiến đấu mới, xung trận mới trong một thế trận ít ai lường ra nhất. Lê Lựu mặc kệ những thị phi và đi lên trên những thị phi.
Tôi nhớ lần đầu gặp nhà văn Lê Lựu là vào mùa hè năm 1995. Năm đó, tôi đi dự trại viết của Văn nghệ quân đội. Lúc bấy giờ Lê Lựu là trại trưởng, đọc tác phẩm văn xuôi cho anh chị em. Hồi này, chị Như Bình và chị Thanh Hà (hiện nay đã là các Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam) rất xinh đẹp. Hai người coi như chiếm khá nhiều thời gian và tình cảm của Lê Lựu nên tôi nhờ đó và nhờ vào thế mạnh đồng hương, thế mạnh binh nhì mà tiến công. Ông đọc sáng tác của tôi rất kỹ và phán ngay: “Cơ bản là hỏng. Hỏng nhưng còn cứu được chứ không hỏng hẳn. Cậu viết có văn mà đọc thì không có chuyện”. Rồi ông an ủi: “Binh nhì cơ à. Lại đồng hương với tớ thì lo gì. Thôi, ra biển mà chơi. Tớ còn làm việc”. Tôi nhìn bản thảo chữ màu tím của các chị kia mà ấm ức. Cơ mà không nản lòng. “Cái sự văn chương là một sự dài, phải cày sâu cuốc bẫm, phải lăn lóc, phải biết giết đi chính mình mới mong có một cái gì”. Đó là sau này, khi tôi đã có một số truyện in trên Văn nghệ quân đội, báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn… ông mới bảo tôi thế. Một hôm ông còn khen tôi, khen thẳng thừng trước lớp học của Trường Viết văn Nguyễn Du khiến tôi cũng bất ngờ. Ông bảo: “Cậu này cứ tưởng hỏng thì lại lóe lên một tí, chả biết thế nào. Cơ mà có văn. Có văn thì sớm hay muộn cũng thành người đấy. Tôi xin bảo đảm”.
Rồi tôi cứ lặng lẽ phấn đấu, phấn đấu rồi sẽ được. Có việc gì Lê Lựu kêu gọi mà giải quyết được thì giải quyết, thế thôi. Còn viết văn, cứ viết theo bản năng sống, cộng với kinh nghiệm, những vấp ngã của mình, của người còn tự ví mình như một dòng sông cứ lặng thầm chảy thì ắt có ngày ra đến biển lớn.
Tính ra, chuyện viết lách của Lê Lựu cũng nên nói là: Ông rất chăm viết. Viết công văn giấy tờ với Lê Lựu cũng là viết văn. Ông gọi vui là văn chính luận nên cẩn tắc lắm, chữa đi chữa lại be bét cả ra. “Ngộ” là cuối cùng chính ông cũng không đọc được! Ông lại hay vớ cái gì viết vào cái đó. Có một cái giấy mời chẳng hạn, lắm lúc nó được sang trang từ vỏ bao thuốc lá, rồi sang gói giấy bọc thuốc lào nên bố ai luận ra được. Lại có khi hút thuốc lào không có diêm thì ông xé dần cái vỏ bao thuốc lá ra làm đóm. Thế là toi đời cái giấy mời. Làm nhân viên của Lê Lựu thậm khổ là thậm khổ ở một chi tiết như thế.
Nhà văn Lê Lựu (ngồi giữa) và Nhà văn Nguyễn Như Phong (bên phải) năm 1984
Lê Lựu bây giờ đắm đuối văn chương đến đâu thật là khó nói. Đã đến đỉnh văn chương chưa và có vượt đỉnh giời ấy không còn khó nói hơn. Một hôm ông trả lời trên báo chí: “Tôi đang viết một tác phẩm lớn của đời mình” (ý nói là đang xây dựng Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam). Ông còn “đe”: “Sẽ viết một cuốn như là tự thuật quá trình vật lộn để hình thành và phát triển cái Trung tâm trên”. Anh em văn nghệ sĩ cũng khó ngờ vì bây giờ Lê Lựu nguyên tắc lắm. Nói là làm đấy, đừng tưởng bở với Lê Lựu. Cứ tưởng ông không thực hiện được thì ông lại làm được, như câu chuyện ở Trung tâm chẳng hạn, là người khác, chắc chắn đã tan lâu rồi.
