Thương nhớ nhà báo, nhà thơ Vũ Duy Thông

Thứ hai - 31/05/2021 14:10
Bài: Nhà thơ, nhà báo Hồng Vinh
Nhà báo, nhà thơ Vũ Duy Thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung Ương; nguyên Uỷ viên Hội đồng lý luận, Phê bình VHNT TW (nhiệm kỳ Đại hội IX); nguyên Phó Tổng Biên tập báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam; nguyên Tổng Biên tập báo điện tử Tầm nhìn… vừa từ trần ngày 28/5/2021.

     
Nhà báo, nhà thơ Vũ Duy Thông ( 1944 - 2021 )
   
       
Đêm khuya, tôi nhận “tin dữ” từ nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng giám đốc TTX Việt Nam: “anh Vinh ơi, Vũ Duy Thông đã vĩnh biệt chúng ta”! Mặc dù đã dự liệu điều không lành này sẽ xảy ra, nhưng tôi vẫn hy vọng còn kéo dài vài tháng nữa, nhưng “cõi âm” đã sớm đón anh về giữa lúc đại dịch Covid-19 ở Hà Nội và cả nước đang bùng phát vào thời cao điểm.

Suốt đêm nhận tin đó, tôi trằn trọc thương anh, bao nhiêu hoài niệm từ ngày từng công tác với anh ở Ban Tư tưởng - Văn hoá TW (nay là Ban Tuyên giáo TW) lại ùa về. Tôi nhớ như in, sau khi được tái cử BCH TW Khoá IX, tôi được Bộ Chính trị điều động từ Tổng Biên tập Báo Nhân Dân lên Ban Tư tưởng - Văn hoá TW nhận nhiệm vụ Phó Trưởng ban thường trực, trực tiếp phụ trách công tác báo chí, xuất bản. Vậy là, từ đấy, do công việc chuyên môn, tôi ngày càng gắn bó với anh Vũ Duy Thông đang giữ cương vị Vụ trưởng Vụ báo chí – Xuất bản, người tiếp nối công việc của các nhà báo tài danh, như Lưu Quý Kỳ, Phan Quang.

Ấn tượng lắng sâu theo tôi suốt tháng năm công tác với Vũ Duy Thông – đó là con người say nghề, dễ gần gũi, hoà đồng, luôn yêu đời, yêu văn thơ; và đôi khi “chất nghệ sĩ” vừa tạo sự thoải mái, đáng yêu đối với anh em trong Vụ, nhưng trong công việc dễ tạo ra cảnh “nước đến chân mới nhảy”, làm cho anh chị em trong Vụ có lúc phải “vắt chân lên cổ” để kịp đáp ứng các yêu cầu của lãnh đạo Ban. Ấy là những lúc báo cáo tổng hợp tình hình báo chí trong tuần đã đệ trình sớm, nhưng sát nút, Vũ Duy Thông vẫn điềm nhiên chưa duyệt. Hỏi anh, thì một câu trả lời đã thành quy luật “Cứ yên chí mà!”

Sau các buổi giao ban báo chí hàng tuần như đã thành nếp vào sáng thứ 3 từ lâu, tôi nhẹ người khi anh không đọc báo cáo tổng hợp được anh chị em chuẩn bị sẵn, mà chỉ giở sổ tay dựa vào những gạch đầu dòng ngắn gọn, anh trình bày khái quát, phản ánh khá đầy đủ đời sống báo chí cả nước trong tuần. Với tư cách là người chủ trì giao ban, tôi chỉ kết luận nhấn mạnh một số điều trọng tâm, trọng điểm. Trong các cuộc họp như vậy, anh chị em lãnh đạo các cơ quan báo chí tỏ ra hài lòng với cách làm việc ấy, nhất là về thái độ điềm tĩnh, sự nhận xét, đánh giá có chừng mực, cả khi đề cập thiếu sót, khuyết điểm của một vài tờ báo trong tuần.

Làm trọn phận sự của một Vụ trưởng về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, anh đồng thời dành thời gian sáng tác thơ, viết các bài phê bình, tiểu luận về báo chí, thi ca. Ít có người nào đã xuất bản hàng chục tập thơ, nhất là thơ và kịch bản dành cho phim thiếu nhi; hàng chục tập ký sự, tuỳ bút, lý luận - phê bình, kịch bản sân khấu… Lâu lâu chưa được đọc thơ anh, tôi hỏi vui: “Thế nào “Bè xuôi sông La” tạm “đậu bờ” sao”? (Đây là một trong những bài thơ hay được phổ nhạc, ra đời từ năm chống Mỹ, cứu nước, nhận giải cao Cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1969, lúc anh làm nhiệm vụ Phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Nghệ Tĩnh).

Suốt từ ngày rời Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh đam mê làm báo, viết văn. Riêng về thơ, lớp trẻ rất thích đọc thơ anh, nhất là giới sinh viên, học sinh. Những bài thơ vừa trữ tình, vừa có tính triết lý, có nhiều câu, nhiều bài, lớp trẻ chép vào sổ tay của mình. Mỗi dịp Tết Nguyên đán tới, Ban biên tập nhiều tờ báo lớn chưa thấy Vũ Duy Thông gửi bài cho số Xuân, lại yêu cầu phóng viên đến “năn nỉ” anh. Tôi nói vui với anh: Xuân này cả báo và cả anh đều “thu hoạch” cao, vì trang thơ có tên tác giả “BÈ XUÔI SÔNG LA”, tạo sự thu hút người đọc.

Tôi nhớ mãi chuyến đi thăm và tìm hiểu báo chí nước Nga sau thời gian cải tổ. Sau khi làm việc với các cơ quan báo chí ở Matxcơva, Ban bố trí cho Đoàn đi thăm và giao lưu với các đồng nghiệp ở thành phố Xanh Pê-téc-bua. Lẽ đương nhiên, trong Chương trình nghị sự, có đêm dạo bằng tầu trên sông Nhê-va để thưởng thức “đêm trắng nước Nga.” Đêm ấy, cả đoàn đã thức trắng, vui cùng đêm trắng trên con tàu rẽ vào nhiều ngách của sông Nhê-va, chứng kiến các cây cầu lớn tự mở để các đoàn tầu lớn ra vào biển Ban-tích từ một giờ sáng. Trong buổi giao lưu với Bạn, tôi ngạc nhiên thấy Vũ Duy Thông thuộc lòng nhiều bài thơ của Xi-mô-nốp, On-ga Béc-gôn…; và đôi đoạn lại đọc bằng tiếng Nga, mặc dù anh không học ở Nga. Đến phần ca nhạc, Vũ Duy Thông thực sự là “ca sĩ không chuyên” khi hát một loạt bài, như “Đôi bờ”, “Chiều Mát-xcơ-va”, “Cây thuỳ dương”, “Chiều hải cảng”, … làm cả Đoàn và bạn Nga thán phục.

Giọng ca ấy, tâm hồn thi sĩ ấy, đã giúp Thông chống chọi với bệnh tật đến những ngày cuối cùng. Do Bệnh viện quy định không ai được vào thăm trong những ngày dịch dã, tôi chỉ biết nhờ người nhà chuyển lời thăm, và chuyển tập thơ “TIẾNG QUÊ” của tôi vừa xuất bản tặng anh. Tôi muốn gửi tới anh tiếng lòng của tôi cùng những đồng nghiệp đã hiểu anh, chia ngọt sẻ bùi với anh và đã gắn bó mật thiết với anh trên chặng đường báo chí và thi ca gần trọn nửa thế kỷ.

Thông ơi, hãy thanh thản nhé, bạn bè, đồng nghiệp như vẫn đang song hành cùng Thông đó!

Cầu chúc vong linh Thông an giấc ngàn thu!

Vĩnh biệt Anh!

Hà Nội, ngày 30/5/2021
N.H.V
 

Nguồn tin: nguoilambao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây