Mẹ và Quả - thơ Nguyễn Khoa Điềm và lời bình...

Chủ nhật - 06/03/2022 17:20
Ảnh minh họa: ST
Ảnh minh họa: ST
 MẸ VÀ QUẢ
                      Nguyễn Khoa Điềm

Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh ?

1982


Lời bình của nhà phê bình văn học Trần Trung:
MẸ VÀ QUẢ - TÂM TÌNH VÀ TRIẾT LÝ

        Ngay từ tên bài thơ “Mẹ và quả”, Nguyễn Khoa Điềm đã gợi mở ra ấn tượng tương giao giữa hình ảnh người mẹ tảo tần, lam làm với thiên nhiên hoa trái theo nhịp chảy trôi của thời gian. Ăm ắp dâng đầy trong ba khổ của bài thơ là vẻ đẹp của nghệ thuật tu từ so sánh và liên tưởng:
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng

Dùng cách điệp lại hình ảnh “Những mùa quả”, nhà thơ vừa diễn tả mùa cây trái theo thời gian, lại vừa dựng nên hình ảnh lượm hái của con người. Mùa quả cũng vì thế đồng hiện với hình ảnh người mẹ theo những tháng năm qua. Nhất là hình ảnh “quả lặn rồi lại mọc”, được sử dụng thật khéo và cũng thật tình. Đấy là nhịp đi như “mùa đi nhịp hải hà (Nguyễn Xuân Sanh),lại mở tiếp ra liên tưởng sáng tạo, khi nhà thơ đem quả ra mà đối sánh với mặt trời, mặt trăng.
Có một thứ qui luật tuần hoàn của sự sống, lại cũng có một thứ qui luật của lòng người biết tri ân trời đất. Và, sự hiện hữu của hình ảnh người mẹ : “hái được” hay “vun trồng” những mùa quả mới, đẹp một vẻ đẹp bình dị và lớn lao làm sao !
Nguyễn Khoa điềm có cách chuyển dịch ngữ nghĩa và sắc thái của ngôn từ thật thú vị và cũng thật sâu xa. Nếu như ở khổ thơ đầu hàm chứa cách nhìn xuất phát từ tấm lòng biết ơn của người con với tạo hóa và với mẹ; Thì, đến khổ thơ tiếp là sự lên tiếng của lòng con hướng về mẹ :
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống

Hai chữ “lớn xuống”là một cách dụng chữ bạo lạ và ấn tượng, rất thi sỹ ! Cách diễn tả mang cảm nhận thật ân tình, thật thẳm sâu.. Hính ảnh về sự “lớn lên” của người, hay “lớn xuống” của “bí và bầu”, tất thảy đều gắn với công sức và tâm đức lặng thầm của người mẹ thương yêu và vô vàn quí hóa !. Người con đang cất lên lời cảm thương hay cũng đang cất lên lời hát ca về hình ảnh người mẹ cưu mang, người mẹ sinh thành:
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

Bài thơ của Nguyễn Khoa điềm giọng điệu thì tự nhiên mà thực sự lại dụng công, hàm súc trong ý tưởng gửi gắm. Bởi, “Mẹ và quả” tỏa ra hai chiều cảm xúc và ý tưởng. Nếu như ở hai khổ thơ đầu, hình ảnh về “quả”, gợi sự sinh thành của quả cây, hoa trái tự nhiên; Thì,thật bất ngờ trong cách diễn tả hình ảnh “quả” trong khổ thơ kết, lại gợi sự liên tưởng tới thứ Quả-Người, còn “non xanh” theo năm tháng : “ Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái/Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?”
Những lời tự bạch của chủ thể trữ tình, hóa ra lại thành những lời tự thú chân thành và cảm động của tình Tử-Mẫu trước bước đi lặng lẽ mà cũng thật nghiệt ngã của thời gian. Bài thơ, cũng vì thế vừa là lời tâm tình, vừa đậm đà và thấm thía chất triết luận-Nhân sinh. Mà, khó có thể tường minh ngọn ngành khi câu chữ khép lại…


Hà Nội, Tháng tư/2007.
Bài viết trích từ “Bình thơ từ 100 bài thơ hay TKXX”-Tập1, trang 133-135.

Nguồn tin: HNV.

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 4.7 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây