Nhà thơ Chính Hữu, bình dị và bát ngát

Thứ sáu - 04/09/2020 10:15
Bài của Nhà văn Phùng Văn Khai
Cố nhà thơ Chính Hữu
Cố nhà thơ Chính Hữu

Nhà văn Phùng Văn Khai

         Tôi chưa hề gặp nhà thơ Chính Hữu ngoài đời, mà sao luôn có cảm giác đã được gặp ông. Gặp trên từng trang thơ vốn không nhiều của ông. Gặp trong từng trang sách lứa hậu sinh chúng tôi làm biên tập ở Nhà số 4 Văn nghệ Quân đội. Gặp ông nơi đầu súng trăng treo vùng biên giới đêm đông giá buốt, chốn hải đảo ngày biển động, khi những người lính kề vai nhau ấm vững thành tường đồng vách sắt trong tim thiêng liêng hai tiếng Tổ quốc Việt Nam. Những khi ấy, thơ Chính Hữu luôn lặng lẽ thấm vào từng mạch máu.

Ông viết về sự hi sinh vô cùng khác biệt và nhói buốt, mà vẫn mênh mông: Khi bạn ta/ lấy thân mình/ đo bước/ chiến hào đi/ Ta mới hiểu/ giá từng thước đất (Giá từng thước đất); Đêm nay rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh vai nhau chờ giặc tới/ Đầu súng trăng treo (Đồng chí).

Chính Hữu viết về cái chung, về cái riêng đều khác biệt bất cứ giọng thơ nào. Ông vẽ chân dung người lính giản phác nhưng đầy ám ảnh. Cái ám ảnh của Chính Hữu cũng khác người, nó vừa vang ngân vừa sâu sắc: Có người đi lính hiền như đất/ Mùa hạ tưng bừng thương núi sông. Ông tả người lính dẫu không hiện mặt hiện hình sao quá đỗi thân thương, gần gũi: Mười năm đi mải miết/ mang quê mình xanh biếc trên lưng/ khi ta hành quân đã khuất/ lá ngụy trang còn đọng tiếng chim rừng/ Cây mọc trăm miền gửi lá theo ta/ gian khổ đêm ngày chiến dịch/ vẫn nghe rì rầm thôn xóm ta qua/ nghe núi nghe sông trong cành lá hát (Lá ngụy trang). Cái cao cả, cái vượt lên trên tất thảy, than ôi, giản dị đến kiệt cùng. Lứa nhà thơ thời chiến tranh đã có những thi phẩm đi vào cuộc sống bình dị và can trường như thế.

Tiếp nối mạch thơ đó, Chính Hữu có những câu thơ luôn bình dị mà vẫn khác thường: Chỉ mái tóc em là xanh/ trên ngọn đèo cháy trụi/ trong tiếng bom dữ dội/ chỉ tên của em nghe dìu dặt hiền lành (Cô gái Công binh Trường Sơn). Ta luôn thấy ở Chính Hữu không chỉ biết cô đúc mà còn rất mở mang, bừa bộn: Quê ta lên khói cơm mùa/ ai hát tin về thắng trận/ bâng khuâng nắng nghiêng mái nhà/ Bọn chúng ta đi ồn ào lứa tuổi/ lớn lên trong nước Cộng hòa/ phấp phới trong lòng bao nhiêu tiếng nói (Sáng hôm nay). Đó là Chính Hữu, một tài năng thơ ca đích thực, luôn lắng thật sâu vào cuộc sống nhân dân để mở ra bát ngát chân trời.

Chính Hữu viết về người mẹ chỉ chưa đầy hai chục chữ đã hiện lên mẹ của ta, ngay ở trong tim ta đây, ngay ở trước mặt ta đây, thậm chí nhà thơ không hề nhắc đến từ mẹ: Làng ở đây như làng dưới ta/ cũng có bến nước/ cũng có gốc đa/ cũng có con trai xa nhà. Cũng viết về mẹ, ở một bài thơ khác, đã là một cách thể hiện tài hoa khác: Lúc thơ ngây con thường nghe kể/ Từ buổi lấy chồng mẹ ít khi vui/ Ngày đưa thầy về nơi yên nghỉ/ Lá mùa đông rơi xuống đầy vai.

Ai không có cha mẹ sinh thành, chả luôn ngọn nguồn hướng về cha mẹ. Nhưng để thốt lên được tâm tư sâu kín của mình không phải dễ dàng đâu. Những khó khăn ấy, Chính Hữu đưa được vào thơ dễ dàng, nhuần nhụy, lấp lánh, khiến không chỉ người đọc thơ, mà những người làm thơ, làm công tác biên tập thơ cũng luôn khâm phục.

Mỗi khi làm công tác biên tập thơ của bạn thơ gửi đến Văn nghệ quân đội, tôi luôn như thấy Chính Hữu ở bên cạnh là như thế chăng?

Chính Hữu có hai câu thơ về Hà Nội vào hàng tuyệt bút, cũng rất giản dị đúng với phong vị thơ ông mà người đời đều thuộc: Đêm Hà Nội buốt tê/ Mái buồn nghe sấu rụng (Đêm Hà Nội). Ai không yêu Hà Nội? Viết về Hà Nội lại càng nhiều. Người cả đời ở Hà Nội làm thơ càng không ít. Có người thoáng qua đã để lại những câu thơ tài hoa, nhưng thẳm sâu và đậm chất Hà Nội như Chính Hữu thì hiếm lắm. Mỗi đêm mưa khuya trong mái nhà số 4, dường như văng vẳng có ai đó đọc thơ dưới mái buồn. Đó như là tiếng của tiền nhân, tiếng của những anh linh đã khuất.

Nhà thơ Chính Hữu có những bài thơ bình dị nhưng người bình thường chắc chắn không thể làm được. Người đi qua chiến tranh hàng triệu mà trong đó không ít nhà thơ cũng không thể sánh được với thơ ông dù thực ra thơ ca đừng lên so sánh: Người thương binh/ nghe tiếng bước chân mình/ tiếng bước của bàn chân đã khuất/… Có gặp những con người/ để lại một phần thân thể/ gửi làm hoa lá cỏ cây/ trên mảnh đất này/ mới hiểu được tâm hồn tiếng trống hôm nay/ mới hiểu được/ vì sao những lá cờ bay/ theo nhịp bước/ vì sao những bàn chân đi làm rơi nước mắt… (Duyệt binh). Đề tài ấy. Cách viết ấy. Chắc chắn chỉ có thể là Chính Hữu.

Chính Hữu viết càng ngắn, tình ý càng ngân nga dài rộng. Chúng ta ngày càng không hết kinh ngạc khi đọc những bài thơ ngắn của ông: Những lá trầu/ những quả cau/ đã là tro bụi/ Nhưng vì đã yêu nhau/ nên thắm lại/ để hóa thành ca dao. Tự do và tài năng luôn làm nên sự nổi trội của thơ Chính Hữu. Những bài thơ cực ngắn của ông đã nói lên hơn rất nhiều những định nghĩa về thơ, về đời: Không nói/ ấy là đã nói/ Tiếng đàn im bặt càng nghe tiếng ngân/ Khi yêu lặng câm/ ấy là yêu mãi… Chỉ hơn chục chữ mà sao mãi ngân nga. Không chỉ ngân nga mà còn đánh thức, dắt chúng ta lặng lẽ một cuộc bộ hành.

Chính Hữu làm thơ tình cũng thần tình lắm, mới mẻ lắm. Cứ nghĩ một người như Chính Hữu làm sao có thể viết thơ tình? Mà khi viết thì nó sẽ ra làm sao? Điều này không ít bạn đọc, đồng nghiệp của Chính Hữu đợi chờ, thắc thỏm, hi vọng, thậm chí có thể thất vọng. Nhưng đúng là Chính Hữu, người luôn làm những việc thậm khó không chỉ trở lên dễ dàng mà còn sâu sắc và khác biệt: Nửa đêm em thức dậy/ Nghe ngọn gió phương này thổi sang phương ấy/ Đấy là hồn anh đang thở đêm đêm/ Đi giữa đất trời đến hát bên em (Thơ tình bốn câu). Chao ôi! Chỉ bốn câu này thôi, hỡi các nhà thơ làm thơ tình, chúng ta còn gì để nói? Chính Hữu là vậy, lời thơ rất ngắn, tình ý rất mênh mông.

Còn nữa, Chính Hữu còn làm lạ thơ tình. Lạ trong sự truyền thống mới khiến ta kinh ngạc về ông: Em thở vào hơi tôi/ Cho thơm đầy tình sử/ Tôi không cần biết nữa/ Hạnh phúc đang gần hay sẽ xa xôi (Không biết nữa). Đọc bài này, những bậc thầy thơ tình đã đều ngả mũ.

Thơ Chính Hữu càng về sau càng khiến ta kính phục. Không phải kính phục sự kỳ vĩ mà là kính phục sự giản dị của ngôn từ. Lạ lắm, mà sao quen ngay được. Thấm ngay vào tim óc để ngân nga bát ngát trong đời sống cần lao của mỗi chúng ta. Chính Hữu, trong Nghĩ về thơ đã viết: “Tôi thích những câu thơ hàm súc, cô đọng, nói rất ít nhưng gợi rất nhiều những tưởng tượng lan xa. Thơ phải ngắn ở câu chữ nhưng phải dài ở sự ngân vang… Tất nhiên phải là những câu chữ làm bằng tinh chất…”.

Thơ ông đúng là như vậy.

Nhà thơ Chính Hữu trong cõi của mình đã đưa ra những thông điệp từ chiêm nghiệm toàn bộ cuộc đời ông một cách an nhiên, thư thái vẫn đầy cung bậc trong sự đa thanh bát ngát: Đi bộ gần nửa đời người trên những con đường thân thiết/ Tôi không biết tên nhưng tôi biết mặt/ Những cô gái chưa chồng/ Cho đến ngày con bế con bồng/ Cho đến ngày tóc họ chớm bạc/ Tôi bước đi và thấy được thời gian đang bước (Người bộ hành lặng lẽ). Không nên có một lời bình nào nữa. Chữ nghĩa nhiều khi bất lực khi ta viết về thơ ông: Tôi hướng đến tận cùng niềm vui/ Của cái lặng im trong sự cô độc/ Đó là trạng thái hạnh phúc/ Để nghĩ được nhiều/ Và làm được nhiều việc (Người bộ hành lặng lẽ). Đến đây, thiết tưởng mỗi khi đọc thơ Chính Hữu, dẫu là lần thứ bao nhiêu cũng khiến chúng ta day dứt, bâng khuâng. Cái lặng lẽ trong cõi chung riêng của Chính Hữu như chất lên vai ta những đúc kết cuộc đời. Một cuộc đời không nói mà đã nói: Bức thành cổ rêu mọc/ bạn gái cũ những ai/ nhan sắc/ khóc/ Phi lao bóng tối reo hoài/ Những ngày niên thiếu đã tắt (Kỷ niệm ngày niên thiếu).

Lặng lẽ bộ hành trong cõi riêng chung, Chính Hữu không chỉ cho ta thấy cái hữu hạn ở cuộc đời mà còn thấy được cái vô hạn của tình người thắm thiết: Cháu dắt ông đi/ Hai ông cháu mình vừa đi vừa học/ Ông dạy cháu biết những điều gì/ có trên trái đất/ Còn cháu thì dạy ông biết/ cuộc đời này ngắn nhưng ông đừng buồn/ Vì nó - vĩnh hằng - tiếp tục (Hai người bộ hành). Viết cho cháu nội cũng là viết cho chính mình, cho nhân loại. Thơ Chính Hữu lặng lẽ hòa vào thơ nhân loại nhẹ nhàng như thế: Đường vào thế kỷ hai mốt/ Hai người bộ hành một cháu một ông/ Những bước đầu tiên đi song song bên những bước cuối cùng (Hai người bộ hành). Ta đã thấy ở đây không chỉ sự vĩnh cửu ở thơ ca mà còn là vẻ đẹp của cuộc sống thật đang diễn ra đường hoàng trong lặng lẽ.

Tôi chưa bao giờ được gặp nhà thơ Chính Hữu, vậy mà lại luôn được chuyện trò với ông. Kể cũng lạ. Có người tay bắt mặt mừng suốt ngày mà cứ như chưa gặp, sao có người chưa đối diện một lần lại gần gũi đến vậy là sao? Chính Hữu luôn giúp đỡ chúng tôi, trò chuyện, trao đổi hàng ngày, trước những trang giấy chỉ vài ba chữ. Gặp gỡ mà không bao giờ hẹn chia tay. Gặp gỡ mà không bao giờ thôi ngân nga tiếng hát. Dưới mái vòm cong dấu hỏi ngôi nhà trăm tuổi, Chính Hữu đang ở kia, bình dị và bát ngát.

PVK.

 

 

 

Nguồn tin: bài: BVM:

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây