Tư tưởng tiến bộ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều

Thứ tư - 30/03/2022 14:52
Trần Thanh Xem
Minh họa: ST
Minh họa: ST
                 Nhắc đến Nguyễn Du, có lẽ không ai không biết tên tuổi của ông bởi Nguyễn Du vốn là người nổi tiếng, là đại thi hào dân tộc, là danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Du đã có những đóng góp to lớn cho diện mạo của nền văn học nước nhà, để lại nhiều tư tưởng tiến bộ, nhân văn cho thế hệ hôm nay và mai sau thông qua những tác phẩm văn chương độc đáo. Truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu nhất của đại thi hào. Tác phẩm cho chúng ta thấy được một tâm hồn lớn, một tư tưởng lớn vượt thời đại của nhà thơ lỗi lạc Nguyễn Du.
Khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dựa theo cốt truyện Kim Vân Kiều Truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) nhưng đại thi hào đã sáng tạo nên giá trị nội dung và hình thức nghệ thuật hoàn toàn mới, trở thành tác phẩm truyện thơ kinh điển của chính Nguyễn Du.
Đọc truyện thơ Truyện Kiều, lúc ban đầu có tên gọi là Đoạn trường tân thanh, chúng ta thấy nổi lên những giá trị nội dung tư tưởng lớn mang tầm vóc vượt thời đại khiến chúng ta suy ngẫm.
Truyện Kiều là sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ trước nỗi đau về số phận con người, đặc biệt là thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến đầy rẫy những bất công, oan trái. Điển hình trong tác phẩm Truyện Kiều là hình tượng nhân vật Thúy Kiều, một người con gái trẻ tuổi có tài, thông minh hơn người:
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm”
Và nàng Kiều sắc nước hương trời, vẽ đẹp như “nghiêng nước nghiêng thành”:
“Làn thu thủy nét xuân sơn
          Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”  
Tài sắc vẹn toàn là thế nhưng lại hồng nhan bạc mệnh, tài mệnh tương đố “sắc đành họa một, tài đành họa hai”. Nàng Thúy Kiều bị vùi dập, chà đạp, đau đớn đến tận cùng. Từ một tiểu thơ đoan trinh, tiết hạnh, sống trong cảnh hạnh phúc bên gia đình:
“Êm đềm trướng rũ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
Gia đình Thúy Kiều lại gặp cơn gia biến. Cha và em nàng bị bắt. Nàng phải bán thân mình để chuộc cha. Thúy Kiều bị Mã Giám Sinh mua và trả giá giống như một thứ hàng hóa với giá rẻ mạt:
“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Nàng Kiều bị Mã Giám Sinh cướp đi cái ngàn vàng của người con gái. Kiều bị bán vào lầu xanh. Tú Bà hành hạ, đánh đập nhằm ép nàng tiếp khách làng chơi. Nàng tìm đến cái chết để kêt thúc cuộc đời tăm tối “một dao oan nghiệt đứt dây phong trần”.
 Mặt khác, Nàng bị Sở Khanh lừa tình, cứ tưởng gã sẽ đưa nàng thoát khỏi chồn bùn nhơ. Thúy Kiều lại bị Hoạn Thư, người đàn bà ghen tuông cay độc đã làm nàng phải dày vò thể xác lẫn tinh thần. Kiều nhẹ dạ, cả tin nên bị mắc lừa Hồ Tôn Hiến khiến cho chồng nàng phải chết đứng, sự nghiệp công danh của Từ Hải tan thành mây khói. Hồ Tôn Hiến ép nàng phải lấy hắn. Sự nghiệt ngã khi “giết chồng mà lại lấy chồng” nên Kiều đã nhảy sông Tiền Đường để giải thoát trần ai khổ lụy.
Có thể nói, cuộc đời nàng Kiều đầy những phong ba, bão táp. Nàng đã phải chịu sống trong cảnh tủi nhục ê chề “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”. Cả đời Thúy Kiều không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn.  Mười lăm năm lưu lạc gia đình với bao nhiêu cay đắng mùi đời đã khiến cho Nguyễn Du, nhà thơ nhân văn vĩ đại phải thốt lên những tiêng nấc nghẹn ngào, cảm thông sâu sắc trước nỗi đau khổ của nàng cũng như là số phận người phụ nữ lúc ấy:
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Sống dưới thời phong kiến, đêm trường trung cổ là nỗi ám ảnh nhát đối với người phụ nữ, vì sự trọng nam khinh nữ đã làm mất đi cái quyền sống của họ. Và thiên tài Nguyễn Du đã rưng rưng nước mắt khi thấy sự bất công đối với người phụ nữ. Ông đã lên tiếng nói bênh vực Thúy Kiều, linh hồn của tác phẩm. Chính điều đó đã làm đại thi hào vượt lên tư tưởng thời đại. Cho đến ngày nay, xã hội mới có sự công bằng hơn về nhân quyền, người phụ nữ được coi trọng hơn.
Truyện Kiều chính là sự ca ngợi tình yêu tự do của nam nữ. Đại thi hào đã táo bạo khi xây dựng mối tình Kim Kiều đẹp đẽ, vượt lễ giáo gia phong, vượt định kiến xã hội. Tình cảm yêu đương của đôi nam thanh nữ tú ấy đến với nhau một cách tự nhiên, là sự rung động của hai con tim, không có sự can thiệp của một ai cũng như không có sự bó buộc hay gượng ép:
“Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã mặt ngoài còn e”
Kim Trọng đã phải lòng Kiều nên đã ôm mộng tương tư:
“Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không”
Và Kiều cũng đã phải lòng chàng Kim từ lần gặp đầu tiên:
“Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo”
 Thúy Kiều và Kim Trọng đã yêu nhau bằng một tình yêu tự do, trong sáng, tự do hò hẹn. Nàng Kiều chủ động đi tìm người yêu ngay trong đêm khuya:
“Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”
 Kim Kiều đã trao kỷ vật thề hẹn “chiếc vành với bức tờ mây”. Cả hai người tự nguyện đính ước có vầng trăng làm minh chứng:
“Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai mặt một lời song song”
Tình yêu là đề tài muôn thuở để các thi nhân khơi nguồn cảm hứng sáng tác. Nhưng ở thời đại Nguyễn Du, tình yêu trong tác phẩm của ông là thứ tình yêu tự do. Đây là những điều cấm kỵ của xã hội đương thời. Đại thi hào đã vượt rào luân lý thời đại mình để hướng tới một sự tiến bộ tất yếu của nhân loại.
Truyện Kiều còn là khát vọng về sự tự do của con người. Hình tượng nhân vật Từ Hải là mẫu người anh hung lý tưởng:
 “Râu hùm hàm én mài ngài
 Vai năm tất rộng thân mười thướt cao”
Từ Hải còn là mẫu người của sự ung dung, tự do, tự tại và cũng đầy bản lĩnh, khí phách:
“Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo”
Hay:
“Chọc trời khuấy nước mặc dầu
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”
Và cũng không có gì để ngăn cản, dù là tình yêu sâu đậm với Thúy Kiều “nửa năm hương khói đượm nồng” . Từ Hải bước chân ra đi như cánh chim đại bang giữa trời rộng lớn:
“Quyết lời dứt áo ra đi
Gió đưa bằng tiện đến kì dặm khơi”
Mặc dù sống trong thời tập đoàn giai cấp thống trị đầy uy quyền, cai trị tất cả mọi thứ:
“Rằng: năm Gia Tĩnh triều Minh
Bốn bề phẳng lặng hai kinh vững vàng”
 Từ Hải vẫn không chấp nhận, không khuất phục một triều đình cường quyền của chế độ phong kiến thống trị a dua, nhũng nhiễu, bất công, phi lý, gò bó, xem thường tính mạng con người. Từ Hải như rạch ròi, lập ra giang sơn cho riêng mình:
          “Triều đình riêng một góc trời
 Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà”
Sống trong thời đại có nhiều biến cố lịch sử nên Nguyễn Du đã khai thác người anh hùng Từ Hải thật sâu sác và đầy ý nghĩa về sự khao khát tự do. Đó cũng chính là ước mơ chân chính nhất của người dân.
Truyện Kiều còn là khát vọng về quyền công lý của con người. Nhân vật Từ Hải cũng là mẫu người thay mặt cho quyền công lý, bênh vực những con người đau khổ, bé nhỏ, bị chà đạp, đòi lại công bằng, lẽ phải cho mọi người. Từ Hải đã lập ra màng báo ân báo oán. Chàng “đùng đùng nổi trận lôi đình sấm vang” khi biết về nỗi đau quá khứ của phu nhân mình:
“Khi Vô Tích, khi Lâm Truy
Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương
Tấm thân nay đã nhẹ nhàng
Chút còn ân oán đôi đường chưa xong”
 Từ Hải mở phiên tòa xét xử và tận tay giao quyền cho Thúy Kiều luận tội những kẻ đã xô đẩy cuộc đời nàng đến bế tắc, đoạn trường, đồng thời là báo ân đối với những người đã cứu giúp nàng trong cơn nguy biến:
“Từ rằng ân oán hai bên
Mặc nàng xét xử báo đền cho minh”
Hay:
“Báo ân ròi sẽ báo thù
Từ rằng việc ấy để cho mặc nàng”
Và cuối cùng, những kẻ xấu, kẻ ác như: Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh… đều bị trừng trị thích đáng:
“Máu rơi thịt nát tan tành
Ai ai trông thấy hồn kinh phách trời”
Ơn đền oán trả. Đó là luật trả vay. Nguyễn Du đã đưa những số phận bé cổ, thấp họng được làm chính mình, được làm người, được quyền công lý trong tay.
Gấp cuốn sách Truyện Kiều lại mà chúng ta cảm thấy nuối tiếc. Tư tưởng lớn lao, tiến bộ vượt thời đại, đến ngày nay còn nguyên giá trị. Số phận con người nói chung và người phụ nữ nói riêng được thiên tài Nguyễn Du bênh vực, dành cho những tình cảm yêu thương bao la, nồng hậu, tha thiết. Đại thi hào cũng đã có những khát vọng cháy bỏng về sự tự do, con người được giải phóng khỏi chế độ phong kiến còn nhiều hạn chế và ước mơ giản dị về tình yêu nam nữ tự nguyện. Đồng thời,  Nguyễn Du hướng đến một nền công lý thuộc về quần chúng nhân dân, bảo vệ quyền sống con người. Đó là những tư tưởng tích cực nhất, đẹp đẽ nhất. Chình vì vậy, đại thi hào Nguyễn Du đã đem đến cho dân tộc một tuyệt tác văn chương Truyện Kiều bất hủ, lưu danh đến tận ngàn sau.

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây