"Thi tướng rừng xanh" Huỳnh Văn Nghệ và bài thơ Nhớ Bắc

Thứ hai - 30/08/2021 06:28
Bài : Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Đặng Tương Như
Huỳnh văn nghệ ( 1914   1977 )
Huỳnh văn nghệ ( 1914 1977 )

Thăng Long – Hà Nội, nơi hội tụ và lan tỏa, là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, là “niềm tin và hy vọng của hôm nay và mai sau”. Từ buổi bình minh của lịch sử tiền Thăng Long tổ tiên của chúng ta đã mở ra cả một dòng truyền thống anh hùng đánh duổi quân cướp nước ,“Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, bảo vệ miền đất thiêng quý này, đồng thời mở ra nền văn hiến rất giàu ngọc ngà. Dòng máu Anh hùng và Nghệ sĩ dào dạt chảy trong động mạch chủ những người con của non nước Việt Nam từ Thăng Long - Hà Nội lan tỏa tới mọi miền Tổ quốc yêu dấu của chúng ta. Trên miền đất thiêng này, mỗi bước đi, qua mỗi tên phố tên phường, ta được gặp lại cha Rồng Lạc Long Quân, mẹ Tiên Âu Cơ, cùng lớp lớp những thế hệ con cháu Anh hung, Danh nhân, Nghệ sĩ. Đây là  Hùng Vương, là những Hai Bà Trưng, Bà Triệu, là Ngô Quyền, kia là Lý Thái Tổ với Chiếu định đô Thăng Long, là Lý Thường Kiệt với  thơ Thần “Nam quốc sơn hà”, là Trần Hưng Đạo với “Hịch tướng sĩ”, là Nguyễn Trãi với “Bình Ngô đại cáo” thiên cổ hùng văn; là Nguyễn Du “viết Kiều đất nước hóa thành văn”; ta lại như thấy Quang Trung “Nguyễn Huệ cưỡi voi vào Cửa Bắc”. . . Thời hiện đại, thời đại Hồ Chí Minh,  có biết bao người con trung hiếu đã góp dòng máu văn hóa, anh hùng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc với lý tưởng “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” của Bác Hồ kính yêu và của toàn dân tộc và đem anh hoa vun đắp cho nền văn hiến của Dân tộc. Thăng Long - Hà Nội trân trọng vinh danh những người con trung hiếu ấy, lưu lại mãi mãi tên tuổi của họ trên những tên phố, tên phường. Những người đã khuất sẽ còn sống mãi khi những người còn sống luôn nhắc nhớ đến họ với lòng yêu kính, ngưỡng mộ.

    Trong nhiều tên phố, tên phường của Thủ đô mới đặt gần đây, ta thấy tên phố “HUỲNH VĂN NGHỆ”. Con phố dài 700 m, rộng 30 m, cho đoạn từ số nhà 459 tiếp đường Nguyễn Văn Linh đến khu Đô thị mới Sài Đồng, Phường Phúc Đồng, Quận Long Biên. Tên phố được đặt tháng 6 năm 2008 trong không khí Hà Nội đang tưng bừng chuẩn bị cho Đại lễ mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. (Theo “Từ điển đường phố Hà Nội” NXB Hà Nội 2010).

 1.- Con người, cuộc đời Tướng quân Huỳnh Văn Nghệ.

     Huỳnh Văn Nghệ (02.01.1914 - 05.03.1977). Nhà thơ, nhà cách mạng Việt Nam. Sinh tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, nay là xã Thường  Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Thân phụ là thày dạy võ, nghĩa khí, hào hiệp, can trường, có ảnh hưởng tốt đến nhân cách của con cái. Thân mẫu là bà Đoàn Thị Hiển, người  tần tảo nắng mưa với gánh cau khô, vài ba món hàng lặt vặt, dạo quanh mấy xóm ấp kiếm tiền độ nhật nuôi “đám con khờ”:

                               “Mồ hôi chảy vòng quanh đôi má rám,
                                 Bà bán cau bước mãi dưới trưa hè”
                                                           ( Bà bán cau)
  Nghèo khó đến mấy, bà vẫn chắt chiu cho con học, kiếm lấy dăm ba chữ mà làm người:
                                “Phải Mẹ để mặc cho con ngu dốt,
                                  Không hiểu đời và thế giới bao la.
                                   . . . . … . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
                                  Mẹ lại nhịn trầu cau mua mực viết,
                                  Nhịn bánh quà để mua sách cho con”.
                                                          ( Thú tội - 1939)

   Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở quê nhà. Học giỏi nên ông được tuyển thẳng lên Trường Trung học Péstrus Ký (Sài Gòn). Tốt nghiệp ưu hạng, ông được tuyển vào làm công chức Sở Hỏa xa Sài Gòn, và tham gia phong trào Đông Dương đại hội, tại đây, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất (1937). Năm 1940 ông tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa bị bọn thực dân đàn áp dã man. Bị giặc truy bắt, ông tạm lánh qua Thái Lan và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Ông tổ chức và xuất bản tờ báo “Hồn cố hương” kêu gọi đồng bào hướng về Tổ quốc và ủng hộ Cách mạng. Năm 1944 ông về nước xây dựng căn cứ quân sự cho Cách mạng tại quê hương (huyện Tân Uyên). Những ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, ông trực tiếp chỉ huy giành chính quyền  ở Biên Hòa và được kết nạp vào Đảng Cộng sản lần thứ hai. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Nam Bộ, ông làm cố vấn cho Ủy ban Kháng chiến miền Đông, Chỉ huy trưởng Giải phóng quân Biên Hòa, Khu trưởng khu VII, Phó Tư lệnh, rồi Tư lệnh khu VII. Giữa năm 1953, ông được điều động ra Trung ương học tập, sau đó ở lại miền Bắc công tác 12 năm trong quân đội (Cục phó Cục Quân huấn), và làm cả trong ngành Lâm nghiệp (Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp). Năm 1965 ông trở về Nam và lao vào cuộc chiến đấu chống Mĩ xâm lược rực lửa anh hùng. Sau 1975, ông là Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Đầu năm 1977, Huỳnh Văn Nghệ lâm bệnh nặng và từ thế tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 63 tuổi. Thiếu tướng Huỳnh Văn Nghệ được Chính phủ truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

   Vị tướng anh hùng đã trải qua hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, trải qua trăm trận đánh lớn nhỏ làm cho kẻ thù bạt vía kinh hồn khi nhắc đến tên ông và đội quân của ông, những “bộ đội ông Nghệ”. Từ một du kích đất Cuốc, Huỳnh Văn Nghệ đã xây dựng một đội quân tinh nhuệ danh chấn miền Đông Nam Bộ với những chiến công lừng lẫy, tiêu biểu nhất là trận La Ngà diễn ra ngày mùng 1 tháng 3 năm1948 trên Quốc lộ 20 thuộc địa bàn Định Quán:

                                  “La Ngà nửa tỉnh, nửa say,
                          Bờ tre sững ngọn, bóng mây chập chờn.
                                    Trăm năm một phút rửa hờn,
                          Rừng vang tiếng thác cười giòn đêm thâu”.
                                                       ( Trận La Ngà -1948)

  Với trận thắng liệt oanh này đơn vị ông được gắn Huân chương Chiến công hạng nhất, Huỳnh Văn Nghệ được Bác Hồ riêng tặng một chiếc áo trấn thủ có “36 đường gian khổ”. Thật vinh dự, tự hào, cao quý, ấm áp tình cha con và cảm động!

2.- Huỳnh Văn Nghệ - “Thi tướng rừng xanh”.

   Người dân Nam Bộ thương mến gọi ông là “Thi tướng rừng xanh”. Nhưng từ trong thâm tâm, người trai mang hào khí Đồng Nai này không coi văn chương thơ phú là cứu cánh của đời mình. Hãy lắng nghe lời ông “Thú tội” với người Mẹ đã cho ông cuộc đời và cũng là thú tội với Mẹ Quê hương, để thấy chí làm trai cao cả của người con Nam Bộ ấy:

                        “Phải Mẹ biết con muốn làm Thi sĩ,
                         Thì Mẹ ơi! chỉ xiết nỗi ưu phiền.
                          Mẹ kể như một đứa con đã mất,
                         Cây mẹ trồng sẽ không trái bao giờ.
                          Công vun tưới bằng mồ hôi nước mắt,
                         Để không ngờ chỉ hái những quả sâu!”
                                                  ( Thú tội - 1939)

   Làm Thi sĩ để “Véo von ca cho át tiếng lầm than - của nhân loại cần lao đang giãy giụa” ư ? Loại Thi sĩ ấy chỉ như thứ “quả sâu”, hoài “công vun tưới bằng mồ hôi nước mắt” của Mẹ. Ông “Tuốt gươm không chịu sống quỳ”, trước hết ông làm phận trai ở chốn quân trường, cùng hàng triệu người con đất Việt chiến đấu đến hơi thở cuối cùng giữ gìn độc lập, tự do cho non sông gấm vóc, đem lại hạnh phúc cho đồng bào mình. Rồi sau nữa, bản chất Anh hùng - Nghệ sĩ tiềm tàng trong sâu thẳm hồn người Việt cùng lúc cất cánh bay lên, biến chàng trai đất Đồng Nai hào phóng thành “Thi tướng rừng xanh”. Người Anh hùng và Nghệ sĩ trong Huỳnh Văn Nghệ là một:

                             “ Bờ sông xanh hôm nay buộc ngựa,
                               Kiếm gối đầu theo gió thổi hồn cao.
                              Thơ tôi đây cũng hoa bướm muôn màu,
                               Lòng tôi đây, cũng vui sầu như bạn.
                               Tôi biết nhớ thương tơ tưởng,
                               Nào chỉ là võ tướng hay thi nhân.
                               Tôi là người lăn lóc trên đường trần,
                                Không phân biệt lúc mài gươm múa bút.
                                                              *
                               Đời chiến sĩ máu hòa lệ mực,
                               Còn yêu thương là chiến đấu không thôi.
                                                    ( Dòng sông xanh - 1948).

    Một Huỳnh Văn Nghệ anh dũng, mưu lược, yêu nước thiết tha, văn võ song toàn. Từ mạch máu phun ra vẫn là máu, từ mạch nước phun ra vẫn là nước. Từ động mạch yêu nước thương nhà dào dạt trong tim mà ông dánh giặc và làm thơ, đó cũng là quan điểm sáng tác của vị Thi tướng náy. Trong bài thơ đầu tay sáng tác ở tuổi 21 ông viết:

                                     “ Chàng chỉ muốn đề thơ bằng máu đỏ,
                                        Trên mây hồng cho gió rải cùng trời”.
                                                                                    (1935)

   Viết thơ viếng Cha, viếng người Mẹ hiền tần tảo, ông đều viết bằng dòng máu  của Cha, của Mẹ, của  dòng giống Lạc Hồng đã cho ông từ thuở trứng nước:

                                        “ Khi Mẹ chết, con làm thơ bằng máu,
                                          Đá mộ bia khắc đậm nét bài thơ.
                                          Chạm hình Mẹ, áo khăn tơi tả rách,
                                          Và chung quanh nheo nhóc đám con khờ”.
                                                                                (  Mộ bia )

  Những vần thơ của ông ra đời trong máu lửa suốt một đời chiến chinh gian khổ với hào khí Đồng Nai, giàu chất sử thi, mà vẫn trong veo, mộc mạc, chân tình. Giọng kể trong thơ ông làm sống động một thời “miền Đông gian lao và anh dũng”, có bài thơ giống như một kí sự , một thước phim quay nhanh. Một chiều tiêu thổ, một trận công đồn, một cơn giông bão,  một chiến binh hy sinh, anh thương binh hát “Tiến quân ca” để nguôi đi nỗi đau bị cưa chân dập nát bằng cưa thợ mộc trong trạm cứu thương dã chiến. . . tất cả vào thơ ông với máu, nước mắt, bụi bặm chiến trường. Qua đó hiện lên hình ảnh Nhân dân Anh hùng, với những phẩm chất cao quý rất bình dị, tự nhiên như xưa nay vẫn thế:

                               “Thấy Mẹ buồn, con hỏi:

                                - “Má tiếc gì, Má ơi!
                                 Nhà mình con đốt rồi
                                Kẻo mai thành bốt giặc”.
                                                *
                                Mẹ nhìn con âu yếm
                                Vuốt tóc con, mỉm cười:
                                - “Thằng này nó coi tôi
                                 Như học trò của nó!
                                 Má đẻ ra mày đó,
                                 Không nhớ, Má nhắc cho
                                 Nhà Má có ra tro
                                 Con càng lo đánh giặc.
                                                   *
                                 Nhưng mà Má chỉ tiếc
                                  Cái ống ngoáy trầu thôi!”
                                               (  Mẹ buồn )

    Đúng là không có Người Mẹ, không có Tổ quốc, quê hương thì cả nhà thơ và anh hùng đều không có. Huỳnh Văn Nghệ đã nói ý tứ cao rộng ấy bằng ngôn ngữ thơ đậm chất dân gian Nam Bộ, gần gũi, mộc mạc đầy chất gợi cảm. Cái chân tình trong thơ làm cảm động lòng người hơn tất cả sự cầu kì, trau chuốt ngôn từ sáo rỗng, kênh kiệu hay có trong thơ ca thường tình.

   Ông thuộc thế hệ vừa làm thơ vừa đánh giặc; “lên ngựa cầm thương, xuống ngựa cầm bút”; “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” truyền thống của dân tộc Việt Nam ta. Đọc thơ ông, lắng nghe giọng thơ hào sảng, ta tưởng như vang vọng người xưa đang ngâm vang “ Nam quốc sơn hà”, như thấy Phạm Ngũ Lão cắp ngang ngọn giáo đứng giữa non sông mấy thu nay, như hiển hiện Nguyễn Trãi vung bút thảo “Bình Ngô đại cáo”:

                             “ Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi,
                                Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.
                                Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát,
                                 Thì lòng say chiến trận cũng là Thơ”.

  Danh sĩ Nguyễn Siêu bình sinh đã chứng nghiệm thần hứng thi ca có cội rễ sâu trong lòng người, ông nói: “THƠ phát khởi tự lòng người” . Diều đó rất đúng với người “Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát”,  Từ “lòng say chiến  trận” mà thành THƠ! Ngạo nghễ trên chiến trường như thế, nhưng trước Mẹ hiền, với lòng khiêm kính, ông thấy mình vẫn chỉ là đứa con “vụng khờ”:

                                “ Giờ con lại vụng khờ hơn thiên hạ,
                                   Chịu thua tình và thất bại với tiền”.

 Vụng khờ, thua thiệt về “tình” và “tiền” , cùng với hư danh mà những kẻ tầm thường huênh hoang bán rẻ nhân cách để theo đuổi suốt đời, nhưng ông có cái mà ngàn vàng không đổi. Đó là tình yêu nước thiết tha, cháy bỏng, ý chí chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc cho đồng bào mình, như lí tưởng mà Bác Hồ kính yêu căn dặn các thế hệ Việt Nam: “ Không có gì quý hơn độc lập, tự do !”

    Cội rễ lý tưởng cao cả ấy đã nuôi dưỡng” Thi tướng rừng xanh” Huỳnh Văn Nghệ.

3.- Bài thơ Nhớ Bắc.

                                              NHỚ BẮC
                               
                                Ai về xứ Bắc ta đi với,
                                Thăm lại non sông giống Lạc Hồng.
                                Từ độ mang gươm đi  mở cõi,
                                Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
                                                            *
                               Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng !
                                Mà ta con cháu mấy đời hoang,
                               Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ,
                                Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.
                                                            *
                                Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ,
                                Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn.
                                Vẫn thương, vẫn nhớ mùa vải đỏ,
                                Mỗi lần phảng phất vị sầu riêng. 
                                                           * 
                                 Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên,
                                 Chinh Nam say bước quá xa miền.
                                 Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm,
                                 Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.
                                                            *
                                 Ai đi về Bắc xin thăm hỏi,
                                  Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa.
                                  Hoàn Kiếm hồ xưa linh quy hỡi,
                                  Bao giờ mang trả kiếm cho ta?                                     
                                                       ( Chiến khu Đ -1946)

   Bài thơ “ Nhớ Bắc” được các cán bộ và chiến sĩ chiến khu Đ thuộc và lan truyền khắp miền Đông Nam Bộ ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Khổ thơ đầu của bài thơ đã trở thành ca dao kháng chiến mà người dân Nam Bộ nào cũng thuộc. Khi đất nước tạm thời bị chia cắt, trong ba- lô của cán bộ, chiến sĩ  miền Nam tập kết ra Bắc đều có bài thơ này được chép tay. Các mẹ, các chị và các chiến sĩ Cách mang ở lại miền Nam ngâm bài thơ lên những khi nhớ những người con, người chồng, người thân đã đi tập kết, là sự gửi gấm lòng thương nhớ, nỗi mong muốn thống nhất đất nước. Cho đến tận bây giờ, âm vang “Nhớ Bắc” vẫn ngân nga trong tâm hồn các thế hệ yêu thơ.

  Trong lịch sử thơ ca thời hiện đại ít có những bài thơ mà sức lôi cuốn, lan truyền rộng rãi và rung động lòng người bền lâu như thế. Hiện tại lưu hành ba bài thơ : “Tiễn bạn về Bắc” với thủ bút của chính Huỳnh Văn Nghệ sáng tác tại ga Sài Gòn năm 1940; bài “Về Bắc” ghi chú sáng tác năm 1948,  hai bài này đều có 3 khổ thơ. Bài thơ mang tên “ Nhớ Bắc” ghi chú sáng tác năm 1946 ở chiến khu Đ, có 5 khổ thơ, được coi là hoàn chỉnh nhất. Lúc này, Huỳnh Văn Nghệ làm Chỉ huy Chiến khu. Cả 3 bài đều ôm ấp vào lòng hai câu thơ:

                                  “ Từ độ mang gươm đi mở cõi
                                    Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

  Khổ thơ đầu mở ra với giọng thơ rắn rỏi, hào sảng, thể hiện sự lựa chọn dứt khoát của đồng bào Nam Bộ luôn hướng về miền Bắc, hướng về nguồn cội dân tộc:

                                    “ Ai về xứ Bắc ta đi với
                                      Thăm lại non sông giống Lạc Hồng.
                                      Từ độ mang gươm đi mở cõi,
                                      Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.
   Ông Huỳnh Văn Nghệ có kể lại với con trai là Huỳnh Văn Nam về việc ông là người duy nhất trong văn phòng Sở Hỏa xa Sài Gòn bốc thăm được tấm vé đi chuyến xe lửa đầu tiên thông đường sắt Nam- Bắc, thật sung sướng vô biên vì chưa bao giờ ông được đặt chân lên đất Thăng Long - Hà Nội mà ông sớm nặng lòng thương nhớ. Nhưng rồi nhìn dáng ngẩn ngơ hoài hương của người bạn tâm giao quê ở Hà Nội, thương bạn quá, ông tặng bạn tấm vé quý giá ấy. Rồi buổi chiều Sài Gòn tiễn bạn lên tàu về Bắc, nhìn theo con tàu chở người bạn xa dần vào xa xăm, ông bồi hồi phóng bút viết bài thơ có tựa đề “Tiễn bạn về Bắc”. Bài thơ mở đầu bằng tiếng gọi tha thiết : “Ai về xứ Bắc ta theo với”, từ “xứ” mà tác giả nói ở đây phải hiểu là “ xứ sở”, là nguồn cội, là nơi phát tích của dòng giống Lạc Hồng. Nếu đặt bài thơ này vào hệ thống những bài thơ có chủ đề tiễn biệt khá phổ biến trên thi đàn đương thời, ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt trong thần hứng của các tác giả. Bạn đọc hay nhắc đến “Tống biệt hành” của Thâm Tâm với không khí bâng khuâng khó hiểu của thời đại:
                                 “ Đưa người ta không đưa qua sông,
                                   Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
                                    Bóng chiều không thắm không vàng vọt,
                                    Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”

  Những từ “Sao…Sao” đứng ở đầu hai câu thơ, những câu hỏi xen kẽ trong khổ thơ bảy chữ của thể hành như nỗi phân vân, bâng khuâng, khó hiểu của con người với thời đại. Lại như bài thơ nổi tiếng“ Những bóng người trên sân ga” của Thi sĩ Nguyễn Bính, ta lại nghe bao nỗi thổn thức hận chia ly của biết bao số phận, “nhứng đôi phiêu bạt, thân đơn chiếc” trên sân ga cuộc đời:

                                       “ Hai người bạn cũ tiễn chân nhau
                                          Kẻ ở trên toa, kẻ dưới tàu
                                          Họ giục nhau về ba bốn bận
                                          Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu”.

   Không ai dám bảo những bài thơ ấy không hay, mà thực sự đó là những kiệt tác, những bài thơ hay của thi ca thế kỷ XX. Cái hay, cái đẹp của thi ca thật đa dạng, mỗi bài thơ hay, hay một vẻ, “mười phân vẹn mười”.

  Khổ thơ đầu của “Nhớ Bắc” mở ra với cái cao rộng, hào sảng, một cuộc tiễn bạn về Bắc vời vợi nỗi thương nhớ về cội nguồn cao quý của dân tộc mình. Lời thơ như hồn người Việt “ bay trên đầu thế kỷ nhân gian”, như dự cảm tương lai trên “non sông giống Lạc Hồng” sẽ có kỳ tích “Lừng lẫy năm châu, chấn động dịa cầu”.  

      Lời thơ của Huỳnh Văn Nghệ đầy tự hào, trân quý với Tổ tông nguồn cội muôn đời của mình. “ Con người có tổ, có tông - Như cây có cội, như sông có nguồn”. Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nước. Cả nước có chung ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Việc coi quốc gia, dân tộc như một “ gia đình lớn”, lấy khuôn phép ứng xử gia đình, giòng tộc tạo thành khuôn khổ ứng xử của xã hội giúp thống nhất một hệ ý thức Việt Nam là điều  không phải quốc gia nào cũng có. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với ý nghĩa như vậy nên đã được UNESCO công nhận là    Di sản  Văn hóa phi vật thể có tính  tiêu biểu của Nhân loại. Người Việt Nam luôn tự hào mang trong mình dòng máu “ con Lạc, cháu Hồng”. Trong tâm hồn của lớp người tiên phong đi mở cõi, sâu thẳm nỗi nhớ nhung Đế đô muôn đời Thăng Long. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định “Lòng ta chung một Thủ đô - Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam”. Hôm nay nỗi thương nhớ ấy vượt lên cái bình thường, thành nỗi thương nhớ thiêng liêng, vĩ đại : đây là “Trời” thương nhớ “Đất”. “ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Mỗi người dân Việt đã sống có “Trời”, có “Đất” có trăng sao, sông núi, có cội có nguồn, có thương, có nhớ, gắn kết, chia sẻ vui buồn. Sự đan cài chữ nghĩa trong câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ thật chặt chẽ, tinh tế, giầu ý nghĩa . “Thăm lại non sông giống Lạc Hồng”, nhắc ta ý thức sâu sắc nòi giống cao quý của dân mình (Lạc Việt - Hồng Bàng).  Hai tiếng “non sông” gọi nhớ “Sông núi nước Nam Hoàng đế nước Nam ở - Rành rành định phận ở sách trời”, gợi nhắc tới lời “Thề Non Nước” thủy chung và “ Lời thề Độc lập” mới đây thôi từ Quảng trường Ba Đình vang dội cả non sông, từ Bắc vô Nam. Rồi đây tiếng “thương”, tiếng “nhớ” ấy sẽ như sơi chỉ hồng xuyên suốt cả bài thơ.

     Trong năm khổ thơ thì có ba từ “ Ai” đứng đầu ba dòng thơ, để gọi chung những người dân Việt. Câu thơ mở đầu khổ thơ thứ hai được tác giả bẻ đôi ra, nửa đầu là một câu hỏi tu từ, hỏi mà không cần trả lời, hỏi để lay động ý thức, gọi dậy nỗi NHỚ sâu thẳm trong lịch sử. Câu hỏi biến thành lời tri ân của những ai yêu nước thương nòi đối với công lao của những bậc tiền bối, nhắc nhở đạo lí truyền thống bền vững truyền đời của dân tộc ta “ Uống nước nhớ nguồn”. Nửa sau của câu thơ bản lề này, tác giả giành riêng để khắc lên tấm BIA LỊCH SỬ vinh danh Chúa Nguyễn Hoàng, người tiên phong “mang gươm đi mở cõi” để chúng ta có thăm thẳm trời cao, dài rộng đất dầy, mênh mông biển cả như ngày hôm nay. Độ lùi của lịch sử làm sáng lên công lao to lớn của triều Nguyễn mà Huỳnh Văn Nghệ sớm nhận ra và táo bạo khắc ghi vào bài thơ để đời của mình. Đọc câu thơ lại có cảm giác như đang đươc thành kính đứng trước vườn hoa trái Nam Bộ ngắm tượng đài Chúa Nguyễn Hoàng, giống như người dân Thăng Long - Hà Nội dâng hương hoa chiêm bái trước tượng đài Lý Thái Tổ sừng sững giữa Thủ đô.

   Những câu thơ tiếp theo trong khổ thơ này mang âm hưởng hướng nội, là sự tự ý thức chân tâm , chân cảm của tác giả và thế hệ đương thời, là ý thức về bổn phận và trách nhiệm đối với các bậc tiên liệt và non nước giống Tiên Rồng. Câu thơ “ Mà ta con cháu mấy đời hoang”, thoạt nghe cảm thấy như có chút khinh bạc khi nói về  hậu thế, trong đó có mình, nếu đắc tội lãng quên lịch sử. Nhưng ngẫm nghĩ kĩ thì thấy đó lại là chân tâm đáng quý, một lời lòng tự dặn lòng để lớn lên xứng đáng với cha ông. Hai câu thơ sau nâng đỡ lấy câu mở đoạn cho khỏi “sái”:

                         “ Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
                           Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.”

   Cái cách “câu thơ trươc rước câu thơ sau, những câu thơ sau nâng đỡ câu thơ trước” vào thơ của Huỳnh Văn Nghệ rất tự nhiên, không tì vết kĩ xảo đã diễn tả một cách thâm trầm, lắng sâu sự tiếp nhận của hậu thế với anh linh của tiền bối. Hai câu thơ “mang nặng nhớ thương”, tình nghĩa ấy gợi lên không khí trang nghiêm thành kính trong khói nhang đền đài thờ cúng các bậc tiên liệt. Thật là “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, “hồn xa xứ” của người xưa đã thấm sâu vào dòng máu của các thế hệ mai sau trong sự lắng nghe trân trọng. Nguyễn Đình Thi trong bài thơ “ Đất Nước” sau này cũng đã lắng nghe hồn nước thiên thu vọng về trong tiếng đất:

                           “ Nước chúng ta
                              Nước những người chưa bao giờ khuất
                              Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
                              Những buổi ngày xưa vọng nói về.”,

  Nguyễn Đình Thi ngoài Bắc thì lắng nghe “trong tiếng đất” bền bỉ hồn nước thiên thu vọng nói về, còn Huỳnh Văn Nghệ trong Nam thì nghe bằng cả trái tim “ Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ - Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương”. Cách lắng nghe nào cũng linh thiêng, trang trọng, vì đó là sự thành kính lắng nghe hồn nước ngàn năm của Tổ tiên ta vọng về. Một đặc điểm dễ  nhận thấy trong thi pháp của hai tác giả này là từ cảm xúc mà đẩy tới những hình tượng thơ mang sức chứa và sức gợi của sự khái quát có tính triết luận cao, làm cho thơ thêm sâu sắc.                                                                                                           

   Khổ thơ thứ ba có kết cấu xen kẽ, đan cài đặc biệt tạo ra ý nghĩa gắn bó keo sơn không thể chia lìa Bắc Nam. Câu thơ mở đoạn hướng về Bắc lắng nghe tiếng hát thời quan họ ngọt ngào, câu thơ thứ hai hướng về Nam lắng nghe “nhịp từng câu vọng cổ buồn”. Cặp câu thơ ba và bốn song hành “mùa vái đỏ” với “vị sầu riêng” ngọt bùi như sự hòa quyện giữa Nam và Bắc. Đúng là vui buồn, chua cay, ngọt bùi, sống chết Nam Bắc vẫn có nhau. Ba từ ‘Vẫn” cũng đan cài với nhau:“ Vẫn nghe”, “Vẫ thương, vẫn nhớ”. Sắp xếp từ ngữ vừa tự nhiên vừa giàu ý nghĩa như thế mới thấy vị Thi tướng này tinh tế biết bao. Đặt bài thơ vào hoàn cảnh lịch sử đương thời  mới thấy ý nghĩa sâu sắc của đoạn thơ này và cả bài thơ ‘Nhớ Bắc”. Năm 1946, 20 vạn quân Tưởng tràn vào Bắc Bộ quấy nhiễu, yêu sách đủ điều. Ở trong Nam, thực dân Pháp lăm le tái xâm lược nước ta, chúng nham hiểm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc bằng cách thành lập cái gọi là “Nhà nước Nam kì tự trị” do địa chủ Nguyễn Văn Thinh cầm đầu. Ngày mùng 6 tháng 3 năm 1946, Hồ Chủ Tịch kí Hiệp định sơ bộ. Quyết định thông minh và sáng suốt này đã đuổi quân Tàu Tưởng bẩn thỉu ra khổi đất nước ta một cách êm thấm. Rồi với tư cách thượng khách, Bác sang Pháp đấu tranh ngoại giao để bảo vệ nước Việt Nam non trẻ mới khai sinh. Trong buổi họp báo, Người đã khẳng định; “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí đó không bao giờ thay đổi”. Ở Pháp, Bác đanh thép tuyên bố: “ Nam Bộ là miếng đất của Việt Nam. Đó là thịt của chúng tôi, máu của chúng tôi. Sự đòi hỏi đó dựa trên những sự thực về chủng tộc, lịch sử và văn hóa. Trước khi Corse trở nên đất Pháp thì Nam Bộ đã là đất Việt Nam rồi”. Lời tuyên bố cháy bỏng ấy đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong trái tim của mỗi người dân đất Việt. Bài thơ “ Nhớ Bắc” của Huỳnh Văn Nghệ ra đời trong hơi thở thời đại ấy.

    Khổ thơ thứ tư là niềm tự hào cảm động về sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ Tiên giao phó cho hậu thế “ Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên”. Không phải là gánh nặng lịch sử đè nặng lên đôi vai làm mỏi mệt các thế hệ con Lạc, cháu Hồng, mà hẳn hoi là một “sứ mạng ngàn thu” thiêng liêng mà bổn phận, trách nhiệm vinh dự, tự hào hậu thế tự nguyện kính cẩn đón lấy để nâng lên một tầng cao mới, đi xa hơn: “Chinh Nam say bước quá xa miền”. “Sứ mạng ngàn thu”thiêng liêng này đã gắn kết muôn con dân đất Việt này thành một khối đời vĩ đại để “mang đất nước đi xa đến những tháng ngày mơ mộng”. Nhưng “Dù ai buôn đâu, bán đâu – Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”, “Dù có đi bốn phương trời – Lòng vẫn nhớ về Hà Nội”. Câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ lại dẫn ta về nỗi nhớ cội nguồn thần tiên quê cũ:

                             “ Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
                               Muốn trở về quê mơ cảnh tiên”.

   Người dân Nam Bộ ghi nhớ mãi hình ảnh kiêu hùng của bộ đôi Nam - Bắc: Trung tướng Nguyễn Bình, Quân khu trưởng khu VII và Tướng quân Huỳnh Văn Nghệ, Phó Chỉ huy khu VII , sóng đôi trên lưng ngựa, gươm súng bên hông xông pha chiến trận trong những ngày miền Đông gian lao mà anh dũng. Có những kẻ hôi mồm, thọc gậy bánh xe, khích bác ông, rằng sao đấng anh hào  Nam Bộ phải chịu làm phó cho người xứ Bắc! Huỳnh Văn Nghệ khẳng khái đáp trả, rằng: “Ba trăm năm trước, tôi là người đất Bắc”! Đúng là khẩu khí của đấng anh hào trượng nghĩa không bao giờ quên nguồn cội thiêng liêng của mình “Quê hương nếu ai không nhớ - Sẽ không lớn nổi thành người “! Quê hương  trong tâm hồn người Việt, bao giờ cũng là “cảnh tiên”, đẹp như mơ, mỗi khi đi xa, ai cũng “Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên”. Những câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ như thế có phải đã chạm tới cõi sâu thẳm của lòng người ?!

   Khổ thơ kết bài có hai ý rõ rệt là “thăm” và” hỏi”, trình tự là “thăm” trước và “hỏi” sau. Những câu thơ bẩy chữ làm cho những lời thăm hỏi trở nên trang trọng, vì đây là lời thăm hỏi vào sâu thẳm lịch sử của quê nhà, thăm hỏi “Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa”. Lời thơ thăm hỏi làm tòa thành chống giặc kì vĩ đứng đầu cả nước thời tiền sử mang “hồn cũ anh hùng” hiện lên lấp lánh vàng son giữa mây mù huyền thoại và lung linh trong kí ức, tưởng tượng của bao thế hệ, làm đẹp cho trang sử thời tiền Thăng Long. Nhắc tới đất thiêng Cổ Loa, “hồn cũ anh hùng”, trường liên tưởng của thi sĩ nối ngay với “linh quy” và “Hoàn Kiếm hồ” như  dòng lịch sử của một dân tộc anh hùng không đứt đoạn bao giờ. Và câu hỏi kết bài thơ vang lên lại không cần trả lời, mà như một hành động tuốt gươm thiêng ra khỏi vỏ và chỉ tra gươm vào vỏ, hoặc giả “Hoàn Gươm” lại cho Linh Quy khi non sông sạch bóng giặc. Ta mới hiểu vì sao Huỳnh Văn Nghệ bên cạnh khẩu súng, bên hông vẫn đeo thanh gươm đã tuốt trần, không phải để tạo dáng anh hùng cho oai phong lẫm liệt, mà để thực thi “Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên”, như ông đã thề dưới gươm thiêng cứu quốc. Và đó cũng là cách ông làm theo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Bác Hồ kính yêu:  “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm. Không có súng, có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gây gộc. . . Hễ ai là người Việt Nam yêu nước thì phải đứng lên đánh giặc cứu nước”.

   Thi sĩ của “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”, “Thi tướng rừng xanh” của đồng bào Nam Bộ mến yêu mãi mãi sống trong lòng nhân dân cả nước và Thi đàn Việt Nam.

                                                                 Viết trong hào khí cả nước chống dịch như chống giặc.
                                                               Tháng 8 năm 2021
                                                              ĐẶNG TƯƠNG NHƯ

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 24 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây