Hôm nay tròn 1 năm ngày mất, là ngày giỗ đầu của Anh – Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm. Khi còn ở “Cõi tạm”, bên cạnh niềm vui say đắm với thi ca, với điện ảnh…, anh cũng “đủ nỗi buồn để sống”. Dường như kí ức và ám ảnh chiến tranh vẫn còn mãi trong anh. Từ Thành Cổ Quảng Trị, từ bờ sông Thạch Hãn, anh mang về 2 hòn đá nhỏ. Nhiều lần đến thăm, trên những hòn đá đó, tôi thấy anh thắp 2 nén nhang, sau này có lần anh nói nhỏ: Mình thắp hương cho những người lính đã ngã xuống của cả hai phía, Lê Anh Phong ạ. (Tôi thường thấy anh gọi người khác bằng cái tên đầy đủ như thế, một thói quen của văn hóa giao tiếp mang bản sắc Hoàng Nhuận Cầm).
Có thể nói, anh là người đọc thơ rất ấn tượng, tạo ra một phong cách riêng, để lại dấu ấn không quên. Anh đọc thơ như lửa cháy và dẫn dụ người nghe. Trong cuộc sống, lúc nào cũng thấy anh vội vã, nói nhanh, nghĩ nhanh, đôi lúc hài hước và trí nhớ thật đáng kinh ngạc. Nếu chỉ căn cứ cái vẻ bề ngoài, đã có người cho rằng anh là người không bình thường, “không mưa vẫn mặc áo mưa”. Nhưng, trong khoảng lặng, sau những đám đông là một Hoàng Nhuận Cầm của lặng lẽ suy tư, của cô đơn, của những đêm không ngủ… Trọng tình, sống tình cảm, anh luôn mang đến cho người khác lòng tin vào sự tử tế và trung thực của người cầm bút.
Cuộc sống riêng vất vả, “Cơm áo không đùa với khách thơ”, cùng một lúc anh làm cho nhiều cơ quan với bộn bề công việc: Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Duyệt phim… Có lần tôi khuyên anh nên làm ít thôi, giữ gìn sức khỏe, anh Cầm có nói, mình cũng muốn thế, Lê Anh Phong ạ, nhưng cháu Lễ còn đang đi học và mẹ mình tuổi cũng đã cao…
Anh Cầm có tâm sự, mình sẽ ra một tập thơ được viết bằng tay, không dùng định dạng kí tự của máy tính. Tôi bất ngờ và trân trọng trước vẻ đẹp nguyên sơ ấy của một tâm hồn đắm đuối với thi ca. Là người đã từng viết những câu thơ: “Tất cả chúng ta thật lòng nói dối/ Tất cả chúng ta áo đẫm mồ hôi/ Tất cả chúng ta căn nhà chật chội/ Giữa vô cùng vô tận mà thôi/… Tất cả chúng ta đều không có tội/ Mỗi đêm một tờ giấy trắng mồ côi”, nhưng anh Cầm cũng thấu hiểu thế nào là tự do của ngữ pháp với người cầm bút trên đất nước mình. Và anh cũng nhiều lần tâm sự về buồn vui, sáng tối của Ngôi Đền Văn chương, của văn nhân trong cuộc sống chộn rộn hôm nay.
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, có nỗi buồn đã trở thành mây trắng. Anh Cầm ạ, em vẫn nhớ những câu thơ anh viết cho con mình: “Cha khao khát sau này/ Thích gì con hát thế/ Dù cha thành/ Xác pháo/ Để mừng con”.
Nhân ngày giỗ đầu của anh, em gửi tới anh bài thơ nhỏ, anh Cầm đọc nhé :
Chật chội căn phòng điếu cày và sách…
ấm trà xưa đậy bằng chén lỡ làng
nhịp nói nhanh dồn lên trong hơi thở
“anh biết bệnh anh mà, Phong chớ có lo!”
không gian cũ một thời bao cấp
vẫn vang vọng câu thơ đêm mặc khải tâm tình
bao kich bản phim vẫn chờ anh đọc
“Đôi bạn văn chương” lặng lẽ lên đường
áo lính cũ đổ bóng vào trang viết
khói thuốc lào vấn vít mãi chưa tan
“Hà Nội trong mắt Thơ” vượt qua ngày giãn cách
cùng tiếng lòng trong “Tiếng thời gian”
“sách anh tặng có thơ em trong đó
anh thuộc mà” . Nghèn nghẹn … cơn ho
anh lại đọc sáng bừng nơi cõi tạm
“Hò hẹn mãi cuối cùng em đứng đó
Dẫu mùa thu hoa cúc cướp anh rồi”
những trang thơ của một “thời hoa lửa”
lộng lẫy trang đời nhưng cũng lắm cam go
nhớ về anh với bao điều còn mãi
“Mùi cỏ cháy” anh đi về “Phương ấy”
“Viên xúc xắc mùa thu” của một thời trai trẻ
vẫn trong ngần “Chiếc lá đầu tiên”
Thơ và Người
kiêu hãnh một Thi nhân !
LÊ ANH PHONG
( 9/3 Âm lịch Nhâm Dần 2022)