Lê Lựu làm mọi người không thể ngờ được. Như ai cũng nghĩ một người như Lê Lựu nếu không viết văn thì sẽ làm gì? Bởi thực tiễn đã chứng minh rằng, Lê Lựu hoàn toàn có thể vì văn chương mà đánh đổi cuộc đời mình. Ông đã đổi dần từng phần đến cả toàn phần như thế rồi bây giờ quay sang một công việc như hiện nay thì liệu có “ổn”. Liệu rồi cái thằng nhà văn trong ông có vùng lên vật ông giám đốc xuống và cười vào mặt ngài giám đốc rằng: “Giám đốc Lê Lựu ơi giám đốc Lê Lựu! Hóa ra ngài tự đem dây buộc vào chân ngài rồi cứ tưởng là cái caravát đỏ sặc sỡ đang thắt vào cổ. Như cái hồi thằng nhà văn Lê Lựu luôn luôn đi dép lê, đeo caravát nó còn hữu lý hơn ngài giám đốc bây giờ đấy”. Còn tôi đồ rằng, dù ngài giám đốc Lê Lựu có mới, cái ghế này có mấy năm thôi nhưng đã sớm định vị, đã nguyên tắc đến cùng thì khó mà lai chuyển. Nguyên tắc ông bây giờ là: điều 1 làm giám đốc đến cùng; điều 2 nếu có sai xem lại điều một ấy.
Khi nghe nhà văn nói thế, có lẽ ông giám đốc sẽ nghiêm trị ngay thằng nhà văn lếu láo kia mà bảo: “Cậu ngu bỏ mẹ, tớ mới là bậc thầy của cậu, là đỉnh cao của cậu, là sự thăng hoa của cậu. Cuộc đời tớ đang làm sang cho cuộc đời cậu. Văn tớ viết sẽ hay hơn văn cậu. Hậu thế sau này người ta nhắc đến tớ rồi mới nhắc đến cậu. Nể tình cũ nghĩa xưa giữa tớ và cậu, tớ coi cậu như một đàn em liệu điều điếu đóm cho tớ, cùng sang với tớ…”.
Nghe qua, thằng nhà văn lếu láo kia chắc toát cả mồ hôi mồ kê, tóc đã xoăn càng xoăn hơn! Rồi với thủ pháp “nông dân chủ nghĩa”, nhà văn thưa thốt: “Anh công nghiệp đến lấy đất của em thì anh nôn tiền ra, anh cho con - em nhà em vào làm công nhân công khói. Nếu tay nghề chúng em có kém thì anh châm chước cho, chứ bây giờ anh bảo chúng em làm thế nào, không theo điếu đóm cho các anh làm gì còn con đường nào khác? Cái mặt em bây giờ không mông má lẩn lút vào đâu được, không theo anh thì em theo ai? Thôi thì em cứ xin tình nguyện theo anh, đến đâu mặc giời, tội ai nấy chịu. Người ta có chém có giết thì chém giết cái thằng chính yếu, cái thằng chủ mưu chứ thứ le ve điếu đóm như em người ta chỉ kiểm điểm là cùng”.
Chuyện đến đấy, ông anh giám đốc Lê Lựu bỗng lấy làm khó xử quá. “Ừ, cho chú mày theo hóa ra có khi lôi thôi cho anh nhưng chú đã tâm tư đến vậy ai nỡ bỏ chú. Thôi cho chú làm thư ký riêng cho anh. Mà này, đừng có mà chành chọe với mấy cô gái thư ký thật đấy nhé, kẻo vạ vào thân đấy”. Ông nhà văn nọ chừng nghe ra, từ đấy ngoan ngoãn lắm!
Lắm lúc, tôi thấy Lê Lựu ngồi một mình ưu tư nhìn về đâu đó, nhìn về một cõi sâu, cõi đẫm tình người vừa mới đây thôi nhưng bây giờ bỗng thưa vắng và thiểu số...
Từ khi gây dựng Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam, Nhà văn Lê Lựu rất bận, ai muốn gặp phải có hẹn trước, phải được ông đồng ý tiếp với thời gian như thế, như thế. Có khi hẹn rồi nhưng do bận quá ông không tiếp được cũng là chuyện thường tình. Tất nhiên, đã không ít người phàn nàn bây giờ khó gặp Lê Lựu quá, khó bàn bạc hoặc nhờ vả ông một điều gì đó quá! Tôi tự biết mình cũng không phải ngoại lệ nên cũng không dám tước đi quỹ thời gian quí báu của nhà văn quá nhiều. Tuy nhiên, may mắn là tôi vẫn giữ được một cự li khá gần gụi bên ông thường xuyên vì tính chất công việc. Số là do tôi thường tổ chức làm phim về các nhà văn, nhà thơ lão thành trong quân đội nên việc tranh thủ ý kiến và ghi hình phỏng vấn Lê Lựu là chuyện đương nhiên. Bởi nhà văn Lê Lựu và những nhà văn, nhà thơ ấy vốn có một mối tình cảm rất đặc biệt. Như đối với nhà thơ Vũ Cao chẳng hạn, Lê Lựu rất hoan nghênh.
Lê Lựu rất quý và kính trọng nhà thơ Vũ Cao. Quý và kính trọng không phải bởi vì Vũ Cao từng là thủ trưởng trực tiếp của Lê Lựu (khi Lê Lựu công tác ở Văn nghệ Quân đội, Vũ Cao là Tổng Biên tập), lại cũng không phải bởi Vũ Cao từng rất quan tâm đến đời sống tình cảm riêng tư của Lê Lựu khi ông đã từng dẫn đầu đoàn cán bộ chiến sĩ Tạp chí Văn nghệ Quân đội lên tận Lạng Sơn hỏi vợ cho nhà văn. Lê Lựu quý và kính trọng Vũ Cao vì một lẽ khác sâu sắc hơn. Đó là nhân cách con người. Nhân cách con người trong Vũ Cao và nhân cách con người trong Lê Lựu thật gần nhau.
Lắm lúc, tôi thấy Lê Lựu ngồi một mình ưu tư nhìn về đâu đó, nhìn về một cõi sâu, cõi đẫm tình người vừa mới đây thôi nhưng bây giờ bỗng thưa vắng và thiểu số? Người tốt trở thành thiểu số thì thực là thảm họa của loài người. Tại sao cái xấu, cái ác, cái ngang ngược cứ tác oai tác quái ở ngay cuộc đời này, chĩa thẳng thừng vào chúng ta, những người lương thiện. Những người lương thiện đã làm gì sai? Ta đã nhục chí chùn bước trước cái xấu cái ác ư? Hay bọn kia được thế lực nào, quyền năng vô biên nào dung dưỡng?...
Có là gì đâu khi mấy ví dụ tôi đưa ra ở trên chỉ là cỏn con. Với nhà văn Lê Lựu, hẳn ông đã từng biết, từng chứng kiến và phải chịu đựng những trò lố lăng, lừa lọc, trù úm, cửa quyền, thối nát... còn bằng vạn lần như thế. Ông đã thấy sự thoái hóa, biến chất, mục ruỗng, thớ lợ, rỗng tuếch, đạo đức giả đầy dẫy hơn thế trên cõi đời này. Cứ nhìn vào tác phẩm của Lê Lựu mà xem, nhìn vào ứng xử của ông mà xem! Đặc biệt là những lúc ông ngồi một mình, im lặng dõi vào cái vô cùng. Lúc đó, bỗng đâu những khổ đau của kiếp người như hiện rõ lắm trong khuôn mặt gồ ghề, râu ria, hoang hóa đến rờn rợn ấy. Khuôn mặt ông như một lăng kính phản chiếu mặt trái xã hội và thời cuộc này một cách dữ dội nhất, thật từng bản chất nhất. Chao ôi, cái khổ cái nhục của anh nhà văn thì người đời mấy ai biết đến. Quan chức và chính quyền càng vĩnh viễn không biết đến anh đâu.(?) Nếu có nhớ, có biết đến chỉ là nhớ những khiếm khuyết của anh này, bê tha của anh kia, sự mất lập trường, ăn mặc kỳ dị, những phát ngôn, không tham gia đoàn thể, nói thẳng nói thật không đúng lúc đúng chỗ của các nhà văn trung thực và tài năng (vốn ngày càng khan hiếm) mà thôi. Nên những lúc như thế, dường như tôi đã đọc được sự lo lắng, nhẫn nhục, bất lực và cả sự căm giận của nhà văn Lê Lựu. Ông căm giận và bất lực trước những sự thật thối tha hoặc đang công nhiên diễn ra trắng trợn, hoặc được che đậy, tô vẽ, ẩn nấp dưới vỏ đạo đức, nghiệp vụ, thời thế và cả không ít những quan anh mà ông là người thấm thía hơn ai hết. Điều đó đã bật mầm trong những suy nghĩ của tôi, của kiếp người về nỗi cô đơn của nhà văn, nỗi cô đơn Lê Lựu.
Sự cô đơn của Lê Lựu không bao giờ là một sự cô đơn thuần tuý về gia đình, bè bạn, về cơ quan đoàn thể, hiệp hội nghề nghiệp, về quá khứ hay là về tương lai. Cô đơn của ông là sự cô đơn tiền kiếp, chung đúc, bản năng, lạc loài, đơn kép, là một sự cô đơn bản thể, sự cô đơn vĩnh viễn của con người.
Lắm lúc tôi nghĩ, sự cô đơn của Lê Lựu còn là sự cô đơn vĩnh cửu của tài năng chăng? Cô đơn vì những gì ông nghĩ sao mà quá nhiều điểm không khớp với quyền lợi, nghĩa vụ và ứng xử thật của những người, những thế lực khác nhau. Trước mặt ông, bao giờ những người kia cũng nghe, cũng đồng ý, cũng vâng dạ, nhất trí mà sau lưng thì hoàn toàn ngược lại, ngược lại một cách tinh vi, trắng trợn, hoặc có tổ chức hẳn hoi. Có thể nói, sự cô đơn của Lê Lựu là sự cô đơn cộng sinh của bao nhiêu kiếp người lương thiện đang oằn lưng gánh chịu. Càng tài năng, càng lương thiện, anh – chị càng phải gắng sức mà gánh nó qua thời gian sống ở dương gian này!
Nhà văn Lê Lựu rất nặng lòng với quê hương. Ông có đi chân trời góc bể, trời Âu trời Phi gì nữa thì lâu lâu cũng phải tìm về nơi phủ Khoái. Tìm về nơi cách đây ngót trăm năm đê vỡ liên tục, đất đai, nhà cửa, mồ mả ngập chìm trong nước, dân tình ngoi ngóp, liu điu. Có lẽ cái cám cảnh thê lương đó đã khiến nhà văn luôn nặng lòng ám ảnh. Và tất nhiên, với tư chất của một nhà văn vốn thường hằng đa mang những cung bậc sầu - cảm thì Lê Lựu khó tránh khỏi sự mông mênh, đi xa đó nhưng vẫn hoài vọng và cô đơn lắm lắm!
Lê Lựu phải đi, nhưng rồi quê hương vẫn là một góc gì đó thiêng liêng ám ảnh ông suốt cuộc đời này. Cho đến giờ, dù ở đâu đó có những biến chuyển như vũ bão thì ở quê, nơi thôn dã, vẫn là Lê Lựu ấy với dáng đi lủi thủi cố hữu, vẫn chung thủy bên gốc cau gốc trầu. Vẫn tháng 6, cánh đồng đay, đồng cói nở hoa trắng xóa, và Lê Lựu vẫn thường ngồi một mình thơ thẩn, miệng nhai trầu bỏm bẻm, mắt đủng đỉnh nhìn thấp thoáng dưới con đê. Nơi đó, những con trâu đang thảnh thơi đầm mình giữa dòng sông hiền hòa của buổi trưa hè thôn dã, miệng chúng cũng đang đung đưa nhai lại cỏ.
Tôi nhớ một lần, Lê Lựu còn đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, ông nhận trọng trách thực hiện những cuộc đối thoại hằng tháng của Tạp chí - chuyên mục đối thoại do nhà thơ Trần Đăng Khoa khai khẩn. Nhà thơ cho rằng, thể loại đối thoại là một thể loại mới, nội dung là hai hoặc nhiều người cùng nhìn về một vấn đề, có cái thuận nhau đã đành, còn có không ít điều chưa gặp nhau cũng chẳng sao, đừng vội vàng quy chụp, đừng hô hào hay e ngại gì. Thực ra, nhà thơ muốn làng báo chí của ta sôi động lên một chút, mới lên một chút mà thôi. Trần Đăng Khoa bao giờ chả thế, cứ hô ứng lên vậy. Nhưng dù sao nó cũng là một tín hiệu đáng mừng.
Và trong những cuộc đối thoại ấy, thậm chí trong những cuộc nhậu “tống tiễn” khách sau đối thoại, nhà văn Lê Lựu vẫn có cái gì đó rất riêng, rất cá biệt...
Nhà văn Lê Lựu từ viết văn rồi làm giám đốc, tưởng đâu chỉ lo làm giàu cho mình, nào ngờ trong ông vẫn luôn phẩm tiết văn nghệ sĩ lắm! Một Lê Lựu luôn biết nghĩ và lo cho nhân dân mình...
Lễ ra mắt quỹ Nhà văn Lê Lựu - trong ảnh: Nhà văn Lê Lựu ngồi xe
Tôi nhớ cái thời nhà văn Lê Lựu còn đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, ông nhận trọng trách thực hiện những cuộc đối thoại hàng tháng của Tạp chí. Trong một cuộc đối thoại, ai ngờ lại nhằm vào một vấn đề “nhạy cảm” - vấn đề đất ở nông thôn. Đất ở nông thôn thời này được chuyển đổi cơ cấu, nói thẳng là bán có thời hạn, tế nhị thì gọi là chuyển giao, là cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê. Thời bấy giờ, vấn đề này rất hay, rất lớn và thiết thực. Đối thoại ngay lập tức đặt ra được rất nhiều câu hỏi, toàn là bức xúc và sát sườn với lợi ích của nhân dân.
Cuộc ấy, có nhà văn Lê Lựu, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Sương Nguyệt Minh, vị Chủ tịch thị trấn nọ cùng vài cán bộ khác và tôi. Hôm đó mưa dầm, bong bóng mưa giương mắt nhìn giời như báo hiệu sẽ mưa liên miên. Nếu là anh phóng viên Truyền hình, hoàn toàn có thể dựa vào lý do thời tiết mà bỏ cuộc. Vậy mà...
Vị Chủ tịch thị trấn mà chúng tôi đối thoại là một cựu chiến binh. Ông từng đi đánh trận, từng bị đấu đá và thị phi, từng qua thời kỳ bao cấp và bị oan, bị ức hiếp. Hôm ấy, ông đội mưa đội gió đến trụ sở uỷ ban từ rất sớm, bảo: “Lê Lựu bảo đến là đến đấy, các đồng chí có liên quan cứ chuẩn bị, sau đó thì đi ăn thịt chó ở ngoài quán. Tôi biết anh Lựu từ thuở đi dọc Trường Sơn...”.
Tất cả mấy anh em, thầy trò chúng tôi ai chả con nhà nông, khi ngã xuống lại về với đất. Cho nên bàn luận, ngẫm ngợi, suy diễn, phát biểu rất sôi nổi, hào khí. Đương nhiên có cả sự thái quá bồng bột cố hữu của anh em văn nghệ sĩ khi xuất ngôn rồi. Có khi thoạt nghe đã thấy gờn gợn. Mà chẳng qua rờn rợn là do thời đó một số vị chức sắc, nắm quyền lực cũng có khuyết điểm, cụ thể là khuyết điểm do lợi dụng vào đất đai của nhân dân để trục lợi, bị phát hiện rồi hoảng quá nên sợ sệt thôi.
Cuộc ấy, rất nhiều người đưa ra câu hỏi sắc sảo, phân tích, dẫn chứng xa gần, chiến lược với phúc lợi, nhân cách đạo đức và có cả sự viễn tưởng của nhà văn. Người trả lời cũng tài năng không kém, toàn những ông từng ở chiến trường ra, đánh nhau liên miên để giành đất, giữ đất. Cầm trên tay nắm đất, thấy mồ hôi, xương máu của mình, của đồng đội phập phồng trong đấy làm sao không cẩn trọng cho được. Cho dù người lấy đất có là anh em, bè bạn, hoặc là địch, là tư bản khi miệng nói thì tay đã dúi ngay vào túi mình tiền đô la, hay kể cả bọn lưu manh thường dùng súng, dùng búa dọa nạt cũng đâu có dễ lấy đất mình. Nghĩa là hoàn toàn có thể đường đường chính chính trả lời tay bo với mấy “bố” nhà văn, nói thẳng với mấy “bố” rằng: Bố ạ, chính các bố mới là mây khói, là lý thuyết giời ạ. Chứ còn bọn tôi đâu vào đấy rồi, đất vào tay doanh nghiệp nào y như là cơ ngơi doanh nghiệp ấy mọc lên, con em mình vừa có việc làm vừa có thu nhập tiền triệu cả đấy. Các bố nhà văn đừng có lo hão lo huyền. Thấp thoáng trong số 55 nghìn công nhân làm việc trong 43 doanh nghiệp nhà em, có nhiều đồng chí công nhân mình cứ hao hao các bác nhà văn đấy ạ”.
Người ta đã nói như thế, mình cũng đã thực mục sở thị như thế rồi còn đâu. Trước đó đi thực tế các doanh nghiệp, đến đâu cũng thấy tiếng cười, thấy sự hớn hở của anh chị em công nhân như được dặn trước là phải cười, phải tươi. Nhưng ở đây không phải là cái “cười bao cấp”. Cái cười ở đây thể hiện bằng tiền, bằng lương và thưởng. “Lương, thưởng đủ sức nuôi nấng gia đình tôi thì tôi cười. Vừa chủ nhật trước đấy, công ty thưởng vợ chồng tôi 1 triệu vì sáng kiến của tôi. Sau đó tôi đi chơi, rồi còn mua quà cho bố mẹ chồng, cho anh em nhà chồng thì tôi cười ra đấy thì đâu có gì sai, đâu có gì không chính đáng...”. Cứ như thế muôn mặt hiện lên, cùng ồ đến níu cái ông nhà văn để phản ánh, để thực chứng và dường như còn có ý đe ông nhà văn chớ có cảnh giác thái quá, thận trọng thái quá mà làm chậm cái tiến trình phát triển của chúng em đi. Nếu cứ đà ấy, lại chẳng may gặp một ông nhà văn yếu bóng vía sẽ dễ bị những sự việc đang diễn ra kia đè bẹp, dễ bị những cái trước mắt làm lóa, có khi ông còn lu loa lên, đòi hỏi những thứ khác cao xa hơn nữa.
Lần đó, tôi thấy Lê Lựu ngồi lặng lẽ, trầm mặc nhìn ra ngoài trời mưa gió. Nhà văn Trung Trung Đỉnh chừng như cũng tỏ ra quan hoài, im lặng, vân vi khi chưa thấy ông anh nói gì. Tôi và nhà văn Sương Nguyệt Minh cứ thao thao với đồng chí Chủ tịch, với các đồng chí phụ trách các mảng kinh tế - xã hội khác nhau.
Mãi gần trưa, Lê Lựu mới lên tiếng, vẻ mặt rất là nghiêm chỉnh: “Tôi xin hỏi thực các anh thế này, bây giờ miếng ăn của nhân dân, của con em mình từ các doanh nghiệp nó có lấm láp lắm không?”. Tất cả lắng đi, Lê Lựu hỏi thế tức là ông đã có nhiều thông tin từ những bất cập nảy sinh trong thời gian gần đây của thị trấn: Nào là chuyện công nhân hùa nhau đình công đốt phá công ty, chuyện các doanh nghiệp bắt phạt vô cớ, xúc phạm công nhân, đánh đập thương tật, rồi tai nạn lao động gây chết người bị ỉm đi; kể cả chuyện một số doanh nghiệp ma về với dự án ma để chiếm đất, rồi kiện cáo, vu cáo; rồi nào nghiện hút, mại dâm và rất nhiều vấn đề tệ nạn xã hội khác; văn hoá bị phá hoại, xây dựng tuỳ tiện các công trình dân sinh; ngay cả các đồng chí lãnh đạo thị trấn, lãnh đạo huyện đứng chân trên địa bàn và cả lãnh đạo tỉnh cũng có đơn thư của nhân dân tố cáo, thậm chí có cả tờ rơi, hò vè… “Dân đã phẫn nộ là có vấn đề đấy! Vấn đề nan giải rồi vì lòng dân vốn đã bao dung bấy lâu, giờ quá lắm nên mới làm vậy...”.
Nghe Lê Lựu nói, mấy đồng chí trong thị trấn cứ nhìn ông đăm đăm. Một nhà văn tưởng như đi mây về gió, nếu quan tâm là quan tâm chuyện bên Mỹ bên Pháp hoặc là ở Trung ương cao kia chứ biết đến sự vụ tạp nhạp ở cái thị trấn này làm gì mà nói “ghê thế”! Nghe xong, ai nấy tươi tỉnh và tỏ vẻ thán phục bảo: “Anh Lê Lựu ạ! Chúng tôi biết rất rõ điều đó, thực ra là đang chiến đấu vật lộn với nó cũng căng thẳng lắm, cũng khi thắng khi bại cả đấy nhưng không buông trôi đâu anh. Có phải chết trên đồng đất nhà mình chúng em cũng sẵn sàng. Chứ không chiến đấu, chứ đóng cửa bưng bít với nhau không cho doanh nghiệp vào, không cho con em của mình đi đâu mới là cái chết mòn mỏi, tức tưởi trong sự tự làm ngu dốt mình. Chẳng nhẽ chiến đấu hy sinh bao nhiêu xương máu rồi cứ ôm lấy hào quang chiến thắng với mái nhà dột, manh áo rách, cái bát mẻ, cổ cày vai bừa nó nhục lắm ông anh ạ! Cho nên rằng bọn em đây chấp nhận tay bo một cuộc nữa. Cuộc này cũng sinh tử lắm! Cầm tiền mà không có bản lĩnh, kể cả lương tâm và tài năng là chết như chơi, chết nhục nhã chứ sung sướng gì. Nhưng không làm thì lấy đâu bộ mặt bây giờ hả anh? Khu công nghiệp của chúng em đây năm vừa qua các doanh nghiệp nộp ngân sách tỉnh trên 100 tỉ đồng. Nhờ đó mà lần đầu tiên tỉnh nhà không phải ngửa tay xin Trung ương cân đối thu chi. Một tỉnh kề ngay Hà Nội mà phải ngửa tay xin Trung ương cân đối thu chi trong đầu thế kỷ 21 mới là một nỗi nhục nhã”...
Buổi trưa hôm ấy trời vẫn mưa không ngớt. Trong khi 55 nghìn công nhân vẫn chia ca làm giàu cho mình, cho các doanh nghiệp và nhà nước thì trong một quán lá ở bìa sông Lăng, sáu bảy ông cán bộ cùng ba bốn ông nhà văn khề khà bên chén rượu với mâm thịt chó. Họ cứ tiếp tục bàn đủ thứ chuyện trên trời, dưới bể. Sau hồi hăng hái, Lê Lựu lặng lẽ nhấm nháp nhìn mưa bong bóng rơi. Nhà văn Trung Trung Đỉnh mơ mơ màng màng phán ngay một câu: “Ơ, bác Lựu nhà mình hóa ra hiểu đất đai doanh nghiệp ra phết. Cơ mà giao đất cho bố thì rất nguy, bởi bố thì làm gì biết tổ chức sản xuất, có khi hứng lên lại cho béng ai đó, hoặc bán bừa đi thì tình hình sẽ ra làm sao nhỉ?”. Tất cả phá lên cười. Lê Lựu vừa nhai củ sả như nhai trầu, cười tít mắt bảo: “Bố láo nào”!
Lê Lựu vậy đó, rất thiết thân với đời sống nhân dân. Cái việc làm Văn hóa Doanh nhân theo tôi là một sự đi tắt của ông đến với đời sống của bà con nhân dân mình. Bởi một lẽ, bây giờ dân giàu, các doanh nghiệp mạnh, nhiều, ổn định thì kinh doanh nhất thiết phải có văn hóa. Nếu thiếu cái phần văn hóa kia sẽ rất dễ biến mình thành cái thứ con buôn nanh nọc, hàng tôm cá thì người thua thiệt đầu tiên và cuối cùng hóa ra lại chính là bà con nhân dân mình. Chẳng cần nói ông chính quyền, ông quan chức nào chịu thiệt cả mà trên hết là dân, nhân dân phải è cổ ra chịu. Cho nên Lê Lựu đi tắt, cấp bách như đi cứu hỏa vậy. Mà cũng đã dập được không ít đám cháy rồi, cứu được nhiều người, lại còn góp phần đưa được không ít những ông giám đốc văn hóa hẳn lên, cư xử với người dân lịch sự hẳn ra.
Một buổi, rồi nhiều buổi, nhà văn Lê Lựu cùng anh em bạn hữu quyên góp gây dựng đình làng. Nơi xa xưa ông cùng lũ bạn đánh khăng đánh đáo, bắt ve, hun chuột. Tổ tông Lê Lựu cũng từng thuộc hàng danh gia vọng tộc hồi nào, nhưng rồi biến cải của đất trời vần vũ nên gia tộc sa sút. Tuy nhiên, dòng dõi vẫn là dòng dõi, mặc nhiên ông vẫn bộc lộ rõ tư chất của người hiền. Người hiền trong thiên hạ như Lê Lựu rất hiếm! Ông ở ẩn trong chính nhân cách, chí hướng và công việc của mình mà an toàn đến nay cũng là một sự kỳ diệu.
Có thể nói, cuộc đời nhà văn Lê Lựu là một cuộc chiến đấu, và lúc nào cuộc chiến đấu ấy cũng như mới đang bắt đầu. Đã thế nên đối phương của ông toàn những tay cự phách cả. Lắm lúc cuộc chiến kia rất chi là không cân sức nên người đời luôn lo lắng và phấp phỏng về ông. Lo lắng, phấp phỏng trong sự yêu thương và lòng kính trọng...
PVK
Nguồn tin: , bai: HNV.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn